Nghề báo xưa, nhà báo nay và giá trị bất biến
Hình ảnh nhà báo thường được mượng tượng nhất là một người vai đeo máy ảnh, cầm theo cuốn sổ cây bút và lang thang khắp nẻo đường để tác nghiệp. Kết quả là những tin nóng, những ghi chép, những phóng sự... bay về tòa soạn và đến tay độc giả háo hức chờ đợi. Chớp mắt, bức tranh rực rỡ ấy đã nhòa vào quá khứ. Bây giờ, kiểu nhà báo ấy chỉ còn trên phim truyền hình hoặc chỉ còn trong ký ức những ai có thói quen lưu luyến kỷ niệm xa xưa. Nhà báo bây giờ đã khác, tay năm tay mười làm tất cả mọi thứ, từ ghi âm, chụp ảnh, thu hình, viết bài, xử lý âm thanh, dàn dựng video... với mục tiêu có thể làm để ra sản phẩm nhanh nhất và nhiều nhất. Thị trường báo chí cạnh tranh với thị trường fastfood, mà người tiêu dùng vẫn cứ hững hờ.
Báo chí đang đối diện nhiều thử thách để tồn tại. Đỉnh cao của báo in đã trôi vèo dĩ vãng. Không còn những tờ báo phát hành hàng trăm ngàn bản ngoài sạp báo, và cũng không còn nhiều dạng ấn phẩm phong phú như thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 và thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Báo điện tử xuất hiện để thay thế, biên độ vô hạn đấy, nhưng miếng bánh quảng cáo đã nằm hết ở những tập đoàn công nghệ. Hệ lụy tất yếu, nhuận bút thấp dần xuống, và những loại tin bài hời hợt để chiều chuộng thị hiếu tăng lên. Báo chí co cụm lại, nhà báo ngơ ngác nhìn nhau. Chẳng ai có lỗi cả, chẳng ai đáng trách cả, vì không ai ngờ tiếp sau cái điện thoại thông minh bành trướng mọi hang cùng ngõ hẻm lại có thêm những ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Vậy thì, những bản tin do robot viết và những định dạng truyền thông do trí tuệ nhân tạo thiết lập, sẽ đẩy các nhà báo vào cảnh thất nghiệp chăng? Công nghệ hiện đại dễ dàng sử dụng máy móc để sản xuất hàng loạt những văn bản mang tính tin tức tổng hợp chỉ trong vòng 30 giây. Nghĩa là, những nhà báo không thể hành nghề với những bài báo dễ dãi và đại trà. Muốn tồn tại, nhà báo phải khác, phải tận dụng công nghệ và phải vượt lên công nghệ. Mô hình báo chí đa phương tiện được đề cập như một giải pháp tích cực. Thế nhưng thị trường “ngách” lại đòi hỏi tính chuyên sâu và tính độc đáo của từng trang báo, từng cây bút theo tiêu chí 5I, bao gồm: Informed – Am hiểu, Intelligent – Thông thái, Interesting – Thú vị, Insightful – Sâu sắc, và Interpretive – Có tính diễn giải.
Cái tiêu chí 5I, nghe lướt qua có vẻ kỳ ảo và phức tạp, nhưng thực chất chỉ mang một thông điệp duy nhất về giá trị bất biến của nghề báo. Đó là nhà báo phải là người đem tới những thông tin thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội, giúp con người được sống trong sự cầu thị văn minh và nhân ái. Đó là tinh thần báo chí tranh đấu cho những điều tốt đẹp mà những bậc tiền bối trong làng báo đã dấn thân theo đuổi một cách tận tụy.
Ai cũng biết, báo chí cách mạng Việt Nam được khai sinh từ cột mốc báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, với số ra đầu tiên vào ngày 21/6/1925. Trước khi có báo Thanh Niên, Nguyễn Ái Quốc đã cùng nhiều đồng chí tại Paris xuất bản tờ Le Paria (Người cùng khổ) vào tháng 4/1922 với tiêu chí “Diễn đàn các dân tộc thuộc địa”. Thế nhưng, Le Paria vẫn là tờ báo tiếng Pháp, người Việt Nam cần một tờ báo tiếng Việt cho công cuộc dành độc lập tự do. Khát vọng ấy được chính Nguyễn Ái Quốc trình bày vào năm 1924: “Giữa thế kỷ 20 này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo. Các bạn có thể tưởng tượng được như thế không? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi… Chính quyền Pháp quyết định rằng không một tờ báo bằng tiếng An Nam nào được xuất bản nếu không được viên toàn quyền cho phép, rằng họ chỉ cho phép với điều kiện là bản thảo đưa đăng phải trình viên toàn quyền duyệt trước đã, và giấy phép ấy họ thu hồi lúc nào cũng được. Tinh thần bản sắc lệnh về báo chí là như thế đấy. (Chúng tôi bị cai trị bằng chế độ sắc lệnh do viên toàn quyền ban bố chứ không phải bằng những đạo luật đã được thảo luận và biểu quyết ở nghị viện). Trên thực tế còn tệ hơn nữa. Mãi đến bây giờ, chưa có người An Nam nào được phép xuất bản một tờ báo cả. Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở châu Âu và các nước châu Á khác, chứ không phải một tờ do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy”.
Báo Thanh Niên ra đời là một bước ngoặc trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Không chỉ báo Thanh Niên, nhiều tờ báo khác sau năm 1925 ở trong nước cũng thể hiện sứ mệnh cất lên tiếng nói của người Việt Nam. Khi viên toàn quyền Đông Dương Brevie tuyên bố trên tờ “Đuốc Nhà Nam” với giọng điệu trịch thượng: “Trình độ và tư cách báo giới ở xứ này còn hèn kém lắm. Ở trên thế giới mà nghe đến báo giới Đông Dương thì ai cũng ít thiện cảm. Vì vậy tôi không muốn cho tự do ngôn luận” thì Hoàng Đạo (1907-1948) đã lập tức phản ứng gay gắt. Trên báo Ngày Nay số 45 ra ngày 31/1/1937, Hoàng Đạo viết: “Chế độ chúng tôi hiện đương sống là một chế độ quá chặt chẽ. Dưới chế độ ấy, tờ báo có sống chỉ là nhờ ơn chính phủ cho nó sống, mà nó có chết lúc nào, nhà làm báo cũng không sao biết trước được. Chính phủ muốn bắt nó chết thì nó chết, chính phủ không cần cãi lẽ với nhà báo, chính phủ không cần viện cớ ra mới đóng cửa một tờ báo... Số phận bất trắc của một tờ báo quốc ngữ là một điều trở ngại lớn cho sự tiến bộ báo chí, nghĩa là cho sự tiến bộ của toàn thể dân chúng. Nghề làm báo, cũng như mọi nghề khác, cần phải có một tương lai chắc chắn, mới có thể nảy nở ra được”.
Không chỉ đòi tự do ngôn luận, báo chí Việt Nam giai đoạn sơ khai cũng trực tiếp khơi dậy dân trí và dân khí. Trên báo Ngày Nay số 157 ra ngày 15/4/1938, Thạch Lam (1910-1942) cảnh tỉnh đồng bào mình: “Có những người sống như cây cỏ một đời sống tẻ ngắt và khô khan, phẳng lặng như mặt nước ao tù. Tôi phải buồn rầu mà nhận rằng đấy là đời sống phần nhiều của người An Nam chúng ta. Nếu chỉ ăn với ngủ với chơi, thì cái đời sống đó chẳng có gì đáng quý. Cái đời sống cần là cái đời sống bên trong, cái đời sống tâm hồn. Chúng ta có cái đời sống bên trong rất nghèo nàn và rất bạc nhược. Những tính tình dồi dào, phong phú và mãnh liệt, chúng ta chẳng có”.
Rõ ràng, báo chí Việt Nam chỉ được công chúng ủng hộ khi đồng hành với tâm tư và nguyện vọng của người dân. Trong chiến tranh, trong hòa bình hay trong hội nhập, giá trị bất biến của báo chí vẫn là góp tiếng nói cùng người dân mưu cầu lẽ phải và hạnh phúc. Điện thoại thông minh và trí tuệ nhân tạo chỉ có thể hỗ trợ, chứ không thể thay thế “cái đầu lạnh” và “trái tim nóng” của mỗi nhà báo.
Đành rằng, phương tiện tác nghiệp đã khác, báo chí chính thống đang chới với trước sức ảnh hưởng của mạng xã hội, nhưng bản lĩnh nhà báo mới là điều công chúng mong đợi. Trước áp lực kinh tế, những bài báo xun xoe kẻ giàu và vuốt ve kẻ mạnh không bao giờ được sự tán thưởng của độc giả đã bội thực tin giả, tin xấu, tin nhảm. Độc giả vẫn thèm khát những bài báo trung thực và hấp dẫn, ghi dấu thái độ sống ân cần và tinh tế của mỗi nhà báo. Và giữa ngổn ngang thị phi, nhà báo phải tự thắp lên và nương tựa ánh sáng ngọn đèn tự trọng, để khỏi hành nghề dưới bóng tối mưu cầu vật chất thấp hèn./.
LÊ THIẾU NHƠN
===============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét