Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2023

bài đáng đọc : biết trả lời sao / Phạm Chu Thái / Canada - trích : gio-o.com 2018>

 đọc trong mùa Tết

 

 


PHẠM CHU THÁI

 

biết trả lời sao

 

 

 

Ngồi xổm nơi vỉa hè đầu chợ Đakao gặm (2) trái bắp nướng mỡ hành thay buổi cơm chiều , mà bụng chẳng ganh ghét tị hiềm với giới thượng lưu ngồi trên ghế nệm trong nhà hàng máy lạnh trên đường Đinh Tiên Hoàng đang thưởng thức Bordeaux và tận hưởng món Bouillabaisse . Kẻ đã tự biết mình giầu sang thì có mang dép mặc áo thun quần jean rách đạp xe đạp đi chợ mua vài củ khoai ổ bánh mì vỉ trứng , cũng không cảm thấy hổ thẹn khi nhìn người lái BM-Audi đẩy xe đi chợ mua rượu vang phó-mát thịt cừu . Đưọc như thế , thì mới có thể bắt đầu tập tễnh đọc : Luận Ngữ , Thập-Nhị Nhân Duyên , Bài Giảng Trên Núi …

 

 

 

Một người như Phan-Châu-Trinh , trình độ về văn minh kỷ thuật Tây-phương chỉ ở mức chụp hình-rửa phim , nhưng lại là một tín đồ rất mực sùng tín về nền văn hóa văn minh khoa học tiến bộ Tây-phương , từ thể xác cho đến tận tâm hồn : thấy mình búi tóc dài mặc vải nâu ở nhà tranh vách đất sống nơi rừng thẳm và đi xe bò xe ngựa , thấy người húi tóc ngắn mặc âu phục ở nhà gạch nhà lầu đi tàu hỏa ô-tô nơi thành phố , thì đâm ra tức khí và ngây ngất ; rồi thì cái gì của mình cũng là nhà quê hủ lậu : trầu cau guốc mộc thuốc lào cà pháo mắm tôm khoai vùi lũy tre ao làng bếp lửa khói lam chiều hàng dừa hàng cau đồ sành đồ gốm quân chủ phong kiến phản khoa học phản tiến bộ , cần phải được đào thải nhanh chóng để dân tộc sớm theo kịp cuộc cách mạng văn minh sữa bò sâm banh giầy da biển lớn sắt thép hiện đại duy tân-duy tân-đại duy tân . Một người sống cùng thời như Gandhi , được nền văn hóa Tây-phương khổ công đầu tư huấn luyện đào tạo để trở nên một biểu tượng thượng lưu trí thức văn minh của Thời-Đại-Mới , thì lại chân đất lưng trần tấm vải nội hóa quấn ngang hông qùy xuống chắp tay cầu xin Thượng-Đế đừng dẫn dắt dân tộc Ấn đi vào con đường kỷ-nghệ-hóa của văn minh Tây-phương . Tại sao lại có sự nghịch lý lớn lao như thế ?

 

Một người lừng danh như khoa học gia Albert Einstein , cuộc đời đã trãi qua 2 cuộc Thế Chiến , khi về già , tác giả The World as I See It , ước mơ gì và sẽ đứng về phe nào ? Có mấy ai cầm bút viết văn đã được hưởng danh vọng giàu sang lúc đương thời như Leo Tolstoy , nhưng 30 năm cuối đời trước khi vĩnh quyết lúc tinh mơ nơi sân ga hiu quạnh Astapovo , tâm tư người đàn ông Nga-tư ấy hướng về đâu ? Và tác giả Chiến Tranh và Hòa Bình sẽ đứng về phe nào ?

 

Ngày nay , khói đen kỷ nghệ đã làm ô nhiễm ô uế cát sông Hằng , người dân tâm trí tất bật ngược xuôi trầm luân lo toan vì kinh tế ; Mahatma Gandhi nhìn , chắc buồn lắm ? Thi nhân Rabindranath Tagore nhìn , chắc buồn lắm ? Bên kia biên giới , cái giấc mộng tắm mát sông Nghi , cùng vài chú tiểu đồng hóng gió ca hát rồi về , đã bao nghìn năm đã chẳng bao giờ trở thành hiện thực , bậc Triết nhân vô khả-vô bất khả Khổng Phu-tử có buồn chăng ?

 

Ngày nay , dân tộc đã hết nhà quê nâu sồng văn hiến thiện lương lễ nghĩa chất phác tử tế rồi , đã được văn minh duy tân biện chứng cờ đỏ tiên tiến đạo đức đểu cáng Cộng-Sản rồi , đồng hương Ngũ-Phụng-Tề-Phi cũng đã biết chấn hưng dân khí để có tượng đài hoành tráng Mẹ Anh Hùng trên cao nhìn xuống khắp bờ duyên hải cá chết phơi trắng bụng , cũng đã biết nâng cao dân trí mà trùm mặt đi gắn máy ô-tô sắt thép cả rồi , con cháu cộng sản nguyễn-thị-bình cũng đã giải phóng dân sinh mà làm rạng rỡ vinh hiển tông môn cả rồi , cụ Tây-Hồ có vui chăng ? Cụ Phan-Thanh-Giản có còn “giật mình” chăng khi quay nhìn lại nước non , kể từ ngày Đi Sứ ?

 

 

 

Sinh ra trong gia đình có của , niên thiếu lớn lên giữa bốn bức tường chất đầy sách vở , với trí thông minh và đầu óc qủy quyệt , sau này ra đời Jean-Paul Sartre có thừa khả năng ngữ ngôn để bịp cả và thiên hạ khắp bốn biển năm châu , để kiếm tiền và danh vọng . Nhưng trong những lúc tỉnh rượu tàn canh , một mình mình biết một mình mình hay , Sartre thường run rẩy vã mồ hôi khi bắt gặp đôi mắt Solitaire-Solidaire của Albert Camus , trong đêm sâu , chăm chắm nhìn mình như soi thấu tim đen , trong suốt 20 năm . Có lẽ , J.F. Kennedy cũng chẳng tài nào ngủ được , bởi đôi mắt của người đàn ông Á-châu nghiêm khắc nhìn mình , trong suốt 20 đêm .

 

 

 

                          Le Désert  croit , malheur à qui recèle des Déserts !

                   ( Sa-Mạc lan dần , khốn thay cho kẻ nào cưu mang Sa-Mạc ! )

                                         ( F. Nietzsche 1844-1900 )

 

Ai bảo Nhan-Hồi là nghèo ? Không , thầy Nhan rất giàu sang trong nội thức , hoa tâm nghìn năm không héo ; xưa kia nếu Lão-tử có cơ may gặp được Nhan-Hồi , thì sẽ chẳng còn can đảm đâu nữa để mà viết sách , bởi tất cả những gì được nói đến trong Đạo-Đức-Kinh của Lão thì Nhan-Hồi đã âm thầm thể hiện trọn vẹn trong kiếp đời ngắn ngủi đạo hạnh dư dục vô ngôn - huyền chi hựu huyền . Khổng Phu-tử rơi lệ xót xa mãi người học trò tâm truyền của mình , là vì thế . Les plus pures récoltes sont semées dans un sol qui n’existe pas – René Char , ý nghĩa là thế . Cái kẻ lang thang khất thực ngủ dưới gốc cây không được quá 3 đêm vì sẽ nảy sanh lòng luyến ái kia , trước khi Chuyển-Pháp-Luân cho na-do-tha-a-tăng-kỳ-kiếp chúng tử chúng sanh mai hậu , là đã có một Vương-quốc trong tầm tay giữa chốn hồng trần . Cái gã đi chân không quần áo nhiều lớp cái bang ngao du đội mưa nắng khắp vỉa hè Sàigòn nọ , là đã thiếu thời thập thành bổ củi-chăn dê-đọc sách suốt một vùng đồi núi trung-du , tam thập nhi lập thì bán đi hết mênh mông ruộng lúa nương dâu được thừa hưởng từ một gia đình đại phú hộ xứ Quảng , kiệt tận miên bạc bình sinh trắng đêm thổ lộ tâm tư trên nghìn nghìn trang giấy . Để làm gì ? để có tiền in ra một bộ sách ( Martin Heidegger và Tư Tưởng Hiện Đại – xb1963 ) . Để làm gì ? để ngăn chận trào lưu vô thần-duy vật của Nguyễn Bách Khoa , Trần Đức Thảo đã hơn 20 năm gây độc hại ngoài Miền Bắc ? Để làm gì ? để ngăn ngừa sự tàn hại hiện sinh cộng sản tha nhân là địa ngục của lớp lớp trí thức ăn mày “sartriens” đang theo đợt sống mới triều cường bên kia đại dương kiêu hãnh đổ về tràn ngập trên khắp giảng đường sách báo Miền Nam ? Có thành công không , kẻ bước đi theo thể điệu xuôi triều ngược thủy – kim cổ song dung , phiêu bồng phát tiết trong hằng hằng sát-na khổ nạn nơi trăm năm buồn tủi , vì đã dám mang trong lòng giấc mộng cưu mang Sa-Mạc ? Một câu hỏi như thế , ta cũng có thể nào chăng mà bắc thang hỏi Jésus-Christ trong giờ phút lâm chung trên thập giá ở Golgotha , rằng : công trình rao giảng Phúc-Âm của Ngài nơi trần thế có gặt hái thành công không ? Chắc hẳn sẽ nhận được câu trả lời bằng thanh âm thầm thì đứt quãng tiếng còn tiếng mất : … Car là où est … ton trésor , là sera … aussi … ton coeur  ( … Bởi của cải … ngươi … cất giữ … nơi đâu , thì con tim … tấm lòng… ngươi … nơi đó ) .

 

 

 

Trong một cuốn sách cuối cùng của đời mình , người học-giả Hoàng văn Chí ( 1913-1988 ) đã có một nhận xét bẽ bàng : nền Cựu-học cốt yếu dậy con người làm điều PHẢI , giữ trọn khí tiết ; nền Tân-học cốt yếu đào tạo chuyên gia , và con người trở nên KHÔN , chăm lo về tư lợi . Điều nhận xét ấy : Đúng chăng ? Sai chăng ?

 

( Thế thì : một đất nước nhỏ bé kề bên một láng giềng to lớn luôn nuôi tham vọng xâm lăng mà bàn tay đạo lý đưa chiếc nôi dân tộc nghìn năm khí tiết xương-da-thịt-này-cha-ông-miệt-mài đã bị rẻ rúng chôn vùi , thì dân tộc ấy ắt sẽ bị bứng rễ đến diệt vong , đất nước ấy ắt sẽ bị (Tàu) ăn dâu đến tiêu vong , những đứa trẻ sơ sinh nằm trong nôi giữa thời Chùm-Khế-Ngọt sau này lớn lên rồi sẽ ngơ ngác hỏi Việt-Nam-Tôi-Đâu : chẳng nhẽ lại Đúng chăng ? chẳng nhẽ lại Sai chăng ? )

 

 

 

Người anh ngồi ở bàn , cặm cụi học bài năm cuối để thi ra Nha-sĩ , một chốc lại đứng lên đi tới đi lui ngêu ngao : Ai bảo chăn trâu là khổ , chăn trâu sướng lắm chứ … Người em nằm trong góc phòng đang đọc sách , mất kiên nhẫn , khẽ ngước lên liếc xéo rồi hỏi móc : sao không đi chăn trâu ? Người anh chợt cứng họng , sượng mặt , nhưng không thể trả lời .

 

Rồi người anh thi đậu ra Nha-sĩ , cưới được cô vợ đẹp cựu nữ sinh Trưng-Vương . Rồi 10 năm sau , vợ chồng sắm được dinh thự tráng lệ , xe hơi Mini-Cooper cho vợ và Land-Rover cho chồng . Cuộc đời là gì ? Là chữa răng-đánh xì phé-xoa mạt chược-uống Cognac-ăn cháo gà-đêm thơ đàn tranh ra mắt thi phẩm mùa thu-chiều nhạc dương cầm chủ đề tiền chiến ra mắt văn phẩm mùa xuân-dạ tiệc dạ vũ Boléro Tất Niên mỗi cuối năm-dạ tiệc dạ vũ Rumba Tân Niên mỗi đầu năm . Có 3 đứa con thì 2 đứa biết nghe lời cha mẹ , cũng đang học ra Nha-sĩ .

 

Nghe tin ông mắc bệnh nan y vào giai đoạn cuối , vì là bạn với người em , nó lái xe 12 tiếng đến thăm . Cơ thể người đàn ông 75 kg , nay chỉ còn da bọc xương . Nằm trên giường bệnh , 2 bàn tay run rẩy cầm tay nó , ông ứa nước mắt thì thào : thấy cậu , tôi lại nhớ đến thằng em tôi , Thiếu-úy chết trận Khánh-Dương đầu năm 1975 … tôi biết trả lời sao với nó … biết trả lời sao …

 

 

                                   

Những trái táo vừa ướm hồng trên cành , là thực phẩm bổ dưỡng Trời ban cho lũ sóc trong vườn . Phần còn lại chín đỏ rơi xuống Đất , nó lượm lặt để dành , với chút đường nhúm bột vài thanh quế , mà chế biến thành những bánh-mứt tích trữ ăn dần trong năm . Những kệ-bàn-ghế đẩu-giàn mướp-giàn bầu mộc mạc phô dáng chân quê Đông-Á giữa vùng thổ ngơi băng hàn trăm năm phong diệp tùng bách nơi ngoại ô bùn lầy kênh rạch của Bắc-Cực , là đã được nó uốn nắn cưa xẻ đo đóng hình thành từ nguyên liệu vốn là những khúc gỗ thiên hạ phế thải ven rừng-ven sông mà nó nhặt nhạnh vác về trong những lúc trầm tư bộ hành . Bã trà bã cà-phê , vỏ trứng vỏ tôm , nước vo gạo vo đậu … đều được dùng làm phân bón hữu cơ cho bụi ớt , húng , hẹ , răm , xả , thì là , ngò ôm , ngò gai , dấp cá , kinh giới , bạc hà , tía tô … Được 2 tháng Hè , nó năng mở yến tiệc đãi khách ngoài bao lơn sau vườn , và cái gọi là  “yến tiệc” thì chỉ duy nhất 1 món : cá-tôm nướng cuốn bún bánh tráng ( tôm-cá chẳng cần phải nhiều , vì cuốn bánh tráng gọi là ngon là nên ăn nhiều rau thơm-cà rốt bào và chấm thật đẫm vào chén nước mắm tỏi-ớt-chanh-dấm-đường pha sao cho hài hòa điệu nghệ , rồi nhẩn nha ăn độn thêm vào vài hạt đậu phộng rang , ai ăn thì tự nướng trên lò tự cuốn trên dĩa nên thức ăn không thể mang tội bỏ thừa bỏ mứa ; bia-rượu-chè-xoài-nhãn-chôm chôm-măng cụt-mãng cầu-sầu riêng-bánh ngọt … khách mang đến thì lại được chủ nhà tương kính đạm nhược thủy mà trả lễ hậu hỉ trước khi về bằng phân nửa trái mướp một phần ba trái bầu và nhũn nhặn thưa rằng bầu rụng rốn mướp đương hoa được ươm trồng nơi thổ ngơi băng hàn bắc cực là giá tợ thiên kim ! ) . Nó hồ như chẳng bỏ vốn , chỉ thuần là “vay mượn Đất-Trời” , chế gây thành “mây-gió” cho nó làm của riêng , bảo sao lại chẳng giàu có trong thanh đạm , bảo sao lại chẳng an nhiên cô liêu viễn xứ một góc trời nơi hải giác thiên nhai . Mai mốt nó đi , còn gì nữa không để mà buồn .

 

                                                        

Phạm Chu Thái

Hiver 2018 – Canada

 

http://www.gio-o.com/PhamChuThai.html

 

 

© gio-o.com 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét