Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2023

bài đáng đọc : " Các Tổng Thống Hoa Kỳ & Thi Ca "/ Phan Tấn Hải / Mỹ -- trích : T.Vấn & Bạn Hữu , September 21/ 2023.

 

Phan Tấn Hải: Các Tổng Thống Hoa Kỳ và Thi Ca

 
 
 
 

một tương đồng giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Phú Trọng. Đó là đôi khi họ làm thơ. Nhưng dị biệt lớn giữa hai nhà thơ tài tử này chính là chủ đề, là nguồn cảm hứng để làm thơ. Nguyễn Phú Trọng làm thơ ca ngợi  ông Hồ Chí Minh và những chủ đề tương tự, thí dụ, một lần ông Trọng làm ca ngợi khách sạn Mường Thanh Grand Phương Đông. Nhưng Tổng Thống Biden chỉ làm thơ tình, và chỉ tặng vợ thôi. Chúng ta không nói rằng thơ hay, hay dở, chỉ muốn nói rằng trong tâm hồn của Biden là hình ảnh thướt tha của Đệ nhất phu nhân Jill Biden. Và trong tâm hồn của ông Trọng là những khối xi măng có hình Lăng Ông Hồ, và rồi hình khách sạn Mường Thanh. Không hề gì. Thơ vẫn là thơ (giả định như thế).

Bây giờ thì hai nhà thơ Joe Biden và Nguyễn Phú Trọng đã gặp nhau. Tổng thống Joe Biden tới Hà Nội ngày 10/9/2023, đã gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, và rồi Biden sẽ đến viếng bia tưởng niệm cựu chiến binh John McCain ở hồ Trúc Bạch.

Báo The Hill ngày 19/12/2022 đã ghi lời Đệ nhất phu nhân Jill Biden cho biết có một món quà mà bà luôn luôn có thể tin tưởng đều nhận được từ Tổng thống Biden: bài thơ được viết tay trên giấy. “Một thứ mà Joe đưa cho tôi hàng năm là một bài thơ,” bà Biden nói trên chương trình truyền hình “The Drew Barrymore Show.”

Cuộc phỏng vấn này thực hiện tại Bạch Ốc đánh dấu lần đầu tiên hai ông bà Biden xuất hiện chung trên một chương trình trò chuyện truyền hình ban ngày. Bà Jill Biden nói với Barrymore rằng mỗi năm chàng Joe Biden lại tặng bà một bài thơ, nắn nót viết tay.

Khi Barrymore hỏi rằng có phải Tổng Thống đích thân viết tay những bài thơ tặng vợ mình hay không, Tổng Thống Joe Biden trả lời: “Tất nhiên là có. Có rất nhiều điều để viết về nàng.”

Joe Biden nói thêm, “Mọi người đều biết tôi yêu nàng nhiều hơn nàng yêu tôi.” (Câu này, hình như Joe Biden mượn của nhà thơ nào đó?)

Thực tế là, thơ Joe Biden không hay. Và thậm chí, ông cũng không thuộc thơ của ông nhuần nhuyễn. Trang báo Grabien News ngày 22/3/2023 kể về một khoảnh khắc Joe Biden nói rằng ông sắp đọc thơ, thế rồi đọc vài dòng thì khựng lại. Rồi ông nói sẽ đọc lại. Thơ đọc hôm đó không hay. Nhưng dĩ nhiên là thơ của Biden không có hình khối xi măng như thơ của ông Trọng.

Báo Grabien News viết, trích dịch như sau:

“Biden nói: “Một bài thơ, nhan đề ‘One Today’ như sau:

Và luôn luôn có một vầng trăng

như tiếng trống lặng lẽ

gõ vào tất cả mái nhà và cửa sổ,

trên tất cả – các quận – xin lỗi, không phải quận, đây là quốc gia, hãy để tôi bắt đầu đọc lại.”

Tổng Thống Joe Biden như thế là đọc nhầm “country” (quốc gia) thành “county” (quận). Không hề gì. Dù không xuất sắc, thơ của Joe Biden vẫn có vầng trăng với những tia sáng gõ lặng lẽ trên các mái nhà và cửa sổ. Đỡ hơn là làm thơ tặng khách sạn Mường Thanh.

Nhìn lại lịch sử Hoa Kỳ, người ta nhận ra có 12 vị Tổng Thống có những giai thoại về thi ca, có tình bạn thân thiết với một nhà thơ, hay từng ái mộ đặc biệt với một nhà thơ nào đó.

Tổng Thống Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden, cũng là nàng thơ của Joe.


Tổng Thống George Washington và nhà thơ Phillis Wheatley.

Đầu tiên là Tổng Thống George Washington và nhà thơ nữ Phillis Wheatley. Là một nô lệ người châu Phi có học thức, cô Phillis Wheatley trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên xuất bản một tập thơ, thi tập xuất bản vào năm 1773. Ba năm sau, cô gửi một bài thơ cô viết cho George Washington để ca ngợi sự lãnh đạo của vị tướng này. Washington đã viết thư lại để ca ngợi “tài năng thơ ca tuyệt vời” của cô và nói với Wheatley rằng nếu cô đến thăm Cambridge, Massachusetts, ông sẽ “rất vui khi gặp một người được các cảm hứng thi ca ưu ái như vậy”.

Phillis Wheatley Peters, cũng đánh vần là Phyllis Wheatly ( c. 1753 – 5 tháng 12/1784), sinh ra ở Tây Phi, cô bị bắt cóc và sau đó bị bán làm nô lệ khi mới 7 hoặc 8 tuổi và được chuyển đến Bắc Mỹ, nơi cô được gia đình Wheatley ở Boston mua lại. Sau khi cô học đọc và viết, họ đã khuyến khích cô làm thơ khi thấy tài năng của cô. Thơ của Phillis Wheatley mang nhiều hình ảnh của Kinh Thánh Ky Tô Giáo.

Tổng Thống John Quincy Adams và nhà thơ Christoph Martin Wieland.

Thứ nhì là trường hợp Tổng Thống John Quincy Adams, mê thơ tới mức đã từng muốn trở thành nhà thơ lớn. John Quincy Adams đã viết hồi năm 1816: “Nếu tôi có thể chọn thiên tài và điều kiện cho riêng mình, tôi sẽ biến mình thành một nhà thơ vĩ đại.” Nhưng ngay cả ông cũng nhận ra rằng thơ của mình “bị ràng buộc trong vòng tròn của sự tầm thường.”

Adams có chút thành công hơn trong lĩnh vực dịch thuật. Trong chuyến đi tới Đức vào năm 1800, Adams đã say mê bài thơ sử thi Oberon của Christoph Martin Wieland đến nỗi ông quyết định phải dịch nó sang tiếng Anh. Khi hoàn thành, Adams phát hiện ra một bản dịch khác mà ông cảm thấy hay hơn bản dịch của mình nên ông đành gác bản dịch của ông sang một bên. Bản dịch thơ đó không được xuất bản, cho tới hơn một thế kỷ sau, được in vào sách năm 1940.

Tổng Thống Abraham Lincoln và nhà thơ Robert Burns.

Trường hợp thứ ba được kể là Tổng Thống Abraham Lincoln và nhà thơ Robert Burns. Cũng như Thomas Jefferson, Abraham Lincoln rất mực yêu thích thơ ca. Lincoln đặc biệt yêu thích nhà thơ người Scotland Robert Burns và đã thuộc lòng nhiều bài thơ của Robert Burns. Năm 1865, Lincoln được mời tới để nâng ly chúc mừng trong bữa tiệc tôn vinh nhà thơ, nhưng Lincoln đã từ chối và viết: “Tôi không thể nâng ly chúc mừng nhà thơ Robert Burns. Tôi không thể nói điều gì xứng đáng với trái tim rộng lượng và thiên tài siêu việt của nhà thơ này. Nghĩ đến những gì Robert Burns đã nói, tôi không thể nói được điều gì đáng nói.”

Các quan chức Việt Nam nào nói được như Tổng Thống Lincoln không? Câu nói của Tổng Thống Lincoln: “Thinking of what he has said, I can not say anything which seems worth saying.” (Nghĩ đến những gì nhà thơ Robert Burns đã nói, tôi không thể nói được điều gì đáng nói.) Phải tôn trọng nhà thơ tới mức như thế, may ra mới cứu được nền văn hóa quê nhà.

Tổng Thống Theodore Roosevelt và nhà thơ Edwin Arlington Robinson.

Trường hợp thứ tư là chuyện kể về Tổng Thống Theodore Roosevelt và nhà thơ Edwin Arlington Robinson. Roosevelt rất ưa thích tác phẩm của Edwin Arlington Robinson đến nỗi ông đã mời nhà thơ tới dùng bữa tại Bạch Ốc hồi năm 1905, và sau đó sắp xếp cho nhà thơ nghèo khổ này một công việc tại Sở Hải quan New York.

Trong một bức thư gửi con trai là Kermit, Tổng Thống Roosevelt viết: “Ba rất ưa thích hai bài thơ của Robinson mà con đã gửi cho mẹ. Nhà thơ này thật là một sinh vật kỳ lạ và huyền bí!… Nhà thơ này chắc chắn là đã có được hồn thơ thực sự trong tâm.”

Tổng Thống Woodrow Wilson và nhà thơ Anthony Euwer.

Giai thoại thứ năm được kể là Tổng Thống Woodrow Wilson và nhà thơ Anthony Euwer. Woodrow Wilson nổi tiếng là thích đọc và viết những câu thơ châm biếm (limericks). Khi vị tổng thống tương lai đang phát biểu trước một đám đông ở Jersey City hồi năm 1908, một người đàn ông đã la ó và hét lên: “Ông không đẹp chút nào.” Wilson đã trả lời bằng mấy câu thơ sau của Anthony Euwer:

Về vẻ đẹp, tôi không phải là một ngôi sao;

Có những người khác đẹp trai hơn xa tôi;

Nhưng khuôn mặt tôi, tôi không bận tâm,

Vì tôi đứng đằng sau nó;

‘Tôi chỉ thấy khó chịu với những người ở phía trước.

Chuyện này đã nhận được nhiều báo chí khai thác đến nỗi mấy dòng thơ châm biếm trên thường bị gán nhầm cho Wilson.

Tổng Thống Harry S. Truman và nhà thơ Alfred, Lord Tennyson.

Lịch sử kể rằng từ khi tốt nghiệp trung học năm 1901, Harry S. Truman đã mang theo một đoạn bài thơ “Locksley Hall” của Lord Tennyson trong ví của mình. “Tờ giấy tôi sao chép cứ cũ đi và tôi cứ sao chép lại. Tôi không biết bao nhiêu lần, tôi đoán là hai mươi hay ba mươi lần tôi chép lại trên tờ giấy khác,” theo lời Truman nói với nhà báo Merle Miller, đồng thời nói thêm rằng ông “có nhiều niềm tin vào các nhà thơ hơn là các phóng viên.”

Harry Truman nổi tiếng là có niềm đam mê đọc sách trọn đời ông. Thân mẫu ông đã dạy cho cậu Harry Truman đọc trước khi cậu bắt đầu đi học. Bạn sẽ thường gặp câu hỏi này khi học về văn chương Anh: Vị tổng thống nào đọc tất cả các cuốn sách trong thư viện tại thị trấn nhà của vị này? Đó là Tổng Thống Harry Truman. Là một người ham mê đọc sách, ông tự hào là đã đọc hết tất cả các cuốn sách trong Thư viện Independence Public Library. Truman cũng là một nhạc sĩ giỏi chơi piano. Là một học sinh xuất sắc, cha mẹ của Truman không đủ khả năng chi trả tiền học đại học cho Harry Truman và thị lực của ông đã khiến ông không thể theo học tại West Point. Nghĩa là, chúng ta có thể đoán: ông đọc sách nhiều tới nỗi mắt bị lòa (thời đó, có thể không đủ ánh sáng thích nghi nếu đọc ban đêm).

Harry Truman đặc biệt là có ngôn ngữ đầy chất thơ. Những câu nói nổi tiếng của Harry Truman là:

. Hãy cố gắng hết sức, lịch sử sẽ làm phần còn lại.

. Đừng bao giờ sử dụng hai chữ, khi một chữ sẽ làm tốt nhất.

. Làm tổng thống cũng giống như cưỡi cọp. Người này phải tiếp tục cưỡi cọp, hoặc sẽ bị ăn mất xác.

Tổng Thống John F. Kennedy và nhà thơ Robert Frost.

Robert Frost là nhà thơ đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ đọc thơ tại lễ nhậm chức Tổng Thống. Ngay sau khi John F. Kennedy nói lên câu nói nổi tiếng “Đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho bạn – hãy hỏi bạn có thể làm gì cho tổ quốc,” Frost bước lên bục phát biểu, định đọc bài thơ “Dedication” (“Cống hiến“), một bài thơ Frost viết cho dịp lễ đặc biệt này. Tuy nhiên ánh nắng chói chang phản chiếu trên tuyết tháng giêng khiến nhà thơ 86 tuổi không thể thấy rõ chữ để đọc được bài thơ ông viết cho lễ nhậm chức Tổng Thống của Kennedy, vì vậy Frost đã đọc thuộc lòng bài “The Gift Outright” (“Món quà hoàn toàn”) theo trí nhớ.

Cuốn sách nhan đề “Profiles in Courage” của Kennedy ấn hành năm 1956 được độc giả ca tụng nồng nhiệt và trở thành cuốn sách bán chạy nhất. John F. Kennedy, khi đó là thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, đã đoạt giải Pulitzer 1957 cho tác phẩm này. Tuy nhiên, sách đó có góp sức của nhiều nhà văn sau hậu trường:

trong cuốn tự truyện năm 2008 của mình, người viết diễn văn cho Kennedy, Ted Sorensen, người được cho là người viết nháp sách này để Kennedy ký tên đã thừa nhận rằng ông đã “thực hiện bản thảo đầu tiên của hầu hết các chương” và “đã giúp chọn từ trong nhiều câu của nó”. Người bổ túc cho sách đó là Jules Davids, giáo sư lịch sử cho Jacqueline, vợ của Kennedy khi bà còn là sinh viên tại Đại học Georgetown, cũng được công nhận là người có những đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử và lập kế hoạch tổ chức cho cuốn sách “Profiles in Courage”.

Tổng Thống Gerald Ford và nhà thơ Rudyard Kipling.

Gerald Ford có tính khí dễ nổi nóng khi còn trẻ. Sau một cơn giận dữ đặc biệt tệ hại, thân mẫu của Ford là bà Dorothy Ford, đã bắt anh học thuộc lòng bài thơ nổi tiếng “If—” (“Nếu—”) của Rudyard Kipling. Bà mẹ nói với con trai: “Bài thơ sẽ giúp con kiểm soát tính khí nóng nảy của mình.”

Bài thơ làm cho định tâm đó có những dòng đầu viết như sau:

Nếu bạn có thể giữ bình tĩnh khi tất cả quy về bạn

Đang đánh mất của họ và họ đổ lỗi cho bạn,

Nếu bạn có thể tin chính bạn khi tất cả đều nghi ngờ bạn,

Nhưng cũng phải để họ được quyền nghi ngờ;

Nếu bạn có thể chờ đợi và không mệt mỏi vì chờ đợi,

Hoặc khi bạn bị lừa dối, đừng đáp trả bằng dối trá,

Hoặc khi bạn bị thù ghét, đừng để lòng khởi lên thù ghét…

Tổng Thống Jimmy Carter và nhà thơ Dylan Thomas.

Jimmy Carter là người nhiệt thành ca ngợi thơ của nhà thơ Anh quốc Dylan Thomas. Khi khám phá ra rằng không có đài tưởng niệm Thomas ở “Góc nhà thơ” của Tu viện Westminster Abbey (Anh quốc), Carter đã phát động một chiến dịch thành công để lắp đặt một tấm bảng ở đó cho nhà thơ. Carter sau đó đã mở Trung tâm Dylan Thomas, một bảo tàng dành riêng cho nhà thơ ở Swansea, xứ Wales.

Jimmy Carter là một tác giả viết nhiều, nhưng ông chỉ xuất bản một tập thơ, tựa đề “Always a Reckoning and Other Poems, xuất bản năm 1995. Ngoài thơ, Jimmy Carter còn là tác giả của nhiều cuốn sách khác về nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm chính trị, lịch sử, tôn giáo và nhân quyền. Thơ của ông phản ánh cảm giác sâu sắc về nội tâm, sự đồng cảm và mối liên hệ với trải nghiệm của con người. Những bài thơ của Carter thường đề cập đến chủ đề tình yêu, thiên nhiên và sự phức tạp của cuộc sống.

Một trong những bài thơ đáng chú ý của Jimmy Carter trích như sau:

Trong khu rừng được che chở của trái tim chúng ta,

Những cội cây tình bạn lớn lên,

Nơi ký ức còn đọng lại, và những giấc mơ ngọt ngào bay đi,

Trong cơn gió nhẹ của ngày xưa.”

Thơ như thế thì tạm được, không hay lắm. Tuy là có triết lý về sức mạnh lâu dài của tình bạn và ký ức. Carter mô tả trái tim như một khu rừng nơi tình bạn được nuôi dưỡng và những kỷ niệm bén rễ, cuối cùng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Thơ của Carter, giống như nhiệm kỳ tổng thống của ông, nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của sự kết nối giữa con người với nhau và tác động lâu dài của những trải nghiệm được chia sẻ.

Tổng Thống Bill Clinton và nhà thơ Seamus Heaney.

Bill Clinton, Tổng thống thứ 42 của Hoa Kỳ, khét tiếng là lãng mạn, dĩ nhiên là cũng mê thơ. Nhan đề cuốn hồi ký của Bill Clinton là “Between Hope and History” (Giữa Hy vọng và Lịch sử) được lấy từ vở kịch The Cure at Troy của Seamus Heaney, mà Tổng Thống đã đọc khi đến thăm Ireland vào năm 1995. Ông đã sử dụng một đoạn trích trong bài phát biểu tại Derry, và Heaney sau đó đã tặng ông một bản sao viết tay. Clinton đã gọi nhà thơ này là “món quà dành cho người dân Ireland và thế giới, đồng thời là món quà dành cho tôi trong những thời điểm khó khăn.” Bill Clinton cũng nói đùa rằng chú chó săn Labrador của anh ấy, Seamus, được đặt theo tên của Seamus Heaney, người được giải Nobel Văn học năm 1995.

Bill Clinton nổi tiếng yêu thích thơ ca trong suốt sự nghiệp chính trị của ông. Những cuộc gặp gỡ với các nhà thơ và tác phẩm của họ thường bộc lộ sự trân trọng sâu sắc của ông đối với loại hình nghệ thuật cũng như sức mạnh truyền cảm hứng, kết nối và khơi gợi cảm xúc của nó.

Một giai thoại đáng nhớ liên quan đến Bill Clinton và thơ ca bắt nguồn từ lễ nhậm chức lần thứ hai của ông hồi năm 1997. Maya Angelou, một nhà thơ nổi tiếng và nhà hoạt động dân quyền, đã được mời đọc một bài thơ tại buổi lễ. Màn đọc thơ cảm động “On the Pulse of Morning” của thi sĩ Maya Angelou đã thu hút sự chú ý của cả nước, nhấn mạnh chủ đề đoàn kết và hy vọng.

Một trường hợp đáng chú ý khác xảy ra khi Tổng thống Clinton mời nhà thơ nổi tiếng người Ireland Seamus Heaney đến Bạch Ốc để đọc thơ hồi năm 1994. Những câu thơ của Heaney thường khám phá các chủ đề về bản sắc, xung đột và hòa giải, cộng hưởng với những nỗ lực của Clinton trong tiến trình hòa bình ở Bắc Ireland. Cuộc tương tác giữa Clinton và Heaney cho thấy thơ ca có thể là cầu nối cho những chia rẽ văn hóa và truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo chính trị tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những xung đột lâu dài như thế nào.

Hơn nữa, trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, Bill Clinton thường xuyên tổ chức các sự kiện tôn vinh văn học và thơ ca Mỹ. Sự ủng hộ của ông đối với chương trình National Endowment for the Arts và Poet Laureate nhấn mạnh cam kết của ông trong việc thúc đẩy tính sáng tạo và làm giàu văn hóa ở Hoa Kỳ.

Những giai thoại này nêu bật cách Bill Clinton, với tư cách là một nhà lãnh đạo chính trị, đã nhận ra sức mạnh của thơ ca trong việc truyền tải những cảm xúc phức tạp, khơi dậy sự đoàn kết và giải quyết các vấn đề xã hội. Sự tương tác của ông với các nhà thơ và tác phẩm của họ là minh chứng cho tầm ảnh hưởng lâu dài của thơ ca đối với trải nghiệm của con người và khả năng kết nối mọi người từ mọi tầng lớp xã hội của nó.

Từ trái: Bill Clinton và Seamus Heaney

Tổng Thống Barack Obama và nhà thơ Elizabeth Alexander.

Trưởng khoa nghiên cứu người Mỹ gốc Phi tại Đại học Yale, Elizabeth Alexander là bạn của Barack Obama—họ đã từng cùng giảng dạy tại Đại học Chicago vào những năm 1990s—và tại lễ nhậm chức của Obama năm 2009, nhà thơ Alexander đã đọc bài thơ “Praise Song for the Day” (“Bài ca ngợi khen trong ngày”) mà bà đã viết cho dịp này.

Nhiều thập niên trước, Alexander đã có mặt tại Washington Mall, mặc dù ngồi trên xe đẩy; cô bé được một tuổi khi cha mẹ đưa cô đến nghe Martin Luther King Jr. đọc bài phát biểu “Tôi có một giấc mơ” vào năm 1963. “Nghĩ rằng ở đây, trong cùng một không gian ở thủ đô Washington, D.C., chúng ta đang vào một thời điểm hoàn toàn khác,” Alexander nói trong một cuộc phỏng vấn của PBS trước lễ nhậm chức, “là một vòng tròn đẹp đẽ.”

Chúng ta nên ghi nhận rằng Obama và nhà thơ Alexander đều là người gốc Phi, do vậy hiện tượng Obama nhậm chức Tổng Thống là một dấu mốc lịch sử lớn, và bài thơ do Alexander đọc cũng hàm ý về dấu mốc lịch sử của người da đen, trải qua rất nhiều đau đớn mới hình thành. Các đoạn chót bài thơ (cứ 3 dòng là một khổ thơ) trích dịch như sau, cũng mang nhiều hình ảnh Kinh thánh Ky tô giáo trong thể loại ca vịnh “praise song” của nhà thờ:

(Bắt đầu trích)

… Hãy nói thẳng: có rất nhiều người đã chết vì ngày này.

Hãy hát tên những người chết đã đưa chúng ta đến đây,

những người đã đặt đường ray xe lửa, đã dựng cầu,

.

đã hái bông gòn và rau diếp, đã xây

từng viên gạch nơi những tòa nhà lấp lánh

rồi sau đó họ dọn sạch và làm việc bên trong.

.

Bài hát ca ngợi sự đấu tranh, bài hát ca ngợi ngày.

Ca ngợi tất cả các biển hiệu chữ viết tay,

nơi dò tìm ra ở các bàn ăn nhà bếp.

.

Có người sống bằng cách yêu người lân cận như chính mình,

người khác sống với tâm không làm hại ai, hoặc không lấy thêm

hơn những gì bạn cần. Điều gì sẽ xảy ra nếu chữ mạnh nhất là tình yêu?

.

Tình yêu vượt lên trên hôn nhân, hiếu thảo, quốc gia,

tình yêu tỏa ra một vùng ánh sáng mở rộng,

yêu thương mà không cần phải than phiền trước.

.

Trong ánh sáng lấp lánh hôm nay, không khí mùa đông này,

bất cứ những gì có thể được thực hiện, bất kỳ câu nào có thể bắt đầu.

Trên bờ vực, trên vành, trên đỉnh [ánh sáng đó],

.

bài hát ca ngợi việc bước đi trong ánh sáng đó. (hết trích)

Barach Obama và nhà thơ Elizabeth Alexander.

Barack Obama nổi bật trong các Tổng Thống Hoa Kỳ về ưa thích thơ, thường xuyên tổ chức các buổi đọc thơ và sự kiện văn học tại Bạch Ốc, cố gắng thể hiện những tiếng nói đa dạng trong văn học Mỹ. Sự tương tác của Obama với các nhà thơ và tác phẩm của họ đã làm nổi bật niềm tin của Obama vào sức mạnh của ngôn ngữ trong việc truyền cảm hứng, đoàn kết và thúc đẩy sự thay đổi xã hội.


 PHAN TẤN HẢI

Phan Tấn Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét