Nhà phê bình văn học Đặng Tiến:
' Trịnh Công Sơn hạnh phúc, nhưng rất nhiều cơn trầm cảm'
Trở về từ Pháp, nhà phê bình văn học Đặng Tiến - người bạn thân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có những trải lòng về người bạn sinh thời ông từng gắn bó.
Trong quán nhỏ Trịnh Ca nằm ở con phố sầm uất – phố cà phê trên đường Tô Hiệu (Cầu Giấy), trước nay, người ta vẫn nghe nhạc Trịnh ở đây, nhưng để được nghe người bạn thân của Trịnh Công Sơn kể về những điều xung quanh làm nên những sáng tác của người nhạc sĩ tài hoa này, thì đây là đêm duy nhất. Nhà phê bình văn học Đặng Tiến trầm ngâm kể về người bạn thân đã rời cõi tạm – nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Ông bảo, thật may, dịp này ông từ Pháp về lại đúng dịp 8/3 nên sẽ mở đầu câu chuyện bằng việc nói về những người phụ nữ trong sáng tác của Trịnh Công Sơn. “Tôi bắt đầu bằng câu trong bài Đoá hoa vô thường: Từ em tôi đã đắp bồi/ Có tôi trong dáng em ngồi trước sân. Đây là câu rất đặc biệt bởi cách mà Trịnh Công Sơn miêu tả ‘dáng em ngồi trước sân’. Bởi, người phụ nữ ngày xưa không ngồi trước sân. Họ thường được miêu tả người phụ nữ lúc thảnh thơi, đứng bờ ao, chứ không ngồi trước sân, vị trí trước sân là vị trí của người đàn ông ...”, Nhà phê bình văn học Đặng Tiến chia sẻ.
Nhà phê bình văn học Đặng Tiến và MC Khúc Thuỵ Du. |
Nhà phê bình văn học Đặng Tiến cho rằng, qua ca từ của Trịnh Công Sơn đã nhìn thấy tâm thế muốn thay đổi, muốn phụ nữ được tự do thoát ly khỏi được lễ giáo của phong kiến ngày xưa. Chúng ta đã nhìn thấy một người phụ nữ tự do, ít nhất trong thời của Trịnh Công Sơn.
“Nếu nói Trịnh Công Sơn là người ‘cởi trói” phụ nữ thì hơi quá nhưng ông đã đưa ra hình ảnh người phụ nữ ngang hàng với nam giới”, ông Đặng Tiến chia sẻ.
Cũng nhân dịp về nước, nhà phê bình văn học Đặng Tiến cũng chia sẻ một vài đính chính nhỏ cho bạn đọc cũng như những người yêu mến nhạc Trịnh.
Khi MC của chương trình, Khúc Thuỵ Du hỏi: Trong các sáng tác của vị nhạc sĩ họ Trịnh, ông rất hay xưng “tôi”, có duy nhất một tác phẩm mà ông dùng từ “anh” đó là bài Nhìn những mùa thu đi, điều này có đúng? Ông Đặng Tiến nói: đúng!
Nhà phê bình văn học Đặng Tiến lý giải: “Năm 1957, Trịnh Công Sơn hay làm thơ tình, sáng tác nhạc chưa được bao nhiêu. Rồi ông làm bài thơ Những mùa thu đi và phổ nhạc luôn. Nhưng rồi ông không bằng lòng, ông vứt vào sọt rác. Hoàng Phủ Ngọc Tường - một người bạn của Trịnh Công Sơn tới chơi thấy trong sọt rác thì bảo viết thế này còn vứt đi, ông bạn đó lấy ra đút túi, mang về nhà. Đêm đó, Ngọc Tường bị bắt chỉ kịp mặc cái quần rồi đi, trong quần có bản nhạc.
Bị giam, ngồi buồn, bên này sinh viên nam, bên kia là nữ sinh thì Ngọc Tường ngồi hát. Hát ròng 2, 3 tháng gì đó. Bài đó là bài nhạc tình bình thường, nhưng nó lại dính chút về lịch sử, khi đó chính quyền Sài Gòn lại cho rằng câu: “Anh ngồi nghe buồn lên trên ấy”, vậy trên ấy là trên nào, có phải là rừng chiến khu không? Nguyên sơ bài này rất nguyên đơn giản, trên ấy chính là trên dốc Nam Giao, nhà cô gái đó ở trên dốc đó thôi”.
Nhà phê bình văn học Đặng Tiến chia sẻ rằng, Trịnh Công Sơn là người hạnh phúc. nhưng Trịnh Công Sơn rất nhiều cơn trầm cảm. |
Tiếp đến, ông Đặng Tiến cũng giải đáp thắc mắc mà lâu nay, nhiều người cho rằng, bài Diễm xưa có câu: “Nhớ mai trong cơn đau vùi/ Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau” là nhớ cô Mai (ca sĩ Khánh Ly). Ông Đặng Tiến khẳng định, không có chuyện Trịnh Công Sơn “cài cắm” nỗi nhớ cô Mai khi viết về cô Diễm được.
“Thời đó ông Sơn đang mê cô Diễm, nói nhớ cô Mai thì bất lợi quá. Mà thời đó cô Mai chưa thân thiết nhiều với Trịnh Công Sơn. Không có chuyện Trịnh Công Sơn cài cắm để ẩn dụ như thế. Tư tưởng của Trịnh Công Sơn không thế. Tôi không nhớ chính xác nhưng chắc chắn là “nhớ mãi hay nhỡ mai” nhưng không phải nhớ cô Mai”, ông Đặng Tiến chia sẻ.
Kể về quá trình sáng tác ca khúc Vết lăn trầm, ông Đặng Tiến chia sẻ rằng, nếu ai ở Sài Gòn thì đều biết để đi từ Sài Gòn lên Đà Lạt đều phải đi qua Quốc lộ 20. Qua đường này, mọi người thường hay nghỉ chân tại Đình Quán để nghỉ ngơi, nó là trạm dừng chân của nhà xe thời đó. Tại Đình Quán này có một tảng đá lớn nằm chênh vênh trên một hòn đá khác rất nhỏ. Lạ lùng lắm. Trịnh Công Sơn khi đó nhớ lại bài học của cô giáo địa lý ngày nhỏ.
“Ngày trước học chung chương trình thì tôi biết, môn địa lý mỗi năm người ta dạy một vùng. Năm lớp 10 thời đó, có bài học là sự hình thành của trái đất, sa mạc. Ông nhớ về bài học của cô giáo nói về sự di chuyển của vũ trụ, tảng đá là do sóng tạo ra, khi nước rút còn lại tảng đá. Tảng đá lúc đầu là tảng đá vôi, nó có in dấu chân chim. Ngày xưa tôi học tiếng người Pháp gọi là ‘những tảng đá lang thang’ nghe rất lãng mạn. Thế nên Trịnh Công Sơn mới viết: Hằn trên phiến đá nâu thêm ưu phiền/ Như có lần chim muông hằn dấu chân/ Người đi phiêu du từ đó chưa thấy về quê nhà. Có nghĩa là người tiền sử ấy chứ không phải là người lính giải phóng hay người tình của ông”.
Khi MC Khúc Thuỵ Du hỏi: Điều quan trọng mà ai cũng muốn biết, Trịnh Công Sơn có hạnh phúc không? Nhà phê bình văn học Đặng Tiến suy nghĩ 3 phút rồi nói: "Hạnh phúc! Nhưng Trịnh Công Sơn rất nhiều cơn trầm cảm".
Tình Lê
Google vinh danh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với biểu tượng Doodle
Hôm nay, 28-2, tại trang chủ tiếng Việt của công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới Google, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở thành nhân vật xuất hiện trên Google Doodles nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét