Thứ Ba, 11 tháng 7, 2023

T. Vấn : Về Nhà văn Thế Phong " -- trích: T. Vấn & Bạn Hữu / September 4, 2011 ( Mỹ ).

 


T.Vấn: Về Nhà văn Thế Phong

 
 
 
 

Nhà văn 80 tuổi này đã có tới hơn 60 năm cầm bút kể từ khi truyện ngắn đầu tiên của ông xuất hiện trên nhật báo Tia sáng ở Hà Nội tháng 11 năm 1952 với bút hiệu Tương Huyền. Tuy ông chưa bao giờ giải thích, nhưng người đọc dễ dàng nhận ra lai lịch bút hiệu này. Ông tên Đỗ Mạnh Tường, sinh ngày 10-7-1932 tại Yên Bái. Có lẽ cái bút hiệu Tương Huyền là do tên thật của ông (Tường) mà ra. Từ bấy đến nay, trải qua bao thăng trầm của thế sự, bao biến thiên của lịch sử, ông vẫn còn cầm bút, vẫn cho ra đời những sáng tác đủ lọai. Những bút hiệu mới thay nhau ra đời: Thế Phong, Thế Nhật, Đường Bá Bổn . . .

Văn nghiệp của ông thật đồ sộ và đa dạng. Ông viết khảo luận. Ông dịch sách. Ông làm thơ, viết truyện ngắn truyện dài. Ngay từ khi chưa tới 30 tuổi, ông đã viết tự truyện (Tập Nửa Đường Đi Xuống, xuất bản lần đầu tiên dưới hình thức in Ronéo năm 1960 – Đây là một tập tự truyện, dù nhân vật chính trong đó không xưng tôi mà thay vào đó là ngôi thứ ba xưng Nguyên . – Tương tự như tác phẩm “Hoa Đào Năm Ngóai” nhà văn Thế Phong gởi đến cho T.Vấn & Bạn Hữu hồi tháng 8 năm 2011. Tác phẩm này – mà ông gọi là Truyện Vừa – có chỉ dấu thời gian viết ở cuối sách là: Đà Lạt 1966- Sài Gòn 1988 và đã được nhà xuất bản Thanh Niên in ở Sài Gòn năm 1988(?). Đọc “Hoa Đào Năm Ngóai”, người đọc dễ dàng nhận ra nhân vật T3-Văn Sĩ chính là tác gỉa, hay truyện vừa “Hỡi Linh Hồn Tôi” với nhân vật chính tên Đỗ– cũng do nhà văn vừa hiệu đính và gởi đến T.Vấn & Bạn Hữu – hòan tất ở Sài Gòn năm 2003 – chúng tôi có cho đăng tòan bộ truyện vừa này trong mục Tác Giả Tác Phẩm – Thế Phong của Ngộ Không Phí Ngọc Hùng).

Ngòai công việc viết lách, nhà văn Thế Phong còn chủ trương nhà xuất bản Đại Nam Văn Hiến, họat động ở Sài Gòn từ năm 1960, với hình thức in Ronéo. Trong bài “Tôi xuất bản Đại Nam Văn Hiến Cục như thế nào?” được ông tu chỉnh lần cuối cùng ngày 16 tháng 8 năm 2011 và gởi đến T.Vấn & Bạn Hữu ngày 17 tháng 8 năm 2011, ông trích dẫn lời Trần Trọng Phủ đăng trên “Văn Mới” số 2 (tạp chí Văn Mới do Thế Nguyên chủ trương và là tiền thân của tạp chí Trình Bày phát hành từ năm 1970 ở Sài Gòn sau này) nói về việc in sách bằng hình thức Ronéo *:

“ . . . Đến Thế Phong, một tiểu thuyết gia cách mạng lãng mạn của Hà Nội 1948-1954, một cây bút bình luận dưới bút hiệu Đường Bá Bổn, một người hoạt động vô cùng, tưởng như anh hùng không biết thấm mệt; trong mấy năm gần đây ở Saigon, còn là một nhà thơ. “ Thơ” và” Sách” của ông từ giai đoạn ông viết LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM tới nay đều được quay ronéo. Việc quay ronéo này không có gì lạ ở ngoại quốc, như ở Mỹ chẳng hạn, thi sĩ kiêm phê bình gia Yvor Winters quay tờ báo “The Gyrocope” bằng ronéo. Từ đó (ở Saigon) việc quay bằng ronéo, chỉ thấy ở Thế Phong- Đường Bá Bổn là tha thiết hơn cả. In với giá bán 100 đồng, 200 đồng- một tác phẩm quảng cáo không công cho những hãng kính thuốc! Tới nay, ông nghiên cứu quay những tập ronéo, với những mẫu bìa hấp dẫn hơn, và gía rẻ hơn; thì kết quả có phần khả quan hơn trước. Chúng tôi được một người bạn của Thế Phong tiết lộ: “ít lâu nay con số các thi nhân mới tìm tới Thế Phong cậy in tác phẩm ngày càng đông.”

Qua truyện vừa “Hỡi Linh Hồn Tôi”, tôi “đóan” nhà văn Thế Phong “may mắn” chỉ dính líu đến chế độ cũ qua vai trò “hạ sĩ quan đồng hóa” để làm việc trong tờ báo Lý Tưởng của binh chủng Không Quân thuộc QLVNCH, nên ông không phải “học tập cải tạo” dài hạn và vì thế, không có cơ hội đi định cư ngòai đất nước. Sau năm 1975, ông vẫn tiếp tục sự nghiệp văn học của mình, và ông cũng may mắn hơn nhiều người cầm bút miền Nam còn kẹt lại trong nước, đã có tác phẩm được xuất bản (thí dụ như hai quyển truyện “Hoa Đào Năm Ngóai” và “Hỡi Linh Hồn Tôi”. Trong bản gởi đến T.Vấn & Bạn Hữu, chúng tôi thấy ở ngay trang đầu là Logo và tên Nhà Xuất Bản Thanh Niên (trong nước).

Cái tên Thế Phong nổi lên ở Sài Gòn trước biến cố tháng 4 năm 1975 với rất nhiều phản ứng yêu ghét trái ngược nhau, nhất là trong giới cầm bút và hẳn nhiên có sự quen biết, hoặc những người có giao tình qua lại với ông. Nguyên nhân có lẽ cũng không có gì khó hiểu. Chỉ cần đọc hai truyện vừa (mang tính tự truyện) “Hỡi Linh Hồn Tôi”, và nhất là “Hoa Đào Năm Ngóai” (chúng tôi sẽ giới thiệu trong chuyên mục Tác Giả Tác Phẩm- Thế Phong 2 khi tới thứ tự vần T theo tên của ông) chúng ta có thể biết chút ít về nguyên nhân những trạng thái tình cảm trái nghịch người đương thời dành cho ông. Phạm vi bài ghi chép ngắn nhằm giới thiệu nhà văn Thế Phong không cho phép chúng tôi đi sâu hơn.

Thủ bút và Chữ ký của Thế Phong


Tuy nhiên, chúng tôi muốn được nhắc đến ở đây, một câu chuyện “bán lậu sách” hiện liên quan đến nhà văn Thế Phong. Trong số những tác phẩm mà ông gửi đến, chúng tôi có nhận được một bài viết than phiền về việc “in lậu” một số tác phẩm của Thế Phong(do Đàm Xuân Cận dịch và phát hành từ trước năm 1975), không xin phép tác giả của Amazon.Com. Vì lý do hạn hẹp trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi xin trích dẫn một đọan trong bài viết ấy của nhà văn Thế Phong, như sau:

“ . . . Vào thập niên đầu thế kỷ XXI, Amazon. com tung lên mạng nhiều cuốn sách chuyển ngữ tiếng Anh của tôi, do anh Đàm Xuân Cận dịch, in và phát hành trước 1975. Theo tôi biết một số Thư viện Mỹ đều có sách của tôi, chẳng hạn Cornell University Libraries, Library of Congress, Thư viện Đại học Iowa, SIU, Thư viện Cộng đồng Houston (bang Texas), Thư viện Quốc gia Úc châu vv… Ở Mỹ, nhà xuất bản chỉ vào thư viện lục ra đem phổ biến, không cần xin phép tác giả, bị phát hiện, bị khiếu nại trả bản quyền, thì thủ thế im lặng là đắc sách..

“ Thephong by Thephong, the writer, the work & the life– “ “ vừa bán used * from $64,99 vừa tung lên mạng Kindle Store, dạng ebook

( * T.P. chú thích : the used copy : bản COPY giống hệt bản chính) .

-” Thephong by Thephong; : The writer, the work & the life, autobiography; The Phong Books

www.amazon.com/Thephong-writer-work-life-autobiography/dp/B007 JUSLA 160K- CACHED SIMILAR ).

A Brief Glimpse at the Vietnamese literary scene, 1900-1956 / The

. . . . . . . . ..

Available in the National Library of Australia Collection. Author ThePhong, 1932-

Mới nhất là cuốn “ T.T.KH., Nàng là Ai?/ Thế Nhật ( tức Thế Phong) vẫn do Amazon.com tung lên mạng Kindle Store- và bán 1 used from $30,00 , không xin phép tác giả, tôi bèn gửi thư ngỏ khiếu nại tới Tổng giám đốc CEO Jeff Bezos yêu cầu trả bản quyền , .

Ở California, duy nhất một cơ quan báo chí thông tấn truyền thanh, truyền hình CALITODAY.COM đăng “Thư ngỏ gửi Amazon.com ( lần thứ 2)- phổ biến trên mạng Amazon.com ( ebook) T.T.KH., NÀNG LÀ AI? / THẾ NHẬT ( THẾ PHONG) ( ngày 20 June 2011).

-Ở trong nước, duy nhất có web ‘ VĂN NGHỆ NGƯỜI SAIGON – trang chủ: Nguyễn Việt. phổ biến trên mạng – ngày 6 tháng 7 năm 2011.

. . . .

Với tôi, chỉ còn một cách duy nhất là dâng lời cầu nguyện:

” Chúa ơi, xin Ngài tha thứ tổng giám đốc Jeef Bezos ( b.1962, d.— ) , đừng vội ngắt hơi thở, để anh ta được sống lâu hơn, mãn nguyện cung cách làm giàu trên xương máu các tác giả , thực thi dài dài kiểu “ piracy- copyright infringement” – thu lượm quả ngọt trên cành lại quên khuấy công lao kẻ trồng. Amen ! “(*)

[].

Saigon 27 July 2011 –Thế Phong

* Bản tu chỉnh sau cùng .( 16 August , 2011- TP chú thích ) . . .” ( Và gởi đến T.Vấn & Bạn Hữu ngày 17 August , 2011 – T.Vấn chú thích ).

Trong giới hạn một trang mạng thiên về văn học, chúng tôi trân trọng giới thiệu nhà văn Thế Phong cùng bạn đọc. Nhân đây, chúng tôi cũng chân thành cám ơn nhà văn Thế Phong đã có nhã ý gởi đến những tác phẩm, để chúng tôi có đủ nguồn tài liệu chính thức và một cách trân trọng, giới thiệu nhà văn đến độc gỉa Việt Nam thuộc mọi thế hệ, trong nước cũng như ngòai nước.

T.Vấn

4 tháng 9 năm 2011



*Theo Thế Phong, lý do đầu tiên ông chọn việc xuất bản sách dưới hình thức in ronéo thô sơ là “ không phải xin phép bộ Thông Tin”. Riêng cá nhân tôi, khi nhìn lại bức hình nhà văn Thế Phong – ở đầu bài viết này – do họa sĩ Tạ Tỵ vẽ năm 1971, là tôi nhớ ngay đến những tác phẩm của Đại Nam Văn Hiến mà hồi ấy, là một cậu học trò nhỏ, tôi đã sở hữu (tôi vẫn không thể nhớ được làm cách nào mình sở hữu chúng). Sách in ronéo thường trên giấy xấu, rẻ tiền, chữ in đôi khi không rõ, được trình bày thô sơ, kể cả tờ bìa. Vậy mà dạo ấy tôi vẫn quý chúng, thậm chí còn quý hơn những quyển sách được in ấn với kỹ thuật tối tân, chất lượng giấy tốt. Biến cố Mậu Thân 1968 chứng kiến sự xâm nhập của “những người anh em phía bên kia” vào các thành phố miền Nam, trong đó có cả Sài Gòn. Căn nhà nhỏ của bố mẹ tôi ở khu Bàn Cờ đường Nguyễn Thiện Thuật bị mấy người anh em đốt cháy rụi cùng với cả một khu xóm nghèo của dân lao động. Tủ sách bao năm nhịn ăn nhịn mặc chắt chiu của tôi cũng chịu chung số phận. Và hẳn nhiên, những tác phẩm in ronéo của nhà Đại Nam Văn Hiến không thể là ngọai lệ.

Dạo sau này, trong những dịp về Việt Nam thăm gia đình, tôi luôn luôn tìm thì giờ đi rảo quanh những khu sách cũ. Không phải để tìm những quyển sách cần tìm (vì với cuộc sống nhộn nhịp của thế giới ảo hiện nay, tôi đã có cơ hội tìm lại nhiều tác phẩm miền Nam cũ, dù là dưới dạng sách điện tử), mà là muốn tìm lại cảm giác đựơc sờ vào những trang sách nhám xạm, nhầu nát, vàng vọt – như những trang sách in ronéo của nhà văn Thế Phong – cùng với những bút tích của những người đã từng cầm đến quyển sách, đã từng đọc qua và đã tiện cây bút trên tay ghi lại đôi dòng cho . . . hậu thế. T.Vấn

 

©T.Vấn 2011


                                          -----------------------------------

                                            - bài đăng lại, 12/7/ 2023

                                           ----------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét