Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023

đọc thêm: " Đọc 'Tuyển Tập Hoàng Như Mai [ 1919- 2013 ] " / Huỳnh Như Phương [ 1955- / tphcm -- trích : http://khoahoc-ngonngu.edu...

 


Đọc Tuyển tập Hoàng Như Mai



            Một số nhà nghiên cứu văn học ở ta thường giấu mình đi, và giấu rất khéo, đằng sau những trang sách. Đó một phần là do yêu cầu khoa học, phần khác là do hoàn cảnh.

            Nhưng cũng có những người, vì phẩm chất nghệ sĩ, đã không ngần ngại bộc lộ cái nhìn, tâm trạng của mình trên cả trang văn chính luận.

            Đọc một cuốn sách, trong trường hợp đó, là đọc một tâm hồn, đọc một nhân cách, đọc cả hành trình tư tưởng của người trí thức.

            Đối với tôi, Tuyển tập Hoàng Như Mai (*) là một cuốn sách như thế.

            Quê gốc ở Thanh Trì (Hà Nội), sinh ra ở Phủ Lạng Thương (Bắc Giang), Hoàng Như Mai lại là người nặng tình với miền Nam. Từ tuổi đôi mươi, ông đã lên đường Nam tiến cùng Đoàn kịch Độc Lập với Sỹ Tiến, Đào Mộng Long... lưu diễn từ Huế vào đến Tuy Hòa thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, phải trở về miền Bắc.

            Những năm chống Mỹ, thính giả chương trình Phát thanh vào Nam - sau này là chương trình Các thành thị miền Nam - vẫn chờ đợi được nghe giọng bình thơ hào sảng, trầm ấm của ông trên làn sóng của Đài Tiếng nói VN.

            Sau ngày thống nhất, Hoàng Như Mai là một trong những giáo sư thỉnh giảng của Đại học Văn khoa Sài Gòn đã chinh phục lớp sinh viên còn xa lạ với nền văn học mới. Chúng tôi, lớp sinh viên ngày ấy, đọc lại phần trích giáo trình văn học VN hiện đại trong tuyển tập này mà như gặp lại tuổi trẻ hồn nhiên của mình 30 năm trước. Như một hẹn hò với thời cuộc, hành trình 30 năm qua của Hoàng Như Mai đã gắn bó với mảnh đất phương Nam: dạy học, diễn thuyết, mở trường, lập hội…

            Hoàng Như Mai là người có cơ duyên với giáo dục. Ông từng kể rằng bước đầu vào nghề giáo ở Hải Dương chỉ là do nể lời mời của một người bạn. Vậy mà rồi ông đi một mạch 60 năm cùng với những thăng trầm của nền giáo dục.

            Từng làm hiệu trưởng một trường cao đẳng sư phạm, sáng lập một trường đại học dân lập, rồi nay đứng đầu một trong hai trường trung học tư thục lớn nhất thành phố, Hoàng Như Mai là hiện thân tinh thần của Thầy Khổng: “hối nhân bất quyện” (dạy người không mệt mỏi). Năm ngoái, nhân kỷ niệm Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM tròn 17 tuổi và sinh nhật lần thứ 85, ông viết hai câu thơ:

                          Đêm thanh mới biết hương nhài,

                       Ngựa hay thử sức đường dài mới hay.

            Hoàng Như Mai cũng là người có duyên với văn nghệ. Đúng ra, văn nghệ là một phần máu thịt của ông. Nhiều người biết ông là nhà thơ, nhà bình luận văn học; nhưng nếu không đọc tuyển tập này, có lẽ ít ai nghĩ ông từng là diễn viên, tác giả kịch bản, phụ trách Đoàn kịch Văn hóa hoạt động ở Hưng Yên trong kháng chiến chống Pháp.

            Cả ba vở kịch của ông được in lại trong cuốn sách này xuyên suốt một cảm hứng lịch sử, trong đó Tiếng trống Hà Hồi từng được trình diễn trên giảng đường đại học ở Sài Gòn năm Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam. Tấm lòng với miền Nam và với văn nghệ của Hoàng Như Mai hội tụ ở những công trình viết về sân khấu cải lương, cho thấy ông là một trong rất ít nhà nghiên cứu am hiểu sâu sắc và tôn vinh loại hình nghệ thuật độc đáo này.

            Nhà hoạt động xã hội, nhà giáo và người nghệ sĩ, cả ba phương diện đó quyện chặt và nhuần nhuyễn trong công việc của Hoàng Như Mai. Vẻ đẹp của phương diện này làm tôn lên vẻ đẹp của phương diện kia. Có lẽ Hoàng Như Mai vượt thắng mọi trở ngại và đi trọn hành trình đã chọn vì ông biết hút lấy tinh chất và sức mạnh từ cả ba phương diện đó.

            Đọc tuyển tập này, bạn đọc sẽ gặp tâm hồn nghệ sĩ biểu hiện trong những bài viết về Quan Âm Thị Kính, Cung oán ngâm khúc, thơ Quang Dũng, Văn Cao, Trần Huyền Trân...; cùng lúc, sẽ nghe lương tri nhà giáo lên tiếng qua các truyện viết cho thiếu nhi, các vở kịch về sông Gianh và về cuộc đời cụ Đồ Chiểu…

            12 năm trước, người viết bài này đã góp sức công bố lần đầu tập thơ của Hoàng Như Mai. Tập thơ có tên Trao cho nhau cuộc đời. Thật ra đó chỉ là một phần nhỏ của một cuộc đời phong phú và đa dạng. Với tuyển tập này, nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá giúp người đọc bước vào tìm hiểu hành trạng và sự nghiệp của một người trí thức mang tinh thần nhập thế sâu sắc.

            Là người đọc có nhu cầu hiểu biết về thời đại mình, chúng tôi ước mong giáo sư Hoàng Như Mai - với tư cách chứng nhân đồng thời là tác nhân của đời sống văn hóa trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước - sẽ viết tiếp về các nhà trí thức và hoạt động xã hội tiêu biểu, bổ sung vào những trang hồi ức mà chúng tôi đọc rất thú vị trong tuyển tập này.


HUỲNH NHƯ PHƯƠNG


-----------

  (Đã đăng báo Tuổi Trẻ chủ nhật số 46, ngày 20-11-2005 --với nhan đề Hoàng Như Mai – hành trình không mệt mỏi)

(*) NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2005.


==================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét