Nhà văn Lê Văn Nghĩa và tâm hồn Sài Gòn
SKĐS - "Bữa nào, em dìa Sài Gòn đốt nhang viếng anh sau…". Đó là lời tiễn biệt nhà văn Lê Văn Nghĩa của ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương).
“Vài dòng đưa tiễn “đại ca” về miền lạc cảnh
Vậy là sau bao đau đớn bởi căn bệnh ung thư quái ác, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã qua đời vào đêm 25/7. Vẫn biết trước khi rời cõi tạm, nhà văn mắc bệnh hiểm nghèo song nhiều bạn văn, độc giả của Lê Văn Nghĩa không khỏi thương cảm, nhất là khi TP.HCM – nơi ông đã từng sinh sống, hiện nay đã siết chặt quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Minh Nhựt cùng "đại ca" Lê Văn Nghĩa tại một lễ ra mắt sách cho kiều bào Pháp
Khi tại thế, Lê Văn Nghĩa và ông Nguyễn Minh Nhựt, nguyên Tổng biên tập, Giám đốc NXB Trẻ vốn là hai người anh em thân thiết. Cũng chính ông Nguyễn Minh Nhựt là người biết sớm nhất tin nhà văn qua đời trong đêm 25/7. Bởi quen thân như ruột thịt trong nhà, ông Nguyễn Minh Nhựt cũng đau đớn khi nhà văn Lê Văn Nghĩa qua đời. Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ đã có “vài dòng đưa tiễn đại ca” về miền lạc cảnh.
Em đây thuộc lớp hậu sinh, nhưng do duyên phận gặp được ông anh khi về Tuổi Trẻ. Anh và một số ông anh khác, bằng sự tử tế và bao dung, đã chấp nhận và chỉ dạy thằng em nhiều điều. Và thật tự nhiên, chả biết từ lúc nào, khi thấy số anh gọi đến, em đều lên giọng tấu hài theo kiểu lồng tiếng phim Hồng Kông : “Dạ. Em nghe đại ca”. Những người thân quen, đều biết là “đại ca” gọi. Khi thì trao đổi công việc, khi thì “mấy giờ? ở đâu? với ai?…”.
Anh em mình ngồi nhiều đến mức mà mỗi khi em đến trước (và thường là em đến trước, phận đàn em mà), em đều chủ động kêu mồi mà không cần phải đợi anh. Vì em biết anh ăn được những gì và những gì anh được ăn,… Nói sao cho hết những kỷ niệm vui buồn và kể cả “sinh tử” của hai anh em. Nhớ có lần anh off máy, tự vào Bình Dân mổ, không làm phiền anh em. Em và anh Đặng Hồng Ân truy cho được nơi anh đang ở rồi nửa đêm leo cổng bệnh viện vào thăm anh. Hay nhớ khi em chuẩn bị chuyển công tác về NXB Trẻ, anh ghé phòng em và tặng em một cuốn sách photo “Nghề xuất bản và nghề bán sách”, một quyển sách dịch về nghề xuất bản ở Pháp do NXB ĐH Huế xuất bản năm 1965. Anh nói: “Sách này quý nên tao chỉ tặng mày bản photo…”.
Đầu tháng 2/2019, dịp Tết Nguyên Đán, hai anh em khăn gói đi giới thiệu sách cho kiều bào ta tại Pháp. Em ham chơi, lãng tử, thích thuê xe tự lái lang thang trời Âu. Chiều hôm ấy, mưa nhiều, em lái xe nhầm vào đường Tram. Xe bị sa lầy, loay hoay tìm người đẩy phụ… Anh thân già bệnh hoạn, liều mình như chẳng có, lao ra giữa đường để chặng đoàn Tram… Thiệt là một kỷ niệm “sinh tử” nhớ đời. Cũng năm đó, hai anh em uống vang đón giao thừa cạnh đường tàu ở Köln. Anh nói: “sau giải phóng, đây là lần thứ hai tao đón giao thừa không phải ở nhà. Lần đầu, là lúc còn đi học ngoài miền Bắc…”. Khi đó, em thoáng lặng người. Tác giả không chỉ lao tâm khổ tứ để sáng tác ra tác phẩm mà còn phải hy sinh nhiều thứ khác để mong tác phẩm đến với đời…
Kể chơi vài chuyện tiễn anh lên đường thôi nha “đại ca” chứ chuyện của hai anh em mình cũng bộn bộn, kể sao hết…Bữa nào, em dìa Sài Gòn đốt nhang viếng anh sau. Anh đi nha “đại ca”! – ông Nguyễn Minh Nhựt chia sẻ.
Chân dung nhà văn Lê Văn Nghĩa qua nét vẽ của nhà báo, nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân
Với nhà báo – nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân, người cũng vừa bị tai biến và vượt qua bạo bệnh, gần đây tìm đến hội họa để chống trầm cảm những ngày cách ly, "tin nhà báo nhà văn Lê Văn Nghĩa mất thật là đau buồn”. Nhà báo, nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân cho biết, anh và Lê Văn Nghĩa gặp nhau không nhiều lắm, nhưng cũng có những dịp làm việc cùng nhau.
Nhà báo Lê Văn Nghĩa và Huỳnh Dũng Nhân làm ban giám khảo cuộc thi vẽ biếm họa đề tài Tiết kiệm điện.
Khi tôi về Hội Nhà báo, anh có mời tôi tham gia Ban giám khảo Giải Trái Cóc Xanh của Báo Tuổi Trẻ Cười, và khi Tạp chí Nghề báo tổ chức cuộc thi vẽ tranh biếm họa về đề tài Tiết Kiệm Điện, tôi cũng mời anh tham gia Ban giám khảo.
Gần nửa thế kỷ qua… Vẫn đọc nhau. Vẫn tặng sách cho nhau. Vẫn thấy nhau đó đây trong cuộc sống đầy bận rộn này, gặp nhau ít mà quý nhau nhiều, con người siêng viết, chân tình, sống tốt tính, nhân văn. Trên FB của anh … thấy bài cuối anh đăng lên là ngày 28-4-2021 khi đăng một lời cảm ơn NXB Tổng hợp đã trưng bày sách của anh trong ngày Hội sách Việt Nam. Rồi từ đó không gặp anh.
Vậy mà….Nghìn trùng xa cách, Người đã đi rồi… Vĩnh biệt một người bạn, một đồng nghiệp trong gần nửa thế kỷ này, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ.
Vui và viết đến những phút cuối đời
Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953, thời thanh niên từng tham gia phong trào học sinh - sinh viên yêu nước xuống đường đấu tranh trước năm 1975, bị bắt giam, từng bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Cuộc đời của nhà văn Lê Văn Nghĩa gắn với nghiệp cầm bút ở cả lãnh địa báo chí và sáng tác văn học.
Một số tác phẩm của nhà văn Lê Văn Nghĩa đã xuất bản
Ông là chủ biên báo Tuổi trẻ cười từ năm 1975 đến 2015, với các bút danh: Hai Cù Nèo, Điệp Viên Không Không Thấy, Đại Văn Mỗ… với nhiều bài viết thể loại trào phúng, bình luận sâu cay được bạn đọc yêu thích. Sau khi về hưu, nhà văn Lê Văn Nghĩa vừa chống chọi với bệnh ung thư song không ngơi nghỉ công việc viết lách. Đặc biệt, nhiều người không nghĩ rằng một ngòi bút chuyên viết trào phúng như Lê Văn Nghĩa lại có thể khiến người đọc xúc động khi đưa những suy nghĩ, cảm xúc vào văn chương.
Trong hành trình đến văn chương, Lê Văn Nghĩa đã xuất bản: Mùa hè năm Petrus (2012), Chuyện chán phèo (tập truyện trào phúng, 2013), Nếu Adam không có xương sườn (2015), Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (tập truyện, 2015), Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (tập truyện, 2016), Nỗi buồn đàn ông (tập truyện trào phúng, 2017). Những năm cuối đời, căn bệnh ung thư mang trong người cũng không ngăn cản được ông cầm bút. Lê Văn Nghĩa lần lượt ra mắt các cuốn sách: Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (NXB Trẻ, 2018), Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (NXB Trẻ, 2020), Văn học Sài Gòn 1954 - 1975 những chuyện bên lề (2020).
Lê Văn Nghĩa viết nhiều về Sài Gòn xưa
Những năm cuối đời, Lê Văn Nghĩa viết nhiều về Sài Gòn xưa với tốc độ khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Có lẽ Sài Gòn chính là tâm hồn của nhà văn Lê Văn Nghĩa nên sách về Sài Gòn của ông được tái bản nhiều lần, câu chữ trong tác phẩm chạm đến trái tim người đọc yêu quý Sài Gòn. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi đọc bản thảo Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy, sau đó đã viết lời giới thiệu cho tác phẩm này.
Nguyễn Nhật Ánh đánh giá: “Đọc truyện này của Lê Văn Nghĩa, có cảm giác đọc tác phẩm của một nhà phong tục học”. Tác phẩm đã tái dựng lại đời sống một thời. “Những sinh hoạt, nghề nghiệp, lời ăn tiếng nói của một vùng đất, một thời đại hiện lên sinh động như một cuốn phim tư liệu. Đọc truyện thiếu nhi của Lê Văn Nghĩa mà có cảm giác như đọc sách biên khảo của Sơn Nam hay Vương Hồng Sển”, cũng theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Sinh thời, nhà văn Lê Văn Nghĩa từng chia sẻ: “Nếu bạn nào bỏ tiền mua sách của tôi mà đọc thấy chán quá, thì nói thật tình, cứ gặp tôi, tôi sẽ gửi lại tiền mua sách cho các bạn. Tôi nghĩ cần có thái độ sòng phẳng với độc giả như thế”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét