TUESDAY, MAY 23, 2023
2918. SONG THAO Ly Rượu Mừng
Người ta thường nói: “Chán như bánh chưng ngày tết”. Không sai. Bánh chưng có ngon tới đâu đi nữa mà ngày tết ê hề, bánh chưng độc chiếm trên các mặt bàn ăn, chán là phải. Nhưng cũng có thứ mà ngày tết nghe đi nghe lại mà không bao giờ chán, đó là bài “Ly Rượu Mừng” của Phạm Đình Chương. Tết mà không có” Ly Rượu Mừng” chẳng ra tết. Năm này qua năm khác, đã bảy chục năm qua, năm nào cũng “Ly Rượu Mừng”, vậy mà lòng vẫn cứ mở ra với bài nhạc xuân bất hủ, chẳng biết chán là chi. Ngày nước non còn thanh bình của thập niên 1950, đêm giao thừa, tiếng chuông chùa và chuông nhà thờ đổ hồi báo hiệu xuân đã về, tiếng pháo nổ đì đùng bốn phương tám hướng, trên các đài phát thanh, sau lời chúc tết của vị nguyên thủ quốc gia, thế nào cũng “Ly Rượu Mừng” do ban hợp ca Thăng Long trình bày. Vậy là rộn ràng tết đến.
Đó là bài “quốc ca tết”, bắt buộc phải có khi tết đến. Già trẻ lớn bé, nếu không thuộc lời thì cũng có thể ê a theo điệu nhạc. Người dân Việt Nam, từ thành thị đến thôn quê, không ai không biết bài này. Vậy mà lời hát của toàn bài này chỉ độc nhất có mỗi một chữ “xuân” trong câu mở đầu. “ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi…”, tịnh không có chữ “tết” nào. Chẳng cố tình nhắc tới tết hay xuân mà mà ca khúc này lại tết hơn các ca khúc khác, xuân hơn các ca khúc khác. Nhà thơ Du Tử Lê nhìn xa hơn: “Ca khúc “Ly Rượu Mừng” ở tỷ lệ (scale) nhỏ hơn, theo tôi, đã như một phẩm-vật-tinh-thần dâng cúng tổ tiên mỗi độ Xuân về. Vẫn theo tôi, đó là “ly rượu” đất nước gấm hoa, “ly rượu” tổ quốc độc lập, “ly rượu” ước mơ quê hương muôn đời thanh bình, được chia đều cho “anh nông phu”, “người thương gia”, “người công nhân”, qua tới “người chiến sĩ”, “bà mẹ già”, “đôi uyên ương”, “người nghệ sĩ”. Một phân chia bình đẳng, đồng đều cho mọi tầng lớp. Tôi muốn nhấn mạnh thêm, người ta có thể tìm thấy đặc tính phân biệt giai cấp ở nhiều dân tộc, nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng Việt Nam thì không. Nếu nhớ lại câu ca dao “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ” ta sẽ thấy mọi cố tình phân chia giai cấp trong xã hội Việt Nam là một áp đặt khiên cưỡng, trá ngụy theo mô hình xã hội tây phương. Và, người chỉ ra sự cưỡng chế vừa kể, chính là Phạm Đình Chương, tác giả “Ly Rượu Mừng” vậy”.
Tác giả “Ly Rượu Mừng”, nhạc sĩ Phạm Đình Chương, là một đột phá trong nền âm nhạc Việt. Nhạc Việt thường là những bản nhạc buồn nhưng Phạm Đình Chương đã gạt nỗi buồn đó qua một bên khi những sáng tác của ông trong thời kỳ đầu toàn là những điệu reo vui. Sanh năm 1929, Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác từ năm 17 tuổi. Bản nhạc đầu tiên viết vào năm 1946 là bản “Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng” viết chung với Phạm Duy. Hai năm sau là bài “Thanh Niên Tiến Lên”. Năm 1949, bài “Trăng Rừng”. Rồi “Bài Ca Tuổi Trẻ”, “Sáng Rừng”. Và “Ly Rượu Mừng” ra đời vào năm 1952. Nhạc điệu của những bài đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Đình Chương toàn là những bài hát lên với con tim rộn ràng của tuổi trẻ. Nhà báo Phan Lạc Phúc, tức Ký Giả Lô Răng, là bạn thân của nhạc sĩ họ Phạm từ thuở thơ ấu, đã cho biết về tuổi trẻ của người nhạc sĩ này: “Hà Nội ngày ấy tuy được mệnh danh là Hà Thành hoa lệ hay là Hà Nội của ba mươi sáu phố phường nhưng thực chất nó là tỉnh nhỏ – người ta biết nhau cả, trực tiếp hay gián tiếp. Và tỉnh nhỏ nó còn có tục lệ riêng của nó. Thế hệ tiền bối ở Hà Nội có tiêu chuẩn “phi cao đẳng bất thành phu phụ”. Thời tụi tôi thì cái standard về một đấng trượng phu nó nôm na và thực tiễn hơn: “Đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu”. Phạm Đình Chương xét ra hội đủ những điều kiện ấy: Học trò Trường Bưởi, người cao ráo sạch sẽ lại là cậu út trong một gia đình nổi tiếng. Lại còn đàn ngọt, hát hay, còn là ca trưởng của học sinh trong những dịp hội hè, cắm trại. Trong con mắt tôi, một anh học trò nhà quê ra tỉnh học, từ thời áo dài mũ trắng thì Phạm Đình Chương tư cách quá”.
Cái hừng hực của tuổi trẻ Phạm Đình Chương cũng đã toát ra trong ban hợp ca Thăng Long mà ông đã đóng dấu ấn rất sâu đậm. Đó là vui. Nghe ban Thăng Long hát, không ai ngồi yên được. Cái vui trong trình diễn của họ nhiễm vào người nghe. Khi nghe, chúng ta phải động đậy, lắc lư, sàng sê, gật gù. Tết là một ngày vui chung của cả một dân tộc. Tết mà nghe “Ly Rượu Mừng” thì cái vui được nhân lên nhiều lần. “Ly Rượu Mừng” được viết theo thể điệu valse, nhịp ¾ với tiết tấu nhanh. Đây là thể điệu của nhạc phương Tây dành cho những bài hát trong những dịp hội hè vui chơi nhộn nhịp. Nhạc điệu tưng bừng, dễ hát, lời nhạc giản dị dễ thuộc, dễ nhớ, ngay từ khi ra đời “Ly Rượu Mừng” đã chinh phục được đôi tai của mọi tầng lớp thính giả. Nhạc xuân của nền tân nhạc Việt có nhiều nhưng chẳng có bài nào phổ biến bằng “Ly Rượu Mừng”. Thậm chí nhạc sĩ Phạm Duy đã viết bản “Mừng Xuân” 22 năm sau “Ly Rượu Mừng” với ca từ cũng chúc mọi tầng lớp dân chúng nhưng bản nhạc đã đi vào quên lãng. “Xin mừng anh chiến sĩ nơi tiền phương / Giữ đất cho Việt Nam hùng mạnh / Nơi đồng xanh chúc bác dân cầy luôn / Lúa tốt, hoa mầu tươi suốt năm / Xin cho phố xá nơi thành đô / Giới bán buôn làm to lời nhiều / Chúc cho một nước dân đủ no / Chúc cho một nước luôn tự do”. Rồi “mừng em bé vửa mới lên năm”, “mừng lão ông lão bà tám mươi lăm”, “mừng đôi lứa vừa mới kết hôn”, “mừng những bước chân khẩn hoang”, “mừng tôi mỗi ngày thêm một lớn”. Cũng mừng tá lả như “Ly Rượu Mừng”!
Từ sau năm 1975, bản “Ly Rượu Mừng” đã bị khai tử tại quốc nội. Nhưng dù không được các phương tiện truyền thông cho hát bản nhạc mỗi dịp tết đến xuân về, “Ly Rượu Mừng” vẫn sống trong lòng dân chúng miền Nam. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cho biết ông đã thích ca khúc nhạc xuân của Phạm Đình Chương từ khi bắt đầu chơi nhạc. Dù ca khúc bị cấm không được lưu hành trong nước nhưng mỗi lần tết đến ông đều tiếp tục chơi bản nhạc này tại nhà để mình và mọi người cùng thưởng thức. Ông chia sẻ thêm: “Từ lời đến giai điệu ca khúc đều rất hay, rất có ý nghĩa với mọi người. Ai nghe cũng sẽ thấy được mình trong đó”. Mùa xuân năm 1975, mùa xuân cuối cùng trước khi tháng 4 oan khiên ập đến, “Ly Rượu Mừng” đã được chọn làm nhạc phẩm mở đầu cho cuốn băng tuyển chọn các ca khúc đặc sắc về Xuân do cơ sở băng đĩa của nhạc sĩ Ngọc Chánh tuyển chọn và thực hiện. Ly Rượu Mừng do ban hợp ca Thăng Long trình diễn có ghi tiếng pháo nổ tại phòng trà Đêm Màu Hồng, tiếng trống của đội lân Nhân nghĩa Đường Chợ Lớn, tiếng đại hồng chung của Viện Hóa Đạo và tiếng chuông nhà thờ Đức Bà.
Đó là cuốn băng cuối cùng có bài Ly Rượu Mừng trước khi bản nhạc bị chế độ mới cho ngủ một giấc ngủ dài. Dài đến 41 năm. Bản nhạc chúc tết cho tất cả các giai tầng xã hội tưởng là niềm vui ngày tết đã bị bắt bẻ vì hai chữ “binh sĩ” và “đời lính”. Chúng ta hiểu binh sĩ mà Phạm Đình Chương nhắc tới là binh sĩ quốc gia Việt Nam. Phía Cộng sản cũng hiểu như vậy nên cấm bản nhạc. Nay, có lẽ vì bản nhạc vẫn sống trong lòng dân chúng nên chuyện cấm đoán trở nên khó khăn. Nhà cầm quyền cộng sản muốn giải tỏa lệnh cấm này nên phải chứng minh “binh sĩ” này là binh sĩ Việt Nam chống thực dân Pháp. Muốn vậy phải viện tới thời điểm ra đời của bài hát và nơi cư ngụ của tác giả. Phạm Đình Chương từ chiến khu quay về Hà Nội và lập tức củng gia đình vào định cư tại Sài Gòn từ năm 1951. Bản nhạc ra đời vào năm 1952. Tác giả Cao Đắc Tuấn, trong một bài viết trên trang Dân Làm Báo, đã đặt nghi vấn về chuyện này. Theo ông, nếu Phạm Đình Chương vào Nam năm 1951 thì người lính trong bản nhạc này không thể là người lính chống Pháp như nhà cầm quyền cộng sản mong muốn. Vậy phải cho tác giả Phạm Đình Chương vào Nam sau khi bản nhạc được sáng tác. Làm cách nào sửa lại sự kiện này? Họ cho sửa năm vào Nam của tác giả là 1953 trên tự điển mở Wikipedia. Tác giả Cao Đắc Tuấn viết: “Trước hết, có vài chi tiết không được rõ rệt. Đó là năm bản nhạc được sáng tác và năm nhạc sĩ Phạm Đình Chương vào Nam. Theo tài liệu tôi tra cứu cách đây hai năm từ Wikipedia, nhạc sĩ Phạm Đình Chương vào Nam năm 1951 và ca khúc “Ly Rượu Mừng” được sáng tác vào năm 1952. (Tôi không có lý do gì để viết sai năm này vì bài viết lúc ấy không đề cập đến vấn đề ai là người lính trong ca khúc.) Tuy nhiên, Wikipedia đã được cập nhật, vào ngày 1 tháng 9 năm 2016 và có thể trước đó, với câu “Năm 1951, ông về Hà Nội lập ra ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng” và “Năm 1953, ông lập gia đình với ca sĩ Khánh Ngọc rồi chuyển vào Sài Gòn sống.” (Phần này có thể sẽ còn bị sửa đổi nữa.)
Nói tóm lại, tài liệu từ Wikipedia thay đổi năm nhạc sĩ Phạm Đình Chương vào Nam từ 1951 sang 1953. Năm ca khúc “Ly Rượu Mừng” được sáng tác vẫn giữ nguyên là năm 1952. Ai là người thay đổi chi tiết này và với mục đích gì không được biết rõ. Tuy nhiên, việc sửa đổi này xảy ra sau ngày tôi truy cập cho bài viết hai năm trước như thể hợp thức hóa lý lẽ “người lính thời chống Pháp” cho năm 2016 tạo nên một nghi ngờ”.
Tự điển mở Wikipedia là loại mở, nghĩa là ai cũng có thể vào sửa được. Nếu có người sửa vì lý do chính trị thì tài liệu trở nên không khả tín. Tác giả Cao Đắc Tuấn viết tiếp: “Dựa vào các điểm trên, ta có thể kết luận chính xác rằng nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác ca khúc “Ly Rượu Mừng” sau khi ông định cư vào Nam hoặc sau khi ông trình diễn tại miền Nam. Do đó, câu trả lời cho câu hỏi người binh sĩ trong ca khúc “Ly Rượu Mừng” là ai trở nên hiển nhiên. Đó là người chiến sĩ quốc gia Việt Nam, chống đối quân đội cộng sản hoặc Việt Minh. Lý do đơn giản là nhạc sĩ Phạm Đình Chương không thể viết về người chiến sĩ của phe bên kia trong cuộc chiến tranh khi ông định cư trong miền Nam và với lời “Mừng người vì nước quên thân mình” và “Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính.”
Dù sao, chuyện bản Ly Rượu Mừng được “cởi trói” vào năm 2016 cũng là một tin mừng cho người yêu nhạc Phạm Đình Chương trong nước. Họ được sống lại một thời còn ăm ắp kỷ niệm. Tết năm Bính Thân 2016, ca sĩ Quang Dũng và Phạm Thu Hà là hai người được chọn hát trở lại Ly Rượu Mừng lần đầu tiên sau 41 năm. Quang Dũng sanh năm 1976, lớn lên tại Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã tâm sự: “Tôi và Phạm Thu Hà rất tự hào khi sau bao nhiêu năm, nhạc phẩm này đã được hát trở lại…Tôi đã nghe, đã thuộc ca khúc này từ ngày bé, chất nhạc ấy đã thấm vào mình. Giờ hát lại, tôi không cần căng giọng hay sướt mướt mà cảm thấy rất nhẹ nhàng, rất hòa quyện cùng chất giọng của Phạm Thu Hà”.
Chỉ tiếc một điều là Phạm Đình Chương không còn trên cõi đời này để vui cùng ly rượu đã được rót lại tại quê nhà. Ông rời xa chúng ta vào mùa hè 1991 tại Mỹ. Ông đã vướng vào căn bệnh ung thư gan. Nhà văn Mai Thảo, bạn thân của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, cho biết tác giả bài “Ly Rượu Mừng” đã vào bệnh viện mổ và bệnh đã lui một thời gian. Cho tới khi gặp lại Phạm Đình Chương trong tiệc cưới của Duy Minh, con của Phạm Duy và Thái Hằng, ông mới tá hỏa khi Thái Thanh cho biết bệnh của Phạm Đình Chương tái phát. “Thái Thanh tới bàn tôi, nghiêm trang: “Anh Chương đau nặng lắm, anh đã biết vậy chưa?”. Tôi ngẩn người: “Đau nặng? Nó đang cười nói ở bàn bên kia mà! Đau nặng thì làm sao tới đây được?”. Thái Thanh, có lẽ không muốn nói đến hai chữ ung thư giữa một tiệc cưới: "Anh chỉ cần biết anh ấy đang đau, lần nầy rất nặng. Anh sang ngồi chơi với anh ấy đi.” Người đau nặng Phạm Đình Chương tối đó, nhớ lại tôi thấy thật là can đảm. Chào hỏi mọi người, cười nói như không. Tới lúc chúc mừng hai họ và cô dâu chú rể bằng bản nhạc danh tiếng đã được hát ở hàng ngàn đám cưới và trong bất cứ một cuộc vui tập thể nào là bản Ly Rượu Mừng , Phạm Đình Chương đích thân lên dàn nhạc, gọi hết thẩy mọi người, kể cả tôi: “Mai Thảo, không biết hát hỏng gì, cũng lên đây!” Và chúng tôi đã tuân lệnh nhạc trưởng, lên đứng chen chúc, kín đặc sân khấu sau Phạm Đình Chương, không một ai có thể ngờ được đó là lần cuối cùng của tác giả Ly Rượu Mừng trước mặt mọi người”.
Hai ngày sau, tác giả “Ly Rượu Mừng” đã xuôi tay. Khi Mai Thảo và ca sĩ Anh Ngọc có việc đi Los Angeles, đang ở chơi nhà nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, thì nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi điện thoại báo tin dữ. “Chúng tôi tức tốc tới bệnh viện Kaiser và Phạm Đình Chương, nét mặt thư thái như người nằm ngủ, đã ra khỏi cuộc đời rồi, không còn biết đám bạn hữu chúng tôi, cùng chảy nước mắt, đúng chung quanh giường bạn. Cuối cùng chỉ còn là một cảm giác buồn bã mênh mông. Mênh mông. Và còn để làm gì nữa. Như Anh Ngọc la lớn: “Tại sao lại thế được!”. Như Khánh Ly khi được tin, trả lời một người bạn: “Đang ngồi ngu ra đây”. Như Thái Thanh: “Từ nay chúng ta còn hát bản Ly Rượu Mừng làm sao được nữa”.
Tác giả “Ly Rượu Mừng” chỉ sống trên đời được 62 năm. Thân xác ông đã thành tro bụi. Bảy năm sau, năm 1998, ông anh Hoài Trung cũng theo bước ông em. Hai giọng nam của ban hợp ca Thăng Long được gia đình mang tro rải ngoài biển cùng một lúc. Có lẽ đó là ý nguyện của ông khi phổ nhạc bài thơ “Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển”. “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển / Nước ngược dòng sẽ đẩy xác tôi đi / Bên kia biển là quê hương tôi đó /Rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì”.
Khi đó bản “Ly Rượu Mừng” vẫn nằm chết trên quê nhà!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét