Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2023

bài đáng đọc: " Thi Vũ đọc thơ Bùi Giáng " / Đặng Thế Kiệt -- trích: gio-o.com > ( Mỹ ) .

 




Đặng Thế Kiệt

Thi Vũ đọc thơ Bùi Giáng



Vỗ Về


Ta đứng lại bên này chờ đợi
Ồ phải không? Em đó phải không
Ta đếm lại từng ngón tay lẩy bẩy
Đời chúng ta là mấy trăng tròn
Ngày vui ngắn? lòng đã vơi mấy bận
Ngày vui đi? mấy bận giữa lòng ta
Đổ lây lất mưa về xuân lấm tấm
Ồ thiều quang tan biến vội sao mà
Em có khóc? ta xin em đừng khóc
Em nhìn ta? lệ chảy có vui gì
Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc
Nước xuôi giòng ngàn thu hận tan đi.


Bùi Giáng 

(1926-1998)

 

Hồi đó, vào khoảng những năm 1999-2004, tôi tham gia một diễn đàn Yahoo  Groupes, có tên là Lớp Hán Việt, chuyên đề về chữ Hán và chữ Nôm. Thỉnh thoảng cũng thảo luận lan sang thời sự hoặc thơ phú.


Một hôm, vào năm 2004, tôi tình cờ đọc được trên Internet bài thơ "Vỗ về" ghi trên, thấy rất hay, nên đưa lên diễn đàn cho mọi người thưởng thức. Bài thơ rất giản dị, lời thơ cảm động.

 

Nhưng có hai câu cuối mông lung ẩn mật lạ kì.


Trong diễn đàn có anh Frank Phạm Hải cũng lên tiếng mổ xẻ phân tích, nhưng thật ra chỉ giả thuyết mơ hồ.


Chợt có một mail của Thi Vũ gởi lên làm tôi hết sức bất ngờ, — vì tôi biết nhà thơ Thi Vũ chính là Võ Văn Ái, chủ nhiệm tạp chí Quê Mẹ, mà sao lại lên đây bàn luận chi mô.


Xin mời đọc bài viết của Thi Vũ trước đã.

 


(Trích thư Thi Vũ-Võ Văn Ái) :

Ðôi lời riêng gửi hai Vị yêu thích thơ Bùi Giáng : Ðặng Thế Kiệt và Phạm Hải.


Vừa đây đọc mấy lời trao đổi giữa hai vị về bài thơ Vỗ Về của Bùi Giáng, tôi lưu ý và cảm động mối tình thơ của hai vị đối với thi hào Bùi Giáng.

 

Với 2 câu cuối đưa ra bàn thảo :


Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc
Nước xuôi giòng ngàn thu hận tan đi


Ông Phạm Hải và nhiều vị cùng cố công tìm hiểu ý nghĩa thâm sâu của hai câu ấy. Tấm nhiệt thành với thơ của quý vị thật trang trọng.


Tuy nhiên, muốn tiếp cận thơ Bùi Giáng, cần hai yếu tố :


1. Suy tỏ nguồn triết học đang ám ảnh Bùi Giáng, và, người ông đang yêu thời sáng tác bài thơ, để nắm bắt ngữ nghĩa thơ Bùi Giáng. Bùi Giáng suy luận triết học không đơn tuyến, và tình yêu thì ông cũng say đắm lắm người. Dù "yêu nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu". Bởi đa số người đẹp trong đời yêu thơ, nhưng không lấy chồng thi sĩ ; 


2. Ði vào thơ như con người hòa đồng cùng vũ trụ. Xem tranh Tàu, ắt hiểu cách con người len vào chốn thái không. Nên sống thơ. Chớ "hiểu" thơ. Khi ta nhìn ngọn lá non lúc xuân tới, khi ta ngắm một đóa hoa mỹ miều, hay khi chiêm ngưỡng gương mặt người ta yêu... ta "hiểu" gì ? Chẳng hiểu gì rốt. Dù lòng cứ mưng lên một niềm sống thiết tha, yêu mến. Thơ cũng vậy. Thơ để cho ta sống, làm ta sống, chuyển hóa ta. Bởi vậy tôi muốn tiếp cận thơ hơn là hiểu thơ. Có thể hiểu thơ cách quy phạm trường ốc. 

 

Nhưng cách thông thái ấy lắm khi giết mất thơ. Chữ "hiểu" trong tiếng Pháp gọi là comprendre, tiếng Anh understand, tiếng Ðức verstehen, v.v. Các chữ ấy từ nguyên khôi là với lấy, nắm bắt (prendre avec), đứng nhìn từ trên, từ dưới, từ xa để sát lại ôm chầm vào lòng (under-stand, ver-stehen).

Yếu tố thứ hai nhằm tiếp cận bài Vỗ Về của Bùi Giáng xin dành để cho kinh nghiệm riêng của mỗi người đọc. Mỗi phát kiến, mỗi cách hiểu là một hành trình nắm bắt thơ, nắm bắt lối sống trên cái sống nhàm, sống mòn nơi cõi vong thân.

Ở yếu tố một, cần biết thời gian Bùi Giáng sáng tác bài Vỗ Về, in trong tập Mưa Nguồn, xuất bản tại Saigon năm 1962, là thời Bùi Giáng yêu (hờ) một hoa hậu của Miền Nam thời đó, có tên Thu Trang. Sau người này đi Pháp lấy chồng Pháp. Vì vậy nhiều bài thơ của Bùi Giáng có dấu vết của "thu", của "trang", mà 2 câu được trao qua đổi lại trong mấy ngày qua còn lưu dấu :


Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc
Nước xuôi giòng ngàn thu hận tan đi

Trong tập Mưa Nguồn có cả bài mang tựa đề "Xuân Thu Trang Phượng", đây đó còn những câu thơ ghi vết  "thu" ghi vết "trang" một thời thi sĩ mở lòng nơi cõi trống vắng :


Ta về mở mắt nhìn xem
Trang mờ em vẫn là em Thu đầu

(Thưa em Sài Gòn)


Trời Tây phương tuyết phai nhòa
Tấm thu bỏ lạnh bên tà áo bay
...
Mai kia cỏ héo đầu ghềnh
Ngó sang trời lạ thấy mình mất thu

(Người Hải ngoại)


Người đi bỏ lại giữa người
Tiếng vang ngần ấy rạc rời vọng âm
Trang hồng trang sử lịch trang
Thu hồi viễn vọng vô ngần nghiệt ma

(Tặng bạn)


Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
Âm trang sử lịch thu triền miên trôi

(Mắt buồn)


Em về rắc cỏ tháng ba
Xuống trang hồng hạnh thu già in rêu

(Phượng)


Vân vân và vân vân.


Nhưng nói như trên không có nghĩa là thơ Bùi Giáng ngưng đọng nơi mối khóc sầu cho một cái tên đi qua đời ông trong một giai đoạn nào đó. Vì nói như thế là phụ ông rồi. Từ ngữ, người, ý tưởng... tất cả chỉ lá cái cớ cho thi nhân bộc lộ, vén mở (Unverborgenheit theo nghĩa của Heidegger) một chân trời từ đôi mắt anh nhi.

 

Thi Vũ
mail: Saturday 24, April 2004

 

 

 

Bài viết hay quá. Đọc xong tức khắc nắm trọn bài thơ Vỗ Về. Đồng thời khám phá một mối tình thơ mộng không cùng.


Hơn thế nữa, đây chính là một Tuyên ngôn về Thơ của Thi Vũ.


Tạm thời, trong khuôn khổ đề tài ở đây (về bài thơ Vỗ về), xin chỉ nói thêm đôi điều thú vị về nhà thơ lạ lùng có một không hai của Việt Nam là Bùi Giáng.


Trước đây, tôi đã đọc qua vài cuốn sách của Bùi Giáng, lâu lâu bắt gặp ông đùa cợt với Marilyn Monroe, Brigitte Bardot, nữ nghệ sĩ Kim Cương, ca sĩ Thanh Thúy, ca sĩ Hà Thanh..., nghĩ ông chỉ tàng tàng chút chơi.


Đọc xong bài viết của Thi Vũ, tôi nhớ ngay đến cuốn Đi vào cõi thơ của Bùi Giáng, mà tôi đã mua được nhiều năm trước đó — và hình như có duyên nợ với câu chuyện nhắc đến hôm nay.


Vào khoảng năm 1979-1980, tôi lang thang ở khu Xóm Học Quartier Latin, rue de la Huchette, con hẻm nối liền trạm métro Boulevard Saint-Michel và Nhà thờ Notre-Dame trên sông Seine. Chợt gặp một tiệm nhỏ lụp xụp bán sách tiếng Việt. Vào xem, thấy vài quyển sách rất xưa, như Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh, như Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu, chẳng hạn. 

 

Ngoài ra, tôi còn để ý đến một tập mỏng nhan đề Đi vào cõi thơ

 

Rõ ràng đây là một cuốn sách cũ ai đã đem bán lại cho nhà sách (livre d’occasion).

 


.


.

 

Vậy là cô Thu Trang đây rồi.


Tôi tò mò tìm hiểu thêm về nhân vật Thu Trang này.


Đây là một trang Wikipedia với khá nhiều chi tiết tương ứng với bài viết trên của Thi Vũ: 
https://vi.wikipedia.org/wiki/Công_Thị_Nghĩa
trích dẫn:


Công Thị Nghĩa (sinh năm 1932), hay còn gọi là Hoa hậu Thu Trang, là một điệp viên, nhà báo, và là Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam. Bà từng là thành viên đoàn chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp, nguyên tổng thư ký Hội Khoa học xã hội của Hội Người Việt Nam tại Pháp. Bà còn được biết đến với một vai trò khác là tiến sĩ sử học.


Một hôm, vào dịp đó, đọc phụ bản cuối tuần chuyên về văn chương báo Le Monde, tôi gặp đúng một bài viết kí tên Flora, dịch bài thơ Vỗ Về sang tiếng Pháp như sau:



Traduction libre de Flora :
 
Consolation
 
Ici, je t'attends, debout, de ce côté
Oh, c'est toi ? Est-ce bien toi.
Je compte sur mes doigts tremblants
A combien de pleines lunes se résume votre vie à nous ?
Les jours heureux sont courts ?
Combien de fois pour l'âme

Les jours heureux sont partis ?
L'âme compte pour combien
Ici, le printemps arrive avec une petite pluie, aux vents
Les rayons de soleil disparaissent, mais pourquoi 
Pleures-tu ? Je te prie, ne pleure pas chérie
Me regardes-tu ? Les larmes ne peuvent pas apporter de joie
A la sources des flamboyants, voici des pages ouvertes, tu peux les lire mon ange
Le cœur d'eau des milliers d'automnes va emmener et diluer
Tes peines, mes peines, nos peines.


Flora. 


Đặng Thế Kiệt

2023-02-2

===============

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét