Pak- ca- nuk, kỷ niệm với Tây nguyên
Hè năm 1974, tôi theo một nhóm nhỏ, người Mỹ qua Việt Nam làm thiện nguyện có 3 học sinh trung học (high school) cùng lứa tuổi. Nghĩ phải đi trực thăng, vô ở lại trong rừng bảy ngày sợ thiệt, nhưng háo hức, là tổ chức của người Mỹ nên ba má tôi yên tâm.
Lúc trực thăng hạ cánh thấy có lính người Kinh và người Thượng đứng chờ sẵn quanh một bãi đất trống. Người cúi đầu, hai tay bịt tai vì tiếng động cơ, người khom lưng tay giữ nón, cỏ rác thì bay tung lên. Chỉ hơn 30 phút từ bờ hồ Xuân Hương, Đà Lạt đã đến một nơi hoàn toàn còn hoang dã. Sau khi đem hành lý xuống có một sĩ quan điều động cho mấy người lính và người Thượng đổi ca được lên máy bay về phố, tất cả diễn ra rất nhanh, chỉ trong vòng hơn 5 phút. Về sau mới hiểu mọi việc phải cấp bách để tránh bị pháo kích!
Sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, dù Đà Lạt lúc đó là thành phố của thiên nhiên, tôi vẫn ngỡ ngàng trước một khung cảnh núi rừng nguyên sinh tuyệt đẹp. Mọi sinh hoạt khác hẳn. Chung quanh là người Thượng mặc xà rông, địu con trước bụng, đóng khố, gùi và xà gạt sau lưng. Làng có rãnh khá sâu bao quanh, rào bằng tre, đầu nhọn hoắc hướng ra ngoài tua tủa, hai lớp rào đan chéo nhau đều và đẹp, có vẻ rất kiên cố.
Ban ngày làng vắng ngắt vì người Thượng dậy rất sớm, đèo theo cả con nít ra rừng, làm rẫy. Chiều gần tối mới thấy những cái đầu lố nhố, vì gió mà cỏ hai bên đường mòn lồi lõm ngoằn ngoèo rất cao. Lưng họ đeo gùi đựng thực phẩm tươi với cây xà gạt cao quá đầu, đi hàng một về tắm tại con suối lớn sau làng. Loanh quanh trong làng chỉ thấy heo, gà, chó chạy long nhong. Dưới nhà sàn ẩm ướt chuồng và phân gia súc rất nặng mùi. Còn nhà thờ giữa làng cũng trống hoách, nơi làm lễ chỉ có cái bàn duy nhứt, khập khiễng, đầy bụi. Trên vách nứa phía sau là thập tự giá bằng nhánh cây đơn sơ, nhện giăng đầy.
Buổi tối, tập hợp được khá đông. Già làng dặn, tùy theo lứa tuổi đã sắp xếp, ngày mai ở lại làng để được trực tiếp hướng dẫn bảo vệ sức khỏe, tặng thuốc, áo quần, thực phẩm.
Chúa nhật tuần đó cả làng không đi rẫy, không biết là nghỉ hàng tuần hay nhờ vận động. Hôm đó chúng tôi rất bận rộn, phải chia nhau tiếp xúc với mọi người, bỏ cả bữa trưa. Tụi tôi phụ giúp hai cô Mỹ cỡ 30, 35 tuổi hướng dẫn các cô người Thượng đang để ngực trần. Cô Mỹ nói cái đẹp và thiêng liêng của phái nữ là cặp vú. Đẹp, vì nó nổi bật nét quyến rũ. Thiêng liêng, vì Chúa tạo ra để cho con bú. Phải bảo vệ, che kín và gìn giữ. Cô mở hai nút áo và chỉ vào ngực mình để chứng minh.
Mấy bữa trước thì người Thượng ngồi im, chỉ hướng đôi mắt có quầng sâu, màu nâu sẫm và đục như chất chứa nhiều u uẩn, lặng lẽ nhìn người đang nói, không thể biết họ có hiểu hay không. Nhưng hôm nay thật bất ngờ, có một cô hỏi “vú đẹp phải khoe, sao che?”. Cô Mỹ thật vui và linh động giải thích về nếp sống văn minh, rồi nhấn mạnh, vì vú đẹp và hấp dẫn mà không che đậy có thể làm cho đàn ông dễ phạm tội. Phải diễn dịch vừa cô đọng, vừa mộc mạc cho dễ hiểu thật khó.
Không khí đang sống động thì một ông lính trẻ người Kinh có chữ V nơi tay áo, rất nhanh nhẹn và vui tính, tạt ngang vô nói lớn “giờ chơi trò bắt cái nước đi” rồi lặn ngay. Mấy cô Thượng quay nhìn nhau. Thấy thế tôi vỗ tay, ý là bắt đầu chơi trò chơi đó đi. Đùng cái tất cả cùng đứng dậy, quên cả tặng phẩm trước mặt, bỏ chạy. Hai cô Mỹ kinh ngạc “chuyện gì, chuyện gì thế?” “không biết” tôi hớt hãi, dáo dác tìm người nhờ giải thích, vừa trả lời, vừa chạy, vừa ngoái cổ nhìn lại trấn an “chắc không có gì đâu. Đợi chút, tôi đi hỏi mấy ông lính”. Vội ra cổng làng, băng vô đồn phía đối diện, tìm người.
Thấy ông Thiếu úy và mấy ông lính người Kinh đang phì phèo thuốc lá tán dóc ở một lô cốt, không có ông chữ V. Họ chợt im lặng khi tôi đến gần. Kể lại chuyện vừa xảy ra, tôi hỏi tỉnh queo “bắt cái nước là trò chơi gì”? Họ ồ lên cùng lúc, cười rất to “thiếu úy, thiếu úy giải thích và tỉ dụ cho rõ nghen”. Nghĩ là mấy ổng chọc, cũng quỷnh, nhưng tôi giả bộ làm ngơ, nhìn ông thiếu úy còn trẻ măng, chắc hơn tôi cỡ 5, 7 tuổi, chờ đợi. Ngập ngừng, rồi ổng quăng điếu thuốc xuống đất, lấy mũi giày gí gí lên như để tìm câu trả lời. Mấy ông lính lại léo nhéo “thiếu úy, thiếu úy…” nháy nháy mắt nhìn ổng rồi nhìn tôi đầy ẩn ý. Ông thiếu úy có vẻ bối rối thật sự, còn tôi thì vẫn ngây thơ “nghĩa là gì Thiếu úy?”. Cuối cùng ổng nhìn vào mắt tôi “xin lỗi, khó giải thích quá. Thôi thì… cứ hiểu đó là chuyện của người lớn và rất riêng tư của vợ chồng”. Vừa nghe đến đó tôi ù té chạy một mạch, không hề dám nhìn lại. Trốn biệt luôn. Đến ngày lên trực thăng trở về cũng không dám nhìn mặt một ông lính nào. Khiếp!
Về Đà Lạt nhóm người Mỹ rất quý mến và khen tôi. Khi chia tay dặn kỹ là trước khi tốt nghiệp nửa năm tôi phải cho biết để họ lập hồ sơ bảo trợ đi du học. Còn với ba nhóc high school và tôi thì quyến luyến nhau. Hug tôi, tụi nó nói nhỏ vào tai “pak ca nuk” “pak ca nuk”. Tôi cũng lặp lại “bắt cái nước” “bắt cái nước” cười um sùm. “Bắt cái nước” tụi nó nói ngọng thành “pak ca nuk” không còn tục tĩu mà trở thành tiếng lóng của tụi tôi.
Cũng từ đó, cuối những lá thư không đứa nào còn dùng mấy sáo ngữ thường tình tiếng Anh nữa mà là “bắt cái nước”, viết đúng tiếng Việt, rồi ký tên.
***
Một tháng, trước ngày 30 tháng Tư, Đà Lạt được lệnh di tản. Mấy mẹ con chạy về Sài Gòn tá túc với gia đình Nội, Ngoại. Đến 30 tháng Tư thì “Trời sụp”! Ba tôi trình diện rồi biền biệt tin.
Con bé từng tự tin mình đẹp cùng với nhận xét của khách du lịch “gái Đà Lạt mặt hoa, da phấn” bỗng chốc lem luốc, đen đủi, bụi đời hết biết! Trở thành dân buôn chợ trời phụ giúp mẹ tại chợ Tân Bình một cách không thể nào ngờ được.
Hơn một năm sau gia đình mới nhận được thư ba. Mừng đến khóc. Đọc thư biết là đang ở ngoài Bắc, địa chỉ là “Hòm thư”. Ngoài lời khuyên nổi bật “em cứ an tâm, tin tưởng, cách mạng khoan hồng…” là ẩn chứa nội dung má tôi phải tìm cách vượt biên. Gia đình Nội, Ngoại đồng ý nhưng má tôi dứt khoát “ba về mới tính”. Thư má hồi âm cũng “an tâm, tin tưởng…” và khẳng định “chờ”. Ẩn chứa nội dung cho dù ba tôi có chết trong tù thì bằng mọi giá cũng phải đem hài cốt về Sài Gòn rồi mới tính tiếp.
Những dòng thư đẫm nước mắt như thế đã đốt cháy tuổi thơ tôi nhanh như đốt một tờ giấy.
Bảy năm, hoàn toàn bất ngờ khi thấy ba đứng trước cửa. Ba cũng bất ngờ, có vẻ như không nhận ra đứa con gái.
Phải mất thêm hơn hai năm, sau mấy lần vượt biên thất bại, cuối cùng mới gặp may mắn. Đến Philippines, ở Bataan 5 tháng, rồi đi Mỹ định cư.
Bươn chải kiếm sống ở chợ trời Tân Bình như đã thành bản tính? Chỉ biết vừa đặt chân đến vùng đất tự do tôi như cá gặp nước. Lao vào cuộc sống mới, tìm cách vươn lên. Cả gia đình chung sức. Sau hai năm tạm ổn, tôi tìm cách trở lại trường. Lúc nầy mới cố moi trong trí nhớ về mấy đứa bạn làm thiện nguyện ngày trước.
Tôi viết một lá thư kể chi tiết gửi đến một nhà thờ ở Tiểu bang Arkansas nhờ phổ biến. Thật may mắn, một tháng sau phone của gia đình reo lên nhiều lần! Ba nhóc high school ngày trước đều đã lập gia đình vẫn sụt sịt khi nói chuyện với tôi. “Thanks God, thanks God” liên tục. Tụi nó kể sau năm 1975 cứ đến hè là chia nhau đi làm thiện nguyện tại các trại tị nạn để tìm kiếm tôi. Năm tháng đó đã lặng lẽ trôi qua trong tuyệt vọng “chỉ biết cầu xin một phép lạ”.
Rồi hai cặp vợ chồng tụi nó lấy vacation, bay đến thăm tôi. Muốn ra phi trường đón, tụi nó không cho, vì “biết bao nhiêu là đổi thay, giờ chưa chắc đứa nào nhận ra đứa nào. Khỏi lớ ngớ ở phi trường, tụi tao đến nhà”.
Bốn cửa xe mở bung ra không đóng lại, tụi nó cũng bung ra. Tôi đứng đón cũng chẳng kịp nhìn mặt, cứ hug nhau thật chặt đã. Chợt nhớ đến câu “gieo trong nước mắt, gặt trong vui mừng” (sow in tears, reap in joy) Hug tôi tụi nó vẫn nói ngọng “pak ca nuk” “pak ca nuk”. Tôi cũng lặp lại y như ngày trước “bắt cái nước” “bắt cái nước” mà nước mắt ướt mi.
Ơ hay, hình như tôi đã lạc bước vào tuổi trung niên?
Ban Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét