Nguyễn Thiên Nga: Nhân ngày Cá Tháng Tư
MƯỜI NĂM, ANH ĐÃ VỀ NƠI CUỐI TRỜI
Nguyễn Thiên Nga
(Đà Lạt)
(Viết Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất Cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và đọc lại Nhân kỷ niệm 22 năm ngày mất Cố Nhạc sĩ – NTN).
Một ngày đầu mùa hạ năm ấy, chị tôi nhận được một tấm bưu thiếp của bạn trai gửi từ Quy Nhơn với hàng chữ ghi nắn nót thật đẹp “… Áo xưa dù nhầu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau…”. Chỉ có thế thôi mà chị bâng khuâng hoài, đang học bài hay đang làm gì miệng chị cũng lẩm nhẩm câu hát quen thuộc ấy. Tôi – con nhóc mười tuổi, chỉ được phép coi loại truyện “Tuổi Hoa xanh” vậy mà cũng thầm thì theo chị và thuộc cả bài “Hạ Trắng” lúc nào cũng không hay…Đó là bài hát đầu tiên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà tôi thuộc (chỉ thuộc, chẳng hiểu gì lắm, nhưng lại rất thích). Rồi từ đó, căn nhà nhỏ màu hồng của mấy chị em tôi luôn ắp đầy nhạc Trịnh.
Như một cơ duyên, suốt cuộc đời thăng trầm của mình, âm nhạc Trịnh Công Sơn đã gắn với tôi như là máu thịt. Những tháng ngày xa gia đình, đi dạy ở một ngôi trường xa xôi, hẻo lánh cách Đà Lạt một ngày đi bộ, tôi đã buồn hiu hắt và khóc nhiều vì nhớ nhà. Có lẽ ngày xưa, phố núi B’Lao mà thầy giáo Trịnh Công Sơn đến dạy học cũng hiu quạnh và buồn như vậy. Buổi tối, ở đây không có cả đèn dầu để thắp; bên cạnh đống lửa bập bùng, tôi ôm guitar và nghêu ngao nhạc Trịnh, từ những ca khúc phản chiến hùng hồn đến những bản tình ca ngọt ngào, sâu lắng. Nhiều hôm có cả học sinh (những học sinh dân tộc Tây Nguyên có nhiều em còn lớn tuổi hơn tôi, thậm chí có em đã bắt chồng hoặc đã được vợ cưới về) đến với cô giáo cho vui. Những đôi mắt tuyệt đẹp xoe tròn, lấp lánh niềm vui và ánh lửa hồng. Chẳng bao lâu, các em lại say sưa hát cho tôi nghe và hay hơn tôi gấp nhiều lần. Âm nhạc đã kết nối chúng tôi, xoá nhoà mọi khoảng cách. Bao giờ cũng vậy, mấy cô trò lại kết thúc đêm hồng bằng ca khúc “Nối Vòng Tay Lớn”. Sau mỗi lần chia tay, những nốt nhạc đẹp như hoa nắng vẫn quấn quýt theo chân các em về với những mái lều rách nát, còn tôi nhè nhẹ trôi vào giấc mơ với lời ru nồng nàn“… Rừng đã cháy và rừng đã héo/ em hãy ngủ đi…”– và ngoài kia, đồng bào đang đốt rừng làm rẫy, khói theo gió cuốn về làm tôi ngạt thở…
Ngày tháng ấy đã xa, thời gian đủ phủ rong rêu trên phận người, một “tôi” xanh giờ đã chín. Nhọc nhằn, khổ đau…, nhưng tôi đã sống hồn nhiên hơn, đẹp hơn trong không gian âm nhạc thấm đẫm kinh Phật, giàu tính triết lý, đậm chất nhân văn của Trịnh Công Sơn. Một người bạn của tôi đã kính cẩn gọi anh là Mohamet Trịnh – một nhà tiên tri không có tuổi, đoán biết phận người, đoán biết cuộc đời… Và cuộc đời riêng tôi đã hồng lên nhiều lắm trong ánh sáng dịu dàng, đầy ma lực toả ra từ từng nốt nhạc, từng ca từ của người nhạc sĩ – thi sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn.
“Bao nhiêu năm làm kiếp con người…Cho trăm năm vào chết một ngày..”
Một ngày anh trở về với cát bụi – cát bụi lộng lẫy. Một ngày người ta cho phép nhau nói dối, và đến bây giờ, với tôi đó vẫn là một lời nói dối. Trịnh Công Sơn vẫn đang rong chơi đâu đó trong cuộc đời này. Anh vẫn mang đến cho đời môi thơm cỏ ngọt qua những bản tình ca để giúp con người thôi “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Anh vẫn dịu dàng như một người bạn, khuyên tôi “đừng tuyệt vọng” khi “biển xô tôi ngã dưới chân người...” Và cũng chỉ có anh – Trịnh Công Sơn, mới có thể cho tôi cùng mọi người say trong màu nắng thuỷ tinh, đắm đuối dưới những cơn mưa hồng…
Mười năm, anh đã về nơi cuối trời. Mười năm vắng anh, tôn giáo “Tình Yêu Con Người” của anh đã đi thêm một chặng đường. Những người yêu nhau coi nhạc của anh như những bài kinh nhật tụng. Những bài kinh nhật tụng không chỉ mang lại những niềm vui, đưa mọi người đến gần nhau hơn mà còn hóa giải bớt đi những nỗi đau còn dài trên trần thế.
Trên Thiên đường hay ở Cõi Niết Bàn, chắc anh lại vuốt mái tóc bồng bềnh bằng những ngón tay thon gầy rồi cất một câu quen thuộc: “Thôi kệ! Vui thôi mà!“.
Chuyến xe thổ mộ nào từ một ngày xa xưa của phố núi mù sương có đưa anh về chốn cũ?! Tín đồ của anh, trong đó có tôi, vẫn khắc khoải gọi tên anh mỗi khi mình tuyệt vọng…
Nguyễn Thiên Nga
-------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét