Nhà văn Y Ban: 'Tôi viết về tình dục ở tuổi 50 khác tuổi 20'
Nhà văn chia sẻ ở thế hệ của chị, tình dục là sự lãng mạn tuyệt vời, là sự chưng cất thăng hoa, còn bây giờ sex được thể hiện một cách trần trụi.
- Tiểu thuyết thứ tư, vừa xuất bản năm qua, của chị là "ABCD" - cái tên rất gây tò mò với người đọc. Chị hãy chia sẻ đôi điều về tiểu thuyết mới?
- ABCD là những lát cắt hỗn hợp về các gia đình Việt Nam hiện đại, xoay quanh cái ác trong xã hội thời nay. Cuốn tiểu thuyết mới của tôi được viết không theo chương 1, 2, 3... mà theo các chữ cái A, B, C... tuy vậy, các chữ cái cũng không theo thứ tự mà thường nhảy cóc, có khi đang A, B thì bỗng tới đoạn D hoặc F. Kế tiếp là nội dung như ma trận, chương này kể chuyện gia đình này, qua chương sau là chuyện của gia đình khác; câu chuyện đang ở hiện tại, qua đoạn sau lại là quá khứ mà không có sự chuyển đoạn hay nối tiếp gì.
Tôi để cho độc giả phải đi tìm cốt truyện. Có thể nói, truyện giống như một chiếc gương to bị tôi ném xuống đất để vỡ hết ra, người đọc cần tìm từng mảnh vỡ để chắp vào. Mới đầu vào truyện, khán giả sẽ bị rối nhưng rồi câu chuyện sẽ sáng rõ dần như tấm gương vỡ được ráp lại.
Tiểu thuyết của tôi có ba tuyến nhân vật: linh hồn một chàng trai tìm về nhà cũ để khám phá bi kịch gia đình lúc còn sống; một cô gái mồ côi tên Phũ bị cha nuôi cưỡng dâm, lấy chồng què, rồi bị con dâu đầu độc chết; một người đàn bà từng bỏ rơi chính con ruột của mình, giờ muốn làm lành với mẹ ruột.
Với tác phẩm ABCD, tôi muốn chứng minh chỉ có tình yêu thương mới hóa giải được những bi kịch con người gây ra.
- Không khí cuốn tiểu thuyết mới tương đối u ám và hỗn loạn, chị lấy cảm hứng từ đâu để viết câu chuyện này?
- Thực chất thì sách không hỗn độn như vậy, có cả cái ác và cái thiện, trong truyện có cả sự căm ghét và sự yêu thương vô bờ. Tôi lấy chất liệu từ cuộc sống xung quanh quan sát được, nhiều chi tiết cụ thể trong truyện đến từ chính những mảnh đời xung quanh nhà tôi.
- Phong cách viết của chị khác nhau thế nào từ tiểu thuyết "Đàn bà xấu thì không có quà" (2004) cho đến "ABCD" (2014)?
- Bốn tiểu thuyết của tôi có bốn phong cách khác nhau. Ở Đàn bà xấu thì không có quà, cấu trúc là những buổi sáng, buổi trưa, ban đêm và buổi tối của nhân vật chính - nàng Nấm. Cuốn thứ hai, Xuân Từ Chiều viết liền một mạch 250 trang không xuống dòng. Cuốn thứ ba - Trò chơi hủy diệt cảm xúc - 10 chương là 10 truyện ngắn vừa độc lập vừa nối kết. Cuốn thứ tư ABCD là những lát cắt hỗn hợp không theo chương như tôi đã nói.
- Chị thường sáng tạo những nhân vật rất dị hoặc bị tàn tật: Từ nhân vật cô gái xấu chân ngắn trong "Đàn bà xấu thì không có quà", nhân vật người đàn ông bị liệt trong "I am Đàn bà", đến nhân vật chính trong tiểu thuyết mới là người đàn ông tên Phàng bị liệt và hai chân khép chặt vào nhau tới nỗi anh ta không thể thân mật với vợ theo cách thông thường. Tại sao truyện của chị thường có nhân vật cực đoan như vậy?
- Họ tuy dị dạng, tàn tật nhưng trong mắt tôi bao giờ cũng là những người cực đẹp, có tâm hồn tuyệt vời, là cái đẹp được chưng cất. Còn những người đẹp thì lại dị dạng về tâm hồn: Ví dụ như nhân vật cô gái tẩm thuốc độc cho mẹ chồng chết trong truyện mới là người rất đẹp.
- Là tác giả nữ táo bạo khi viết về tình dục, từng gây chú ý và thậm chí tranh cãi. Vậy viết về tình dục ở tuổi 50 với chị khác gì khi ở tuổi 20?
- Tất cả truyện táo bạo của tôi đều viết ở tầm 50 tuổi, bắt đầu từ I am Đàn bà năm 2007. Thực ra, từ những thập kỷ trước, thời chúng tôi còn trẻ, chúng tôi nhìn nhận vấn đề tình dục là một sự lãng mạn tuyệt vời, là sự chưng cất rất thăng hoa nào đó. Chúng tôi thường ngồi cạnh nhau, cầm tay nhau đã thấy rất thỏa mãn. Trong Bức thư gửi mẹ Âu Cơ viết hồi 1989, có chi tiết "khi anh ấy đặt môi lên cô ấy thì trái đất ngừng thở".
Đến bây giờ, mọi sự trần trụi đến tàn nhẫn, tình dục với con người dường như chỉ để thỏa mãn mọi giác quan. Tôi cho rằng vì sex trần trụi nên nó làm bùng phát cái ác. Sự ghen tuông mù quáng của dục vọng là khởi nguồn của cái ác. Chỉ có tình yêu là điều tuyệt vời nhất trên đời.
- Sau hơn hai thập kỷ viết văn với nhiều tập truyện ngắn, truyện dài được biết đến và giành được các giải thưởng, chị tự nhìn nhận con đường văn chương của mình thế nào?
- Văn chương của tôi mang gương mặt đàn bà. Tôi trưởng thành hồi đầu thập niên 1990, thời văn đàn "âm thịnh dương suy" với hàng loạt cái tên như Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh, Phạm Thị Minh Thư, Nguyễn Thị Huệ, Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà.
Tôi là một trong những nhân vật của thời kỳ này và các sáng tác của tôi trước nay chiếm phần lớn là về đàn bà. Những nhân vật đàn bà của tôi đại diện cho mọi tầng lớp trong xã hội, có thể là một quý bà tiến sĩ cho đến chị lao công, người đàn bà đẹp và người đàn bà tàn tật. Tôi viết về họ với đầy đủ hình hài và diễn biến tâm lý gắn liền với thời họ sống.
- Truyện của chị giàu hơi thở cuộc sống. Chị nghĩ sao về khả năng chúng được chuyển thể thành phim?
- Tôi có hai nguyên tắc: 1. Không xem truyền hình Việt Nam. 2. Không bán bản quyền sách của mình để làm phim truyền hình. Lý do là các vấn đề tôi viết trên truyện thì rất gợi và khiến người đọc nắm bắt được chi tiết tôi viết. Nhưng phim truyền hình Việt Nam chúng ta làm chưa tới và tôi chưa đủ tin tưởng.
Còn I am Đàn bà đã được đạo diễn Việt Linh đã mua từ năm 2008 với giá 2.000 USD, bán bản quyền trong 10 năm. Hiện tại phim chưa làm được nên lại gia hạn tiếp bản quyền đến 2023.
Vũ Văn Việt thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét