Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

bài đáng đọc : " Lại về vua đạo văn của Sài Gòn trước đây HOÀNG TRỌNG MIÊN - ý kiến của nhà văn Nguyễn Hồng Lam " / Hà NỘI -- trích: Giao Blog ( Hà nỘi)

 

Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

17/03/2022

Lại về vua đạo văn của Sài Gòn trước đây Hoàng Trọng Miên - ý kiến của nhà văn Nguyễn Hồng Lam

Sài Gòn trước năm 1975 có mấy vụ đạo văn nổi tiếng. Trong đó, vụ Hoàng Trọng Miên còn gắn với giải thưởng quốc gia (Việt Nam Cộng hòa), mà một người trong cuộc của vụ này là nhà văn Thế Phong (dịch giả Đường Bá Bổn) đã ở tuổi 90 hiện đang ở Tp. Hồ Chí Minh. Có thể đọc lại ở đây.

Khi tôi đưa những dòng này lên Giao Blog, hẳn chỉ ít phút nữa, cụ Thế Phong sẽ đọc được. Cụ vẫn duy trì trang blog văn học của riêng mình, vẫn lướt web hầu như hàng ngày.

Bây giờ là ý kiến của nhà văn Nguyễn Hồng Lam về một tác phẩm khác của Hoàng Trọng Miên, là cuốn Đệ nhất phu nhân viết về bà Trần Lệ Xuân trong gia đình tổng thống Ngô Đình Diệm. Theo Nguyễn Hồng Lam, ông Hoàng Trọng Miên đã bịa tạc đến mức bỉ ổi trong Đệ nhất phu nhân.

Đại khái Đệ nhất phu nhân của đạo-văn-gia "vĩ đại" Hoàng Trọng Miên, theo Nguyễn Hồng Lam là một thứ rác rưởi cần phải loại bỏ vĩnh viễn. Ông viết: "Một thứ rác văn hóa đã bốc mùi gần 60 năm, đã nhận ra thì không thể để nó gây xú uế dài lâu hơn nữa. Hoặc đơn giản hơn, không thể tiếp tay, nối dài lời nói xấu một người khác hàng chục năm, trong khi thực tế họ không hề như thế.".

Đọc toàn văn bài của Nguyễn Hồng Lam ở dưới.

Tháng 3 năm 2022,

Giao Blog


---



..

Ngày 16/3/2022

Đã gọi là tiểu thuyết thì tác giả có quyền hư cấu, miễn sự hư cấu không làm tổn hại đến nhân vật trong đời thực, nếu họ không làm, không nói những điều như trong tiểu thuyết. Phần khác, hư cấu khác với suy diễn nhưng cả hai đều cần có căn cứ, cơ sở xác thực. Một khi nhân vật trong sách đã là người thật, dù hư cấu hay suy diễn, dù tiểu thuyết hay sách tư liệu, không ai được phép gán cho họ những việc họ không làm, không được phép "nhét giẻ vào mồm" nhân vật để bắt họ nói điều mà chỉ tác giả mới có thể nghĩ ra.
Nổi tiếng suốt gần 6 thập niên, cuốn "Đệ nhất phu nhân" của Hoàng Trọng Miên (cũng có nơi ghi là Hoàng Trọng Miêng) là một cuốn sách tùy tiện và bậy bạ như thế. Nội dung cuốn sách là một tập hợp những lời đồn vỉa hè vô căn cứ nhằm câu khách, thỏa mãn thị hiếu giải trí dễ dãi. Và phần nào đó, có thể, trả đũa nhân vật do bất đồng hay hiềm khích nào đó trong quá khứ. Ông Hoàng Trọng Miên sinh năm 1918 ở làng Nguyệt Biều, Huế. Đó cũng là quê hương của bà Trần Lệ Xuân, nhân vật chính cuốn sách, sinh năm 1924.
Tất nhiên, những lời đồn này có hàm lượng chính xác và tin cậy rất thấp. Số là sau đảo chánh 1.11.1963, bất cứ thông tin gì liên quan đến anh em ông Ngô Đình Diệm cũng trở nên cực kỳ thu hút độc giả miền Nam. Vì thế, trên mặt báo, thông tin loạn cào cào. Không ít cây bút chuyên viết báo feuilleton (dài kỳ) đã cố vẽ vời, phóng đại, thậm chí bịa đặt để câu độc giả. Lúc đó có tin đồn người thiết kế đường hầm bí mật trong Dinh Độc lập là kiến trúc sư Võ Đức Diên (người điều hành tạp chí ảnh Sáng Dội Miền Nam do một hãng dầu tài trợ). Tin đồn sau đó còn đi xa hơn, cho rằng ông KTS Võ Đức Diên đã bị sát hại một cách bí mật để không còn ai biết về bí mật của con đường hầm này.
Đến nay thì không thể xác định được ai đã tung ra tin KTS Võ Đức Diên đã thiết kế đường hầm và bị giết để bịt đầu mối. Nhưng tất cả các chi tiết “lời đồn” và bịa đặt đó, kèm nhiều thông tin bôi bác nhân vật khác đều được tập trung hết vào cuốn “Đệ nhất Phu nhân” của tác giả Hoàng Trọng Miên.
Với các bậc thức giả miền Nam, Hoàng Trọng Miên là môt cây bút giậu đổ bìm leo. Ông từng là tác giả bộ sách dày khảo cứu về văn minh Việt Nam, tựa Việt Nam văn học toàn thư, tập I do Quốc Hoa, Sài Gòn xuất bản năm 1959; tập II Văn Hữu, Sài Gòn in năm 1960.
Sách vừa xuất bản, nó đã được đánh giá cao, được chính quyền Việt Nam Cộng hòa trao giải thưởng quốc gia. Trí thức miền Nam rất quan tâm đến cuốn sách và đã...chỉ ra ngay, quyển này Hoàng Trọng Miên đạo văn, nếu không nói là thuổng nguyên, của nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi ở ngoài Bắc, từ các cuốn Lược thảo về thần thoại Việt Nam (1956), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (đồng tác giả, năm quyển, 1958-1960). Hoàng Trọng Miên bị tước giải, dư luận xôn xao một thời. Chính vì thế, mãi rất lâu sau, khi dư luận đã lắng dịu, Hòang Trọng Miên mới có thể xuất bản Việt Nam văn học toàn thư III (Tiếng Phương Đông, Sài Gòn,1973).
Ngay sau 1. 11.1963, Hoàng Trọng Miên đã viết trên báo hàng ngày một loạt feuilleton kể xấu thậm tệ về đời sống đạo đức của ông bà Trần Văn Chương, là bố mẹ bà Ngô Đình Nhu. Những lời đồn kéo dài hàng chục năm về quan hệ luyến ái với nhiều nhân vật nổi tiếng ở miền Nam, với cả đại sứ Mỹ của bà Trần Lệ Xuân cũng xuất phát từ trí tưởng tượng bệnh hoạn, ác ý và tai hại của Hoàng Trọng Miên mà ra. Thậm chí, cây bút vô sĩ này còn dựng đứng lên cả chuyện bà Trần Lệ Xuân từng có thái độ ỡm ờ, khêu gợi bất chính với anh chồng – Tổng thống Ngô Đình Diệm nên bị Tổng thống mắng cho té tát.
Trong thực tế KTS Võ Đức Diên không hề liên quan gì đến việc xây hầm Dinh Gia Long. Cả hai, Dinh Độc Lập và Dinh Gia Long, xây mới hay sửa chữa đều là việc gắn với KTS Ngô Viết Thụ. Phần cũ của trường Đại học Quốc Gia hiện nay ở Tăng Nhơn Phú, Thủ Đức, sát Đại học Nông Lâm cũng do ông Thụ thiết kế. Còn về đời tư và phẩm hạnh của bà Trần Lệ Xuân, chỉ cần nhìn suốt hàng chục năm sau thảm kịch gia đình và biến cố của chính thể cho đến ngày tạ thế (24-4-2011), bà đã náu mình trong im lặng tuyệt đối, ở vậy một mình thờ chồng và chịu đựng nỗi đau thân phận, đủ để thấy những gì nhà văn Hoàng Trọng Miên dựng nên đều là láo khoét.
Ngạc nhiên thay, một cuốn sách tệ hại như thế, sau 1975 lại trở thành cuốn đầu tiên và hàng chục năm sau đó vẫn là duy nhất được tái bản trong lòng chế độ mới. Không phải một mà nhiều nhà xuất bản đã từng in đi in lại cuốn sách sai trái, rẻ tiền và độc hại này chỉ vì lý do duy nhất là "có người đọc, bán được". Vì kém hiểu biết hay vẫn hiểu nhưng vì lợi nhuận nên nhắm mắt làm ngơ? Theo tôi là vì cả hai, một hiện tượng ngưu tầm ngưu, mã tầm mã trong xuất bản.
Được biết, hiện tại có ít nhất một NXB "có uy tín" đang chuẩn bị tái bản cuốn sách này. Nếu có đủ hiểu biết và tự trọng, tôi cho rằng NXB nói trên nên bỏ ngay kế hoạch xuất bản đáng coi thường này. Cục xuất bản cũng cần loại ngay cuốn "Đệ nhất phu nhân" của Hoàng Trọng Miên ra khỏi danh sách cấp giấy phép, không chỉ là "từ nay về sau" mà là mãi mãi. Một thứ rác văn hóa đã bốc mùi gần 60 năm, đã nhận ra thì không thể để nó gây xú uế dài lâu hơn nữa. Hoặc đơn giản hơn, không thể tiếp tay, nối dài lời nói xấu một người khác hàng chục năm, trong khi thực tế họ không hề như thế.
P/S: - Bà Trần Lệ Xuân, ảnh từ trang Wiki
- Bài viết từ trưa, cách đây 5h, viết luôn trên FB. Đang viết dở thì bỏ trang đi làm việc khác, quay lại không thấy đâu. Hóa ra FB đã tự post (chắc do bấm nhầm lệnh). Giờ mới nhìn thấy, phải ẩn stt cũ để post bài viết đủ. Thứ lỗi, nếu bạn đọc nào đó đã phải đọc một đoạn trong bài 2 lần.
NGUYỄN HỒNG LAM

https://www.facebook.com/NguoiCuaGiangHo04/posts/10216912923295393

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét