NẶNG LÒNG (Tâm Bút TTBG)Hộp thư đến
NẶNG LÒNG (Tâm Bút TTBG) []
San Jose, Chủ nhật May 21, 2023 I. Trong giòng văn chương VN, tôi đặc biệt yêu thích Thạch Lam. Trong bài Một Vài Ý Kiến, ông viết: */ Tất nhiên một nhà văn phải biết quan sát. Người ta thường hiểu sự quan sát bề ngoài là cái tài chụp hình và ghi nhớ các sự vật. Sự quan sát ấy không đủ và chỉ khiến tác phẩm trở nên khô khan hay có vị khôi hài. Cần hơn là sự quan sát bề trong, khiến nghệ sĩ có thể hiểu được cái ý nghĩa giấu kín của sự vật, trạng thái tâm lý của một cử chỉ hay một lời nói.
*/ Có một quan niệm: Nhiều nhà văn của ta hiện giờ đang tin theo: Nghệ sĩ phải chơi bời phóng túng, phải trụy lạc trong các chốn bán vui, để khi xác thịt thật mệt mỏi thì tâm trí càng được sáng suốt. Sự chơi bời có lẽ là một giải trí của nghệ sĩ, nhưng tất cả không phải là điều cần thiết cho nghệ thuật chút nào. Có lẽ, một nghệ sĩ có tài năng khác người thường hay chơi bời phóng túng, không chịu buộc mình trong các lề lối thông thường. Nhưng sự phóng túng ấy là một trạng thái của tâm hồn nghệ sĩ, chứ không phải là trạng thái của tài năng; và nghệ sĩ không bao giờ nghĩ rằng sự ấy có ích lợi gì cho việc viết lách của họ. Còn những kẻ không có tài, dẫu bắt chước chơi bời trụy lạc đến mức nào thì cũng không vì thế mà nảy nở tài năng ra được.
*/ Cũng theo một quan niệm như thế, họ tưởng rằng nhà văn phải là người nghe rộng, đi nhiều, từng lăn lộn khắp đó đây để có nhiều kinh nghiệm trong cuộc đời. Nhưng đối với một người không có tài năng thì đi nhiều cũng không đem lại được ích lợi gì. Còn đối với người biết trông và suy xét, họ không cần đi đâu cả: Cuộc đời hằng ngày bao bọc chung quanh cũng đã cho họ thừa tài liệu. Nhiều tác phẩm chứng minh rằng tác giả biết rất nhiều mà vẫn sống rất ít.
*/ Ta quen nhìn đồng hồ đến nỗi tưởng rằng thời gian ở trong ấy. Bao nhiêu người vì thói quen, vì tập quán, đã lấy cái bề ngoài làm sự thật, cử chỉ làm tánh tình, khuôn sáo làm tâm lý. Thật rất khó khăn mà phân biệt được giả với thật, cái màu mè với sự rung động, cái nghề khéo léo với sự sống sâu xa. Có những cách bày đặt đẹp đẽ đến nỗi người ta bị lóa mắt. Có biết bao tác phẩm trong đó cảm hứng của tác giả thay bằng một vài khuôn sáo hợp thời; tâm lý nhân vật thay bằng ý muốn xinh đẹp; sự thuần tay thay cho nghệ thuật?
*/ Nên gọi việc trốn tránh đó là gì? Là cái “sợ sự thật.” Có nhiều nhà văn không dám nhìn thẳng vào sự thật bao giờ. Trong tác phẩm của họ, những cảnh tả đều là bịa đặt, không có thật; các nhân vật đều có những khuôn sáo tâm lý sẵn có trong các sách trước. Thành thử ở một tiểu thuyết An Nam, chúng ta không thấy đất nước An Nam và cũng không thấy người An Nam. Có phải rằng làm như thế là dễ dàng hơn? Vì không có chuẩn đích nào để so sánh, họ tưởng giấu được, không ai biết ra những điều sai lầm của họ. Họ thỏa ý trong những con đường người trước đã vạch. Họ có mắt mà không dám trông, có trí mà không dám xét, dù là khi đứng trước sự thật cuộc đời. Cả đến tâm hồn mang trong người, họ cũng tránh không nhìn thấy.
Bản văn này Thạch Lam viết trong thập niên 1930 ở Hà Nội. Đến bây giờ, 2023 ở Mỹ, TTBG đọc vẫn thấy giá trị xác đáng như thường! * * * II. Lâu lâu được dịp ngồi đọc sách cũng thú! Cạnh bên vô số tác phẩm văn chương Tây phương lừng danh, tôi cũng có nhiều bộ sách Tàu nổi tiếng. Hễ mệt mỏi trí não là tôi lại lôi Sử Ký Tư Mã Thiên, Hán Sở Tranh Hùng hay Thủy Hử… ra đọc. Với tôi, đọc sách không bao giờ là sự giải trí bình thường, từ nhỏ đã nghĩ thế. Phải có cái gì cho tôi suy ngẫm thì mới chịu ngồi với nó. Ngày xưa đọc sách thấy khác hẳn việc ngày nay đọc sách. Ngày xưa hăm hở bao nhiêu theo cái Đẹp muốn đi tìm qua con chữ thì ngày nay chán chường bấy nhiêu theo những gì đã quá biết trong đời. Dù vậy, mỗi khi cầm lên cuốn sách hay, vẫn bắt gặp được niềm thú vị. Ví dụ, mấy bữa nay đọc Tào Tháo. Những mưu mô, thủ đoạn, tranh quyền đoạt lợi, cốt nhục tương tàn… của người xưa rõ là rất quen với cái nhìn tôi thời nay. Khác chăng là lối suy nghĩ và hành động của người thiên cổ (dù hay dù dở, dù thiện dù ác) vẫn có gì sâu xa đáng nể hơn những bộ não nông cạn máy móc của con người công nghệ bây giờ.
(Trong trí tôi: Một cuốn sách cầm tay trông sang cả trí thức hơn cái điện thoại Apple Ipad loại mới, đắt tiền nhất hôm nay!)
Đọc Tào Tháo không chỉ là một lối cởi bỏ giùm cái đầu khỏi những rối ren, mà còn thêm một lần cho tôi nghiền ngẫm bài học nhân sinh qua những con chữ. Nỗi oan khuất của con người đại trí, đại dũng, đại gian hùng nhà Đông Hán như có gì gần cận? Tâm trạng đau lòng của người xưa trên đủ khía cạnh (đặc biệt khía cạnh con cái tương tàn) không khác chút nào so với người nay. An ủi là ở chỗ đó.
Tôi cũng có một bộ sách đang làm dang dở, vài ngàn trang là ít. Luôn luôn tôi thấy mình có tội theo điều đó. Chủ đề ghi ra đều là “các mẩu chuyện tai nghe mắt thấy rút từ cuộc đời bao quanh hằng ngày…” như Thạch Lam nói. Gọi sâu xa cũng đúng mà gọi bao đồng không trật.
Mười ngày qua quyết tâm ngưng viết bài mới, để thì giờ ngồi vào bộ sách, chăm chút từng câu, nâng niu từng chữ. Hoàn tất được 9 tập, mỗi tập lay out thành 200 trang; in từ printer bằng loại giấy đắt tiền tồn trữ 20 năm; tự tay cắt dán, khâu may, làm bìa thành từng cuốn khổ nhỏ xinh xắn. Mỗi số chỉ thực hiện một bản, trang đầu đề tặng con gái Trần Nghi Âu Cơ.
(Bạn mà chứng kiến cái cách tôi vùi đầu sống với những cuốn này, quên cả ăn uống, hẳn bạn thấy trong tôi cả một trời đam mê chữ nghĩa!)
Hai hôm đọc Tào Tháo là mất hai hôm làm sách. Thấy tiếc thì giờ hùi hụi! Nhưng tự cho phép mình nghỉ ngơi chút ít! Tôi không biết mình là đứa thế nào? Bảo tôi điên có lẽ không sai, mà nói tôi tỉnh thì cũng thật đúng. Một câu nhắc nhủ của mẹ già mãi ám ảnh tâm trí: “Đường còn xa, gánh trên vai còn nặng mà trời thì sắp tối.” Hơn ba mươi năm xưa, nghe câu ấy, tôi chấm dứt liền mọi cuộc chơi, bỏ Âu Châu sang Mỹ làm lại cuộc đời ngay.
Bây giờ câu nói tái đi tái lại trong óc. Không còn là trách nhiệm trên Vân San hay mẹ già thuở trước, hoặc Âu Cơ ngày sau… mà là trên những đứa con tinh thần chưa được nhìn thấy mặt trời. Một thứ trách nhiệm không tên làm choàng tỉnh giấc ngủ giữa đêm. Một nỗi buồn dai dẳng mà hễ mỗi khi nhớ lại là tôi phải uống vào một viên thuốc ngủ ngay.
Cái khổ của tôi nằm đó. Hai ngày đọc Tào Tháo bỗng ngẫm ra điều: “Có lẽ cuối cùng rồi cũng như ông, cuộc đời tôi sẽ bị kết thúc bằng cái chết hộc máu theo những toan tính chưa làm trọn. Chết mà vẫn nặng lòng, hai con mắt mở trơ trơ!”
Trong lớp hòa âm tuần trước, nhân nói về cá chất “Làm điều gì cũng đào sâu tận đáy”, tôi buồn rầu đưa ra lời với Vani và Chris: “Các tác phẩm đang thực hiện, khi cô nằm xuống thì số phận chúng sẽ rơi vào góc xó một tiệm bán sách cũ nào đó. Vậy mà không hiểu sao bây giờ vẫn cứ kiên trì theo từng trang, nâng niu trên từng chữ, khoác áo mặc quần đẹp đẽ cho chúng…” Hai người học trò không phải dân đọc sách nhưng cầm hai cuốn mẫu tôi đưa, nét mặt mang vẻ ngậm ngùi xót thương thật sự. []
Trần Thị Bông Giấy (San Jose, May 21, 2023, 9:11 PM) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét