Giới thiệu
TRONG ĐÁY MẮT, CHUYỆN ĐỜI NHƯ MÂY NỔI...
Trang · Nhà văn
tranthibonggiay@gmail.com
CÁI ĐẸP KHÔNG RANH GIỚI
(Tâm Bút TTBG)
[]
I.
Hôm thứ Bảy Mar. 11, 2023, sau buổi dạy, ngồi chuyện trò với cô con gái út thi sĩ Hà Thượng Nhân. Tôi chưa bao giờ gặp cô dù hai bác và ba người con trai lớn, tôi từng được nhiều lần gặp mấy chục năm trước.
Buổi tối, nhận message cô gửi. Thấy hay hay theo cái nhìn kẻ khác về mình, nên ghi vào đây:
-Cảm ơn Chị đã gặp và cho em hai món quà tinh thần mà em biết Chị đã gói ghém vào đó những tâm tư, nỗi niềm khắc khoải, cảm xúc trồi sụt hỗn độn, rồi tuôn ra như một bám víu, đi tìm lối thoát cho tâm hồn một cách vô vọng. Nghệ sĩ vốn đã rất lẻ loi, nay càng lạc loài hơn với sự tiến bộ của kỹ thuật hiện đại. Tác phẩm của họ vô tình trở nên quá xa xỉ trong cái đầu rất thực tế, không có chỗ cho sự lai láng tình cảm, của những thế hệ sau.
“Vì ta sinh gặp thời Tam Quốc
Chỉ để ngàn thu tiếng Khổng Minh”.
Không hiểu sao đọc sách Chị, rồi gặp Chị, là em lại nghĩ đến hai câu thơ này của cha em. “Có khả năng nhưng không được dùng, có tài nhưng không được thưởng thức…” Tóm lại là “không có đất dụng võ, lãng phí!!!”
Em mà còn nghĩ vậy thì TTBG sẽ phải sống sao đây?
Cảm ơn Chị lần nữa… Không biết những gì em muốn nói có là một sự an ủi: “Rằng, với em, những văn nghệ sĩ hữu tài vẫn còn hiện diện đâu đó, nhưng chỉ có thể đại diện cho văn chương của một thời đã qua”.
Khi nhìn thấy TTBG chấp nhận nỗi cô đơn với một phong thái rất kiêu hãnh, chấp nhận làm kẻ độc hành giữa trời đất thênh thang cô quạnh (em có cảm giác như TTBG không có dấu hiệu của sự bận tâm đi tìm cách giải thoát cho chính mình)… không hiểu sao… em buồn. Cầm hai quyển sách của một nhà văn tài hoa mà cảm giác thật xúc động, đau lòng và tôn trọng.
Em vẫn chưa đọc lại Nhật Nguyệt Buồn Như Nhau, cũng như chưa bắt đầu Nước Chảy Qua Cầu (dù lòng rất muốn), bởi, dường như văn chương chị, em chỉ có thể đọc khi tâm trạng thật thảnh thơi, thư thái và bình yên, mới có đủ tinh thần để gậm nhấm nỗi buồn.
Mong chị yên vui.”
*
* *
Năm rất lâu rồi, có cô học trò nha sĩ đến học dương cầm. Lâu ngày, thầy trò trở nên thân. Nhiều buổi, cô hay ngừng đàn, ngó quanh phòng dạy. Có lần tôi hỏi:
“Con tìm gì vậy?
Ánh mắt cô lộ vẻ thương xót:
“Con không tưởng tượng được sự cô đơn tràn ngập chung quanh cô.”
Đó là cái nhìn của người bên ngoài; còn tôi, thật lạ, chưa bao giờ biết “Cảm xúc nào từ mình tạo ra cho kẻ khác.” Có lẽ sự vô tâm là một đặc ân lớn được Thượng Đế ban phát? Tôi không hề quan hoài gì về mình lẫn về người, cứ âm thầm cúi đầu làm những điều cần làm, nghĩ những sự cần nghĩ, viết những chuyện cần viết. Mọi thứ thực tế đã quấy rầy cuộc sống ban ngày đủ rồi, tôi không cho phép niềm vui hay nỗi buồn chui thêm vào nội tâm những khuya vắng lặng. Sự cô đơn và cô độc trở thành quen thân như da thịt; và, chỉ thế mà tôi kéo dài cuộc sống mấy mươi năm.
*
* *
Lại hôm Mar. 12, 2023, nhận messenger độc giả Nguyễn Văn Hùng Hà Nội ghi bên dưới bài Những Sợi Nước Bay Bay:
“Cô ạ.
Nhờ đọc những bài Cô viết mà con có đủ tự tin ngồi vào đàn piano (đang bị bỏ quên ở nơi con làm massage) để dạy cho Thảo Linh về thanh nhạc, cảm âm và kịch nghệ (mặc dù đàn dương cầm không phải là sở trường của con). Con vẫn nhớ lời hứa với Cô là dạy Thảo Linh đến khi cô ấy đủ độ chín, sẽ đọc bài Cô viết về người Mẹ, nền nhạc lồng là hai bản ánh trăng của một nhạc sĩ người Đức và một nhạc sĩ người Việt.
Con rất biết ơn Cô.
Con đang cố gắng dạy không ngừng, rồi xin lại Cô bài viết để chuyển thể sang audio, làm quà tặng gửi Cô. Mong Cô giữ gìn sức khỏe để con còn có cơ hội được gửi Cô nghe món quà nho nhỏ, nhé Cô!”
Đó là hai lá thư của hai độc giả trạc tuổi, sống ở hai hoàn cảnh rất khác trên hai vòm trời cách xa nhau nửa vòng trái đất. Có cái gì ngồ ngộ, vừa giống vừa không giống trong ý nghĩ họ về cùng một nhà văn, một giòng chữ?
*
* *
Từ khi còn nhỏ, tôi đã luôn nhìn cây violon và cây bút là hai người bạn thiết. (Ngoài ra, hết, ngay cả không với mẹ!) Mọi nỗi niềm đều chỉ tâm sự với hai người ấy. Ngày xưa bằng tiếng đàn, ngày sau bằng cây bút. Chỉ với họ, tôi mới thấy an lòng để có thể phơi bày con người thật của mình.
Đọc câu trên, sẽ có nhiều người nhận định “TTBG hẳn còn những bộ mặt giả khác”?
Đúng! Mẹ tôi từng nói thế. Em gái Kiều Mỵ và con gái Âu Cơ có cùng lời phê phán. Nhưng, ở đây, chữ “giả” không hàm ý nghĩa giả dối, mà là “không nỡ làm đau lòng kẻ khác theo những cái buồn sâu kín trong tôi.” Thế vào đó: “Tiếng cười vỡ vụn, bề ngoài bình dị, nói năng hoa mỹ, cung cách lãng đãng”. Tôi giấu hết mọi thứ “của mình”… để, chỉ đêm khuya mới tuôn ra cùng những con chữ.
-Âu Cơ từng gào lên trong giận dữ:
“Mẹ có biết gia đình anh Năng rất sợ mẹ?”
-Em gái Kiều Mỵ từng đưa nhận xét:
“Cái cười và đôi mắt chị thật tương phản. Cái cười làm gần, đôi mắt làm xa.”
Ở đây viết thêm điều Kiều Mỵ thiếu: “Những con chữ.”
Những con chữ chính “thật là tôi” mà chỉ những độc giả đọc kỹ TTBG mới nhận ra điều đó. (Khổ nỗi, rất ít người ham đọc sách. Vì vậy, tôi đã xa, nay càng trở nên xa hơn với cái tiếng dữ Âu Cơ gán cho khi đề cập tới “gia đình anh Năng”.)
*
* *
II.
Văn Chương, Thi Ca, Âm Nhạc, Nghệ Thuật và Tôn Giáo đều gặp nhau ở cái Đẹp tuyệt đối.
Tối Mar. 13, 2023, nhận thêm messenger của Nguyễn Văn Hùng:
“Con mời Cô nghe chia sẻ của một người thầy nữa về sách Job.
Đây là thầy của con. Ngài là Tiến sĩ duy nhất ở Việt Nam học về ngành Chú giải Kinh Thánh”.
Tôi thật ngỡ ngàng cảm động. Điều ghi nhận trước tiên chính là tấm lòng Nguyễn Văn Hùng, nhờ đọc kỹ các bài tôi viết mà đã bỏ công tìm tòi và trao tặng “món quà” tôi khao khát mấy chục năm! “Của cho không bằng cách cho”, ông bà xưa nói rất đúng.
Ngay đêm, tôi mở nghe bài giảng đến hai lần. (Chưa thấm lắm, nhưng tin rằng đến lần thứ hai mươi, những lời khiêm cung, thái độ thân thiện, kiến thức sâu rộng của vị Linh mục Tiến sĩ Giuse Maria Cao Gia An 42 tuổi hẳn giúp tôi “thủng” cái đầu về sách Job theo khả năng tôn giáo hạn hẹp của mình!)
-Bây giờ tôi đã biết “Tại sao Dostoievski yêu sách Job để đến nỗi phải viết ra đoạn văn nổi tiếng về viên Đại Phán Quan tìm vào ngục tối gặp Chúa Jésus, trong tác phẩm lớn Anh Em Nhà Karamazov.”
-Bây giờ tôi cũng biết, cuộc đời Dostoievski trải suốt một chuỗi dài đau khổ mà cuối cùng bên giường chết, vẫn dặn dò các người con: “Các con hãy vững lòng tin Chúa.”
Trong tôi, duyên Văn Chương và duyên Tôn Giáo gặp nhau trên cùng một điểm.
-Nếu không từng là người say mê văn chương Dostoievski, làm sao bây giờ tôi có thể hiểu nhanh về thánh Job và những lời của Chúa qua sách Job?
-Nếu không từng khao khát khi bắt đầu viết Dostoievski, làm sao bây giờ tôi có duyên được Nguyễn Văn Hùng giới thiệu ngay đúng một vị thầy giỏi chuyên về sách Job để giúp khai sáng một vấn đề tôi đi tìm suốt từ 1992 đến giờ?
Điều muốn nhấn mạnh:
“Tôi chưa hề có chút bi quan về cái đẹp thật sự của Văn Chương cho dù thời gian thay đổi, cho dù bao thăng trầm thế sự. Cái đẹp vẫn là cái đẹp lừng lững đi tới trên nhiều chiều hướng mà con người chỉ là phương tiện làm cây cầu cho nó xuất hiện. (Tôi là dân yêu Văn Chương nên chỉ đề cập đến Văn Chương; còn cái đẹp Tôn Giáo, xin không dám nói).
Thời gian càng trôi, cái đẹp càng được nhận biết, miễn rằng nó đẹp. Tôi đang ở vào thời đại công nghệ thế kỷ 21 nhưng trái tim vẫn rung động theo những chuyện kể của Thị Nại Am 600 năm trước; tâm tư vẫn chan hòa nhịp đập với các nhà văn lớn đầu thế kỷ 19; đôi mắt vẫn sẵn sàng ứa lệ khi nghe giòng âm nhạc cổ điển cuối thế kỷ 18; xác thân vẫn thờ thẫn khi có dịp giở xem các tấm tranh Van Gogh cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Thời đại không là vấn đề làm trở ngại cho con người. Ở cuộc đời bây giờ với đủ mọi thứ cám dỗ của công nghệ, của Internet, mà vẫn có những người trẻ nghiền ngẫm Thánh Kinh (như Nguyễn Văn Hùng), hay có kẻ lánh đời (như tôi) miệt mài đọc Thủy Hử… thì vẫn… chưa đến nỗi nào!
Câu viết của cô con gái bác Hà Thượng Nhân “…Những văn nghệ sĩ có tài còn hiện hữu đâu đó, nhưng chỉ có thể đại diện cho văn chương của một thời đã qua”, với tôi, đúng mà không đúng. Cái đẹp không có thời gian, cả không biên giới. Một thời trôi qua hay một thời sẽ tới không can dự gì NẾU Văn Chương thật sự LÀ cái đẹp.
*/ Ví dụ, ngay bây giờ, nhìn mưa Cali. bay bay, tôi vẫn tưởng tượng ra được lớp màn mỏng từ trời cao rơi xuống Hà Nội thập niên 1930 qua chữ nghĩa Thạch Lam ở bài Lời Nói Đầu tác phẩm Gió Đầu Mùa (NXB Đời Nay 1937):
“Khi mùa thu bắt đầu hết, khi nắng vàng hanh dần mất vẻ rực rỡ trên các lá cây, ngọn gió heo may sẽ từng cơn nhẹ lướt trên cánh đồng rộng, đem lại cho ta những cái rùng mình mới mẻ, như đã lẫn cái buồn ảm đạm của ngày mùa đông.
Trước ngọn gió đầu mùa, tôi không ngăn được những cảm giác sâu xa và mới lạ. Tôi đem tâm nghĩ ngợi những cơn gió đột khởi ở lòng người, báo trước những sự thay đổi trong cái bí mật của tâm hồn. Tôi lại nghĩ đến những người nghèo khổ đang lầm than trong cái đói rét cả một đời. Gió heo may sẽ làm cho họ buồn rầu lo sợ vì mùa đông sắp tới; mùa đông giá lạnh và lầy lội phủ lên lưng họ cái màn lặng lẽ của sương mù. Và lòng tôi se lại khi nghĩ rằng chỉ một chút âu yếm, một chút tình thương, cũng đủ nâng đỡ an ủi những con người cùng khốn ấy.
Đó là những ý nghĩ mà gió đầu mùa đã gây nên trong trí tôi. Những câu chuyện trong quyển sách này tôi viết ra, cũng như những cảm xúc mới mẻ mà tôi đã thấy; tôi hết sức diễn tả cho đúng sự thật rung động và thi vị của cuộc đời. Tôi không có ý muốn kể những chuyện thần tiên hay lãng mạn, mà chỉ là những cảm tưởng của tôi đối với đời sống kín đáo và giản dị quanh mình. Bởi, đối với tôi, Văn Chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay quên lãng; trái lại, Văn Chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người được trong sạch và phong phú hơn.”
*/ Ví dụ, ngay bây giờ, mỗi lần nghe gió San Jose thổi rạp cành cây, tôi nhớ ngay đến hai đứa nhỏ trong Nhặt Lá Bàng của Nhất Linh. Hai đứa bé ở Hà Nội nói: “Lạy Trời cho gió lên!” Còn tôi ở Cali nói: “Lạy Trời cho gió ngưng!”
Cái đẹp Văn Chương vẫn có chỗ gặp nhau, bất kể thời gian, không gian hay vị thế xã hội. Miễn rằng nó đẹp! Tôi luôn tin thế.
Thôi, bây giờ đã mệt, trời còn quá lạnh, không thể ngồi vào đàn, mà phải ủ chân trong chăn, đọc tiếp Thủy Hử. Cái đoạn gay cấn Võ Tòng đả hổ rồi giết chị dâu, tìm đường… đi làm ăn cướp, đang rất thú vị, bạn ạ!
[]
Trần Thị Bông Giấy
(Bài kết tại San Jose, thứ Năm Mar. 16, 2023 lúc 9:22 đêm.
=============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét