Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại
mở Đại Hội kỳ 10
- Văn Lan/Người Việt
- Hits: 3664
“Thơ là một ngôn ngữ thanh điệu, một cảm giác, một xúc động thường được vướng đọng trong tâm tư của người thi sĩ, để nói lên nỗi niềm thao thức lãng mạn ướt át của một thời đã qua, để diễn biến thành dòng nước chảy, áng mây bay chuyển động cả tâm can, rồi cứ miệt mài theo dòng thời gian, hay vương vấn, mang nặng trong chuỗi ngày dài của đời nghệ sĩ.
“Vũ Khúc Mơ Hoa” tại Đại Hội Thi Ca Quốc Tế Lưỡng Niên kỳ 10 của Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
GARDEN GROVE, California (NV) – Đại Hội Thi Ca Quốc Tế Lưỡng Niên kỳ 10 do Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại (Vietnamese International Poetry Society) tổ chức tại nhà hàng Seafood Place, Garden Grove, vào lúc 6 giờ chiều Chủ Nhật, 18 Tháng Chín. Đây cũng là dịp phát hành tập thơ thứ 16 “Cụm Hoa Tình Yêu” (Flowers of Love-Fleurs d’Amour) cùng chương trình văn nghệ chủ đề “Thu Nhớ Quê Hương.”
“Thơ là một ngôn ngữ thanh điệu, một cảm giác, một xúc động thường được vướng đọng trong tâm tư của người thi sĩ, để nói lên nỗi niềm thao thức lãng mạn ướt át của một thời đã qua, để diễn biến thành dòng nước chảy, áng mây bay chuyển động cả tâm can, rồi cứ miệt mài theo dòng thời gian, hay vương vấn, mang nặng trong chuỗi ngày dài của đời nghệ sĩ. Vì vậy mà Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại, cứ mỗi hai năm, lại tổ chức đại hội một lần vào dịp mùa Thu, để quý vị thi hữu, thân hữu gặp nhau, chia sẻ và trao đổi cho nhau những sáng tác mới.”
Đó là lời chào mừng của thi họa sĩ Hoàng Vinh khai mạc đại hội.
Đây cũng là buổi hội ngộ, trở lại Nam California của các nhà thơ sau tám năm. Những thi văn hữu cùng người ái mộ thi ca tràn ngập trong không khí của thi từ và những bài thơ được diễn ngâm, cùng những lời ca cất lên trong niềm hân hoan gặp gỡ, thơ nhạc giao hòa, và có ba đề tài do ba diễn giả trình bày.
Thi hữu Như Hoa- Lê Quang Sinh, đương kim hội trưởng, nói: “Xin trân trọng chào mừng tất cả quý vị, trong mục đích bảo vệ và duy trì nền văn học hải ngoại và giới thiệu nền thi ca độc đáo của dân tộc Việt. Chúng tôi thành lập hội từ mùa Thu năm 1994 đến nay được 22 năm, và xuất bản được 16 thi tập ‘Cụm Hoa Tình Yêu’ với sự góp mặt của nhiều thi nhân và hàng trăm thi hữu khắp nơi trên thế giới.”
Tập thơ “Cụm Hoa Tình Yêu” thứ 16 hôm nay sẽ do Giáo Sư Đàm Trung Pháp giới thiệu, và do Giáo Sư Phạm Thị Huê, khoa trưởng đại học Orange Coast College, sẽ phát biểu cảm tưởng về những thi tập này cũng như “Duyên Văn Nghệ Với Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Tại Hải Ngoại.”
Tất cả những văn thi hữu tiến lên sân khấu, cùng chụp chung một bức ảnh kỷ niệm và nhân dịp này, Dược Sĩ Nguyễn Đình Thức, đại diện Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn, trao tặng hội bằng tưởng lục của Thượng Viện California để vinh danh những đóng góp to lớn trong việc bảo tồn nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Bà Frances Nguyễn Thế Thủy, đại diện Thị Trưởng Tạ Đức Trí của Westminster, cũng trao bằng tưởng lục cho những thi hữu hiện diện.
Toàn thể hội viên trong giờ khai mạc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Tiếp theo chương trình, ông Đàm Trung Pháp, chuyên viên về ngôn ngữ học, từng làm việc trong Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH từ 1968 đến 1975, và tiếp tục dạy tại các trường đại học ở Mỹ cho đến khi về hưu, được mời phát biểu, giới thiệu về tuyển tập “Cụm Hoa Tình Yêu” số 16.
Ông nói: “Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại với 16 tuyển tập ‘Cụm Hoa Tình Yêu’ trong vòng 22 năm nay, xứng đáng nhận được vòng nguyệt quế của chúng ta. Điều này chứng tỏ hội viên yêu thơ biết bao, và việc in ấn 16 tuyển tập thơ đồ sộ không phải là việc dễ dàng. Những tuyển tập thơ này, cũng như thi ca, là điều tối cần cho nhân loại. Một thi sĩ nổi tiếng từng nói: ‘Nỗi khổ nhất của con người, bi kịch lớn nhất của nhân loại, chính là nỗi cô đơn. Và chính ông đã viết một quyển nghị luận về nỗi cô đơn, với tựa đề ‘Mê Lộ Của Cô Đơn’ bằng tiếng Tây Ban Nha. Làm thế nào để loài người thoát khỏi mê lộ khổ sở này? Chiến tranh, đói khát, tất cả đều do sự cô đơn trong mê lộ ấy, và chính thơ là một vũ khí rất lớn để các dân tộc thoát ra khỏi vòng mê lộ cô đơn.”
Ông tiếp: “Thơ có thể giúp cho nhân loại tìm đến với nhau, bằng chính thi nhân là người thực tâm làm ra được những vần thơ bằng chính tâm tình rất thực của mình, diễn tả bằng cái thực của nội tâm.”
“Đọc thơ cũng là một điều rất quan trọng, không kém gì người làm thơ. Tất cả những kiến thức, qua thơ, sẽ giúp nhân loại tìm hiểu nhau. Những người nằm trong mê lộ sẽ tìm cách tiếp xúc với thế giới bên ngoài để hòa mình cùng nhau trong những vần thơ đẹp. Khi hiểu nhau rồi, con người sẽ thương nhau nhiều hơn, cùng nhau biến những ao ước thành tình yêu, thoát khỏi sự cô đơn, sẽ ra khỏi vòng mê lộ,” ông chia sẻ tiếp.
Ông cũng lược qua một trong những đề tài nổi bật nhất trong thi tập 16 này là “Khóc Mẹ,” vì có thể tình yêu thương mẹ rất lớn, thiêng liêng lắm, cũng có những bài thơ nhẹ nhàng duyên dáng, có những bài thơ tuy có phần nghiêng về chính trị, nhưng rất chính nghĩa như bài “Tuyên Ngôn Độc Lập,” sáng tác của thi sĩ Hoài Việt, và có những bài thơ nghiêng về tôn giáo, như bài “Vạt Nắng Bên Đời,” của thi sĩ Hoa Văn, để tạ ơn trời đất, nguyện cầu cho làm sao giữ mãi được niềm tin.
Dân tộc Việt Nam có lẽ là dân tộc rất yêu thơ, tuyển tập thơ này dày 441 trang, in rất trang nhã, gồm 61 tác giả, đến từ khắp các nơi, từ nhiều nghề nghiệp khác nhau. Phần 2 của thi tập là văn xuôi và phần 3 là những tuyển dịch Anh Ngữ một số bài thơ, kèm theo phụ bản thi họa rất đẹp và những lời khen tặng của các giới chức về tập thơ.
Vị diễn giả thứ hai là Giáo Sư Phạm Thị Huê, nói về đề tài “Duyên Văn Nghệ Với Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại.”
Bà nói: “’Cụm Hoa Tình Yêu’ đưa đến một ý niệm đoàn kết, xuất phát từ một cội nguồn, từ một gốc rễ, đó là nguồn gốc Việt Nam. Sức mạnh của từng cánh hoa, từng cành, lá hoa, là do cùng một gốc mà ra, chính là tình cảm thiêng liêng mà tất cả các văn thi hữu đã nâng lên, nuôi dưỡng và chia sẻ cùng nhau. Đó là tình tự dân tộc, mỗi người con Việt xa xứ đều nghĩ tới, là tiếng nói Việt Nam thân thương, chúng ta phải nuôi dưỡng và bảo tồn, và đã làm thành thơ. Chúng ta có trách nhiệm của thế hệ đi trước, dìu dắt thế hệ sau phải trau dồi, tiến tới chân thiện mỹ, như đại thi hào Nguyễn Du nói: ‘Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời.’”
Quang cảnh Đại Hội Thi Ca Quốc Tế Lưỡng Niên kỳ 10 của Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Diễn giả thứ ba là chị Hoàng Mỹ Hương, hội trưởng Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Gia Long, nói về tình cảm của người Việt xa quê, khi mùa Thu về, ngóng qua bên kia bờ đại dương, trùng dương bao la bát ngát mà nhớ về quê hương.
Chi Hương bồi hồi trong những vần thơ: “Thương nhớ chiều nay thương nhớ ai. Nghe Thu rơi rụng giọt Thu hoài. Quê hương ngày cũ còn đâu đó. Năm tháng bạc màu sợi tóc mai.”
Nhớ quê hương là nhớ cả bầu trời tuổi thơ, tuổi học trò, tuổi mộng mơ, nhớ cả bầu trời của một vùng ký ức xa xôi, nhớ mùi cơm chiều mẹ nấu, ôi nhớ mấy cho vừa.
Chị Hương cũng nhớ về kỷ niệm khi kể chuyện chuyến vượt biển không thành, khi trở về căn phòng cũ, thấy dòng chữ viết vội trên tường: “Tạm biệt nhé, căn phòng thân yêu” vẫn còn đó, với bàn ghế, sách vở còn đầy. Hoặc như người xa lạ, khi trở về trên quê hương của mình như một người xa lạ khi đám trẻ hỏi “Ông là người ở đâu tới vậy?” trong những vần thơ của Trần Vấn Lệ.
Một đêm hội ngộ tuyệt vời, giao hòa giữa thơ và nhạc, bay bổng với những ca từ trong dòng nhạc mang hơi hướng mùa Thu, mang lại những bồi hồi cảm xúc.
Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại có sự góp mặt của hàng trăm thi hữu khắp nơi trên thế giới, từng tổ chức nhiều chuyến du hành giới thiệu thi tập này tại Đức, Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Thụy Sĩ, và nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ.
Hội nhiều lần tổ chức Đại Hội Thi Ca Quốc Tế Lưỡng Niên tại Pháp, thủ đô Washington, DC, và nhiều tiểu bang tại Mỹ. Florida sẽ là nơi tổ chức đại hội lưỡng niên vào năm 2018.
Đến tham dự đại hội có các hội đoàn Hội Văn Bút Việt Nam, Mạng Lưới Nhân Quyền, Thi Đàn Hương Việt, Tổng Hội Quốc Gia Hành Chánh, Hội Bến Tre Kiến Hòa, Hội Cao Niên Á Mỹ, Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Gia Long, CLB Tình Nghệ Sĩ, ngoài ra còn có Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng và hơn 40 văn thi hữu và thân hữu, từ Việt Nam, Colorado, Arizona, và Pháp, đến.
===============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét