Bóng Cây Kơ-Nia
Hộp thư đến
| 14:09 (2 giờ trước) | |||
BÓNG CÂY KƠ-NIA
(Tâm Bút TTBG)
Buổi sáng em làm rẫy
Dưới bóng cây Kơ-Nia
Bóng ngã che mặt em
Về nhớ em không ngủ…
(Phan Huỳnh Điểu)
[]
Tối hôm qua (Dec 20, 2020) ngồi copy lại tất cả những tác phẩm chữ nghĩa bỏ vào Hard Drive, tình cờ tìm thấy cái file ghi chữ My Violon 1982; mở ra, thốt ngẩn người rung động. Cái file này có lẽ Âu Cơ làm giùm cách đây nhiều năm, nay máy cũ quá rệu, sợ mất hết những gì đã viết nên phải nhờ cậu học trò Chris ra Costco mua giùm máy mới. Nhờ thế mà tìm ra cái file.
Y hệt lần tìm thấy lá thư đầu tiên San viết cho mẹ năm vừa 6 tuổi; y hệt những lời email Âu Cơ gửi đến mẹ năm 2005; hoặc xa hơn, giống như lần mở valise Trọng, thấy tấm khăn ăn bằng vải của hãng Air France ngày em đi du học Tây Đức (Jan. 1970), nỗi rung động cũng tràn ngập trái tim khi những lời Hà Nội ấm áp giới thiệu buổi trình diễn của anh bạn Phạm Ngọc Cung vang lên bên tai.
Dứt tràng pháo tay là những tiếng pizzicato violon đầu tiên của bản Tango Argentina La Cumparsita, hòa vào tiếng piano Phạm Ngọc Cung và contrebasse Nguyễn Trung Chánh, làm thành chuỗi âm thanh quyến rũ, kéo dài suốt một chương trình hơn hai tiếng đồng hồ trước số khán giả trong đêm cuối cùng đứng trên sân khấu Hương Lan (La Pagode) Sàigòn.
-Những đêm trong tháng Hai 1983, hôm nào chúng tôi cũng gầy tiệc rượu với nhiều bạn hữu ngay cái bàn dài kê trước sân khấu; để rồi, đêm cuối cùng, ba người nhạc sĩ đều say ngất ngư, nhưng âm nhạc vẫn chứa đầy rung cảm.
-Hai ngày sau, tôi giã từ Sàigòn, ôm đàn theo Mẹ và San ra phi trường Tân Sơn Nhất, bay tới Belgique.
-Một năm sau.
Trọng về VN, lúc trở lại Đức, qua Bruxelles thăm gia đình, bất ngờ đưa ra cái tape cassette mà “kẻ bội tình” ở Sàigòn nhờ trao lại cho tôi. // Mở nghe, tứ chi run rẩy, tôi tưởng mình đang sắp ngã, phải chụp liền tay ghế mới đứng nổi. Sau, biết rằng anh bạn NTChánh đã mở máy cassette thâu Vivant trọn chương trình… (giao cho “kẻ ấy” một copy, nhờ giữ giùm tôi).
(Dạo ấy chỉ có cassette băng nhựa 60 phút, 90 phút, chứ làm gì có kỹ thuật công nghệ tân tiến như thời bây giờ! Chương trình dài hơn hai tiếng, có nghĩa phải trên dưới 20 bản nhạc trình tấu. Có những bản rất hay, chúng tôi vẫn đàn mỗi đêm, ví dụ La Bamba, O Yocomova, O Mamy, Honey… nhưng do bởi cái Cassette đặt dưới chân Contrebasse nên càng cao hứng, thêm vị rượu nồng, NTChánh búng giây thật to, lấn hẳn tiếng violon).
-Cho đến đêm qua (Dec. 20/2020) ở San Jose, mấy chục năm trôi đi rồi, nghe lại tiếng đàn năm cũ, mới hiểu thế nào sáu chữ “giọng đàn truyền cảm nức nở” đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương gán cho trong một đêm tháng 12 năm 1975 tại bữa rượu nhà Duy Quang.
-Giọng đàn mà Nguyễn (Trân Sa) nhiều lần đưa nhận xét “Nghe hụt hẫng như đang đuổi theo cái gì bay thật mau, một cách tuyệt vọng!”
-Giọng đàn, năm 1972, bên đống lửa trại trên đồi Cù Dalat, nhà văn Hoàng Khởi Phong (khi ấy là Đại úy Quân Cảnh QLVNCH) đã nói cùng cặp ca sĩ vợ chồng chủ quán café Lê Uyên Phương:
“Nghe Thu Vân đàn trong không gian giá lạnh thế này mới hiểu được thế nào ‘Một cung gió thảm mưa sầu, bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay’ trong truyện Kiều.”
*
* *
Cái gì cũng đều là muộn trễ trong cuộc đời tôi! Mấy chục năm (có lẽ mai này sẽ chết?!) tôi mới thật sự hiểu ra “những gì mình đã có”. Giọng đàn truyền cảm cũng nằm trong cái hiểu muộn màng đó. (Cũng may là hết đời mới hiểu (!) mới tránh được cho mình cái tánh kiêu ngạo.)
Ngày xưa tôi không biết tại sao “hễ đàn bà nghe tôi đàn thì ngậm ngùi ứa lệ, còn đàn ông nghe tiếng đàn, lắm kẻ say mê tôi!”
-Cũng may là do bởi “không biết” nên mọi thứ ngừng lại ở đó: “Đàn bà đâm ghét tôi với truyền thống ganh tỵ phụ nữ; còn đàn ông cho rằng tôi lãnh đạm, nên dễ dàng để chen vào óc cái tính đố kỵ nhỏ nhen!”
(Viết tới đây lại nhớ lời cậu nhỏ có tài xem tướng ở Sàigòn, một lần tình cờ gặp tôi nơi một nhà quen, nhìn tôi chăm chăm rồi ào ào nói:
“Chị sinh ra đời để bị ghét. Nhiều người ghét chị lắm. Mới thấy cái dạng chị đi qua, đủ ghét! // Nhưng chị cũng được lắm người thương. Người ta thương chị tự nhiên chứ chẳng phải chị tìm cách làm cho người ta thương. // Dù vậy, thương hay ghét cũng đều trớt quớt, chị chẳng hề một chút lưu ý!”)
Đêm qua, bất thần nghe lại Bóng Cây Kơ-Nia trong file My Violon 1982, lại nhớ không những tiếng đàn mà còn luôn cả kỷ niệm khởi đầu cho cái duyên giữa tôi và nó.
-Một đêm tháng 11 năm 1977, lưu diễn với đoàn Cải Lương Sống Chung tại một vùng biển Miền Trung, anh bạn chơi saxo-alto bất thần bị bệnh nên phần mélodie Bóng Cây Kơ-Nia được tôi thay thế.
Tôi bị “cú sét ái tình” từ đó.
Giữa một loạt lô-nhô-các-note-nhạc-gán-ghép (tựa như Dậy Mà Đi sặc mùi máu lửa của Tôn Thất Lập, Đi Qua Vùng Cỏ Non đầy chất nhà quê của Trần Long Ẩn, hay, các Cô Gái Sàigòn (hết) Ngồi (xuống) Vót Chông (lại đứng lên gồng vai) Đi Tải Đạn mà cây violon của tôi bị bắt phải làm quen mỗi đêm từ ngày mất nước), bất thần “chụp” được Bóng Cây Kơ-Nia âm điệu buồn rười rượi, hỏi làm sao không mê cho được?
Trong không gian vùng biển Miền Trung (cũng buồn rười rượi), tháng Mười Một trời se se lạnh, sân khấu lộ thiên, tiếng violon được cất lên với trọn trái tim, vang tận xa khơi rồi hòa nhập vào tiếng sóng thét gào không ngớt. // Cả con người ngơ ngẩn, tôi đâm yêu luôn tiếng đàn mình ngay khi ấy. // Điều bất ngờ này không phải nẩy sinh từ đồng lương được lãnh của một giai đoạn sống tréo cẳng ngỗng trước đám dân quê không hiểu gì âm nhạc, mà chính ở sự đồng cảm yêu mến và ngưỡng mộ dành cho người nhạc sĩ Miền Bắc xa lạ kia.
[Note: Nhưng, Bóng Cây Kơ-Nia tôi nói ở trên PHẢI LÀ mang phối khí của Lê Vũ, một nhạc sĩ Miền Nam kìa! Giai điệu chính đã não nùng mà có thêm phần hòa âm Lê Vũ thì mới chiếm đoạt trái tim tôi ngay được. // Còn cái lối hòa âm Liên Sô với giọng hát eo éo pha “mùi” opéra Tây Phương quê mùa của các cô ca sĩ Hà Nội thời đó chỉ làm “chết” Bóng Cây Kơ-Nia để không bao giờ “có cửa” cho trái tim tôi mở ra!]
(Điển hình như), tiếng-violon-tôi chỉ có thể phô bày được tất cả rung cảm tâm hồn dưới tay đệm dương cầm của anh Phùng Kim Ngọc, anh Phạm Ngọc Cung; hoặc tiếng guitare “tầm cỡ” Phạm Đình Chương, Y Vân. // Ngoài ra với ai khác chỉ đều là “anh-đường-anh-tôi-đường-tôi” mà thôi.
Vậy mới biết, trên lãnh vực Âm Nhạc (từ cổ điển Tây Phương sang các ca khúc mới, ngay các điệu Cải Lương được cơ hội nhận xét trong 5 năm lưu diễn), một-tay-đệm-đàn đóng vai trò thật quan trọng. Người độc tấu hay ca sĩ có tỏ bày xúc cảm (được hay không) từ trái tim ra lời hát cũng đều chủ yếu do người đệm.
-Còn nói về Văn Chương, Hội Họa, Thi Ca, Điêu Khắc… hay những lãnh vực nghệ thuật khác, một-tay- BIẾT-thưởng-thức vô cùng cần thiết cho người sáng tạo tác phẩm. // André Maurois, nhà văn Pháp, đã nói một câu chí lý: “Không có gì tầm thường hơn sự thưởng thức (nghệ thuật) một cách tầm thường.”
*/ Thời gian 1975-1976, tôi CHƯA lăn đời vào cuộc sống Cải Lương nên Nguyễn (Trân Sa) KHÔNG có cơ hội oằn trái tim theo tiếng-violon-tôi trong Bóng Cây Kơ-Nia.
-Năm 1997, về VN với Âu Cơ, một đêm sương rơi rưng rứt bên ngoài căn nhà số 12 Nguyễn Tri Phương Dalat, anh Phùng Kim Ngọc, anh Triệu Trung Tiên, hai pianistes nổi danh Dalat đã “sửng sốt” theo tiếng violon đơn độc trong Bóng Cây Kơ-Nia. (Kể từ ngày bỏ quê hương ra đi, tôi chỉ đàn Bóng Cây Kơ-Nia MỘT MÌNH, các note đệm chính của piano được thay bằng kỹ thuật pizzicato của violon).
*/ Ngày 16 tháng 10 năm 1994 (lần đầu và cũng là lần cuối trong hàng loạt đứa con Văn Chương được nhìn thấy ánh mặt trời) tôi tổ chức buổi ra mắt tác phẩm Một Truyện Dài Không Có Tên tập I tại quán café Rosa ở San Jose. //
Trước đám khán giả chật ních khán phòng, ngồi lan ra cả bên ngoài (đa số đến vì ghét cái tên TTBG!), tôi ôm violon, bước lên sân khấu, thản nhiên nói:
"Xưa nay tôi không quen xuất hiện trước đám đông, lại càng không quen phát biểu trước đám đông. Ngay từ khi đặt viết xuống trang thứ nhất tác phẩm này, tôi đã hình dung ra sự tẻ lạnh của độc giả và giới văn nghệ sĩ hải ngoại ngày nào nó xuất hiện. // Bây giờ, trước sự hiện diện đông đảo của quý vị, tôi vẫn không biết nói gì ngoài hai chữ 'Cảm Ơn'. // Và, xin mượn cây violon làm giùm điều ấy.
Bản nhạc tôi sắp trình bày mang tên Bóng Cây Kơ-Nia của Phan Huỳnh Điểu, một nhạc sĩ Miền Bắc. Nếu quý vị thương mà nghe thì tôi cảm ơn. Bằng không thương, có chụp cho tôi cái mũ Cộng Sản, tôi cũng đành chịu. // Tôi không biết nói dối. Vì vậy luôn luôn tự xác nhận với mình: ‘Bản nhạc này từng đã và sẽ còn mãi mãi làm rung động trái tim tôi’.”
-Bữa ra mắt sách đó, đệm Bóng Cây Kơ-Nia cho tôi chỉ duy nhất tiếng trống modernes của anh bạn Nhạc sĩ-Luật sư Brent Jorgenson nổi tiếng nói tiếng Việt giỏi ở San Jose.
-Ngay sáng kế tiếp, tôi bất ngờ nhận cú điện thoại của bác thi sĩ Hà Thượng Nhân, nghe bác nói: “BG là người có cá tính rất mạnh. Tôi đọc BG, thích lắm, nên gọi đến để chia sẻ cảm nghĩ riêng.”
Tôi đang lúng túng không biết trả lời thế nào thì bác tiếp: “Qua văn chương, BG cho thấy một bản sắc rất thành thật. Đó không chỉ là đức tính của một nhà văn chân chính mà còn là của một con người lương thiện. Cái gia tài Trời cho ấy, BG nên gìn giữ. // Hẳn nhiên, sự thành thật sẽ gây rất nhiều bất lợi cho mình trong hiện tại; nhưng rồi thời gian đãi lọc, giá trị của nó sẽ sáng như ban ngày, gây cảm mến cho mọi người.”
*/ Mùa Hè 2016, mỗi ngày anh Phùng Kim Ngọc và tôi đều cùng tập dượt tại căn nhà của gia đình Giang trên đường Đinh Tiên Hoàng Dalat, chuẩn bị cho việc thành lập quán café-đọc-sách với Giang, khai trương vào tháng 12. 2016 tại Dalat.
Một bữa tôi xin anh đệm Bóng Cây Kơ-Nia, để, “dẫu có chết em cũng thỏa lòng”.
Anh làm không được, ngón đàn tài hoa ngày xưa đã tiêu tán cả. Từ đó, tôi cũng bỏ luôn nỗi ao ước được “một lần gặp một nhạc sĩ xứng tay đưa cái nức nở bật thoát từ trái tim tôi ra ngoài bốn dây violon qua Bóng Cây Kơ-Nia.”
*
* *
Bây giờ mọi thứ đều trở thành dĩ vãng.
-Tiếng-violon-tôi lẫn tiếng piano-anh-PKNgọc, piano-PNCung, contrebasse-NTChánh, luôn tiếng guitare của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nhạc sĩ Y Vân… đều đã là dĩ vãng. //
Lắm khi nhớ lại, tôi cắn răng đẩy lùi mọi âm thanh vừa xẹt qua óc xuống sâu trong cổ họng. (Tôi hay uống thuốc ngủ, đã đành để ngủ, mà còn để quên những đêm trắng lạnh, dài như vô tận, ngồi ôm đầu vò tóc nơi bàn viết, chạy trốn những nỗi nghĩ ngợi đau lòng trong hiện tại để nhớ về những giọng đàn năm cũ)…
Bây giờ, chỉ còn mình tôi, trái tim thắt lại khi bất ngờ nghe được tiếng violon xưa trong căn nhà Những Người Trăm Năm Cũ ở San Jose.
Tôi không chờ đợi độc giả thấm cảm rõ ràng những gì ở trên tôi viết. Nhưng, trong tình mẹ chan hòa đồng đều cho hai đứa con, phải thú thật rằng, tôi cảm kích sự hiểu biết của Âu Cơ qua một bài viết của nó năm 2013 về “Nỗi mất mát Âm Nhạc sâu đậm trong lòng mẹ”.
-Tôi cũng hiểu nỗi buồn sâu sắc của anh PKNgọc đôi lúc hiếm hoi nghe lại tiếng violon những lần tôi về Dalat. // Anh buồn, không phải vì “tiếc nuối người-con-gái-gypsy-năm-xưa”; mà buồn, chính bởi “gặp-lại-(qua tôi) người-tình-Âm-Nhạc” anh kết duyên từ khi mới lớn, nay đã hoàn toàn biến mất khỏi cuộc sống anh.
*/ Thời tuổi trẻ, mỗi lần tan vỡ trái tim, tôi thường “thổn thức” với cây violon qua Blue Sky, Adios Pampa Mia, Uno, Je Sais… thậm chí Nửa Hồn Thương Đau, Nỗi Lòng, Đừng Xa Nhau, Ngày Đó Chúng Mình, Người Đi Qua Đời Tôi.. v.v..
Mấy chục năm sống đời đất khách, không còn được cùng cây violon vẫy vùng trong thế giới âm thanh, tôi buồn, buồn lắm!
Rất may rằng đã có Người-Chữ-Nghĩa nhảy vào thế chỗ. Bàn tay vuốt phím violon ngày cũ nay trở thành những ngón gõ trên phím laptop. // Người-Chữ-Nghĩa dáng vẻ rộng lượng cao cả, ngồi im, kiên nhẫn lắng nghe cho kỳ trọn những nỗi niềm trong trái tim đầy lỗ thủng, rồi làm bật ra giùm tôi những áng văn chương. // Nếu không, chắc chắn từ lâu rồi, tôi đã trở-thành-một-đứa-điên (!), bạn ạ
[]
Trần Thị Bông Giấy.
(Bài viết xong tại San Jose, thứ Hai December 21, 2020 lúc11:49 khuya).
[]
Trả lờiTrả lời tất cảChuyển tiếp |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét