THU XƯA
NGÀY ẤY XA RỒI ...
T ôi ra đời năm Kỷ Mão, tháng Ba ngày 21 giờ Mùi. Khai sinh theo lịch Tây là 10.5.1939. Anh em tôi đều có khai sinh bằng ba thứ chữ: chữ Quốc Ngữ, chữ Tây, chữ Nho trong sổ Hộ Tịch làng Trạo Hà, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương. Mẹ tôi thường kể lại rằng: “Hôm ấy mẹ xuống ấp rồi ra thăm đồng thì trở dạ. Người làm võng về đến giường thì lọt ra mày, vừa lúc còi tầm làm việc buổi chiều của mỏ than Mạo Khê thổi thúc”.
Tôi ra đời như thế đó; cạnh cầu Đạm Thủy trên Quốc lộ 18 trong nhà tranh vách đất ở trại ruộng của gia đình. Vì cái sự không được không được ra đời ở nhà trên làng nên tôi được cả Họ yêu thương, anh chị em thương mến như một sự bù đắp cho “cái thằng bị cắt rốn bằng liềm cắt lúa”. Mẹ tôi bảo “mày khó nuôi, may mà sống được nhưng èo uột mãi tới năm 5 tuổi mới biết rằng sống”.
Có lần tôi đã ngưng thở vài tiềng đồng hồ, đã sắm “sơ mi gỗ” về đến đầu ấp. Mẹ lại thấy tôi ọ ẹ thở, thương quá, nhét vú vào mồm, thấy bú. Thế là “hồi sinh”. Tôi lớn dần lên ở ấp nhưng vẫn là người làng Trạo Hà. Chả hiểu vì lẽ gì bố tôi lại bắt cả nhà dọn xuống Ấp ở, còn nhà chính trên làng chỉ cách Ấp có 2km lại bỏ không. Ấp An Bình thuở ấy an bình thật. Từ khi gia đình tôi về “đóng đô” ở Ấp, Ấp có sinh khí hẳn lên như hồi cụ cố và ông nội tôi còn tại thế.
Căn nhà năm gian tòan bằng gỗ soan đẵn tại vườn nhà làm cột kèo rui mè bậu cửa cánh cửa… luôn luôn có khách khứa xa gần. Có nhiều đêm phải tăng thêm nguồn sáng bằng mấy cái đèn đất (đèn đốt khí đá). Thỉnh thỏang bố tôi có những ông khách đặc biệt, mẹ tôi phải đích thân trở dậy làm món nhắm đặc trưng theo lệnh của bố tôi. Từng vò ruợu được bê ra đãi khách.
Mẹ tôi kể lại rằng: “khi Cửu nó bưng mâm lên, mẹ thưa với bố mời khách cầm đũa thì thế nào cũng có ông đứng lên chắp tay nói lời cám ơn ngắn gọn rồi vui vẻ ngồi vào mâm. Bố gật đầu lừ mắt là mẹ hết việc. Họ không uống rượu bằng chén mà bằng bát ăn cơm. Có ông uống một bát, có ông uống hết ba bát đầy rồi mơi ăn. Rất hiếm khi có người khề khà. Ăn xong là uống nước. Nước thì chè tàu, chè tươi, lá vối hay nước mưa. Tùy thích”.
Anh Cửu là con nuôi của bố mẹ tôi. Còn bé, tôi chỉ biết gọi anh là anh ở trong nhà như hai anh tôi. Khi tôi thắc mắc thấy anh Cửu cũng gọi anh lớn của tôi là anh Cả xưng em, còn tôi và anh Hai lại xưng em với anh. Tôi nêu thắc mắc với bố, bố lừ mắt không trả lời. Hỏi anh Cả, anh Hai chỉ cười. Mãi sau này mẹ tôi mới cho biết anh Cửu là con nuôi. Vì không muốn phân biệt con đẻ con nuôi để anh buồn nên trẻ con không được bép xép: “Còn anh Cả phải là anh Cả vì phải thờ cúng gia tiên nên phải phân biệt”. Anh Cửu yêu thương tơi hơn hai người anh ruột tôi.
Sau Cách Mạng mùa Thu (19.8.1945) vài năm, anh Cửu “thóat ly” vào Vệ Quốc Đòan, anh tử thương tại Điện Biên Phủ. Tôi mất anh từ đó.
Anh Cửu cao to như Tây, khỏe mạnh đẹp trai lại là tâm phúc của bố tôi nên có nhiều gia đình ngấp nghé muốn cho con gái. Bố mẹ tôi cho anh tự quyết định. Bao giờ lấy vợ ra ở riêng. Gỗ tre cứ hạ xuống làm nhà ở bất cứ góc nào trong Ấp đều được cả. Nhưng anh nghiêm chỉnh trả lời: “Để các em khôn lớn một tí nữa rồi con mới lấy vợ”.
Khách của gia đình tôi có cả Sư lẫn Cha. Gia đình tôi không ăn chay bao giờ. Nhưng khách là Sư thế nào cũng có những món chay ngon miệng. Còn khách là Cha, gặp ngày thứ sáu hay mùa chay thì có gỏi cá mè, chả cá nheo, cá quả nấu ám…
Nhà tôi nghèo nhất họ nhưng lại đầy đủ phương tiện sống hơn mọi người. Cá cua tôm tép ở đầm ở ao, gà ở sân ở vườn, lợn ở chuồng, rau ở vườn nên thường phải tiếp khách của cả họ, có khi là khách riêng của các chú các bác cũng đưa về Ấp. Tôi có bốn bà nội. Ba bà nội người cùng huyện, một bà nội người huyện Cát Hải-Quảng Yên.
Họ ngọai Cát Hải thường lên bằng thuyền đinh đến sau Ấp với mực khô, cá khô, tôm he, cá thu nướng, nước mắm mỗi dịp gần Tết. Mẹ tôi lại phải chia ra 14 phần bằng nhau để đưa tới gia đình ba bác, ba chú và bảy cô. Rồi lại kiếm đồ chất lên thuyền gọi là “lại quả” như mắm rươi, mắm cáy (cả mắm trong, mắm đặc) trứng cáy, cá chép tát đầm phơi khô, gà, ngan… rau tươi các lọai gởi xuống biếu các cậu các dì dưới đó ăn Tết.
Ngòai Tết Nguyên Đán ra, mùa Thu là những ngày vui vẻ nhất của gia đình tôi. Rằm thang Bảy có đàn tràng cúng cả chay lẫn mặn rồi thí thực cho cả “cô hồn sống” lẫn cô hồn chết. Cúng chay thế nào cũng là một vị sư thầy. Cúng mặn nhất định là ông Pháp Chí; bạn vong niên của anh Cả tôi.
Rằm tháng Bảy còn gọi là Tết Trung Nguyên tôi vui lắm vì có họ hàng nội ngọai đến chơi, ăn nói tự do chứ không như ngày Tết phải kiêng đủ thứ từ đi đứng nói cười, có khóc cũng không sợ méo miệng. Tôi rất sung sướng khi được cầm chiếc đóm dài cháy đùng đùng để hóa vàng mã. Những thoi vàng, những quan tiền, những bộ quần áo đều bằng giấy bén lửa cháy để trở thành vàng thực, tiền thực, quần áo thực ở dưới âm phủ cho “người ta” đỡ đói lạnh. Và tôi tin tưởng, tin tưởng có một cõi âm khi gió Thu thổi tung bay tàn tro cất cao lên cả ngọn tre rồi biến đi đâu đó để vào tay “người thọ hưởng”.
Sau rằm tháng Bảy là mưa liên miên, người lớn gọi là mưa Ngâu. Đàn quạ đen cả trăm con làm tổ trên cây gạo ở giữa vườn ngòai im tiếng cãi cọ. Trời hưng hửng nắng lại xuất hiện bay đi bay về gây ồn ào vào buổi sang và buổi chiều. Tôi đã tin từ miệng các chị qua lại thường nhấp nháy với các anh tôi rằng: “Sở dĩ mấy ngày mưa Ngâu, quạ vắng nhà vì phải đi bắc cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ”. Có chị còn nói: “Ông trời ác lắm!”.
Rồi mùa Ngâu cũng qua đi, sang tháng Tám trời xanh mây trắng. Rằm tháng Tám được ăn cốm cùng hồng chín hồng ngâm với biết bao món nữa, chỉ được ăn hoặc ăn vào ngày Trung Thu mới ngon như món ốc nhồi luộc. Tôi không nhớ và không biết mẹ tôi cho “nêm nếm” với gia vị gì, nhưng cứ đưa con ốc lên mút nhè nhẹ là cái phần mềm chứa trong vỏ ốc, từ miệng ốc sang miệng người ta có dáng như đang ngước nhìn trăng rằm. Ở quê tôi, Ăn Ốc Trông Trăng là một tục lệ, nhà nào cũng chuẩn bị ốc để trong lồng trong giỏ bằng mây hay tre rồi cho lên gác bếp. Ốc ăn bồ hóng và khói rơm rạ lơn theo thời gian và ngon theo thời gian. Chỉ phải mất nhiều công lênh là ngâm ốc, rửa ốc, kỳ cọ ốc rất tỉ mỉ… mới thành món Ốc Trông Trăng.
Tối ngày rằm, anh em tôi về làng rước đèn, ra chợ Cột phố Đông Triều xem múa sư tử. Vãn trò, anh em trong họ ngòai làng cùng rước đèn về Ấp. Đoạn đường hai cây số ngày thường phải đi bộ rất ỏai với trẻ con, nhưng đêm rước đèn lại rất ngắn, nhất là đọan qua Cổ Oeo có mấy cái mả Tàu để của nả vàng bạc cướp được ở ta nhưng vì một lẽ gì đó chưa mang được về Tàu, phải chôn dấu “ở mỗi mả có một hai cô gái đồng trinh Việt Nam ngậm bùa chôn chung để từ 100 ngày sau là Thần Giữ Của…”
Vẫn biết, phía trước phía sau đều có những anh em lớn ở xa xa. Nhưng qua Cổ Oeo cứ muốn mình được đi ở giữa, đứa nào cũng hét to lời hát và nhanh chân bước. Đến đầu cầu Đạm Thủy, đứa nào mỏi chân thì đi tắt đường bờ ruộng vào nhà, đứa nào còn sức thì đi con đường đất rộng qua cổng nhà thờ họ Đông Tân, ra bến sông rồi về bằng cổng sau. Gặp ngày nào có ch xứ Đông Khê sang làm lễ, thế nào cha cũng yêu cầu đám rước với trống chiêng ranh con, đèn nhỏ xíu đi vòng quanh nhà thờ. Cha phát kẹo bánh cho tất cả trẻ con đứa nào còn thức đi cùng đòan rước. Riêng tôi có phần quà riêng đã có sẵn ở nhà từ một hai hôm trứơc.
Tết Trung Thu, mỗi gian nhà các anh tôi treo một cái đèn kéo quân. Ngòai hàng hiên là lồng đèn ông sao, đèn cá chép, đèn xếp lớn nhỏ. Những cái đèn Trung Thu này do các anh tôi tự làm thì ít mà là quà biếu của mấy gia đình làm hàng mã ở chợ Cột làm sai làm hỏng bị khách hàng chê bèn đem xuống Ấp “Biếu cậu mợ để cho các em chơi Trung Thu”. Tội nghiệp mấy ông Tiến sĩ rằm tháng Tám, có ông lên quai bị, có ông mũ bị vẹo, mũ cánh chuồn thì cánh cao cánh thấp, có khi chỉ có một cánh. Mấy ông Tiến sĩ giấy đầu và cổ là bột, tôi luôn luôn phải để trên bàn cao sợ chó tới ngọam mất. Năm này qua năm khác, từ các anh tôi cho tới tôi, tôi có mấy chục ông Tiến sĩ giấy được phong kín, cứ dịp Trung Thu lại đem ra chơi.
Đèn hư đèn hỏng; đèn kéo quân thì quân không chịu kéo đi, đèn ông sao thì cánh to cánh nhỏ… miễn là cắm được nến vào, gió thu không làm tắt, tỏa ra ánh sáng là mẹ tôi bắt phải treo lên hết.
Mỗi dịp như vậy, mẹ tôi lại mở hầu bao đãi lại họ bằng tiền. Tùy theo gia cảnh, có khi là thúng gạo, con gà, con cá, rau củ quả là sản vật của Ấp.
Sau Tết Trung Thu là ngày Giỗ Đức Thánh Trần. Cả nhà tôi lên dâng lễ ở Đền Kiếp Bạc vào đúng ngày 20 tháng Tám. Tôi được chiêm ngưỡng cảnh hầu Thánh. Tôi thấy người ta xiên lình dài cả mấy tấc tây qua má, qua lưỡi, xỏ chân trần vào lưỡi cày đỏ bước đi quanh sân đền với nét mặt nghiêm trang rồi giơ kiếm chém vèo vèo qua mình người bị ma giặc Phạm Nhan, giặc Ô Mã Nhi... làm hại. Con bệnh kêu oai oái, lạy van xin tha mạng để về Tàu ngay. Có người khỏi ngay, mang lễ vật vào Đền tạ Thánh. Có người phải nằm võng khiêng về.
Một năm, bố tôi đang ngồi thụ lộc Thánh với ông Ngô Quốc Lâm, ông Hội Đạm cùng người nhà thì bọn người Khách trú các hiệu buôn ở chợ Cột, đứng đầu là ông chủ Quay, chủ Bóng cũng lên lễ Đền. Họ mang tới một mâm cua biển luộc đỏ au. Ông chủ Quay đón lấy đặt lên chỗ bố tôi ngồi, nói; “Con mời cậu Tư và các cậu xơi cu”. Mọi người trong mâm cười ồ, những mâm chung quanh cười phá lên. Bố tôi đạp ông Quay một cái ngã nhào, lăn xuống sân. Ông ta vội vàng chắp tay vái mấy vái rồi ù té chạy. Bố tôi hất mâm cua về phía chủ Bóng rồi đứng lên ra ngựa đi về. Lần đầu tiên tôi thấy bố tôi nổi nóng và cũng là lần đầu tiên tôi thấy bố tôi bắt ngựa phi nước đại. Tôi ngồi trước, hai tay bám chặt vào đầu yên ngựa vừa sợ vừa thích.
Ngày 21 tháng Tám, sư cụ chùa Ngọc Thanh hạ sơn, vân du ghé qua nhà tôi “độ” lúc chính ngọ. Ngày hôm sau 22 tháng Tám, sáng sơm bố tôi dắt tôi xuống cái thuyền chài cá của ông Nhiêu Khịt ngược dòng đến chân núi có đường lên chùa. Bước chân nhỏ bé của tôi được bước những bước gần như chạy trên con đường người quê tôi đồn đãi là “đường thượng đạo” của Đức Bình Định Vương Lê Lợi xuất nhập kháng chiến chống giặc Minh. Đứng ở cổng chùa nhìn được bao quát cả vùng, xa xa là núi Yên phụ, Yên tử, Phượng Hòang… Bên kia bến đò Than là huyện Chí Linh, dòng sông chảy tới hợp lưu với sông lục Đầu (Lục Đầu Giang). Cũng ngh đồn rằng núi Đông Triều núi tiếp núi, rùng tiếp rừng có một trăm ngọn lớn nhỏ cao thấp. Chỉ có 99 ngọn liền mạch theo phong thủy, còn núi Phượng Hòang lại lọt qua mạch khác, trơ vơ giữa đồng ruộng cạnh sông kinh Thầy, sông to sóng lớn. Vì thế nên đất chẳng phát Vương. Người quê tôi vẫn tự biết mình là dân nghịch địa. Dân đất nghịch cứng đầu cứng cổ ít phục ai. Thảng hoặc có người ham hố đi làm Tôi cho thiên hạ cũng khó thọ vì bản chất đã như thế rồi.
Sư cụ đón bố con tôi ngay đầu dốc Đường “Thượng Đạo” quanh co khuất khúc nhưng mặt đường lót bằng đá cứng, nhiều đọan có thể cho xe hơi chạy qua chạy lại tốt. Qua tam quan, nhìn vào chánh điện đang có khóa lễ. Trong nội điện đã có đông người đang ngồi trên các chiếu đậu trải ngay ngắn giáp hai bên tường. Có cả mấy người mặc quần áo tây cũng ngồi xếp bằng.
Bố tôi cho tôi tự do trong khuôn viên chùa. Sư Cụ giao tôi cho một Sư Bác. Sư Bác ban cho tôi một phẩm ỏan và một đĩa chè đông, cũng ở cái đĩa “lá lật” như ở nhà tôi. Sư Bác nói: “Đây là lộc Bụt, bé phải ăn hết mới được Bụt phù hộ cho mới ngoan, mới học giỏi”. Ngoan và học giỏi chắc Bụt chẳng thèm độ cho tôi. Còn ăn thì tôi ăn nhanh lắm. Ngon ơ. Hết ngay.
Sau ngày hôm đó tôi chơi với các Sư Chú, khi thì ra vườn cây hái qua, lúc tới vườn rau xem tưới và bắt sâu tiếp tay các Sư Chú mang củi mang rau vào nhà bếp. Được ăn hai bữa cơm chay với các Sư Chú tại chùa trên núi ngon quá. Ngon vì được tự do không ai kềm thúc và các Sư Chú mến yêu cho bóc bao nhiêu quả cam quả quýt chín cây cũng được.
Chiều đó trời trở lạnh, chạy nhảy mãi cũng chán. Ăn cơm chiều xong tôi phải ngồi cạnh lò lửa trong bếp cho đỡ lạnh. Bố tôi cho đòi, tôi lên khoanh tay chào Sư Cụ rồi chào tất cả các Sư để về. Các vị khách hồi sáng đã xuống núi từ lúc nào tôi cũng không hay. Khi tiếng chuông thu không điểm một hồi hòa với tiếng gió qua rừng thông, qua khe suối thì trời sụp tối. Sư Cụ cho tôi một quả lựu lớn bằng cái bát ăn cơm. Chính tay Sư bửa đôi ra rồi đưa vào hai tay tôi. Quả lựu chín hạt to mọng nước trong như ngọc bao bọc cái hột đen lay láy như hạt huyền. Tôi đút ngay nửa quả vào túi để đem về làm quà cho chị dâu Cả. Con nửa quả, tôi tách từng hạt đưa vào miệng. Cái chất chua dìu dịu, ngọt thanh thanh này chắc là chị tôi thích lắm.
Ngòai tam quan có tiếng lao xao có ánh đuốc bập bùng. Anh Cửu dẫn anh Hai tôi và vài người nhà lên chùa đón bố con tôi về. Anh Cửu phải xách một gói nặng còn đòi cõng tôi xuống núi nhưng bố tôi nói: “Nó có chân đi thì phải có chân về. Không về thì ở lại chùa với Sư Cụ tu luôn càng tốt. Sư bảo nó có căn tu đấy”.
Lúc qua sông trời càng lạnh. Bốn ngọn đuốc bằng tre ngâm soi sáng cả một quãng sông, tàn rơi xuống nước xèo xèo, có đàn cá đuổi theo đuốc sáng, vài con cá trắng như bạc nhảy vào thuyền. Nước đang lên, thuyền xuống ngược gió ngược nước phải đi sát bờ. Anh Quả con ông Nhiêu cũng khỏe mạnh như anh Cửu chèo đôi ở lái, hai người nhà tôi chèo phụ bằng chèo đơn ở giữa, anh Cửu chống cây sào dài đẩy phụ thuyền mới đi được. Thấy tình trạng gay go như thế, bố tôi nói với anh Quả: “Ngược nước ngược gió thế này, anh phải biết trước. Sao anh không cho bố con tôi xuôi lên cầu Đạm rồi đi bộ về cho đỡ mệt?”. Anh Quả trả lời dứt khoát: “Bẩm ông Tư, không được đâu ạ. Thày bu con dặn sáng đưa ông đi thế nào thì chiều đón ông về cứ phải là như vậy ạ!”. Thuyền vừa đến vụng nước xóay đầu làng Đông An thì ngôi miếu nhỏ lợp ngói tường quét vôi trắng hiện ra. Quãng sông này có 7 ngôi miếu thờ 7 vị Tiểu Tướng của Đức Bình Định đã tuẫn nạn trong một lần phản công giặc Minh, bảo tòan được quân lương đưa lên núi. Bảy vị rất linh, dù là trẻ chăn trâu nghịch ngợm hay thuyền bè người có đạo Thiên Chúa cũng không dám phá phách, buông lời bất kính. Thuyền qua cửa miếu, bố tôi đều đứng lên chắp tay vái ba vái, anh em tôi cũng vái theo. Các thuyền buôn muốn “thông đồng bến giọt”, thuyền chài muốn cá tôm đầy thuyền cũng cứ vào “xin cho” là được tọai ý. Đúng là: “Sinh làm Tướng, Thác làm Thần”. Người vùng tôi gọi là “Miếu Bảy Ông” rất tôn kính.
Sau này, Tây xây “bốt” để giữ cầu Đạm Thủy, sợ rằng các nơi đó là ổ kháng cự của Việt Minh đánh chặn tàu thủy lên giải tỏa áp lực cho đường 18 nên phá cho bình địa.
Anh Hai tôi cậy sức không mang áo ấm, ngồi co ro, nói: "Trời đổ lạnh sớm thế này, không biết ngày mai có "mưa đền cây" không bố và các anh?". Bố tôi bảo: "Nhất định là có mưa và phải mưa to chứ. Những trận giao chiến với giặc Nguyên, giặc Minh của Đức Thánh Trần và của Đức Bình Định Vương khiến cho cây cỏ điêu linh. Vì đức hiếu sinh, trời sẽ cho vùng ta được vài trận mưa lớn để đất ấp ủ cây cỏ xanh tươi."
Thuyền về bến sau Ấp, tôi chạy về nhà ngay vào nhà ngay và a vào lòng mẹ. Mẹ tôi cười nhưng nhăn mày, kêu: “Ôi! Cái thằng hôi như cú, bẩn như chó nhậy. Phải làm lông cho thằng chó thôi”. Trong lúc mẹ kỳ cọ cho tôi, tôi thỏ thẻ rằng: “Oản ở chùa ngon hơn Oan mẹ đóng ở nhà. Chè đông cũng thế, ngon hơn, thơm hơn chè chị Cả nấu”. Mẹ tôi không nói gì, chỉ nhìn chị dâu tôi, chị cười cười lắc đầu, tay chị đang cho mấy chồng đĩa “lá lật” vào chậu ngâm.
Tắm xong, tôi bí mật đưa chị Cả nửa quả lựu. Anh Cả và anh Hai mà biết sẽ đòi ăn thử rồi nửa đùa nửa thật chê khen. Chị sẽ chẳng còn đâu mà ăn còn tôi thì đến phát khóc nên mới thôi. Chị cũng nhỏ nhẹ bảo: “Cám ơn em. Ngày mai chị sẽ trả em một quả to hơn ngon hơn quả này. Sư Cụ trên chùa “lại quả” bằng cam quýt và lựu mỗi thứ cả chục. Đang thắp hương, tha hồ ăn”.
Nửa đêm về sáng; sấm chớp đùng đùng, mưa như trút nước. Mưa đầy ao, mưa trắng đồng. Người trong Ấp rủ nhau mang nơm đi úp cá chép lên các ruộng lúa “bát ngọat” ăn màu lúa và đẻ. Trẻ con và đàn bà đi đón bắt cá rô rạch ngược nước lên cao trên bờ ruộng bờ đường . Đêm đến, họ rủ nhau đi soi ếch bằng đèn bão. Cứ từng đôi từng cặp bị vồ gọn cho vào dỏ
Ở vùng tôi còn gọi cá chép là cá gáy vì bị mắc câu hay bị úp trong nơm, cá cũng “gáy” vài tiếng như gà. Còn cá rô to, khỏe, béo là cá rô rạch. Ếch lớn con cũng gọi là Ếch Ộp vì trước khi bị tóm cả đôi, ếch cơ đơn đi tìm nhau bằng những tiếng ộp ộp. Cá chép hay cá gáy có tên chữ Nho là Lý Ngư.
Trong những món ăn gọi là “Thời Trân” khi trời vào Thu ở xứ tôi có:
* Ếch Ộp xào với hoa mướp, Ếch Ộp nấu canh hay hầm với măng trúc. Trúc về mùa Thu ít “nẩy lộc” mà có lộc là bụi trúc khỏe. Măng trúc nấu với thịt Ếch có gia vị là lá Lốt. Món ăn có mùi vị đặc biệt nên cụ Trạng, Bạch Vân Am chủ mới ca ngợi: “Thu ăn măng trúc. Đông ăn giá”.
* Cá Rô Rạch nướng vàng chấm nước mắm gừng, chấm nước tương gừng nhưng phải thứ tương ngọt như tương chấm với bê thui mới ngon. Cũng cá nướng ấy, gỡ thịt ra, xương giã nhừ, lọc lấy nước trong rồi nấu canh với cải bẹ xanh gia vị là gừng nướng.
* Cá Chép, cá Gáy hay Lý ngư khi nước mưa tràn bờ ruộng là ở đầm ở ao đâu đó ngoi lên “động cỡn”để thành rồng kéo nhau vào các ruộng lúa đang trổ bông “quậy”, bị người ta úp bằng nơm. Cá Chép được Hóa Rồng trên các mâm với câu phương ngôn :”Lý Ngư Bát Ngọat”. Cá Chép rán vàng kho với cà chua, Cá Rô kho với trám đen ăn với cơm gạo lúa sớm vào những ngày sau Trung Thu cũng là món khóai khẩu của dân Đông Triều - Chợ Cột.
Vùng tôi lắm giặc nhiều cướp nên ít kẻ dám tích lũy làm giàu, sợ mang họa vì cướp ngày giặc đêm, nhưng vào khỏai ăn thì khá giỏi. Mùa nào thức ấy, từ Trung Thu trở đi là ăm cốm. Những bông lúa nếp cái được tuyển chọn vừa đủ độ, cắt về, suốt ra rồi rang lên, cho vào cối đá giã bằng tay. Cốm ăn với hồng xứ Lạng Sơn, lọai hồng ngọt lịm không hột mới thú. Nếu không có hồng ngon thì ăn với chuối tiêu cũng thú lắm. Cốm ăn còn dư, hôm sau có thể đập trứng gà vào rán lên lại là món nhắm cho các cụ răng cỏ “cái còn cái mất cái lung lay”. Còn dư nữa thì nấu chè. Vẫn còn dư, cốm đã cứng thì cho vào chảo rang lên cho trẻ con.
Quả trám đen là sản vật của rừng Đông Triều, có nhiều ở quanh núi Yên Tử. Mùa trám, người Đông triều chỉ thích ăn trám da đen chứ không ăn trám da xanh. Trám tươi, lấy dao nhọn rạch một đường dọc lấy hột ra , đập vỡ hột lấy hạt ra giã chung với thịt nạc dăm (gia vị thì tùy khẩu vị từng nhà). Tất cả nhồi nhét cho đầy “bụng trám” rồi nướng trên than hồng hay hấp bằng hơi nước, tùy thích.
Trám đen cho vào cối đá giã nhừ, kho với cá rô rạch trong nồi đất, cứ mỗi lớp cá một lớp trám. Kho cả đêm hay cả ngày đêm bằng bùi nhùi rơm, ủ trấu tiếp thêm sức nóng. Vị chát chát chua chua bùi bùi của trám tan ra quyện vào từng cái xương cá rô. Khi ăn phải lấy thìa lấy muỗng xúc cả con dù lớn hay nhỏ cho ngay vào bát cơm, ăn cả xương vì xương cá đã mềm nhũn, không sợ hóc.
Dân Đông Triều ăn cá cho dù là cá gì cũng gắp cả con hay gắp miếng lớn cả xương cho vào bát riêng của mình mới gỡ lấy. Kị và ghét nhất những người khách rỉa rỉa khúc ca, con cá rán hay kho nát vụn ra. Tôi chỉ biết đó là phong thái đáng yêu hay đáng ghét của xứ Đông Triều nhà tôi, vùng đất bán sơn địa thời Tàu thời Tây cai trị thì bị tù đày roi vọt vì Hội kín, Hội hở. Thời 1945 -1954 thì bị bắn bỏ, bị kết án là Việt Minh, là Việt Gian. Tối thiểu cũng là “ấm ớ Hội Tề”.
Qua tháng Chín, ngày mồng Chín: ngày Trùng Cửu, bố tôi có hẹn với các chú, các bác và các cậu tôi ở cả hai phía thượng huyện và hạ huyện Đông Triều gặp nhau ở chân núi Yên tử, sáng sớm uống trà cúc, chuốc hoa cúc từ núi Dục Thúy - Ninh Bình ứơp chè mạn từ trước.Uống nước xong mới đăng sơn.
Tối ngày mồng Tám, anh em tôi được cho tháp tùng xuống thuyền xuôi ra dòng sông Cái. Sông kinh Thầy rộng lắm, có gió to sóng lớn nên thuyền phải đi sát gần bờ phía tay phải. Chưa nghe ai dám bơi qua sông mà không có thân cây chuối hay ống tre bương làm phao. Đứng ở bờ bên phía Đông Triều, nhìn qua bờ phía Kinh Môn, nhìn con trâu mộng chỉ còn be bé như con chó mực choai choai. Thuyền được thả trôi theo dòng, chính ông Nhiêu Khịt cầm lái, anh Quả lăm lăm cây sào dài ngồi ngay mũi thuyền đề phòng những bất trắc.
Thuyền qua làng Vẻn có tên trên bản đồ là làng An Biên, làng của nữ Thượng tướng Lê Chân, dân làng này làm ruộng làm rừng, mặc dù ở cạnh bờ sông Đạm Thủy nhưng kho6g ai chịu sắm một con thuyền để qua sông. Dân An Biên vẫn “sọng” tiếng Thanh Nghệ, dù làng có từ thời Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định về Tàu. Thuyền ghé An Biên đón một người, qua bến đò Bến triều đón một người đang cầm đuốc chờ. Thuyền xuôi đến ngay Mạo Khê chỗ bến đò ngang, cậu tôi và các anh em, đang ở cạnh một đống lửa lớn reo lên. Sương thu nặng hạt, tất cả mọi “hành khách” đều vào trong khoang có mui cho đỡ sương gió. Tôi vui thú mãn nguyện lắm! Thế mà hai mắt cứ híp vào, tôi nằm xuống ngủ khè, thuyền vào sông nhỏ hay ngòi lạch gì đó rồi tới “bến” tôi cũng chẳng hay. Đến khi bị lôi dậy để xuống thuyền là lúc rạng đông. Mọi người lên võng lên cáng do chú rể tôi người làng Yên Lãng gần đó điều động dân phu từ trước đón đến chân núi Yên tử thì cho họ về. Thuyền ông Nhiêu cũng nhổ sào tách bến.
Bác Sứ Phác, cậu Chánh Hớp đồng ý với bố tôi để xuống lệnh: “Chè cháo xong tất cả lên núi. Du sơn là phải đăng sơn bằng chính đôi chân của mình. Cấm không ai được dùng võng, cáng. Liệu sức đi được thì đi, không đi thì ở đây chờ. Chờ không được thì cứ việc về. Bọn ta chưa định được giờ hạ sơn, có thể là hai hay ba, bốn ngày chưa biết chừng. Còn đi mà gục giữa đường núi thì không ai rỗi hơi để đợi. Rừng ở đây có cọp beo chó sói dấy”.
Lũ trẻ con chúng tôi và một vài người lớn nữa, thấy phải leo núi bằng chân mình cứ nghĩ thôi đã thấy ỏai nên đành ở lại chân núi cũng thích lắm rồi. Ngước nhìn lên đỉnh Yên tử chỉ thấy sương mù và mây che phủ, có cái gì đó thiêng liêng, thần quái sau khi nghe người lớn đàm đạo về cái ông An Kỳ Sinh người Tàu làm gián điệp cho Nguyên Mông sang nước ta sắm vai tu hành để nghe biết rồi tâu về. Các vua nhà Trần tương kế tựu kế bắt anh ta đi xây chùa trên núi ở đây, đặt dưới sự giám sát của quan, tướng Đạo Hải Đông. Chùa Yên tử trong dãy núi Đông Triều vừa là Trạm Tiền Tiêu, vừa là Chiến Khu có thế công và thế thủ cả thủy bộ để bảo vệ Quốc Đô Thăng Long.
Mỗi khi có quốc biến, bị giặc Bắc xâm lăng hay có sự thay bậc đổi ngôi từ Họ này sang Họ khác hoặc sóan đọat ngay trong dòng họ, dãy núi Đông Triều thuộc tỉnh Hải Dương cũ có hai huyện bán sơn địa là Đông Triều và Chí Linh là khốn khổ nhất tỉnh. Vì giặc ngọai xâm đến Bắc Việt Nam, nếu thua cũng đi hay rút về ngả này trong đau đớn như quân Nguyên, Minh, Thanh. Rồi Tây thua Nhật cũng lại trốn vào rừng núi vùng này để qua Tàu. Nhật thua Đồng Minh cũng từ Tàu rút qua đây để về nước.
Dân Đông Triều ưa phù suy hơn phù thịnh nên An Sinh Vương Trần Liễu tòan sinh để Việt Nam có hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Trần Nguyên Đán cũng dạt về bìa rừng Đông Triều để có cho nhà Hậu Lệ hai anh tài kiệt hiệt là Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn. Họ Mạc khởi nghiệp cũng nhờ vào địa bàn chiến lược Đông Triều mà mất nghiệp cũng nhờ đất này để mở lối lên Cao Bằng Lạng Sơn.
Mùa Thu năm Giáp Thân (1944) là mùa Thu tuyệt vời nhất của tôi vì được theo cha anh đi đây đi đó. Tết Nguyên Đán vui vì được mặc quần áo mới, được tiền mừng tuổi nhưng không thích bằng Trung Thu. Ba tháng có hai cái Tết: Trung Nguyên và Trung Thu cùng những lễ hội ở các Đền Đài, có múa sư tử, rước đèn… Nhưng từ mùa Thu năm Ất Dậu (1945) ở quê tôi chả gia đình nào còn lòng dạ ngắm xem trăng tròn hay trăng méo. Tụi trẻ con chúng tôi buồn lắm! Đến mùa thu năm Bính Tuất (1946). Riêng tôi càng buồn hơn. Chiều ngày 17 tháng 8 Ất Dậu bố tôi kêu mệt rồi không chịu ăn uống gì cả. Nửa đêm về sáng ngày 18 tháng 8 Ất Dậu, bố tôi ra đi nhẹ nhàng, không hề có một tiếng óan trời trách đất.
Tuổi thơ của tôi chấm dứt ngay khi tiếng khóc của mẹ tôi cất lên như đang bị cào xé tâm can lúc nửa đêm hôm ấy. Sau đó là chiến lọan ngút trời, gia đình ly tán, mẹ Bắc con nam. Thu ơi!… Thu xưa, ngày ấy xa rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét