Monday, June 12, 2023
BÙI GIÁNG - HƠN MỘT ĐỜI THƠ
Nguyễn Thị Tịnh Thy
Bùi Giáng. Một Đời Thơ
Nguyễn Thị Tịnh Thy --, Bứu Ý
và Nguyễn Khoa Diệu Hà
Tác giả Bửu Ý đặt nhan đề cho cuốn sách là BÙI GIÁNG, MỘT ĐỜI THƠ. Tuy nhiên, những gì mà cuốn sách thể hiện còn hơn cả thế. Bởi vì, qua trang viết của Bửu Ý, Bùi Giáng không chỉ là một nhà thơ, một đời thơ; mà còn là một dịch giả, nhà phê bình văn học, một triết gia.
Viết về Bùi Giáng, nói về Bùi Giáng, kể về Bùi Giáng, thêu dệt về Bùi Giáng thì đã quá nhiều. Vì thế, làm thế nào để thể hiện sự riêng biệt, mới lạ là một thử thách đối với người cầm bút.
Nhà văn Bửu Ý đã chọn hồi ức và tư liệu để vượt qua thử thách ấy và làm thế mạnh cho mình.
Là người có cơ duyên ở gần Bùi Giáng trong những tháng năm tuổi trẻ, Bửu Ý đã kể cho bạn đọc nghe câu chuyện về một chàng thanh niên Bùi Giáng trong cuộc sống đời thường: gần gũi, hiền lành, nhân hậu, trong sáng, liều lĩnh và đa tình nhưng nhút nhát đến mức “yêu trần gian mà chưa dám cầm tay”*.
BÙI GIÁNG, MỘT ĐỜI THƠ là bộ sưu tập tư liệu phong phú và công phu về Bùi Giáng từ báo chí, sách vở. Nếu bạn muốn thực hiện một công trình nghiên cứu về Bùi Giáng, cuốn sách là một tài liệu quan trọng, cần thiết cho phần “lịch sử vấn đề” của bạn.
Qua tư liệu, Bửu Ý đã xây dựng nên một chân dung Bùi Giáng sống động: đi đứng, ăn ở, nói năng, viết vẽ, buồn vui, điên tỉnh… Bùi Giáng có những bình luận rất sắc sảo về thơ Nguyễn Du, Quang Dũng, Hồ Dếnh; có những quan tâm đến thời cuộc và phản ứng chính trị đầy trách nhiệm công dân. Và, bên cạnh một Bùi Giáng trào lộng, tưng tửng, còn là một Bùi Giáng có khi da diết đằm sâu:
“Đi về làng xóm năm xưa
Viếng thăm người cũ, người chưa quên người”.
Qua cách xử lý tư liệu, lựa chọn và trích dẫn quan điểm, bình luận cũng như sáng tác của Bùi Giáng, về Bùi Giáng, nhà văn Bửu Ý đã làm sống dậy một Bùi Giáng đa tài đa tình, trí tuệ và minh triết. Đồng thời, từ chân dung và cuộc đời nhân vật, người đọc có thể hình dung được một thời kỳ hoạt động báo chí và học thuật sôi nổi của miền Nam trước 1975.
Cuốn sách mạnh về tư liệu, ít nhận định. Nhưng nhận định nào của tác giả Bửu Ý cũng hay, rất sắc; nó mang lại cho người đọc những kiến thức và kinh nghiệm học thuật, kinh nghiệm văn chương quý báu.
Văn phong của Bửu Ý giản dị nhưng tinh tế, dùng từ rất “đắt”. Ông cũng “vọc chữ”, “cưỡng ngôn”, cà rỡn, tung hứng, tung tẩy không kém gì Bùi Giáng. Mà, một khi văn phong của người nghiên cứu, khảo cứu bắt nhịp được với văn phong của đối tượng được nghiên cứu là tác phẩm đã đạt đến sự thành công.
Có lẽ do quan điểm hoặc do khó khăn riêng, cuốn sách còn thiếu mảng tư liệu học thuật về Bùi Giáng. Dĩ nhiên, nếu chạm đến mảng này, tác giả sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức hơn, mà với một người cầm bút U90, đó là điều bất khả.
Với tôi, cuốn sách này gây ấn tượng mạnh ở hai điều:
1/ Khai thác ký ức, viết về kỷ niệm riêng với một người nổi tiếng, nhưng tác giả Bửu Ý đã không phô bày cái tôi của mình – cái tôi đặc quyền sở hữu ký ức. Đó là sự “lịch lãm” của một quý ông trong văn chương. Tuy nhiên, sự đời là vậy, khi bạn biết đặt mình lui sau thì mình sẽ đứng trước, đặt mình ở ngoài thì mình sẽ được vào trong. Tự nhiên nhi nhiên, trong cuốn sách về Bùi Giáng, ta vẫn thấy được một Bửu Ý có tâm, có tài, có công, có trách nhiệm, nghiêm túc mà hóm hỉnh khi mang đến cho người đọc một Bùi Giáng khác lạ, mới mẻ.
2/ Trong tiểu sử Bùi Giáng, nhà văn Bửu Ý đã có một lối viết đúng kiểu Bùi Giáng, mà cũng đúng kiểu “hiện nguỵ” của Bửu Ý:
- 1941: Về Quảng Nam chăn dê
- 1941-1945: Trở ra Huế vì nhớ nhung gái Huế
Tôi thích kiểu viết, câu viết tiểu sử “hiện nguỵ” này: “Trở ra Huế vì nhớ nhung gái Huế”.
Ui chao! Vì câu viết trên, gái Huế này xin lạy các ông ba lạy!
NGUYỄN THỊ TỊNH THI
-----------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét