TRỊNH CÔNG SƠN dạo chơi giữa thi ca và hội họa
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã khép lại cuộc đời tài hoa cách đây 20 năm, vào ngày 1/4/2001. nhưng di sản của ông không chỉ có ca khúc, mà còn có thi ca và hội họa.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có một sự nghiệp âm nhạc được nhiều người ngưỡng mộ. Nhờ những tác phẩm nói lên sự chơi vơi của con người trước những khúc quanh lịch sử, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã trở thành một huyền thoại được xưng tụng ngay cả khi còn sống.
Ngày 1/4/2001, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 62. Suốt 20 năm qua, mỗi khi đến ngày mất ông thì nhiều hoạt động tưởng niệm đã được tổ chức nhiều địa điểm với nhiều hình thức.
Ca khúc Trịnh Công Sơn, có người thích bài nọ, có người thích bài kia. Thậm chí, có người ác cảm với những ca khúc mà ông cố tình rộn rã để chiều chuộng ý nguyện của vài người. Biết làm sao được, bởi chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có lúc tự thú: “Xin hãy tha thứ những dòng chữ óng mượt, những sắp xếp tinh khôn, những cân nhắc đong đo xuôi chèo thuận lái. Thông điệp mỗi người đều có một cách riêng và một lý do riêng khi đến với nghệ thuật”.
Người cha ruột qua đời khi Trịnh Công Sơn mới 16 tuổi. Đó có lẽ là ngã rẽ định mệnh để nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đắm chìm vào thế giới suy tưởng về sự hữu hạn của kiếp người và bắt đầu sáng tác. Khoảnh khắc ấy, được chính ông ghi lại: “Trong tôi thường trực có mặt một thứ gần như tôn giáo để định hướng cuộc sống: đó là những giá trị tinh thần gần như tuyệt đối. Chỉ biết rằng sau cái chết của ba tôi, xu hướng nghiêng về nỗi buồn, sự bất hạnh chiếm ưu thế trong những suy nghĩ của tôi về thân phận con người. Trên tất cả mọi nụ cười, dưới sâu thẳm mọi niềm vui, tôi chỉ là một kẻ bi quan”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có thế mạnh tuyệt đối về ca từ, so với nhiều nhạc sĩ khác. Ông là một người hát thơ. Thế nhưng, những lúc lòng mình không muốn cất lên tiết tấu bổng trầm, thì Trịnh Công Sơn lại tỉ mẩn làm thơ. Có khi ông bần thần: “Đường xa mỏng mộng vô thường/ Trái tim chợt tỉnh tôi nhường nhịn tôi”. Có khi ông hoang mang: “Đưa em một nửa lên đường/ Nửa kia còn lại nỗi buồn quẩn quanh/ Mùa xuân phố bội bạc tình/ Bước chân phiền não một mình ta hay”.
Nếu như trong ca khúc, thỉnh thoảng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bật ra vài câu thơ rất hay, thì những bài thơ chỉnh tề của ông chủ yếu vẫn tuân thủ sự nhịp nhàng vần điệu. Và đặc biệt, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ làm thể loại thơ ngắn. Ông có thói quen dùng 4 câu để bày tỏ một ý thơ ngậm ngùi. Ví dụ, “Chỗ em ngồi ngày xưa còn ấm lắm/ Anh gối lên và ngủ một giấc dài/ Em có hiểu đời cho em là mộng/ Để anh về cứ tưởng một là hai” hoặc “Ở đây nếu ở trăm năm/ Xa em tôi có hằng trăm nỗi buồn/ Ở đây nếu ở đây luôn/ Xa em tôi sẽ hồn nhiên ngậm ngùi”.
Trong giới văn nghệ Việt Nam, nhiều người nỗ lực tỏ ra đa tài, nhưng chỉ có hai nhân vật gây ấn tượng thơ – nhạc – họa là Văn Cao (1923-1995) và Trịnh Công Sơn. Về nhạc, thì Văn Cao và Trịnh Công Sơn mỗi người một vũ trụ riêng. Về thơ, thì Văn Cao viết nhiều hơn Trịnh Công Sơn. Về họa, thì Trịnh Công Sơn vẽ nhiều hơn Văn Cao.
Đặc biệt, Trịnh Công Sơn có hứng thú đặc biệt để vẽ các người đẹp. Nhiều nhan sắc đình đám đã từng làm mẫu cho tranh của Trịnh Công Sơn như Giáng My, Hà Kiều Anh, Thủy Hương... Ngoài ra, Trịnh Công Sơn cũng vẽ nhiều nữ ca sĩ như Hồng Nhung, Hà Trần, Hiền Thục... Hiện nay, nhiều nhà sưu tập sẵn sàng bỏ ra vài chục ngàn USD để sở hữu một bức tranh của Trịnh Công Sơn. Và dĩ nhiên, giá tranh của Trịnh Công Sơn sẽ tăng lên khi số năm đánh dấu ngày mất Trịnh Công Sơn càng nhiều lên.
Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng thổ lộ: “Với cuộc đời, tôi đã ôm một nỗi cuồng si bất tận. Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung, nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Đời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm”. Vì vậy, cảm xúc buông bỏ thể hiện khá rõ trong thơ ông. Chan hòa để buông bỏ: “Ở đây phố xá hiền như cỏ/ Có nỗi hồn nhiên giữa mặt người/ Ở đây cỏ sẽ hiền hơn phố/ Bởi dưới chân em có mặt trời” mà băn khoăn cũng để buông bỏ: “Mặc đời ô trược vừa qua/ Tấm thân nhỏ nhặt người la mắng người/ Buồn phiền vỡ mộng đường dài/ Ta xin một góc ta ngồi với ta”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng như nhiều kỳ tài khác, sự bất tử luôn được bủa vây bởi những thị phi và những phán xét. Không có gì đáng ngạc nhiên, thần tượng phải chấp nhận để đám đông yêu mình bằng mọi cách, kể cả cách nâng niu, kể cả cách dày vò, kể cả cách đay nghiến. Cho nên, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết những câu thơ xa vắng cho riêng mình: “Hư không là gì hư không nhỉ/ Là chút hồng phai chút hoài nghi/ Hoài nghi là chiếc hôn có lẽ/ Đã tàn phai quá giữa đường về”.
LÊ THIẾU NHƠN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét