Di cảo Nguyễn Huy Thiệp: 'anh hùng còn chi?'1
Có thể không gây "choáng váng" văn đàn như những tác phẩm đầu tiên được công bố ở thập niên 1980 nhưng "Di cảo Nguyễn Huy Thiệp", một ấn phẩm đang hoàn thiện, cũng sẽ giúp hình dung đầy đủ hơn về sự nghiệp, cuộc đời của nhà văn danh tiếng này.
Những vần thơ chua xót là tên tập thơ mà Nguyễn Huy Thiệp hoàn thành vào năm 1977. Tập thơ gồm 51 bài, viết trên một cuốn sổ tay tự đóng khổ nhỏ, màu giấy mờ đục, loại giấy có lẽ cũng phải chắt chiu lắm mới có.
"Còn những gì chua xót/ Chỉ là trong thơ thôi"
Ở nơi rừng núi Sơn La thăm thẳm, lại chỉ là một "giáo viên quèn", chàng trai 27 tuổi Nguyễn Huy Thiệp khi đó hẳn không dám mơ mộng nghĩ đến việc xuất bản, thậm chí, gửi đăng báo.
Những vần thơ, thật ra, như lối ghi nhật ký, bộc bạch cảm xúc và suy tư của một trí thức tỉnh lẻ đang phải "đi xa hơn nữa".
Lúc ấy, Nguyễn Huy Thiệp vừa lập gia đình, con trai đầu mới tròn 1 tuổi, và cả hai đều ở dưới xuôi.
"Còn những gì chua xót/ Chỉ là trong thơ thôi", câu đề từ tập thơ hé lộ cách cảm, cách nhìn cuộc sống, con người của Nguyễn Huy Thiệp không hề mang màu hồng, ngợi ca như dòng mạch chính của thơ ca Việt Nam bấy giờ.
Trong giọng điệu thẳng thắn, có phần phê phán và giễu nhại, Nguyễn Huy Thiệp nhận ra: "Đâu cũng đầy bản tính nhác lười/ Thói vị lợi lân la tìm bạn/ Những khuôn mặt vô duyên, buồn chán/ Đất cằn khô, cỏ mọc chen hoa...".
Có thể thực tại cuộc sống miền núi không như ý cùng nỗi băn khoăn về các giá trị sống, điều mà Nguyễn Huy Thiệp về sau đã biểu đạt rất sâu sắc trong các truyện ngắn, đã khiến anh thầy vùng cao day đi dứt lại, chất vấn chính mình: "Ở trong anh cũng có ươn hèn/ Cũng vụ lợi, dại rồ, ích kỷ/ Cũng có tháng ngày sống vô nghĩa lý/ Cũng hóa tầm thường khi bụng hờn ghen".
Có thể nói Những vần thơ chua xót không hề có câu chữ trau chuốt, bút pháp tân kỳ. Nó khiến người đọc liên tưởng đến thơ của Lưu Quang Vũ vào đầu thập niên 1970 với nhiều thi phẩm thể hiện trạng thái hoang mang, sợ hãi, có phần bi phẫn, chua xót. Vì thế, chúng chỉ tồn tại trong ngăn kéo, không thể công bố.
Thơ Nguyễn Huy Thiệp, không hẹn mà gặp, cũng gần giống với thơ Lưu Quang Vũ trong cảm xúc, giọng điệu. Và thú vị thay, cả hai, về sau đều nổi lên như một tiếng nói trung thực, mạnh mẽ nhất về hiện tình xã hội.
Nguyễn Huy Thiệp không trở thành nhà thơ. Chính xác hơn, ông đã chuyển năng lực sáng tác, cảm xúc thơ vào truyện. Cách thức đó, suốt hơn bốn thập niên viết văn, đã góp phần tạo nên một Nguyễn Huy Thiệp thật sự riêng khác, độc đáo và thách thức lý giải.
Ký họa trên gốm
Thuở đôi mươi ở Sơn La, Nguyễn Huy Thiệp cũng thích vẽ, từng theo chân họa sĩ Cà Kha Sam học vẽ và minh họa báo. Nhưng ông chỉ thực sự vẽ nhiều và thường xuyên trên gốm theo hình thức ký họa.
Một số bức ảnh tư liệu cho thấy Nguyễn Huy Thiệp từng vẽ chân dung các thực khách đến nhà hàng Hoa Ban của ông. Đấy là quãng đầu những năm 1990 khi ông đóng vai trò chủ nhà hàng, tuyên bố "rửa tay gác kiếm", không viết văn nữa.
Nhưng vẽ, ký họa như thế chỉ là một "chiêu trò" thu hút thực khách, không thể nói lên tâm tính, cái nhìn của ông.
Chỉ khi vẽ các văn nhân, bạn hữu, các tác giả, nhân vật văn chương thì Nguyễn Huy Thiệp mới bộc rõ hơn kiểu vẽ của ông. Thường thường, ở mặt trước đĩa gốm, mỗi chân dung sẽ được ông vẽ phác thảo vài nét, lẩy thần thái khuôn mặt là chính.
Ở mặt sau, ông ghi đề tặng hoặc viết lại những câu châm ngôn, hoặc trích đoạn tác phẩm mà ông muốn gửi gắm.
Không kể những văn nhân, bạn hữu thân sơ mà ông vẽ tặng; Nguyễn Huy Thiệp tỏ ra thích ký họa những cá tính văn chương lớn ít nhiều đã gây hứng thú cho ông như Victor Hugo, Balzac, Hemingway, Puskin, Bùi Giáng, Hoàng Ngọc Hiến, Tô Hoài, Lê Lựu...
Ông cũng vẽ ký họa lại bìa, nhân vật tác phẩm của mình nhân dịp chúng được dịch, xuất bản nước ngoài hoặc tái bản trong nước. Công việc tưởng chỉ giải trí, tiêu khiển thì giờ này lại được Nguyễn Huy Thiệp khá chăm chút, cẩn trọng.
Khó có thể nói rằng các ký họa này đều có tính mỹ thuật, "đẹp" nhưng cũng như hành trình viết văn, Nguyễn Huy Thiệp, qua ký họa trên gốm, mà có thế giới nhân vật của mình, có cả anh hùng và ngụy quân tử, có những câu chữ thảng thốt như dòng viết dưới bức chân dung tự họa: "Tôi đấy ư?/ Ừ, tôi đấy ư?/ Đến già vẫn còn nét suy tư" và "cũng may mà ta đã già".
Chân dung tự họa ấy ông vẽ vào dịp Tết Canh Tý (2020) trước khi ông gặp bạo bệnh (3-2020) rồi qua đời (3-2021).
"Anh hùng còn chi"?
Di cảo Nguyễn Huy Thiệp còn có vài truyện ngắn của ông từng đăng báo, nhưng chưa xuất hiện trong tuyển truyện nào. Một số bài tiểu luận, tạp bút, những "vần thơ" cuối đời được sưu tầm, bổ sung khá đầy đủ.
Đặc biệt, hai kịch bản phim truyện là Tướng về hưu và Không có vua sẽ giúp độc giả cảm nhận thêm một phần công việc, cũng là năng lực sáng tạo của Nguyễn Huy Thiệp là viết kịch bản văn học, kịch bản phim.
Vào những ngày cuối đời, trên giường bệnh, Nguyễn Huy Thiệp vẫn viết và vẽ. Tất cả đều khá sơ giản, cốt để "cho khuây cuộc đời". Tôi tin, dù chúng thế nào, độc giả vẫn muốn đọc, muốn nhìn thấy một Nguyễn Huy Thiệp "anh hùng" nhất trong thời khắc mà số phận tựa như dòng sông đang "đãi hết" mọi thứ.
Nhưng bình sinh, có lẽ, ông không bao giờ nghĩ mình là một "anh hùng"!
Tôn vinh Nguyễn Huy Thiệp cùng 127 tác giả, đồng tác giả
Sáng 19-5, lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước diễn ra trang trọng tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Năm nay, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước được trao tặng, truy tặng cho 128 tác giả, đồng tác giả. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trực tiếp trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho 16 tác giả, đồng tác giả hoặc người nhà tác giả (đối với những văn nghệ sĩ đã qua đời).
Chủ tịch nước khẳng định Đảng ta coi văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng của xã hội và sự phát triển của con người Việt Nam.
Trong 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; có nhạc sĩ Hồng Đăng, nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành, nhạc sĩ Văn Ký, nhà văn Bùi Hiển, họa sĩ Bùi Trang Chước (Nguyễn Văn Chước), nhà viết kịch Xuân Trình...
Trong 112 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Nhà nước; có nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Vĩnh (Thao Giang) nhạc sĩ Thụy Kha, nhà thơ Hoàng Trần Cương...
Nguyễn Huy Thiệp được truy tặng Giải thưởng Nhà nước với truyện ngắn Tướng về hưu và tập truyện ngắn Những ngọn gió Hua Tát. Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương đặc biệt vui mừng trước giải thưởng cho nhà văn hàng đầu của văn học Việt Nam thời đổi mới.
Bởi cuối cùng, nhà văn từng gặp nhiều khó khăn một thời vì những truyện ngắn dũng cảm phơi bày cái ác của con người trong một giai đoạn chuyển giao nhiều đứt gãy giá trị đã được Nhà nước ghi nhận bằng giải thưởng lớn.
THIÊN ĐIỂU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét