| 00:51 25 thg 4, 2023 (4 ngày trước) | |||
NỖI BUỒN CÒN KÉO DÀI MÃI MÃI
(Tâm Bút TTBG)
[]
San Jose, thứ Hai April 24, 2023
Trời đã vào Xuân. Buổi sáng nắng chiếu chói chang nhưng ban đêm vẫn lạnh. Ngồi bên đàn soạn các bài cho học trò cuối tuần lại nhớ tháng 8 năm ngoái bắt liên lạc với Lê Đức Cường. Tôi từng vài lần nói với Lê Đức Cường: “Không phải chỉ một mà là hai lần, TV nhận ơn Lê Đức Cường; lần đầu tháng 7/1986 và lần này, tháng 9/2022.”
Con người âm u ấy có lẽ chẳng hiểu sâu được lời tôi nói, mà thật, các ca khúc viết, như một hình thức đưa tay níu Lê Đức Cường đứng lên (dạo tháng Chín năm ngoái) là lần thứ hai giúp tôi “sống dậy” từ sau sự chết tâm hồn theo cuộc bỏ đi của Âu Cơ.
*
* *
Tôi rất ít khi có thì giờ đọc lại các bản văn đã viết, trừ ra lúc ngồi sắp xếp những con chữ thành trang, mới ngỡ ngàng với những giòng “đẹp nhưng buồn quá!” (nhiều độc giả nhận xét).
Văn chương biểu tượng cái đẹp, cuộc đời luôn kết hợp những điều bất toàn. Gom chung hai thứ ấy thành một, tất không tránh được tiếng vang não nuột vọng từ đáy tim một kẻ luôn đắm mình trong văn chương.
Năm ngoái, ở một lớp dạy sáng thứ Bảy, tôi nói với ba học trò: “Cô biết sẽ có ngày các em quay lưng với cô.”
Cả ba ngẩn ra.
Tôi cười: “Hai chữ quay lưng là điều cô luôn nhận biết trong tất cả mọi tình cảm giao thiệp, nên sẽ không buồn nếu bây giờ trong tình thầy trò xảy ra lần nữa.”
Xét cho cùng, không phải thiên hạ quay lưng mà chính tôi là đứa thường quay lưng trước. Câu thư anh Nguyễn Ngọc Thùy viết năm 1968: “Mọi thứ trong đời đều tầm thường và con người sống được là do sự tầm thường ấy.” (Thuở xưa, tâm hồn còn nông cạn quá, làm sao ngẫm ra cho sâu lời anh nói?)
Nghĩ thì có vẻ rắc rối nhưng đó là một sự thật. Thời tuổi trẻ, tôi thường dứt bỏ dễ dàng mọi thứ; hoặc cũng có thể gọi là tính vô tâm bù trừ của Thượng Đế dành cho một định mệnh long đong không ngừng đang chờ phía trước.
Bây giờ, ở những đêm dày vò hối hận mới nhìn ra mọi nỗi.
Cái gì quá đà cũng trở thành xấu. Ở tôi, chữ quá đà được hiểu qua tình cảm chân thật. Tôi chân thật quá! Từ nhỏ đã thế. Tâm hồn cho đi dễ dàng nên trái tim dễ dàng bị tổn thương đến phải tự quay lưng.
*
* *
Bất cứ ai cũng có cảnh khổ riêng mình. Đọc trên báo, thấy biết bao cảnh đời nát tan, nghiệt ngã. Khác một điều: cái khổ của nhà văn ghi thành con chữ thường mang được tính cách dịu dàng nhu thuận, không sỗ sàng trần truồng làm ô uế thêm cho cái nhìn con người về cuộc đời.
Những bài giảng của đức cha Nguyễn Văn Khảm Sàigòn càng đào sâu trong tôi niềm tin rằng con đường dài tôi đi trước đó không phải là vô ích. Những con chữ vẫn đem được chút nào an ủi cho kẻ khác; hay chí ít là cho tôi, kẻ mang số phận đứng mũi chịu sào, hứng nhận tất cả mọi sóng gió (còn kéo dài đến tận hôm nay).
Mỗi khi lắng lòng úp mặt vào âm thanh, con chữ, tôi vẫn thấy tâm hồn dịu lại, mọi ưu phiền tan biến. Vì vậy mới có thể ngồi suốt đêm bên đàn (như đêm qua) để ghi rõ ràng bài học hòa âm cuối tuần, quên đi những cái bất như ý trong sự giao thiệp thầy trò; vì vậy mới luôn bào chữa và sẵn sàng chấp nhận nỗi đau mới của tình mẹ con, trong khi vết sẹo nỗi đau cũ còn sờ sờ chưa phai.
Có phải rằng lòng khoan dung cũng ắp đầy như lòng chân thật là nguyên nhân tạo nên cho tôi sự đau khổ trên hết?
Mười ngày trước, bỗng nhận qua email: “Lâu không nhận được tin. Nhớ thì hỏi thăm thôi. Thế Phong. 13/4/2023”, tôi đâm sững sờ.
Một tháng trước, theo vợ chồng đứa con trai xuống Santa Ana thăm em gái Kiều Mỵ. Bảy tiếng đồng hồ lái xe ròng rã, đến nơi đã là 11 giờ đêm. Vậy mà đứa em vừa thấy là đã nổi điên đuổi mọi người ra khỏi nhà.
Sau hồi lâu đứng ngoài trời giá lạnh, lái xe trở về San Jose trong cơn mưa tầm tã lúc gần 12 giờ đêm, nghe con dâu nói, điệu ý nhị:
“Ít ra đây cũng là dịp cho ba mẹ con ở gần nhau suốt 14 tiếng!”
Tôi gật:
“Đúng vậy! Cửa này đóng, hẳn sẽ có cửa khác mở ra.”
Nói, mà hình dung ngay sự đau khổ của đứa em khi chiếc xe lăn bánh, thấy từ ánh đèn cửa sổ lầu hai (nhìn xuống sân để xe) cái dáng em đang ngồi gục đầu.
San nói: “Chắc Bu hối hận lắm!”
Tôi nói: “Lẽ ra mình không nên bỏ đi liền mà ở lại chờ cho cơn khủng hoảng của Bu qua đi.”
Về tới San Jose, gọi cho Kiều Mỵ. Em bắt máy liền (điều thật lạ!)
Giọng tôi:
“Nếu hôm qua Bé không nổi giận, mấy mẹ con ở ba ngày, sẽ đưa cho Bé nghe những bản nhạc chị viết và Lê Đức Cường làm hòa âm. Tiếng guitar buồn lắm.”
Tức thì cô em la lên:
“Anh chàng làm hôn thú cho chị ở lại Mỹ năm nào phải không?” (Cười gằn) “Rồi chị định trả ơn anh ta cách nào? Có tính đến 10 năm trường Nhạc và ba năm đại học khổ nhọc lồng trong đó?”
Tôi nghe tiếng cười mà ớn, nghĩ liền trong óc: “Thêm một cú buông khác!”
Dứt phone, gọi qua Uyên Thao, nhờ anh điện thoại trò chuyện cho Kiều Mỵ khuây khỏa. Tôi nói: “TV nghĩ là xả nghiệp (như anh từng dạy), nhưng không biết có quên nó nổi không.”
Không quên thật, nên đắp chăn nằm suốt ngày ròng.
*
* *
Bạn ạ, tôi không có tài hư cấu; các câu chuyện kể của tôi chỉ là điển hình cho bất cứ câu chuyện đời nào của độc giả. Ví dụ chuyện Kiều Mỵ.
Ngày xưa, tôi luôn luôn có cách giải quyết khi đứng trước bất cứ khó khăn nào; bây giờ thì đành dằn lòng trong những lời cầu nguyện. Thân ốc không mang nổi vỏ ngoài, nói gì mang giùm thân kẻ khác.
Thời gian sau này tự nhận thấy tôi đã buông được nhiều thứ thực tế. Và vẫn có nhiều thứ khác chưa buông nổi. Vì vậy mới còn những đêm trắng lạnh dài như vô tận, tôi cứ giương mắt ngó đỉnh trần căn phòng.
Rõ ràng, như Van Gogh nói: “La tristesse durera toujours”. (Nỗi buồn còn kéo dài mãi mãi).
[]
Trần Thị Bông Giấy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét