Thứ Hai, 8 tháng 5, 2023

HOA ĐÀO NĂM NGOÁI / Thế Phong -- trích: Việt Văn Mới : 6/ 5/ 2023 .

 Việt Văn Mới

       



HOA ĐÀO NĂM NGOÁI




6.


N goài bốn mươi tuổi, ăn vận bộ bà ba nâu hoặc đôi khi trắng, khuôn mặt gầy, đôi mắt sáng rực lửa, ngồi ghế xích đu, bên cạnh ghế đẩu: vài ba cuốn sách đang đọc dở, một hộp diêm, một bao Bát tô xanh, có điếu bẻ nửa, điếu gắn trên môi. Giáo sư thành Đạt Ma, đó là cách gọi của thầy giáo Nguyễn Sỹ Tế làm văn thơ, nhìn chủ soái Đàm trường viễn kiến. Phan Lạc Phúc, tự ký giả Lô Răng phong tước ông Trùm, như ông Trùm Vito Corleon trong phim truyện The God Father. Ông Bố Già của giới văn học, giới chính trị, giới sân khấu, giới thương mại, giới linh mục, giới thượng tọa... Cũng vẫn văn phong tả lãnh tụ văn học Nguyễn Đức Quỳnh, Lô Răng cho là hấp lực của chủ soái mạnh mẽ, càng hơn như Corleon dầu mắt nhắm rồi vẫn làm cho kẻ thù run sợ. Sợ vì khối óc tư tưởng, khối óc như từ điển bách khoa của Việt Nam, của ông Trùm chủ soái.

Khi Trần Phoóng, anh chạy vặt văn chương báo giới văn học, làm ra cái vẻ kéo bè, lôi cánh, như chủ soái có mệnh hệ nào, ta sẽ xin ý kiến của phe ta, như Mai Thảo, như Vũ Khắc Khoan, như Nguyễn Sỹ Tế, như Mặc Đỗ, như mụ vợ Thanh Nam, như Doãn Quốc Sỹ... Thí dụ hỏi về ông Trùm, bà đọc cuốn nào rồi? - Chưa, cả sách chưa đọc, cả mặt chưa thấy, ông Trùm là cái khỉ khô gì mà nhắc đến tên làm văn giới chấn động? Còn nhạc sĩ Phạm Duy cho ông Trùm như chất xúc tác cần thiết cho văn giới gần nhau. Chua thêm tiếng Tây cho bọn nó sợ, élément catalyseur, élément mà lại để chỉ người, coi ông Trùm chỉ là tĩnh vật.

Mai Thảo khôn ngoan, có cỡ văn học, nên không chỉ đăng nguyên bài, không có vài câu cảm tưởng như bọn lau nhau, nên tay này vi vút những câu có vẻ tha thiết: ... Mai Thảo ơi, sông Mã, sông Chu có còn không nhỉ? Đó là câu đề tặng sau này, cuốn Ai có qua cầu, anh Quỳnh viết cho tôi, trong cái ý gợi tôi nhớ lại cùng anh ấy gặp mặt mấy lần giữa hai dòng Chu Mã, chảy song song trên địa hình Thanh Hóa?... Một anh nhà văn trẻ tuổi hơn, sinh cỡ năm 1936 băng của Lê Hạ Vĩnh, Nguyễn Nam, Nguyễn Duy Nhiên, ...nhận xét về ông Trùm đĩnh đạc, sâu sắc, chân tình:

...Lúc anh Quỳnh còn sống đã có người viết về anh (không biết tên nào dại dột vậy, hay Phí Ích Nghiễm viết tên thằng chả, bị Trần Phoóng ghét không nhắc tên, không nhìn mặt, vì thằng chả xoáy tiền của tao, làm tao mất giấc mộng nhà triệu phú Trần Hoài. Đến khi tao đi bưng phở, gặp mấy thằng nhà văn, nhà báo vào ăn, tao sững người nhưng cũng phải bưng đến và nói chỏng: Thưa hai vị khách, quý khách vừa nhắc đến tên Trần Phoóng xưa kia của báo Văn, không phải là tôi. Thằng Trần Phoóng đã qua đời rồi quí vị ạ.) sau này chắc sẽ còn có nhiều người viết về anh, nhưng tôi thấy, ai viết một tiểu sử về anh cũng hết sức khó khăn, cho dù là những người thân nhất. Một tiểu sử chính xác, đầy đủ về Nguyễn Đức Quỳnh là một điều tôi không hề trông đợi. Mỗi người, tôi nghĩ thế, có một tiểu sử Nguyễn Đức Quỳnh...( )

T3 cười một mình, anh nghĩ tới những lần anh phân tích biệt hiệu của chủ soái. Nào là Đặng Tầm Thanh. Tôi đố cậu biết tầm thanh có nghĩa gì? – Xin Chịu – Dễ, là đi tìm Thanh. Đố cậu biết Thanh nào? Thanh trong Gió Nam ra Hà Nội trình diễn, Thanh ở Guillemin, gần ngã tư nhà thờ Huyện Sĩ, chứ Thanh nào. – Sao cậu biết? – Chịu. Không ai ngờ con người đạo mạo như giáo sĩ thành Đạt Ma, ông Trùm, chủ soái mà trái tim hồng cũng dễ làm ông cảm động. Một tiểu sử Nguyễn Đức Quỳnh trong mỗi người. T3 xin kể tiểu sử này thật độc đáo trong tim người nữ có tên Xuân Tâm. Bạn đọc có nhớ người nữ nào có tên này không? Nếu quên, tìm chương nói về ông Vị Ý hay hỏi ổng. Nhưng hỏi ổng chưa chắc ổng biết, chắc chắn là hỏi Xuân Tâm.

Câu chuyện bắt đầu từ lúc Xuân Tâm hỏi T3 về bài thơ Quách Thoại tặng bác Quỳnh. Nhà chủ soái mở Đàm trường viễn kiến nằm trên đường Phan Thanh Giản, Sàigòn 3. Gần nhà, cùng ngõ là chùa, nơi thượng tọa Tâm Châu lúc này còn là trụ trì tại đây. Gọi là chùa Từ Quang cho dễ nhớ. Nhà trệt, lợp tôn, phía trước tiếp khách, phía sau buồng ngủ, bếp nước. Trước nhà có một sân rộng, cây ổi lớn che tàn bóng mát, trông ra ngõ, thẳng đường. Trên bàn vào giai đoạn 1955, có cuốn sách đóng gáy da rất lớn, khổ tờ nhật báo, chữ VƯỢT mạ vàng. Nơi đây, anh em văn nghệ chính trị, sân khấu cải lương, kịch cọt, bạn bè... đều có thể xưng tên ghi họ và viết cảm tưởng của mình vào cuốn Vượt. Chủ soái khi viết Nhân Bản Mới đã mở đầu cho Vượt Mác, sau một đề tài chính thức mang tiêu đề này. Không cần phải đọc Le Capital (Tư bản luận) làm gì, kể cả bản tóm tắt của Thanh Nghị chẳng hạn, dịch được một tom nhỏ, ông Hồ Nam xắn tay áo lên vượt Mác cùng thầy Quỳnh. Vì khỏe, sức trai tráng thì có , sức học, sức đọc thì không (tội, ít chứ không phải sâu, nông choèn, sát nghĩa), nên vượt sao cứ thụt lùi, rồi chìm lỉm ơi ới gọi thầy cứu. Quách Thoại lúc sống hăng nhất, làm ngay một bài thơ tặng ông Trùm:

Anh hãy hát bài ca Đông Phương
Anh hãy hát bài ca Đông phương màu nhiệm ấy
Tay hư vô ôm vũ trụ trọn đầy –
Anh hãy cứ ngồi yên điềm tĩnh vậy
Sóng gió gì! xe tiến hóa vần xoay
Ta sẽ gặp nhau, trái đất còn quay
Đường luân chuyển không ra ngoài nẻo Đạo
Anh vừa đi qua mong manh tà áo
Gương hư vô còn giữ mãi bóng Người
Bởi hôm nay xin Anh giữ nụ cười
Tôi nín khóc đợi Thiên Nhiên hàn gắn lại
Ôi! vỡ lở mộng vàng chưa được hái.
Đời nhân gian hoa trái tái tê màu
Tôi kêu lại, xin Như Lai hằng ẩn náu
Hồn bơ vơ chưa hiểu lối phương mô
Tôi kêu lại xin vô biên về ngự trị
Giữa hồn tôi lùi sợ trước Hư vô
Anh hãy hát giùm tôi lời ca vĩ đại
Của im lìm, huyền bí của Đông phương
Anh hãy ca giùm tôi bài Kinh bác ái
Của tình thương thành thực tại vô lường
Anh hãy ngâm giùm tôi lời thơ trở lại
Để ốm đau tôi cố bước theo đường

(Quách Thoại, làm tặng Hà Việt Phương)


Lúc này Thoại ở khách sạn Đại Nam lầu, phòng số 2, T3 không nhớ rõ lắm, nhưng phòng số 1 đối diện là nhà văn diễm tình số một của miền Nam thời kỳ ấy trọ, Dương Hà quê Bạc Liêu, sách của Dương Hà bán chạy còn hơn tôm tươi, viết phơi-ơ-tông không kịp, bút Parker vàng, chữ viết rất nhỏ, người thâm thấp, mắt hấp háy. Và đối với bạn bè văn nghệ rất chân tình. Dương Hà uống rượu, bia như hũ chìm.

“Mày cầm bài thơ của nó đưa cho Hà Việt Phương đi. Không biết nó sẽ đi hồi nào? Mày viết về nó là thiên tài, là nhà thơ triết học, tao chỉ biết vậy thôi. Tao còn giữ đoạn này:

‘Thoại thành công đáng kể trong lối làm thơ triết học: nhân bản nhược tiểu dân tộc. Vì đầu tiên, ông có thiên tài, có lập trường, có sống, có căn bản, có nghệ thuật diễn đạt. Nên ngay ở tiểu mục thơ chính trị, không mắc vào lối văn nghệ xu nịnh chính trị hạ đẳng. Nói khác đi, ông tìm hiểu chính trị và không để cho chính trị sai khiến mình. Về sau, thơ Thoại càng tiến hơn về chiều sâu, cũng như chiều mặt. Một nhà thơ tầm thường (ở đây, tôi dùng nghĩa tương đồng với bình thường) không thể thành công trong thơ triết học được. Những bài thơ mới nhất của Thoại sáng tác hồi nào, sung sức nhất là vào hồi tháng hai 1957. Trước ngày đi Huế, chữa bệnh, rồi chán đời đi tu. Rồi cuộc sống khổ hạnh nơi cửa Thiền, càng đưa bệnh tật Thoại vào chỗ chết gần hơn. Những bài ấy Sáng Sàigòn (có chút ảnh hưởng từ bài thơ Trở Về của Xuân Diệu, về lối nhìn - nhưng ông cũng vượt được như khi sáng tác bài Cờ Dân Chủ). Ông đã tạo cho mình một âm hưởng mới của thơ, mượn thơ khác để sáng tạo cái mới, chứ không bội thực: như chịu ảnh hưởng nguyên tác một cách trung thành đưa đến tầm thường. Sự nghiệp một nhà thơ hậu chiến, hy sinh trọn cuộc đời mình trên trận địa, anh dũng hơn bất cứ một địa hạt nào cao quí nhất. Viên kỹ sư tâm hồn của thế kỷ đã sống một cuộc đời thật trọn vẹn (lãng tử, tài hoa, phóng khoáng, độc lập) tôi gọi là cuộc đời hậu thân thơ thật đời, đời thật thơ như Rainier Maria Rilke. Ông vượt được hết trở ngại của những ngày sống nơi trần giới, sống không tầm thường – để lại sau mình danh bất tử. Tôi kết luận về Thoại bằng hàng chữ đó (...)’

Xuân Tâm nghe xong, góp ý:

“Em không thể lập gia đình với anh Tâm được. Cũng có thể em chưa dám sống đời bấp bênh, khi nghĩ đến có con với anh. (Và nàng kể): Lần em gặp bác Quỳnh, em có ý muốn ông cố vấn giúp em, cố vấn về chuyện tình nhỏ bé của em. Em rất thích bài thơ của Quách Thoại tặng Bác. Bác vuốt tóc em, nhắn nhủ: ‘Hôm nào cháu lại Bác, nhớ đến khoảng tám chín giờ sáng.’ Em vui như là sửa soạn gặp được người cha kính mến từ lâu ngày em và mẹ em không còn được gặp. Những lúc thiếu bóng dáng cha, em tủi thân khóc, chỉ một mình em biết. Sáng hôm đó em tới Bác, nhà cửa im lìm vắng vẻ, êm ả quá. Phòng khách đằng trước, chẳng thấy bóng dáng Bác thường ngồi trên xích đu. Em cứ mạnh dạn bước vào, như có tiếng Bác từ trong vọng ra: ‘Con cứ vào đây với Bác. Bác mệt, sáng nay chưa muốn dậy.’ Chiếc giường gỗ nằm phía bên phải, từ ngoài bước vào, chiếc màn che chiếc mùng còn buông. Em vừa vào đến giường, Bác lôi tuột em theo tay Bác. Em sợ quá, giật tay thật mạnh, chạy ra ngoài. Em biết rằng sự khác biệt giữa Bác và Cha em là ở chỗ này. Nếu Cha em lôi tay như Bác vừa làm, em sẽ yên tâm hơn – tim em sẽ không đập thình thịch và nếu gọi đàn bà con gái có giác quan thứ sáu – em biết ngay phải phản ứng tìm lối thoát hiểm. Em còn như nhìn thấy đôi mắt nhìn như xoáy vào da thịt em, tiếng dỗ dành không làm em tin cậy: ‘Đừng sợ, Bác yêu thương con mà. Từ lâu Bác vẫn để ý đến con’ … Tiếng thương như không vang bằng âm chữ yêu, thôi chết rồi, Bác yêu mình rồi. Em không thể ngờ như vậy được. Bác có cậu con trai cũng từng si mê em như vậy, nhưng không làm em sợ như với Bác bây giờ.

Xuân Tâm đưa T3 lên gian thờ ở lầu ba, nơi Xuân Tâm thờ bà cụ. Xuân Tâm hỏi T3:

“Anh nhớ mẹ em chứ gì? Hồi ấy, mẹ em bảo anh Tâm giá mà bằng tuổi anh T3, mẹ em chịu liền. Số em vất vả, em sống với nhà em được hai mụn con, anh ấy ra đi. Đây là ảnh chồng em, anh không biết mặt bởi em không mời anh dự đám cưới. Từ ngày ở Bộ Công Dân Vụ vào năm 1961, đến khi em ra trường rồi không còn gặp anh nữa. Cả anh Tâm cũng vậy, nhất là từ buổi anh đòi hôn em.”

Xuân Tâm đưa bàn tay của T3 lên đặt lên tay nàng, tiếp lời:

“Bác nắm tay em như thế này. Như Bác muốn vít cổ em xuống như tìm môi em. Em thử đóng lại vai kịch Bác đóng với em, để xem anh có sợ hay cảm động như em đối với Bác không nhé?” Giữa lúc này, cô con gái của Tâm lên bậc thang gọi mẹ, có khách tìm. Xuân Tâm bước ra xa hơn, tạo khoảng cách với tôi. Hai chúng tôi cùng bước xuống nhà theo chân cháu gái.
Và đúng như Dương Nghiễm Mậu nhận định: ‘Mỗi người có một tiểu sử Nguyễn Đức Quỳnh’, T3 ghi lại tiểu sử Nguyễn Đức Quỳnh của Xuân Tâm, tất nhiên không thể giống với bất cứ một tiểu sử nào khác. Nguyễn Đức Quỳnh cũng là con người có trái tim rung động, dù có khối óc từ điển bách khoa, dù có là ông Trùm, dù có là một ngòi nổ dễ làm chấn động các giới: văn học, chính trị, sân khấu, triết học, kịch cọt, phê bình, nghĩa lý của văn chương Rồi Xuân Tâm tiếp:

“À quên, anh nói về Tạ Tỵ đi. Ông này viết sách phê bình anh viết về Bác Quỳnh như thế nào nhỉ?”

“Họa sĩ tài ba Tạ Tỵ, không những ông vẽ có một bản sắc độc đáo, nhất là chân dung phác họa các văn nghệ sĩ - đến cuối thế kỷ này, chưa ai hơn ông. Nhưng cũng tên bất tài vô tướng, như thằng bạn thân của tôi, văn sĩ diễm tình Huy Sơn, nó khện ông anh Tạ Tỵ, vào hồi làm thư ký tòa soạn nguyệt san Phụng Sự, cơ quan quân đội Quốc Gia Việt Nam, lúc này, Tạ Tỵ mang lon trung hay đại úy gì đó. Hai người không ăn ý với nhau, Huy Sơn phang một câu độc địa hơn cả sự nghiệp văn chương của nó: ‘Tài ông bằng một Tỵ, ông cứ làm ra vẻ một Tạ.’ Tạ Tỵ viết về Đàm trường viễn kiến của ông Trùm với các nhà văn nghệ trẻ:

‘Anh thường cho rằng những người làm văn học nghệ thuật trẻ lúc này không có lý tưởng. Họ làm nghệ thuật chỉ để thỏa mãn những mơ ước trong đầu, nhất là mong nổi tiếng mà họ quên khuấy đi cái sứ mạng thiêng liêng của văn nghệ là phải phục vụ cho đời sống mỗi ngày tốt đẹp hơn. Chính vì Nguyễn Đức Quỳnh quan niệm một cách rõ ràng như vậy nên mấy năm sau, anh mở ra một hội trường nhỏ tại chỗ anh ở để mạn đàm viễn kiến, tức là vừa nói chuyện vừa tranh luận về tương lai của nền văn nghệ Việt Nam. Có rất nhiều nhà văn trẻ thường đến dự , trong đó có Thế Phong, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, … Tôi không đến đó bao giờ …”

Xuân Tâm quay sang T3 hỏi:

“Các anh bằng tuổi nhau cả sao? Em muốn nói anh, anh Thanh Tâm Tuyền và anh Doãn Quốc Sỹ?”

“Không, anh Thanh Tâm Tuyền sinh 1936 bằng tuổi tôi trong thẻ căn cước, thật ra tôi khai rút 4 năm để đi học. Còn anh Sỹ hơn tôi 9 tuổi, Tuyền 13.”

“Thế đại họa sĩ Tạ Tỵ bao nhiêu tuổi?”

“Anh Tạ Ty sinh năm 1922, hơn anh Sỹ một tuổi.”

“Sao anh Tạ Tỵ gọi anh Sỹ là nhà văn trẻ?”

“Bởi anh Tỵ tưởng mình lão làng hơn anh Sỹ. Nhưng thật ra chưa chắc ai lão thành hay thành lão hơn ai.”

“Anh nói khó hiểu quá, nhất là đảo ngược chữ.”

“Rất dễ hiểu, bỏ chồng khác với chồng bỏ, như thành lão khác lão thành. Này nhé, ví dụ ông Tạ Tỵ sinh năm 1922, năm 1945 đã triển lãm tranh tại Salon Unique ở Hà Nội. Khi đó, anh ấy thành họa sĩ có danh. Cho tới nay, hơn nửa thế kỷ anh ấy bước vào văn học. Nếu khoảng thời gian ấy, tài anh so với năm phục vụ văn học nghệ thuật đều giá trị, được công nhận bởi công chúng và dư luận trong ngoài nước, kết luận anh Tạ Tỵ là họa sĩ, nhà văn, nhà phê bình lão thành. Nếu so với số năm hơn nửa thế kỷ kia, chỉ tính năm thôi. Còn tác phẩm hội họa văn chương, thơ phú, phê bình văn học giá trị chung chung, hẳn phải kết luận họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học Tạ Tỵ đã thành lão. Nghĩa nôm na là sống lâu lên lão làng.”

“Em hiểu ra rồi. Tại sao anh Tạ Tỵ và anh Doãn Quốc Sỹ như gần bằng tuổi nhau mà anh Tỵ lại chơi trội gọi anh Sỹ là nhà văn trẻ đồng lớp với Thanh Tâm Tuyền và anh.”

“Điều này rắc rối đây cô em Xuân Tâm ạ. Cô là nhà thơ không chuyên nghiệp, có tài làm thơ xướng họa, như bài thơ mừng thọ nhà văn Toan Ánh bẩy mươi, cùng với Cao Mỵ Nhân, Thư Linh, v.và nghĩa là Xuân Tâm có tâm hồn thi nhân, điều tôi nói ra đây không có gì khó hiểu. Như trong một cuốn hồi ký văn học của Tô Hoài, ông nhà văn tiền chiến nổi danh sinh 1920 cho biết Doãn Quốc Sỹ ban đầu viết văn cùng với ông ở Hạ Yên Quyết, ngoại thành Hoàn Long, Hà Nội trước tiền chiến. Lúc này Doãn Quốc Sỹ lấy bút hiệu Quan Sơn, viết một truyện ngắn về con gái lớn của nhà thơ trào phúng Tú Mỡ. Nhân vật nữ trong truyện ngắn của Quan Sơn là phu nhân nhà văn Doãn Quốc Sỹ sau này. Cứ cái mốc này, Tạ Tỵ và Doãn Quốc Sỹ có thể cùng khởi sự viết văn vào cùng thời kỳ.

Chẳng hiểu bức tranh đầu của Tạ Tỵ vẽ vào đêm 30 Tết bằng than, vì không có tiền mua sơn, vải bạt. Chàng họa sĩ nằm dài lên phản vẽ phác họa. Đó là những bức tranh đầu tiên của Tạ Tỵ, có thể xuất xứ cùng thời gian với truyện ngắn của Quan Sơn. Rồi trước năm 1954, về Hà Nội, không hiểu Sỹ viết nhiều hay ít, nhưng giai đoạn này Tạ Tỵ vẽ, viết khá nhiều. Nào là triển lãm, bài vở của Tạ Tỵ thường xuyên in trên tạp chí Thế Kỷ, chủ nhiệm Bùi Xuân Uyên. Sau 1954, Doãn Quốc Sỹ là chủ nhiệm tuần báo Lửa Việt, sau Người Việt, cơ quan ngôn luận của sinh viên. Và sách truyện của Sỹ ra thật đều, nhiều là khác. Trái Cây Đau Khổ, Sợ Lửa, U Hoài, … Chủ trương nhà xuất bản Sáng Tạo nổi danh hậu chiến. Như vậy Tạ Tỵ không thể gọi Doãn Quốc Sỹ nhà văn trẻ được, hay ngược lại Doãn Quốc Sỹ gọi Tạ Tỵ nhà văn trẻ đồng lứa với Thanh Tâm Tuyền và Thế Phong. Doãn Quốc Sỹ vốn tính hay quên nhưng anh không thể không nhớ câu chuyện này: ‘Ba người ngồi với nhau trên một băng ghế, trước một hội quán thanh niên. Ba người tên là Phong, Văn và Sỹ. Sỹ ngồi giữa, mặc bộ bà ba trắng. Phong nói chuyện với Sỹ:

-Lúc nãy, anh nói với tôi, Tạ Tỵ viết hồi ký nhắc đến tôi. Có phải vậy không?

-Đúng.

-Nhưng anh ấy có nhắc gì đến anh không?

-Tôi không nhớ rõ lắm.

-Vậy tôi xin phép điều anh nhớ không rõ, để tôi kể chuyện nhỏ về anh qua anh Tỵ viết; mà tôi nhớ khá rõ. Anh Tỵ viết: Có rất nhiều nhà văn trẻ thường đến tham dự (đây là mạn đàm viễn kiến tại nhà anh Quỳnh tranh luận về tương lai của nền văn nghệ Việt Nam) trong đó có Thế Phong, Thanh Tâm Tuyền và Doãn Quốc Sỹ” (số trang không nhớ rõ, nhưng nhất định không sai một chữ trong Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Đã Đi Qua Đời Tôi, Thằng Mõ Cali xb 1990).

Anh Tỵ gọi tôi và cậu Tuyền nhà văn trẻ không thể trách anh ta được, nhưng với Doãn Quốc Sỹ, được gọi nhà văn trẻ, thì anh nghĩ sao?

-Tiên sư cái thằng chơi gác!

Rồi anh đi đoàn tụ. Báo chí phỏng vấn anh Sỹ. Anh có đọc văn chương hải ngoại không? Nhất là hồi ký văn chương? – Có. – Anh đọc những cuốn nào?- Hồi ký Nhã Ca, hồi ký Tạ Tỵ, hồi ký Hà Thúc Sinh vv và vv - Anh cho biết ý kiến của anh? – Chẳng ra gì cả, kể cả Hồi ký của ông được gọi là Tạ với Tỵ. (Báo có ghi thêm một câu, nhà văn rất hay quên, nhưng riêng điều này ông nhớ dai và nhớ rõ).

“Còn anh Tạ Tỵ viết về anh ra sao, anh T3?”

“Anh ấy viết theo cảm nghĩ của anh khi gặp tôi. Có điều, anh cho rằng viết cuốn Nhận diện vóc dáng nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh là phản lại người đã có công đầu nâng đỡ tôi trên bước đường văn chương. Đó là ý kiến của anh ấy. Không phải tôi.”

“Thế anh có thể cho em đọc đoạn ấy không?”

“Tôi nghĩ tóm tắt cho cô nghe như vậy cũng đủ.”

“Em đã dám kể cho anh nghe một thoáng gặp của em với Bác Quỳnh, hẳn không thể giống bất cứ ai. Vậy anh còn tiếc gì em mà không cho đọc?”

“Xuân Tâm lý luận cứng cỏi chẳng kém gì lời nhà văn Toan Ánh khen Xuân Tâm: ‘Tôi đã nhắc tới ở trên, và phía nữ tôi cũng đã nhắc tới một vài người như các chị Thư Linh, Thùy Dương, cô Đặng thị Tâm” …( )

“Em là Xuân Tâm, không phải Đặng thị Tâm. Và thật ra bác Toan Ánh nhầm đấy.”

“Phải, bác nhầm, Tâm với Xuân, tuy hai là một, còn Đặng với Tâm tuy một mà hai.”

“Anh vờ vịt mãi, không cho em đọc đoạn văn kia, nhất định em bắt đền.”

“Bắt đền như có lần cô bắt tôi lên gác ba, nơi đó cô thờ bác, phu quân và nắm tay tôi như đóng kịch chứ gì? Thôi đành phải chiều cô em khó tính thôi. Tạ Tỵ viết thế này:

‘Có những buổi sáng Chủ Nhật, tôi thường la cà tại phố Lê Lợi, đôi khi ngồi quán Kim Sơn uống cà phê, tán dóc với vài ba người bạn. Chính tại nơi này, tôi gặp Thế Phong. Khi đó anh đang chủ trương nhà xuất bản Đại Nam Văn Hiến. Sách của nhà xuất bản này đặc biệt in bằng máy Ronéo, và do Thế Phong vừa biên soạn, vừa đánh máy. Sau khi in ra, chính tay anh mang đi phát hành. Tất cả những gì do nhà Đại Nam Văn Hiến xuất bản đều không mang số kiểm duyệt, tức in lậu. Thế Phong thường được các người viết trẻ gọi đùa là nhà văn nghệ “cao bồi”, vì anh có cái tướng trông ngang tàng, bất cần ai và sẵn sàng đánh lộn nếu cần. Thế Phong, tóc hớt ngắn lởm chởm vì sợi tóc khô, cứng. Khuôn mặt trông khắc khổ, cặp mắt sắc sảo với chiếc cằm nhọn. Đặc biệt, anh có bàn tay sáu ngón. Thân hình tuy không to lớn, nhưng gân guốc, khỏe mạnh. Thế Phong viết phê bình rất độc. Anh không sợ sự oán giận của người bị anh phê bình, do đó anh viết cả một cuốn sách để nói về cuộc đời của Nguyễn Đức Quỳnh, để mạt sát người đã dìu dắt và nâng đỡ anh trong bước đầu vào khung trời văn học. Nhưng không phải Thế Phong chỉ nói và chửi người khác đâu, anh dám nói cả thói hư tật xấu của riêng anh nữa. Cho đến hôm nay, tôi cũng không hiểu vì lý do nào, Thế Phong lại mến phục tôi, vì lúc nào gặp hoặc nói về tôi, anh đều dè dặt, có vẻ giữ lời, chứ không buông thả, chửi bới tùm lum như đối với những người khác. Thế Phong, con người rất đam mê, không những văn học mà còn đàn bà. Những người được anh mê, chắc cũng khổ tâm lắm như Cao Mỵ Nhân và nữ sĩ Linh Bảo. Thế Phong cứ viết đại ra, không biết viết như vậy làm hại danh dự của người khác, nhất là giới phụ nữ, nhưng hình như anh không cần hai chữ danh dự, anh viết chỉ nhằm mục đích được nói hết những gì mình nghĩ. Thế Phong còn ký dưới nhiều bút hiệu khác như Đinh Bạch Dân, Đường Bá Bổn vv.. Tên thật Thế Phong là Đỗ Mạnh Tường. Tôi cũng không hiểu sao Thế Phong lại có tiền để làm một công việc mà tôi tin có rất ít kết quả. Sách in Ronéo lem nhem, chữ còn chữ mất, lại in lậu nên phải bán giấu giếm chứ không công khai như các loại sách có kiểm duyệt. Thế Phong, nhà văn nghệ cách mạng muốn lành mạnh hóa nếp sống tinh thần qua phương tiện văn chương, nhưng có điều Thế Phong quên, trước khi muốn sửa người, hãy tự sửa mình, nghĩa là phải soi gương trước khi nhìn người khác. Tôi tin rằng Thế Phong nay đã gần 60 tuổi trời, khi quay lại nhìn những hình ảnh cũ, thế nào cũng nhận ra một số sai lầm và ân hận” (Những Khuôn Mặt Văn Nghệ à. Sđd).

“Anh nghĩ sao về họa sĩ Tạ Tỵ viết về anh?

“Phải cảm ơn anh ấy với nhận xét chín phần mười đúng, phần sai có nghĩa gì. Không thể nói như một cậu nhà văn khác, Nguyễn Đình Toàn chẳng hạn. Cậu này, theo như anh Tạ Tỵ kể, trước khi được anh đề nghị viết trong Mười Khuôn mặt văn nghệ hôm nay thì săn đón, vuốt ve. Khi anh ấy vẽ xong, phác họa rất đạt, viết rất xác đáng, cậu Toàn bèn phán: ‘Ông Tạ Tỵ viết về Nguyễn Đình Toàn như viết ai khác’. Nếu tôi là anh Tạ Tỵ, không trách cậu Toàn, mà cảm ơn sự qua sông nhờ Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ nổi danh hơn; lại sớm vén quần tè lên sóng.”

“Còn anh nghĩ sao về bác Quỳnh, kể cả những điều em kể cho anh nghe?”

“Tôi thấy đối với Bác Quỳnh đúng, phản ứng cần thiết của một phụ nữ. Nhưng nếu em liều... hẳn Bác sẽ nhờ em từ đó đưa vào văn chương những cảm giác khai phá mới cho hình tượng yêu đương. Em có tiếc cũng đã xong. Em hiến nụ hôn, thân xác em cho một người đàn ông khác, thì kẻ ấy chỉ khai thác nụ hôn, thân xác bằng hành động xác thịt, không khám phá được điều gì mới hơn là Bác được em cho khai phá. Em là một phụ nữ rất đặc biệt, nên dưới nhãn quan của Bác, em như vợ một tướng quân trong Thánh Kinh có tên U-Ri: ‘Một buổi Đa-Vít trỗi khỏi giường mình, đi dạo chơi trên nóc đền vua, bèn thấy một người nữ đương tắm, người nữ ấy rất là lịch sự. Đa-Vít sai hỏi người nữ ấy là ai thì người ta thưa rằng: Ấy là Bát-Sê-Ba, con gái của Êliam, vợ của U-Ri, người Hê-tít. Đa-Vít sai người đem nàng đến. Nàng đến nhà vua và vua ngủ với nàng. Sau khi nàng làm cho sạch sự ô uế mình, bèn trở về nhà. Người nữ này thọ thai, sai người tâu cùng Đa-Vít rằng: Tôi có thai (...)
Vua bèn nghĩ cách độc chiếm nàng Bát-Sê-Ba, gọi tướng quân U-Ri đến hỏi thăm đạo quân, cùng chiến trận ra sao? Vua sai U-Ri đứng đầu gió chiến trận hiểm nghèo, để tướng quân bị đánh và chết đi. Sau vua Đa-Vít ăn năn, hối cải cầu nguyện Chúa tha tội. Thơ Đa-Vít làm có đoạn:

Tội lỗi tôi hằng ở trước mắt tôi
Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ một mình Chúa thôi
Và làm đều ác trước mặt Chúa
Hầu cho Chúa được công bình khi Chúa phán
Và được thanh sạch khi Chúa xét đoán
Kìa tôi sinh ra trong sự gian ác
Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi’ (...)

Là người khác, kể cả chồng nàng là Tướng quân, thân xác, tư tưởng, cảm xúc của nàng vẫn chỉ là khúc gỗ đàn bà lăn qua lăn lại trên da thịt đàn ông. Bác qua đời vào ngày 6 tháng 6 năm 74. Một ngày dài nhất của chiến tranh thế chiến hai kết thúc, trở thành một phim tuyệt vời hay, xúc động mà tôi đã xem. Đây là ngày ngắn nhất của Bác. Nhưng trước một ngày, Bác Quỳnh còn viết những dòng di cảo. Xuân Tâm, cô hãy đọc đi:

30-3-74, 7 giờ

‘Tất cả các lý thuyết gia Đông Tây hiện đại đều chỉ mới đi đến Phương Pháp Luận. Trừ Jean Paul Sartre mới thực là đạt đến Nguyên Lý đời sống Con Người Hiện Đại.

10-4-74, 10 giờ 30

‘Càng đọc Sartre càng thấy Sartre quả là Khổng Khâu của Thời Đại. Sartre là kẻ sỹ vậy.

22-4-74

‘Không tài nào loài người và dân tộc tránh khỏi: Thế điều hợp nội ngoại, cá tập, gia lễ Phép phản ứng hóa, Thiêu nếu muốn làm chính trị. Gan ỳ, “Ù Lỳ” nằm vạ của nhược tiểu.

15-5-74

Từ hôm nay lại viết: ngoài sáng tác ra thì không có cách gì làm cho quên bệnh, tức là tránh cái ám ốp vì Ung Thư (hay là bệnh tưởng cũng vậy).
Ừ, thì lại “mở rộng phòng the”.
Trước đây, mỗi khi cầm bút hay ôm máy đánh chữ, thì sao mà lòng nó lâng lâng, nó hào hứng là thế. Mà sao bây giờ, hôm nay, lúc này, tuy múa bút thì vẫn múa bút thật đấy, song lòng thì thấy vắng, tẻ nhạt, ngao ngán thế nào ấy! Thời chăng? Thế chăng? Duyên tận, Nghiệp tận chăng?

23-5-74

Biết được chứng bệnh của mình đã là hiếm thấy như lương y, huống hồ đã biết Tinh và Khí của con bệnh? Chi nên, đến giờ này y học vẫn còn là một khoa học mò mẫm. Làm sao cho lương y phải sống nghĩa là đau và chịu đau như con bệnh.

26-5-74

Thời đại này là Thời Đại Trao Đổi, Trả Đũa, là thời Rửa Hận, là thời … gì gì nữa giữa Đông và Tây cũng vẫn là đúng. Nói rõ hơn là Đông bị Tây đem kỹ thuật học được của Đông rồi đè nén Đông suốt mấy trăm năm nay nên bây giờ là lúc Đông báo oán. Đông Phương bao giờ cũng thừa sức “mớm ý” “làm thầy” Tây Phương về mọi mặt quân sự, chính trị, cũng như văn nghệ, đạo lý.

5-6-74, 21 giờ 30

Tôi cấm không ai khóc tôi, vì khóc tôi là phản bội tôi.
Tôi sinh ra trần truồng, tôi không mặc gì khi chết. Hãy gói tôi bằng một tấm nhiễu điều
NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

“Xuân Tâm ơi, đừng khóc nữa. Dầu sao cũng vẫn được Bác Quỳnh nhìn với con mắt muốn ngang hàng bởi em là người phụ nữ thông minh, đẹp bắt mắt, tâm hồn thăng hoa, ở những người khác Bác không thấy. Bác muốn đưa em vào văn chương, triết lý mẫu người đàn bà hiếm hoi của thời đại hôm nay.”

...CÒN TIẾP ...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét