NƯỚC NÀO NHIỀU NGƯỜI ĐỌC SÁCH
CŨNG VĂN MINH HƠN...
C ái thú đọc sách, đọc tiểu thuyết của tôi đã nói đến rất nhiều (....). Nhân loại còn thì còn có người đọc sách; nước nào có nhiều người đọc sách bao giờ cũng văn minh hơn những nước không đọc sách,thờ ơ hoặc người ít đọc.
Ở nước ta thịnh hành nhất là lối tiểu thuyết bằng thơ như "Đoạn trường tân thanh," "Phan Trần," "Hoa Tiên," "Bích câu kỳ ngộ "vv... hay những truyện rất nôm na như "Thạch Sanh", "Phạm Công-Cúc Hoa."
Ở bên Trung hoa hầu hết là tiểu thuyết bằng văn xuôi, phần nhiều là tiểu thuyết lịch sử có tính cách răn đời, càng về sau trình độ càng kém; vì truyện chỉ dựa vào dị đoan, những phép tiên, rồi sau cùng đến truyện kiếm hiệp có tính cách khiêu dâm để câu độc giả.
Ở bên Nhật vá các nước Tây phương số sách và độc giả nhiều quá sức tưởng tượng. Không một ai có thể tự hào là đọc được hết tiểu thuyết của nước mình, cho dẫu cả đời chỉ chuyên đọc sách. Riêng tôi, tôi đã đọc đến sáu trăm cuốn tiểu thuyết trinh thám Anh Mỹ ( truyện trinh thám Pháp tôi đọc rất ít, vì thực ra rất ít cuốn hay; ngoài Maurice Leblanc và Gaston le Roux; gần đây có Simonet ( sic) viết 170 cuốn, nhưng đọc vài ba truyện mà người Pháp ca tụng, tôi đành rút lui ngay ). Có một điều chính là ai thích đọc loại nào thì đọc loại ấy, và cứ xem những sách của một người, ta có thể biết người ấy ( ra sao). Câu "văn tức là người" có thể đổi ra "sách đọc tức là người".
Có một câu áp dụng về việc đọc sách rất nhiều ý nghĩa; "Ở các quán trọ Y-pha-nho (Italia), anh tìm thấy ở đấy cái gì mà anh đem đến". Nghĩa là khi mình đọc một cuốn sách, mình đã định tâm tím cái gì thích thú cho mình trong cuốn sách đó mà mình không bao giờ đọc một cuốn truyện mà bản tính không ưa. Nếu thế.thì sự đọc sách chỉ là một cái tội nợ, không đem lại lợi gì, chỉ trừ sách cần đọc để nghiên cứu, để thi cử; hay để hiểu một điều gì mình muốn hiểu.
Một người thích truyện kiếm hiệp giở cuốn "Chiến tranh & Hòa Bình" của Léon Tolstoi ra , chắc chỉ đọc vài chục trang sẽ tự hỏi:" Cả thế giới ai cũng khen Tolstoi, không biết truyện này hay ở chỗ nào; viết gì mà lạt lẽo như thế này, có mỗi buổi dạ hội mà cũng kéo dài hơn trăm trang"; rồi người ấy bỏ sách, đi lấy cuốn" Ngũ Hổ Bình Nam" hoặc" La Thông tảo bắc" và tấm tắc khen: " truyện phải thế này mới là truyện chứ!".
Người khác đọc "Ngũ Hổ Bình Nam" hay "La Thông tảo Bắc" , đến những chỗ các tướng quay bửu bối hóa mây đen, gươm dao, hổ sói hùm lang; họ cũng quẳng sách qua cửa sổ, và nói: " truyện gí mà quái qủy như vậy". Rồi họ lấy cuốn" Chiến Tranh & Hòa Bình" ra đọc mê man, có khi đọc đi đọc lại càng thấy truyện hay hơn những lần trước.
Trước khi đọc một cuốn sách nào mình cần phải tự hỏi mình định tìm cái gì ở trong truyện ấy. Riêng tôi, tôi đã đọc độ vài ba trăm cuốn tiểu thuyết Việt, ba bốn chục truyện Tàu, năm sáu trăm truyện trinh thám của Anh Mỹ, và cũng quãng chứng ấy, những truyện đủ các loai khác của Anh Pháp Mỹ; từ cuốn' Đỏ Đen" của Stendhal, Midlemarch của Eliot, Jan Eyre của Charlotte Bronte, Ethan Frome của Edith Wharton, đến những truyện gần đây như Human Bounding (Thân phận người đời) của Somersest Maugham, The Old Man & The Sea (Ông Già & Biển cả) của Hemingway v..v...
Tất cả những truyện ấy tôi đã đọc hết, nhưng không bao giờ tôi dại dột đi tìm những "phép tiên" ở cuốn Human Bounding, và cũng không dại dột đi tìm những cái ý nhị sâu sắc ở các truyện trinh thám của Phạm Cao Củng, những truyện tân thời của Phú Đức, hoặc những truyện phóng tác của bà Tùng Long(*)
---
(*) Tôi thấy nói "Bút Việt"(Pen Club- TP. chú thích) sở dĩ không mời bà Tùng Long, vì bà phóng tác các truyện của người khác mà không đề của ai. Đấy cũng là một lối đạo văn, nhưng còn chịu khó biến đổi đi. Trong nhiều trường hợp, họ cứ cóp nguyên văn đăng lên báo, rối ký tên mình. Thí dụ một trường hợp tôi được biết khi tình cờ đọc truyện ngắn dự thi trong báo "Tiếng Chuông" . Ngày 2/2/1961 số 2991, báo ấy đã đăng một truyện ngắn dự thi số 10383 nhan đề là "Tình mẫu tử" của Duy Thanh cóp nguyên văn truyện "Con đã về" của bà Nguyễn Thị Vinh đăng ở "Văn Hóa Ngày Nay", số 3 tháng 8 năm 1958, và mới đây in trong tập truyện"Men Chiều" xuất bản tháng 7 năm 1960. ( Chú thích: Nhất Linh).
----
Lối đọc truyện cũng có hai thứ: một là đọc thầm lặng, vừa đọc vừa suy nghĩ; hai là đọc thành tiếng hay nghe người khác đọc lại.
Tôi còn nhớ khi mới lên 11 tuổi, các anh em bạn học cùng trường ở chung một nhà trọ thường góp tiền để thuê các truyện Tàu; nhưng vì thì giờ ít ỏi, giờ cho thuê sách lại hạn chế, nên phải ngồi quậy quần rồi ai tốt giọng và đọc nhanh, thường được anh em giao phó cho công việc" đọc truyện". Người đọc phải đọc thật nhanh, không được ngừng lấy nủa phút, uống nước phải có anh em khác rót bưng tận nơi; hầu như hầu một ông chúa. Có khi vừa đọc vừa uống. Tôi còn nhớ đại khái anh bạn trẻ đọc đến chỗ:
" Trình Giảo Kim hươi búa xông tới Phiên tướng, nạt lớn rằng :" cho tôi xin chén nước chè . nhà ngươi khá xưng tên họ ta không thèm đấu với tên vô danh tiểu tốt. Phiên tướng cũng hươi chùy đồng la lớn: " ta là Tổ Xa Luân Đại nguyên súy, chè đặc quá pha cho tôi thêm ít nước lã. Bỗng nhiên mây đen kéo đến mù mịt Đồ Lư, công chúa vừa toan tung cây phi đao thì... ấy chết, mẹ tôi về. Anh em mau mau giở sách Lecon de choses ra muốn nhuộm màu x anh người ta lấy cây chàm đem giã nhỏ ra. Lúc ấy mọi người đều muốn độn thổ. Bà mẹ đi khỏi, anh bạn trẻ tôi lại tiếp luôn: Tổ xa Luân bị phi đao liệng xuống cụt tay phải. Thừa thế Tần thúc Bảo đâm cho một thương trúng yết hầu, quân Phiên chạy như ong, bị quân Đường ùa giết máu chảy thành sông. Thương thay cho Tổ xa Luân sức địch muôn người mà thây bị băm làm trăm mảnh, Tần thúc Bảo đem việc giết được Tổ xa Luân, báo cùng Cao Tổ rồi truyền mở t iệc khao thưởng ba quân; giá lúc này có mấy cái kẹo tranh ăn thì hay quá. tiền đây, anh Tam chịu khó chạy ra hiệu Ích Phong...
Tôi hậm hực chạy như gió (nhanh hơn cả đằng vân) đi mua kẹo, lúc trở về thì đã mất đoạn Trình giảo Kim làm mai để Đồ Lư công chúa kết duyên cùng La Thông...
Nếu bây giờ cũng còn lối đọc to như vậy, và cũng có một số đọc truyện" Giòng Sông Thanh Thủy" của tôi, đến chỗ Ngọc giết xong Nghệ và Tứ:
" Ngọc ngửng nhìn lên; trời cao và xanh, lơ lửng một vài đám mây trắng. Các ngọn núi bao bọc chung quanh dưới ánh nắng mùa thu trong đó có một vẻ đẹp rực rỡ mà vẻ đẹp của trời thu như còn xa hơn nữa; hừ anh Kính cho thêm hộ nước đá vào cốc Coca cola; nắng đẹp ở vườn sau nhà Thanh, nắng làm dám mấy quả lựu, và làm hồng đôi má nàng đương đứng ngắm những cánh hoa lựu trắng, nắng còn đẹp ở những nơi xa hơn nữa... gớm hôm nay nóng thấy mồ, mai chúng mình phải lên Đà Lạt mới được, có đi thì cần đi thật sớm, chiếc DS 19 anh đã bảo cho dầu mỡ chưa... ở nhà Tứ lúc này Nga đương ra vườn cất quần áo đã khô lòng chợt nhớ đến chồng...Lệ Thủy ở Night Club thấy chúng mình lên mừng lắm đấy..."
Được cái may là bây giờ phần đông đọc truyện âm thầm, chỉ trừ các cụ già mắt kém nhờ cháu đọc cho nghe. Có một lần mẹ tôi bảo cháu đọc truyện ngắn' "Một đêm trăng" của Thạch Lam:
" Trăng mỗi đêm mỗi... to sáng hơn. Từ chiều gió... thơm nhẹ đã thoảng tới: bông hồng nhung.. thẫm tan... vào đêm tối còn bông...ứ à hồng trắng càng... trắng mát thêm... Tuân cúi xuống.."
Về phần tôi, thực tình lúc đó cũng muốn có phép độn thổ đằng vân hay có ông lang tới thăm bệnh mẹ tôi...
Trước kia Charles Dickens có sang Mỹ đọc truyện của mình cho công chúng, và rất được hoan nghênh; nhưng cái tài đọc truyện rất hiếm vậy tốt hơn hết là đọc một cách lặng lẽ; có như vậy mới thưởng thức được hết những cái hay ý nhị, sâu sắc, và để hồn phiêu diêu vào một thế giới thanh tao, hoặc để tâm trí suy nghĩ về những điều mình đương đọc.
Có một điều tôi cần nhấn mạnh là tâm hồn không ăn nhập gì với văn bằng hoặc tiền của. Một nhà triệu phú, một ông tiến sĩ có khi không có một tâm hồn phong phú như một người buôn thúng bán mẹt ở chợ; có lắm khi người đỗ cao, giầu có mà vẫn sống ù lì như cây cỏ, chỉ đi tìm những thú vui tầm thường như cờ bạc, khiêu vũ vv..."
Con người" không sao định giá trị bằng tiền của hay văn bằng được. Dân nước mình cũng như dân Nhật đều là những dân tộc có tâm hồn nghệ sĩ. Vậy những ai ít học không nên vì lý do ấy mà bỏ cái thú thanh tao đọc sách như trên kia tôi đã nói, và các bạn nghèo - tức là số đông- sẽ là những độc giả thúc đẩy mạnh nhất nền văn hóa nước nhà. Trừ một vài truyện về triết lý ra, các bạn có cơ hội đọc những sách hay của thế giới; thí dụ" Chiến tranh & Hòa bình" của Tolstoi," Đỉnh gió hú" của Emily Bronte, " Cuốn theo chiều gió" của Margaret Michell, các bạn sẽ thấy không có gì khó hiểu cả, những truyện đó rất gần các bạn mà nếu chịu đọc lần thứ hai, các bạn sẽ thấy hay hơn lần trước; các bạn sẽ được hưởng cái thú thanh tao, có thể tự hào mình là những người văn minh hơn các tay triệu phú ở nhà lầu, đi xe hơi; nhưng tâm hồn nghèo nàn, có rất nhiều phương tiện đọc sách mà lại chỉ đi tìm những thú vui vật chất rất tầm thường.
Tôi không thể không nghĩ đến điện ảnh đã làm cho các bạn biết được rất nhiều tiểu thuyết của các văn hào. Nhưng điện ảnh phần nhiều nông cạn, truyện càng hay bao nhiêu thì khi đem trình diễn ra phim càng kém đi bấy nhiêu. Có thể nói cuốn" Chiến tranh & Hòa bình" khi chiếu lên màn ảnh thì cái hay mười phần họa chăng còn độ hai ba.
Sự thích của độc giả lại còn tùy theo tuổi tác. Lúc còn nhỏ tôi đa đọc cuốn" Vô gia đình" một cách say mê, đến nay đọc lại, tôi thấy cuốn đó là một cuốn tầm thường. Phần đông phải hai mươi tuổi trở lên mới đọc được đủ các loại sách. Đối với những cuốn tả những cảnh u uẩn, khuất khúc, cần phải nhiều tuổi hon, sống nhiều mới hiểu đầy đủ được cái hay.
Để kết thúc, tôi dẫn ra một thí dụ có rất nhiều ý nghĩa : Cuốn" Đồi thông hai mộ" là một cuốn hết sức tầm thường; cuốn ấy nếu xuất bản ở trong Nam có lẽ không ai đọc. Thế mà ở miền Bắc, người ta đã giấu diếm truyền cho nhau xem; không những thế có những người thức luôn mấy đêm chép tay để đọc, và để đưa các bạn bè tin cẩn đọc rồi cứ thế một ngày một lan rộng; bởi vì họ đã chán ngấy những tiểu tuyết hết ca tụng cái nọ đến cái kia, đều đều môt giọng.
Một hôm ngồi nói chuyện với thi sĩ Đông Hồ, thi sĩ có nói một câu đầy ý nghĩa:
"một người thợ suốt ngày làm ở nhà máy, không bao giờ đem những chuyện tả cảnh làm việc trong nhà máy, cho dẫu tả sự khổ sở lầm than của một công nhân hay tả vẻ đẹp riêng của cái máy chạy; người ấy nếu có thì giờ nhàn rỗi tất sẽ coi những truyện " mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây".
Như vậy, người nào đọc truyện nào tùy sở thích riêng, nhưng phải luôn luôn cố gắng tìm cái hay ở những truyện hay; họ sẽ được hưởng những thú thanh tao, tâm hồn họ sẽ đẹp hơn, và họ sẽ là những người văn minh hơn. Sự cố gắng ấy không những lợi cho riêng họ mà lợi chung cho cả một dân tộc; vì sự đòi hỏi của độc giả, các nhà văn cần phải chịu khó chăm chú về nghệ thuật, bỏ lối văn "cao su" và dễ dãi; nền văn hóa của cả một dân tộc sẽ phong phú hơn.
Không phải ở các nhà văn mà chính là ở sự đòi hỏi của đa số dân chúng nên ở các nước Âu Mỹ và Nhật Bản mới có một lâu đài đồ sộ về văn hóa vượt xa nước mình một bực.
Kể riêng về mặt văn hóa, nước mình có một số nhà văn có thể sánh ngang với các nhà văn nước khác; nhưng trình độ độc giả lại thấp kém; các nhà văn Việt Nam không thể sống nổi được, nếu cứ cố viết ra có nghệ thuật cao. Vì sinh kế họ sẽ phải viết theo thị hiếu của độc giả mới có ngưới coi, và sách mới bán được. Nền văn hóa của một nước cao hay thấp không phải ở chính các nhà văn mà chính là ở độc giả.
Riêng tôi, tôi không muốn ngừng lại, khi viết những dòng chán nản này. Hai cuốn "Đỏ & Đen" của Stendhal và" Đỉnh gió hú" không được người đương thời ưa chuộng; nhưng sau cùng hai cuốn đó lại là những cuốn hay nhất trong dăm cuốn hay nhất của nước Pháp, và của nước Anh. Chậm tuy có chậm, nhưng cũng kim cương trong bóng tối, lan mọc trong hang, thế nào cũng có ngày ánh sáng long lanh, và hương thơm ngào ngạt.
Có một điều, tôi rất tiếc, khi viết cuốn này, là như trên đã nói - tôi thiếu rất nhiều tài liệu để dẫn chứng.
Cũng may nhờ có thi sĩ Đông Hồ (từ năm 1952) ông Vương Hồng Sển, Thư viện Quốc gia cạnh trường Trương Vĩnh Ký, và một số bạn thân, gần đây cho mượn sách, nên tôi mới có đôi chút tài liệu. Mong khi in lần thứ hai, nếu không quá bận về việc sáng tác sẽ xin bổ khuyết những thiếu sót đó.
Lời bàn của TP:
Có thể nói tập sách biên luận nhỏ này, Nhất Linh viết vào thời hậu chiến, trước khi ông qua đời hai năm (1963) - bàn về đọc và viết tiểu thuyết. Thường ra, các nhà văn tài ba thực sự , danh tiếng trên thế giới; ít ai viết loại sách dạy viết văn phải thế này, thế kia , ngữ và nghĩa ra sao, câu văn nào hay ho để làm mẫu vv. và vv..-( kiểu mấy thầy dạy văn chương tán nhảm thì nhiều, giá trị ít; đem bài giảng in thành sách bán cho học trò, và độc giả ham thích văn chương, thâu lợi nhuận )- mà họ chỉ bấy tỏ tâm tư cùng kinh nghiệm viết ra sao mà thôi. Riêng tôi, đọc xong cuốn này, thấy đáng trích hai chương " Tiểu thuyết không cần văn chương" và " Đọc tiểu t huyết" để độc giả suy ngẫm . Một điều nữa, Nhất Linh nói khá chính xác" văn chương một nước tiến bộ không chỉ nhà văn trách nhiệm mà một phần ở trình độ đọc sách độc giả cùng gánh trách nhiệm chung.: cho tương lai văn hóa một nước tiến bộ hay không tiến bộ.
1952-1960.
Trích trong "Phần thứ III" Đọc Tiểu Thuyết" của Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam, (Đời Nay xuất bản, Saigon 1961)- từ trang 95 đến 106.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét