Ông đi, xô ngã cánh cửa cuối ngăn cách tinh anh và thể phách (thác là thể phách, còn là tinh anh (“Kiều”-Nguyễn Du). Nhận cú hích chẳng hề ngẫu nhiên này của con tạo, ông lặng lẽ lui vào hậu trường thiên thu, sau khi đã tự tay và lặng lẽ như thế- mở ra một cõi nguyên vẹn Văn Cao- một thế giới đầy ắp ông, sáng láng và dào dạt.

Văn Cao - Hà Nội

Suốt cả cuộc đời 72 năm, tròn 6 con giáp, Văn Cao đã xây cất tái tạo một thế giới Văn Cao sống động: Thơ, ca, nhạc, họa.

Văn Cao sinh ở Hải Phòng, nhưng Hà Nội lại ghi dấu của ông rất nhiều. Ông ở đó, ngôi nhà cũ kỹ có căn gác nhỏ số 108 đường Yết Kiêu. Mỗi lần bước dạo trên con phố này, tôi như thấy bóng dáng ông xiêu đổ lãng đãng, vẫn đi về trên phố Yết Kiêu, mái tóc như hai cánh vạc bay và chòm râu phơ phất bạc cước. Ông đi lặng lẽ trên gạch lát vỉa hè cũ kỹ răng long khấp khểnh, gập ghềnh.

Tôi vẫn như thấy ông một thời ra vào các tòa soạn báo, các nhà xuất bản, trong đó có Tạp chí Sân Khấu của tôi, dáng vẻ nhẫn nại, gầy gò, nhận vẽ bìa sách, bìa tạp chí, minh họa báo chí, thiết kế mỹ thuật cho vở diễn và thường xuyên minh họa truyện ngắn trên báo... Và ông đợi đến lúc ra sách, ra báo, ra mắt vở diễn để đến nhận món tiền “còm” mang về đong gạo cho vợ, rồi bớt chút tí ti cho nước trắng (cách ông đùa, gọi rượu quốc lủi). Nhưng dù cho buồn sầu và túng thiếu, ông già Văn Cao vẫn vẽ rất đẹp, rất bay, như ông đã từng vẽ trang bìa và minh họa thật tươi cho thơ “Người chiến sĩ” của Nguyễn Đình Thi; “Đẹp hơn nước mắt”-tuyển thơ Pháp và một chùm minh họa đếm không xiết cho một thời gian dài của trang văn xuôi Báo Văn nghệ-với nét chữ ký VĂN rất riêng của ông.

Thực ra, Văn Cao đã làm minh họa từ rất lâu (tự ông minh họa lấy bản “Thiên Thai” in rời của ông-Nhà xuất bản Rạng Đông xuất bản năm 1945). Nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Việt Nam Thái Bá Vân đánh giá: “Chính Văn Cao và vài ba người nữa, vào những năm 60 của thế kỷ trước đã là một thẩm mỹ mới cho minh họa và đồ họa sách...”. Có thể nói, Văn Cao đã lập được trường phái minh họa và bìa sách. Thái Bá Vân còn phát hiện “có một Văn Cao sân khấu” khi Văn Cao đã đưa lên sân khấu Hà Nội một quan niệm khác về không gian và có lẽ bắt đầu từ vở “Hà Nội năm 46” vào năm 1964. Bởi lối thiết kế mỹ thuật của Văn Cao đã trao cho đạo diễn một khoảng tự do có ích để diễn những ý nghĩa không gian trọn vẹn, hàm nghĩa của kịch được hiệu quả hơn.

Ông đi, mang theo một phần Hà Nội. Hà Nội đã mất một Văn Cao, nhưng cái phần Hà Nội mà Văn Cao mang theo đã hóa thành thiên thu trong các nhạc phẩm, thi phẩm và họa phẩm của ông, trở thành một mảng lớn rực rỡ màu sắc trong thế giới Văn Cao, với “Đêm đông tiếng còi tàu/ Hà Nội càng thêm cũ/ Gió cuối năm luồn vào phố hẹp.../ Vũng sao khuya lấp lánh” (thơ “Một đêm Hà Nội”, 11-1967). Một Hà Nội mùa thu đầy chất Văn Cao “Trên thềm ngày lăn tăn rơi/ Lá me vàng/ Những bóng người loang trên hồ Gươm/ Mỗi góc phố-mỗi góc đường/ Mỗi góc nhà-Giấu một cái bóng-cổ kính”... “để người ta mãi nhớ phố phường Hà Nội lúc vào thu” (thơ “Mùa thu”, 11-1968).

Những đêm nhạc hồi sinh thế giới Văn Cao

Tôi từng được tận mắt may mắn chứng kiến đêm nhạc Văn Cao nhân sinh nhật ông lần thứ 60, được tổ chức trang trọng và đầm ấm ở phòng nhạc gác hai, ngôi biệt thự 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Rét Hà Nội căm căm và ngọt đậm, lọt gió bấc vào trong cổ áo len. Lễ mừng được tổ chức ấm cúng, tiếng oanh vàng réo rắt, trong vắt ngọc tuyền của Nghệ sĩ Ưu tú Kim Ngọc hát “Thiên thai”.

Văn Cao từng đồng ý với nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường- bạn vong niên của ông rằng, Kim Ngọc hát “Thiên thai” du dương bảng lảng như người tiên nhớ cõi trần; còn Thái Thanh hát “Thiên thai” thổn thức như người trần nhớ cõi tiên. Cả hai giọng nữ cao, thánh thót, run rẩy, “liêu trai” này đều đụng tới, ngân rung sợi dây tơ trong cõi “tư cố hương” thầm kín nơi đáy lòng ông.

Cả cuộc đời có lẽ Văn Cao chủ yếu dùng vào việc lắng nghe, lắng lòng nghiệm sinh lần nữa cái thế giới âm thanh do ông lãng mạn xây cất, suốt một thời trai trẻ, trong cuộc kháng chiến chống Pháp hào hùng của dân tộc, với những khúc hùng ca, hoành tráng: “Tiến quân ca” (trở thành Quốc ca của Việt Nam), “Chiến sĩ Việt Nam”, “Chiến sĩ không quân”, “Bắc Sơn”, “Ngày mùa”, “Tiến về Hà Nội”, “Trường ca sông Lô”...; cả những ca khúc trữ tình, đầy tình tự của một thời lãng mạn: “Suối mơ”, “Bến xuân”, “Cung đàn xưa”, “Bài thơ bên suối”, “Trương Chi”...

Lần cuối, tôi được nhìn thấy Văn Cao ở Nhà hát Lớn Hà Nội, trong âm nhạc của chính ông và một lần nữa ông như lá xanh trở lại. Đêm nhạc ấy của 3 thế hệ nhạc sĩ: Văn Cao-Trịnh Công Sơn-Phú Quang, mang tên “Ấn tượng 94”, tổ chức trước đêm Noel Hà Nội tháng 12-1994. Ông đăm đăm nhìn, nghiêng tai nghe “Thiên thai”, “Suối mơ”, “Đàn chim Việt”, “Trường ca sông Lô”... được cất lên từ những giọng hát còn rất trẻ so với “độ tuổi” cổ điển của ca khúc Văn Cao, là Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Hạnh, Ngọc Thúy, Thùy Dung, Mỹ Linh, Ngọc Lan...

Hôm đó, đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi ở hàng ghế đầu, say mê nghe những ca khúc trữ tình và bi tráng, lãng mạn của Văn Cao. Sau đó, 3 đêm nhạc của Văn Cao tiếp tục được những người bạn nhạc sĩ tổ chức tại TP.HCM, quán Nhạc sĩ đông nghẹt người, không còn cả vé “đứng” cho những người đến chậm.

Sống mãi trong “Mùa xuân đầu tiên”

Ngày 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã kiến tạo một không gian thống nhất về văn hóa-văn nghệ, tạo lập một không gian thông thoáng, cởi mở, thân mật và giao hòa bằng hữu giữa nghệ sĩ 3 miền: Bắc-Trung-Nam. Và cũng tự nhiên, đã bùng nổ những cảm thức âm nhạc tinh khôi. Nên mới có sự xuất hiện duy nhất và mãi mãi-đó là “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao, viết năm 1976. Ông đã viết về mùa xuân đầu tiên trên quê hương hòa bình và thống nhất với một cảm thức âm nhạc lãng mạn, hồn nhiên đến trong vắt, thì thầm, dịu dàng như vọng về từ lòng đất mẹ-Việt Nam. 

“Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao không còn là một trong 4 mùa xuân-hạ-thu-đông, với nhịp đi hải hà của đất trời 4 mùa nữa, mà nó đã thăng hoa thành mùa hạnh phúc đong đầy, với “dặt dìu mùa xuân theo én về”. Hình ảnh người mẹ Việt Nam hiện lên trong ca khúc thật thân thương, hiền hậu: “Người mẹ nhìn đàn con nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh/ Niềm vui phút giây như đang long lanh...”.

Cả một tình tự dân tộc bừng lên hân hoan khi mùa xuân đầu tiên sau chiến tranh đã về, cái mùa xuân mơ ước đằng đẵng ấy của dân tộc-đã về. Ca từ của Văn Cao thật êm đềm, lạ biệt về tu từ, thật ấm áp, nao lòng về giai điệu. Và bất ngờ, đã được cất cánh thăng hoa thành tình tự dân tộc, để rồi “Từ đây người biết quê người/ Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người”. Điều đó đã khiến “Mùa xuân đầu tiên” là một ca khúc sau chiến tranh chống Mỹ còn xanh mãi với thời gian, mang dấu ấn sâu đậm nhất về tính cách âm nhạc đằm thắm và trữ tình Văn Cao.


NGUYỄN THỊ MINH THÁI


=============