Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

bài đáng đọc : " Đôi điều về " dấu phẩy đặc biệt" WYSLAWA SYMBORSKA [ 1923- 2012 ] / Ba Lan / Tạ Minh Châu / Hà Nội -- nguồn : https://vanhocsaigon.com.vn.../ trích: GIiao Blog ( Hà Nội)

 

Đôi điều về “dấu phẩy đặc biệt” Wyslawa Szymborska


TẠ MINH CHÂU

Cuộc đời và thơ Wyslawa Szymborska có thể chỉ cổ xưa tựa một dấu phẩy như bà tự nhận, như một dấu phẩy giản đơn mà chúng ta vẫn dùng từ khi biết viết. Nhưng đó là một dấu phẩy đặc biệt, một dấu phẩy rất khác so với một dấu chấm câu, một dấu chấm xuống dòng và nhất là so với một dấu chấm hết!

Nữ sĩ Ba Lan Wyslawa Szymborska (1923 – 2012) giải Nobel Văn học 1996

Vừa qua, Quốc hội Ba Lan đã quyết định lấy năm 2023 là năm Wyslawa Szymborska nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bà (2.7.1923 – 2.7.2023). Một lần nữa đất nước Ba Lan tươi đẹp lại có dịp nghiêng mình trước nữ sĩ đã mang về cho quê hương mình Giải thưởng Nobel Văn học danh giá.

Còn nhớ cuối năm 1996, cả Ba Lan đã vỡ oà trong niềm vui và tự hào khi chỉ với hơn hai trăm bài thơ đã xuất bản, Wyslawa Szymborska đã được trao giải Nebel. Ngay trong những ngày vui đó tôi đã viết một bài ngắn về bà và dịch một chùm thơ của bà đăng trên Báo Văn Nghệ. VTV3 cũng ưu ái dành một chương trình dài 30 phút để tôi giới thiệu về cuộc đời và đọc thơ bà. Hiệu ứng đến rất nhanh. Nhiều độc giả Việt Nam tỏ ra thích thú và rất quan tâm tới thơ Wyslawa Szymborska. Các nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều hào hứng khích lệ tôi dịch, giới thiệu thơ bà nhiều hơn nữa. Rất may là nhờ sự trợ giúp của Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội, tôi đã nhanh chóng có được một số tập thơ của Wyslawa Szymborska và lao vào đọc.

Thú thực là càng đọc thơ bà, đọc đi đọc lại, tôi lại càng thấy say mê, bị ám ảnh, đôi lúc thấy mình như bị thôi miên cứ đi từ bài thơ này qua bài thơ khác mà không dừng lại được. Đã từng đọc khá nhiều nhà thơ đương đại của Ba Lan, nhưng không ai làm tôi hào hứng và có một ấn tượng đậm sâu đến vậy. Tôi quyết định dành tối đa thời gian rảnh rỗi và trí lực của mình để dịch thơ bà và ao ước sẽ sớm in được một tuyển tập thơ bà để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam. Khi công việc đã hòm hòm tôi viết một lá thư gửi Wyslawa Szymborska, xin phép bà cho tôi được dịch và in một tuyển thơ bà tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn đồng thời cũng mạo muội xin bà không lấy tiền bản quyền vì các nhà xuất bản Việt Nam còn nghèo lắm, không thể bỏ ra gần một triệu đô la để mua bản quyền dịch và in thơ bà như ở Đức.

Bức thư được Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội chuyển tới bà cùng những bài thơ tôi dịch in trên báo và đoạn băng hình ghi chương trình giới thiệu thơ bà trên VTV3. Biết bà là một người rất khắt khe trong việc chọn dịch giả nên tôi lại càng thêm thấp thỏm, đợi chờ. Và rồi gần hai tháng sau niềm vui đã đến. Đại sứ quán Ba Lan thông báo cho tôi Wyslawa Szymborska đã nhận được những gì tôi gửi và rất cảm kích khi thấy ở một đất nước xa xôi như Việt nam, bạn đọc vẫn cảm nhận được và thích thơ bà. Khi biết tôi đã từng tốt nghiệp khoa văn của trường Đại học Tổng hợp Vacsava, đã từng dịch một số tác phẩm nổi tiếng của văn học Ba Lan ra tiếng Việt, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và cũng là một người làm thơ, bà đã vui vẻ cho phép tôi được dịch thơ bà. Và bất ngờ hơn nữa bà quyết định không lấy tiền bản quyền để tôi và Nhà xuất bản Hội Nhà văn có thể in một tuyển tập thơ của bà bằng tiếng Việt.

Khi cuốn sách sắp xuất bản bà còn gửi cho chúng tôi một bức ảnh chân dung với khuôn mặt rất đôn hậu cùng lời đề tặng “Những suy nghĩ tốt đẹp nhất dành cho bạn đọc Việt Nam!”. Như là một cơ duyên và nhờ những tình cảm đặc biệt của bà dành cho Việt Nam, nên chỉ một năm sau khi bà nhận giải Nobel, tuyển tập thơ của Wyslawa Szymborska đã tới tay bạn đọc. Đây là tác giả đoạt giải Nobel được dịch và in nhanh nhất ở Việt nam, được dư luận đánh giá tích cực, nhất là trong giới văn nghệ sĩ. Nhà thơ Hữu Thỉnh có lần nói với tôi, Wyslawa Szymborska là một trong những nhà thơ mà ông thích nhất trong số các nhà thơ đoạt giải Nobel. Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có hai bài viết mà theo tôi là vô cùng sâu sắc, hay và toàn diện về thơ bà: “Wyslawa Szymborska và sự phục sinh những cái chết”.

Gần ba mươi năm đọc và dịch thơ Wyslawa Szymborska đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm sâu sắc, giúp tôi học được nhiều điều. Có thể nói những bài thơ của bà là những câu chuyện lớn có, nhỏ có, liên quan tới mọi mặt đời sống của chúng ta, những câu chuyện được kể một cách hết sức dung dị, nhưng luôn ẩn náu những nút thắt vô hình, mà chỉ khi đọc hết cả bài thơ ta mới thấy chúng được mở ra làm chúng ta hết sức ngỡ ngàng, thán phục. Mỗi bài thơ, thậm chí có khi chỉ là một, hai câu thơ của bà đều gợi lên những suy tưởng, những thông điệp, buộc chúng ta phải dừng lại rất lâu để suy ngẫm về những giá trị mang tính triết lý sâu xa mà bà đã chỉ ra.

Thơ của bà thuộc loại đọc để mà khám phá, mà suy ngẫm, vì thế nó luôn cuốn hút và ám ảnh chúng ta. Tôi còn mãi nhớ bài thơ “Bảo tàng” – một trong những bài thơ đầu tiên tôi được đọc trong số hơn hai trăm bài thơ của bà và nó đã làm tôi thán phục và quyết định dịch ngay ra tiếng Việt. Đã từng thăm nhiều bảo tàng, tận mắt thấy hàng nghìn hiện vật được trưng bày trong đó. Nhưng để viết gì về những đĩa, bát, những thanh kiếm, những vương miện hay dép, giày bày trong đó thì tôi thấy mình như bất lực. Ấy vậy mà Wyslawa Szymborska đã cho chúng ta thấy bà đã viết về những hiện vật ấy và gợi lên những suy tưởng thật ám ảnh, bất ngờ như thế nào: “Những chiếc đĩa, nhưng chẳng ai thèm khát/ những chiếc nhẫn nhưng chẳng có tình yêu lứa đôi/ ít nhất cũng ba trăm năm rồi/ một chiếc quạt nhưng ở đâu nét mặt đỏ gay/ những thanh kiếm nhưng ở đâu sự giận dữ/ và chiếc đàn tỳ bà ngái ngủ/ không một lần rung lên/… kim loại, thạch cao, lông chim/ qua thời gian lặng im ăn mừng chiến thắng/ chỉ chiếc trâm của người đàn bà Ai Cập khúc khích cười/ chiếc vương miện đã phí công đợi một đầu người/ bàn tay đã thua chiếc găng tay/ chiếc giày chân phải đã thắng bàn chân phải/…”.

Thơ của bà thường chứa đựng đầy những trắc ẩn, xót xa về những phận đời. Bà thương một con cánh cam chết nằm chỏng trơ bên vệ đường, truy tìm bằng được nguyên nhân dẫn đến cái chết của một kẻ tự sát và đi đến kết luận thật bất ngờ là chính chúng ta bằng sự vô cảm, tính ích kỷ, sự thù hận của mình đã làm cho con người ấy mặc dù không ốm đau bệnh tật, không khốn khó về vật chất và điều kiện sống, song vì luôn cảm thấy quá bơ vơ, cô độc giữa cõi người nên đã chọn giải pháp tự kết liễu đời mình (Căn phòng của kẻ tự sát).

Với một tình yêu thương bao la đối với vạn vật, bà luôn nâng đỡ và tìm ra cách để cho chúng luôn được bình đẳng như nhau. Trong bài thơ “Bầu trời” sau khi miêu tả bầu trời như “… Chiếc cửa sổ không bệ, không khung, không kính/ một lỗ thủng và tuyệt nhiên chẳng có gì hơn/ nhưng là một lỗ thủng mở ra vô tận/… bầu trời bọc kín xung quanh và nâng tôi bay bổng”, bà hoàn toàn tự tin khẳng định “thậm chí những ngọn núi cao nhất/ cũng không gần trời hơn những thung sâu nhất/ chẳng có ở nơi nào bầu trời lại nhiều hơn nơi khác/ một đám mây cũng tựa vào trời y như mộ đất/ con chuột chũi cũng được lên trời như con quạ đang bay”. Vâng, với Wyslawa Szymborska thì ngay cả nấm mộ nằm xè xè bên đường hay con chuột chũi suốt đời quẩn quanh bên đống rác thường xuất hiện trong quan niệm của chúng ta cũng được “tựa”, được “bay” ngang trời hệt như một đám mây, một con quạ. Bằng tính nhân văn tột độ, bằng uy quyền của thi ca bà đã chắp cánh cho mọi thứ bay lên, kể cả những gì người ta thường cho là hèn kém nhất.

Một trong những nguyên do làm chúng ta thích thú và thán phục khi đọc thơ bà là hầu như trong mỗi bài thơ bà đều chỉ cho chúng ta thấy một sự khám phá độc đáo, thường được ẩn chứa trong vài câu hoặc chỉ một câu thơ cuối. Trong bài thơ “Ở sân bay”, bà miêu tả cảnh đôi tình nhân vui sướng gặp lại nhau sau bao ngày xa cách. Đang mùa đông tuyết lạnh, họ phải mặc những chiếc áo choàng dày nặng chịch, đội mũ, quàng khăn, đi giày da. Toàn bộ những chi tiết đó có lẽ mỗi chúng ta ai cũng có thể nhìn thấy và viết ra được. Song bức tranh có vẻ quá quen thuộc và thường tình ấy chỉ là để dành cho chúng ta – những người bình thường, với trí tưởng tượng bình thường. Còn với Wyslawa Szymborska thì lại khác, bà khẳng định tuy áo, mũ, khăn, đều dày cộm, nhưng khi ôm chầm lấy nhau thì đôi tình nhân này “Với mình, họ trần như nhộng”. Một câu kết không thể tuyệt vời và lý thú hơn!

Thơ bà còn mang đậm tính gợi mở. Có nhà thơ từng chia sẻ với tôi, mỗi khi đọc thơ bà ông lại cảm thấy được khích lệ, được gợi mở về một điều gì đó, có thể rất mông lung, có thể là cụ thể, đặng giúp ông có động lực nghiền ngẫm thêm để viết ra một cái gì đó của riêng mình.

Di sản thơ của Wyslawa Szymborska thực sự lớn lao, song cuộc đời bà lại vô cùng giản dị. Bà sống trong một căn hộ bình thường, đến cuối đời vẫn dùng chiếc máy chữ nhỏ nhắn, dùng giấy cũ đã ngả màu vàng để sáng tác. Bà không thích đi chu du. Bà bảo trong tất cả các chuyến đi du lịch thì bà thích những chuyến đi về nhà nhất. Với những công lao to lớn của bà dành cho đất nước, bà hoàn toàn xứng đáng để được xây mộ trong tầng hầm của những nhà thờ linh thiêng và sang trọng nhất của Ba Lan như cách mà Ba Lan từng ứng xử với các vĩ nhân.

Ai cũng biết mộ của thi hào Cz. Milosz được đặt ở tầng ngầm của nhà thờ tại cố đô Krakow, trái tim của nhạc sĩ thiên tài F. Chopin được đặt tại tầng ngầm của nhà thờ tại thủ đô Vacsava. Song với Wyslawa Szymborska thì không. Bà đã dặn dò kỹ bà muốn được chôn cất tại cùng một nghĩa trang nơi thân phụ bà yên nghỉ. Đầu tháng hai năm 2012, tang lễ bà được tổ chức thật trọng thể. Đang mùa đông giá rét, song cả Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Ba lan, lãnh đạo cố đô Krakow và rất đông đảo những người mến mộ bà đã tham dự. Người ta đứng chật các lối đi trong nghĩa trang và các đường phố ở bên ngoài. Ban tổ chức đã phải đặt một số màn hình điện tử lớn trên những bức tường nhà để mọi người cùng được theo dõi. Hôm ấy, trên tháp chuông nhà thờ Maria nổi tiếng ở Krakow, thay vì bản nhạc hiệu quen thuộc từ hàng mấy trăm năm, một bản nhạc phổ thơ của Wyslawa Szymborska đã được tấu lên.

Nhà thơ – dịch giả Tạ Minh Châu bên mộ nữ sĩ Wyslawa Szymborska ở Krakow – Ba Lan

Trong một lần sang thăm Ba Lan theo lời mời của Viện Sách trực thuộc Bộ Văn hoá và Di sản Ba Lan, tôi đã tới viếng mộ bà. Tôi không ngờ ngay giữa cố đô Krakow lại có một nghĩa trang được xây từ năm 1803 rộng và đẹp như vậy. Những hàng cây hơn trăm năm tuổi rủ bóng uy nghiêm xuống các lối đi. Các ngôi mộ của gia đình, dòng họ được xây cất khang trang, ngay ngắn như những ô bàn cờ. Đi trong nghĩa trang mà có cảm giác như đang dạo trong công viên đầy bóng mát, hương thơm và tĩnh lặng. Đi lòng vòng một lúc khá lâu, tôi hơi sững người khi nhìn thấy mộ bà. Một ngôi mộ đẹp, nhưng nhỏ nhắn, nằm lọt thỏm giữa bao ngôi mộ. Điều khác biệt dễ nhận thấy nhất là trên ngôi mộ ấy có rất nhiều hoa và nến. Có những chậu hoa tươi, một vài bông cẩm chướng đã héo. Ai đó đã tự vẽ bức chân dung bà và đặt trên ngôi mộ.

Sau khi lau mặt đá, tôi trân trọng đặt lẵng hoa tươi vừa mua trước cửa nghĩa trang lên mộ bà. Tay run run xúc động tôi đặt thêm lên đó Tuyển tập thơ chọn lọc Wyslawa Szymborska mà với tình yêu sâu nặng và sự ngưỡng mộ lớn lao tôi đã gắng hết sức dịch thêm và hoàn thiện để có được 115 bài thơ của bà in lần thứ hai tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn vào năm 2014. Theo phong tục của người Việt, tôi thắp một nén hương mang từ Việt Nam sang và chắp tay đứng hồi lâu trước mộ của bà. Tôi thầm nhủ: Thưa bà, từ một đất nước xa xôi, tôi đến đây là để bày tỏ tình cảm của riêng mình và của rất nhiều người Việt yêu thơ đối với bà, chân thành cám ơn những gì bà đã ưu ái dành cho Việt Nam. Tuy chưa một lần đặt chân tới đất nước chúng tôi, song trong số hơn hai trăm bài thơ của bà đã có hai bài thơ viết về Việt Nam. Bà đã tạo mọi thuận lợi để chúng tôi có thể dịch và in thơ bà, tiếp cận được những giá trị đích thực của thi ca và thêm quý yêu bà.

Wyslawa Szymborska đã ra đi nhẹ tênh, nhưng bà vẫn để lại một tấm lòng nặng nợ với thi ca. Một triệu đô la có được khi nhận giải Nobel và những khoản tiền tác quyền lớn sau này bà đều dành dụm để lại cho Quỹ mang tên bà, để hàng năm sau khi bà mất trao thưởng cho những tập thơ hay nhất của các tác giả trẻ tài năng của Ba Lan và thế giới.

Trong bài thơ “Ngôi mộ”, bài thơ đã ám ảnh tôi suốt mấy chục năm trời, ngay từ dòng đầu tiên bà chỉ nhận mình là “tác giả của một vài bài thơ, cổ xưa như dấu phẩy” và ở cuối bài thơ bà cầu mong một lúc nào đó có ai đó sẽ dừng lại bên mộ bà và dành một giây để “suy ngẫm về phận đời Szymborska”. Tôi xin thưa với bà rằng bấy lâu nay đã và đang có rất nhiều người trên khắp thế giới này không phải để một giây mà là rất nhiều thời gian để “suy ngẫm về phận đời Szymborska”. Bởi suy ngẫm về cuộc đời bà cũng chính là suy ngẫm về cả một gia tài thơ mà bà để lại, với biết bao nỗi âu lo, trăn trở, với ắp đầy tình yêu thương và cái đẹp. Một gia tài mà mỗi người đều có thể tự do chọn cho mình một thứ gì đó để cảm thấy đỡ cô đơn, đỡ nghèo túng, đỡ lạc lõng giữa cõi người.

Cuộc đời và thơ Wyslawa Szymborska có thể chỉ cổ xưa tựa một dấu phẩy như bà tự nhận, như một dấu phẩy giản đơn mà chúng ta vẫn dùng từ khi biết viết. Nhưng đó là một dấu phẩy đặc biệt, một dấu phẩy rất khác so với một dấu chấm câu, một dấu chấm xuống dòng và nhất là so với một dấu chấm hết!

Tháng 7 năm 2023

TẠ MINH CHÂU

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ