Thứ Tư, 26 tháng 7, 2023

bài đáng dọc : ' TIẾNG RAO ĐÊM "/ Khuất Đẩu / Việt Nam -- trích: T.Vấn & Bạn Hữu -- July 24, 2023. ( Mỹ ) .

 

Khuất Đẩu: TIẾNG  RAO  ĐÊM

 
 
 
 

Ảnh (Youtube.com)

Trời hiu hiu lạnh, mưa bay lất phất, giữa phố khuya bỗng vang lên: “Ai “dít”… lộn không?”

Tiếng rao nghe thật ấm áp.

Nhưng vì âm thanh đi trước mà chân theo sau rất chậm, nên một lúc sau mới thấy chị bán hột vịt lộn tới.

Đó là một chị ăn mặc sạch sẽ gọn gàng. Chị đặt thúng xuống trên hè phố, hỏi mấy trứng? Đáp, “Vài trứng, ăn thử xem sao?”

Chị liền bày ra trên đĩa nào khế xanh, xoài, rau răm và muối tiêu, rồi mới moi trấu lấy ra những chiếc trứng nho nhỏ xinh xinh bày lên một đĩa khác.

Khách cũng ngồi xuống cạnh chị, thân mật như người nhà, vừa ăn vừa nói đủ thứ chuyện. Có người bảo: Tao quen một thằng Phi, nó nói món này là sang nhất ở xứ nó. Một người khác nói: Tao thích nghe tiếng rao chứ không thích ăn. Nó chưa biết kêu chíp chíp đã bị luộc chín, tội quá. Mày theo đạo Phật à? Không. Nhưng đêm nghe tiếng rao hàng, cũng đỡ buồn. Tao thích giọng rao Sài Gòn, nó dịu nhỉu, ngọt xớt, tiếng “hôn” nghe thật nũng nịu. Người khác nói: Tao thích giọng Quảng, ơ…ơ…/ eng eng nghe rất ngộ. Một người bỗng nói lớn; tao sợ nhất giọng Huế, cái gì mà dí…..t mãi rồi mới “lộn”, nghe cứ tưởng dít cái đó lại, ai không sợ.

Cả bọn cười ầm, kể cả chị bán hàng. Món quà khuya chỉ tốn vài chục bạc. Đây là thời kỳ dễ sống nhất của nửa thế kỷ trước. Cái gì cũng rẻ, kể cả xương máu!

Cũng những đêm se lạnh, dưới những ngọn đèn đường vàng vọt, thành phố đang ngủ bỗng vang lên: phở! Chỉ một tiếng thôi, không dài dòng “ai ăn phở không”? Giống như ai đang ném một cục đá xuống ao, nghe một cái “chũm”. Không phải tiếng rao hàng nhỏ nhẹ như hột dít lộn, mà cộc lốc như tiếng quát, thế mà đâu đó lao nhao có tiếng gọi: phở ơi, vào đây!

Người bán đạp xe tới, một chiếc ba gác lỉnh kỉnh đủ thứ với một thùng nước lèo to tướng.

Phở xe là phở nghèo nhất. Cơ nghiệp của họ chỉ vài ký bánh phở, một ít thịt tái, chín, vài chục củ hành. Nghèo nhưng chính gốc Bắc di cư, nên không có pha trộn thêm gì. Mỗi bát chỉ có 5 đồng, nên chỉ có vài miếng thịt, xắt đã mỏng lại còn trở dao đè xuống cho mỏng thêm, một ít cọng phở khô chần nước sôi, một củ hành và một vá nước lèo, thế là xong. Bao nhiêu củ hành là bấy nhiêu tô, nên khách không có chuyện xin thêm nước lèo hay hành củ.

Ăn phở, phải là phở khuya, đường thì vắng, đèn thì mờ, lắc rắc vài giọt mưa, đứng cạnh thùng nước lèo, thế mới ngon. Ta vừa ăn vừa hít hà, cảm nhận cái mùi vị rất đặc biệt chỉ riêng nước lèo mới có. Nó có mùi thịt, mùi mỡ, mùi của tủy xương của gân sụn. Mỗi gánh có cách nấu riêng. Được giữ bí mật như mùi coca cola!

Phở khuya, ăn một mình đã ngon vì bụng đói và trời lạnh, ăn hai mình lại càng ngon hơn nữa. Cặp tình nhân nào mà ghiền phở khuya, chắc rất khó mà xa nhau. Hương vị của phở càng làm cho hương vị tình yêu thêm nồng nàn. Có biết bao là kỷ niệm đáng nhớ. Nào là cái mặt đáng ghét, sao cứ chòng chọc nhìn vào “người ta” vậy? Sao đi lên đi xuống hoài không mỏi chân à? Rồi mời nhau một ly nước mía. Đến khi mời nhau ăn phở thì à há, té ra mình yêu nhau rồi!

Phở đáng yêu như vậy đó. Nhưng cũng có nhiều người khổ vì nó. Như Nguyễn Tuân, tùy bút “phở” của ông còn hay hơn cả “vang bóng một thời”, nhưng ông lại bị “đánh tơi tả”. Chỉ vì cả nước đang đánh Mỹ mà ông lại ngồi rung đùi nhớ tới phở ở một nước tư bản đang giãy chết!

Nhưng, dù sao ông cũng được ăn đủ loại phở, từ gầu, tái nạm, đến cả phở gà phở heo, chỉ tội cho Quang Dũng, mãi đến khi vào Đà lạt mới được biết đến phở “có thịt”. Nghe nói, trong cái lạnh của xứ ngàn thông, có người ái mộ mời ông một tô phở, vậy mà phải mất hơn nửa tiếng, ông mới ăn hết.

Chẳng phải vì răng ông chiếc rụng chiếc lung lay, cũng không phải tô phở to tổ chảng như ở Mỹ, mà vì ông nghẹn ngào nuốt không trôi. Gắp một miếng thịt tái tưởng như gắp ra từ cuộc đời tan nát của chính mình. Cắn đứt sợi phở tưởng đâu cắn đứt từng khúc ruột của bạn bè đang nằm rải rác đâu đó ở biên cương.

Hỡi ơi, ở dưới mộ sâu chắc ông vẫn còn thấm thía cái hèn của bọn Lý toét Xã xệ trong chốn văn chương.

Giờ, rất khó tìm một chiếc xe phở len lỏi trong các con phố nghèo. Hột vịt lộn cũng không còn ai đội thúng đi lang thang nữa. Phố đêm trở thành phố ngày nối dài, xe cộ vẫn chạy ào ào, người ta vẫn ăn, nhưng ăn trong các tiệm có đầy đủ ghế bàn, thùng nước lèo vẫn bày ra trước cửa, bốc hơi nghi ngút. Phở tái, phở chín vẫn còn, nhưng nếu gọi hủ tiếu, mì quảng, ngay cả bún bò giò heo vẫn có… và vẫn chỉ một thùng nước lèo ấy thôi.

Thế là phở đã chết, hay đã biến dạng. Chưa kể phở còn leo lên những tòa nhà cao ngất, có máy lạnh, có gái đẹp bưng bê và nấu bằng thịt bò Kobe hay của Úc!

Thì thôi, đành nằm nghe tiếng con thằn lằn tắc lưỡi. Có lúc lơ mơ tưởng mình là con thằn lằn, nằm nhớ tiếc một thời xưa cũ đã qua!

Khuất Đẩu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét