Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2023

" thưởng thức vài bức " chân dung 99 nhà văn đương đại" của Nguyễn Khôi ". / Phùng Hoài Ngọc -- trích: Việt Nam Thời Báo .- 09/ 06/ 2017 .

 

            -Thưởng thức vài bức 

      “chân dung 99 nhà văn đương đại”

                  của Nguyễn Khôi.


                                  PHÙNG HOÀI NGỌC


Phùng Hoài Ngọc (VNTB): Trên bầu trời Việt Nam đen thui, nhà thơ Nguyễn Khôi cho rằng có nhiều ngôi sao Khuê (sao Văn chương) mờ, tỏ khác nhau. Mỗi ngôi sao là một nhà văn, nhà thơ. Vài chục năm qua, Việt Nam đã có nhiều tuyển tập chân dung nhà văn, nổi tiếng nhất là “Chân dung 100 cây bút” của nhà thơ Xuân Sách. Trong tập “Chân dung 99” của Nguyễn Khôi, xuất hiện tên tuổi nào hoàn toàn tuỳ ý nhà tuyển chọn.

Ảnh minh họa
Lời thưa của nhà thơ Nguyễn Khôi 

Được nhà văn Lê Xuân Quang (Berlin) khuyến khích, theo gót nhà văn Xuân Sách, nhà thơ Đỗ Hoàng, nhà thơ Trần Nhương, với tiêu chí “văn là người”, Nguyễn Khôi tôi dùng thể thơ bốn câu phác họa chân dung 99 nhà văn mà mình mến mộ. Xin được chia sẻ cùng các bạn thơ.


Vài nét về nhà thơ Nguyễn Khôi

Trước khi nghỉ hưu ông Nguyễn Khôi là chính khách, từng ngồi ghế Phó vụ trưởng Văn phòng Quốc hội. Chức vụ có vẻ lớn, thực ra chỉ làm việc như một thư lại đời xưa, khá nhàn rỗi, ông dành nhiều thời gian và công sức say mê sáng tác văn chương, khảo cứu, Ông cũng dịch thuật văn học tiếng dân tộc Thái (miền Tây Bắc) ra tiếng Việt.

Nguyễn Khôi sinh năm 1938 tại thị xã Yên Bái, quê quán tỉnh Bắc Ninh, hiện thường trú tại Hà Nội. Ông là hội viên của 3 hội dân sự đều thuộc sự lãnh đạo của Đảng hết: Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam -- Hội Nhà văn Hà Nội -- Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội. 


Chân dung 99 nhà văn đương đại

Địa chỉ :*trang web “Quán thơ”--  chủ quán: Nguyễn Khôi,

Trong Lời thưa, Nguyễn Khôi nói :

“Nguyễn Khôi tôi dùng thơ bốn câu phác họa chân dung 99 nhà văn mà mình mến mộ. Xin được chia sẻ cùng các bạn thơ”.
 
Thực ra ông chỉ “mến mộ” một số cây bút, bên cạnh khinh rẻ những cây bút khác, bạn đọc coi qua sẽ biết. 

Tôi cũng là một bạn đọc của ông, nhân đây ké thêm vài chú thích và lời bình. Tôi không biết hết 99 chân dung ông đã chọn, vậy nên biết người nào thì tôi bình chú về người ấy. Có những chân dung bộc lộ đã rõ ràng nên cũng không cần bàn thêm. Xin chia sẻ cùng bạn đọc. 


TỐ HỮU

Tự nhận mình là Lành
Mọi người thấy rất dữ
Mác Lê bọc bằng thơ
Đã đâm chỉ có “tử”.
Tung “hoa máu” xung trận
là Hịch chống xâm lăng
lời Thề với Đảng, Bác:
“Từ ấy”, “Sáng tháng Năm”.

Bình chú: Truyện ngắn “Cây táo ông Lành” của nhà văn Hoàng Cát viết về Tố Hữu.
“Mác Lê” cũng có nghĩa “mác, lê” là hai thứ vũ khí bằng sắt. “Hoa máu” ám chỉ tập thơ “Việt Nam máu và hoa”.

CHẾ LAN VIÊN

Tài thơ đến như Chế
Đời thật khó khen chê
Bẻ “cành phong lan bể”
“Con cá song cầm đuốc dẫn thơ về”.
Bắn pháo hoa Tư tưởng
Vờ khóc nước non Hời
Tháp Bay On bốn mặt
Giấu đi mặt ma trơi.

Bình chú: Thơ Chế [ Lan Viên ] ví như một loại “pháo hoa tư tưởng”, mới đầu nhìn choáng ngợp mắt người, lát sau tàn lụi không để lại dấu vết. Đây là một so sánh độc đáo và thú vị về thơ Chế Lan Viên.

“Nước non Hời” nhắc lại tập thơ “Điêu tàn” đầu tay của Chế, thương tiếc tộc người Hời (tên gọi khác của người Chăm). “Tháp Bayon bốn mặt” bài thơ tượng trưng của Chế.

LÊ ĐỨC THỌ

Thơ: mực hòa máu viết
Người hùng – quyền thứ hai
Giải Nô ben thứ thiệt
Ai thấy cũng bye bye.

Bình chú: chưa hiểu rõ ý tứ câu chót của Nguyễn Khôi “ai thấy cũng bai bai” ? Có lẽ, nên hiểu là ai nhìn thấy cái giải Nobel của Lê Đức Thọ cũng chạy dài, không dám nhìn ?

VIỆT PHƯƠNG

“Cửa mở” hở hậu cung
“Lụy” mấy ông xuất bản
– Ta cái gì cũng Hồng
– Địch cái gì cũng Xám
Trảm!

Bình chú: thú vị nhất là câu thơ mở đầu “Cửa mở” hở hậu cung. Nguyễn Khôi hiểu “cửa mở” (tên tập thơ của Việt Phương) là mở ra những bí mật của giai cấp thống trị. Còn tôi hiểu “cửa mở” là mở tung tấm màn đen bưng bít sự thật nói chung và phá tung sự gò bó về tư duy.

HỮU THỈNH

“Thư mùa đông” cho lính
Thơ xoàng xĩnh lên ngôi
Điếu văn “hot” tới đỉnh
Trơ ghế cao anh ngồi.

Bình chú: nhà thơ Nguyễn Khôi nói thẳng về thơ Hữu Thỉnh “Thơ xoàng xĩnh lên ngôi”. Hữu Thỉnh thường không quên đi điếu tang hội viên, tự mình viết và đọc “điếu văn” với tư cách chủ tịch Hội, đều rất lâm ly thống thiết.

NGUYỄN PHAN HÁCH

Đẹp duyên “làng quan họ”
Thơ hay không có tiền
Cho in thơ thả cửa
Bán giấy phép đầu tiên.

Bình chú: Nguyễn Phan Hách nổi tiếng với bài thơ “Làng quan họ”, làm giám đốc lâu năm của NXB Hội Nhà văn trước khi nghỉ hưu. Nhà xuất bản này mấy chục năm qua chuyên bán giấy phép cho mọi cây bút tự in thơ truyện.
 
BÚT TRE

Người bút lông, bút sắt
Lão quê mùa bút tre.
Dám “biên tập” lời Bác
Vào Đền Hùng khắc bia
.
Bình chú: Câu “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” khắc đá trên Đền Hùng là do Bút Tre (tên thực Đặng Văn Đăng- phó Ty Văn hóa Phú Thọ) đã “văn bản hóa” câu nói của Bác (biên tập lại) qua việc nghe lỏm bộ đội kể lại.

TRẦN ĐĂNG KHOA

Thần đồng thơ trẻ xóm
Hóm tếu văn “giải thiêng”
“Chân dung và đối thoại”
Đằm chất quê hồn nhiên.

Hiện nay nhà văn Việt Nam có xu hướng lật lại quá khứ, gọi là “Dòng văn học giải thiêng”. Có hai xu hướng “giải”: phục hồi vẻ đẹp bị chìm khuất do vô tình hay cố ý. Hoặc vạch ra cái xấu của thần tượng được tô vẽ quá lố do lợi ích tuyên truyền. Cả hai xu hướng đều nhằm mục tiêu phát hiện SỰ THẬT và CHÂN LÝ từng bị chìm khuất hoặc tô hồng/bôi đen. Trần Đăng Khoa nổi tiếng với cuốn “Chân dung và đối thoại”.

HOÀNG CÔNG KHANH

Tù Tây lại tù ta
“Quyền được rên” chẳng có
Bởi luôn đòi Tự do
Gánh văn là gánh khổ.

“Quyền được rên” là một truyện vừa của nhà văn Lê Mai viết về nhà văn Hoàng Công Khanh. Ông Khanh sáng tác từ hồi chống Pháp, sau 1954 bị tù oan vì vụ Nhân văn- Giai phẩm.
Mời bạn đọc vài đoạn trích “Quyền được rên”

Ở trong tù, ông (nhân vật Hoàng) hỏi quản giáo:

“Thưa cán bộ, trường hợp tôi bao giờ thì được ra toà?”

Người quản giáo nhìn ông. Nhìn từ đầu xuống chân rồi khinh khỉnh nói: 

– Ông là nhà văn có tiếng mà còn dốt thế! Tù rồi còn đòi ra tòa làm gì? 

Những câu trả lời ngô nghê của người quản giáo là minh chứng hùng hồn cho một thời bạo lực ấu trĩ: “Nhìn ông, anh quản giáo cười hiền, tỏ ý thông cảm:

– Dốt thế, ở tù cũng đáng… Ông là đi học tập, đi cải tạo chứ có phải tù đâu mà hỏi án bao nhiêu năm. Đi học tập, đi cải tạo thì bao giờ học tập tốt, cải tạo tốt thì… ra trường. Tốt nghiệp ý mà .

Muốn biết bao nhiêu năm thì phải tự hỏi mình chứ hỏi gì tôi. Thôi, hồ hởi, phấn khởi nhé!
Ra tù, ông Hoàng thủ thỉ với con và cũng như nói với lòng mình:
 
“Con ơi! Oán hờn mà trả bằng oán hờn thì oán hờn ngày càng chồng chất. Con người hơn con vật ở chỗ đối xử với nhau có nghĩa có nhân. Lớn lên rồi con sẽ hiểu, không phải ngẫu nhiên mà Thánh Gandhi nói:“Tôi không bao giờ tự hạ thấp mình ngang tầm của bạo lực”. Cái gì đã qua, bố con mình cùng cho qua con nhé! Chớ để bụng, đừng thù oán ai cả… Càng đớn đau mình phải sống càng nhân hậu, con có hiểu không ?” .

Đó cũng chính là tư tưởng xuyên suốt mạch truyện QUYỀN ĐƯỢC RÊN- chân dung của nhà văn Hoàng Công Khanh.

MINH HUỆ

Vì sao “Bác không ngủ?”
Vợ dí thơ… tỉnh tình.
“Bác là Hồ Chí Minh”
Tỉnh tình đâu mà dí”.

Bình chú: Nhà thơ Nguyễn Khôi nhái giễu bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ, dùng từ “tỉnh tình” ngôn từ dân gian nhằm ám chỉ việc “làm tình
”.
SƠN NAM

Theo ông già Nam Bộ
Thưởng “Hương rừng Cà Mau”
Mai sau khô không khốc
Nhớ hoài “Mùa len trâu”.

Bình chú: “Mai sau khô khô không khốc”. So sánh văn chương Sơn Nam trước khi theo cách mạng, Sơn Nam viết được truyện hay “Hương rừng Cà Mau”. Khi làm cách mạng, ông viết văn “khô không khốc”.

TRẦN TRỌNG KIM

Trung thực được như ông
“Việt Nam sử lược”
“Hồi kí” (1) thực như tâm
Tin đời còn sự thật.

Bình chú: Hồi kí “Một cơn gió bụi” tác phẩm cuối cùng của Trần Trọng Kim nhà giáo nhà sử học, nhà thơ và chính khách. Nhà thơ Nguyễn Khôi khẳng định cụ Trần là người trung thực, quan điểm trái với lịch sử của Đảng chửi ông là tay sai bán nước.

TRẦN ĐỨC THẢO

Giảng triết cho lũ dốt
Tù đầy giữa đời thừa
Yêu nước thành phản quốc
“Trăn trối” đã quá mùa.

TRƯƠNG TỬU

Làm thầy bọn trò ngốc
Thôi về “châm cứu” chui
Cứu người được quả phúc
Văn chương chiếc yếm rơi…

NGUYÊN NGỌC

Chết rồi anh hùng Núp
Rừng Xà Nu” bị nghiền
Lập “Văn đoàn độc lập”
“Đất nước đứng lên”
.
VŨ THƯ HIÊN

Trải “Đêm giữa ban ngày”
Tộc Tà ru bị loại
“Bông hồng vàng” bầm dập
Paris “thoại” cùng ai?

THÁI KẾ TOẠI

Văn sĩ làm “mật vụ”
Mà chẳng thấy bắt ai
Lũ Nhân văn kết bạn
Khua giáo lên văn đài.

Bình chú: Đại tá an ninh Thái Kế Toại từng phụ trách hồ sơ vụ “Nhân văn- Giai phẩm”. Về sau ông xem lại hồ sơ, ra sức thuyết phục lãnh đạo đảng phục hồi danh dự cho các cây bút Nhân văn- Giai phẩm.

PHẠM TIẾN DUẬT

“Đường ra trận…đẹp lắm”
Lừa mị lũ trai làng.
Chết, hồn kết “Vòng trắng”
Đưa thơ về Trường Sơn.

BÙI MINH QUỐC

Hăng hái “Lên miền Tây”
Đi B không sợ chết
“Bình công” nuốt đắng cay
Làm thơ trong xó bếp.

LÊ LỰU

Phụ tình vợ Tấm Cám
Chạy theo lũ choai choai
“Ở đáy sông” quả báo,
Ngoác mồm nói xấu ai?

LƯU QUANG VŨ & XUÂN QUỲNH

Đến chết vẫn lăn tăn “Thời kì đồ đểu”
“Uống rượu với bác Lâm” chuốc chén về trời
Để biển cũng bạc đầu thương nhớ
“Đắng cay” là chòi biếc thưở xa khơi.

BÙI NGỌC TẤN

“Chuyện kể năm 2000”
“Tại sao tù?” thắc mắc
Đọc Solzhenitsyn
Ôi “Quần đảo Gulag”

DƯƠNG THU HƯƠNG

Tới “Đỉnh cao chói lọi”
Tức khí mà tắt kinh.
“Thiên đường mù” vẫy gọi
Chào “Tỉnh lẻ vĩ nhân”

HOÀNG HƯNG

Thích Hoàng Cầm vương lụy
Mang thơ phải vào tù
Uất “Đi tìm cái mặt”
Ngắc ngoải một đời thơ.

TRẦN HUY QUANG

Trời xui viết “Linh nghiệm”
Hơn Azit Nexin
Treo bút ba năm, hiếm
Bõ bèn một truyện in.

NGUYỄN MINH CHÂU

Ai điếu “Văn minh họa”
Vượt lão “Tầm nhìn xa”
Mỗi lần qua chợ Giát
Lại quặn lòng xót xa.

HOÀNG NGỌC HIẾN

Xướng “Văn chương phải đạo”
Giáo sư chẳng được phong
Học trò không đứa láo
Dạy “Giáo dục công dân”.

TRẦN QUÁN ANH

Một vở “Tiền tuyến gọi”
Đủ lừng danh… đói dài
“Giáo sư Dái” thoải mái
Tiền tấn thừa rong chơi.

Bình chú: Bác sĩ Trần Quán Anh ngẫu hứng viết vở kịch nói “Tiến tuyến gọi” loại mỳ ăn liền, cổ vũ thầy thuốc đi B. chiến đấu. Sau Trần Quán Anh làm trưởng khoa Nam học nên được gọi “giáo sư Dái”. 

NGUYỄN HUY THIỆP

Mang cưa xẻ quá khứ
“Tướng về hưu” trộm dòm
“Nhà thơ: lũ vô học”
“Vong bướm” ám vào hồn!

VI THÙY LINH

Chẳng cần tốc váy đỏ
“Quốc sư” vẫn say thơ
Văn em không có sex
Đếch ai thèm tìm mua.

Bình chú: nữ văn sĩ Vi Thuỳ Linh chốn Hà thành học đòi làm sang, viết văn sex đánh bóng tên tuổi. Lại nhờ có “quốc sư” Vũ Khiêu ca tụng quảng bá. Và thị cũng viết bài ca ngợi lại Vũ Khiêu để trả ơn.

PAUL NGUYỄN HOÀNG ĐỨC

Giỏi đàn, lắm lí sự
Bạn quí gọi “triết gia”
Đứa ghét chê “ngộ chữ”
Gã sùng bái Hi La.

NGUYỄN VĂN LƯU

Hơn lão Vũ Đức Phúc
Vượt trên tầm Đông La
“Luận chiến văn chương”hả?
Chỉ điểm bãi tha ma.

Bình chú: Nguyễn Văn Lưu từng làm giám đốc NXB Văn học, kiêu ngạo, vung cây bút phê bình chém bừa các nhà văn tiến bộ. Nhà thơ Nguyễn Khôi xếp Lưu cùng nhóm với cây bút văn triết học mác lê Vũ Đức Phúc và “chí Phèo” Đông La. Trong thành tích đâm thuê chém mướn của Lưu, một nạn nhân trẻ là thạc sĩ Nhã Thuyên.

NHÃ THUYÊN

Nhà xuất bản Giấy Vụn
Mấy thầy cô muốn “nghiên”
Cánh “phê bình chỉ điểm”
“Chém” cô trò Nhã Thuyên.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Văn sĩ tài khẩu khí
Một xác đứng hai chân 
Cả Viện Văn tiến sĩ
mình Nguyên là cử nhân.
…………………….
Ghi chú: “hai chân”: Hội Nhà văn Hà Nội và Văn đoàn Độc lập.

NGUYỄN CHÍ THIỆN

Tù lâu thành “ngục sĩ”
“Hoa địa ngục” trời cho
Thơ trở thành cứu cánh
Sang “thế giới tự do”.

Bình chú: cây bút Nguyễn Chí Thiện (1939 – 2012) là một nhà thơ phản kháng. Sinh trưởng ở Hà Nội, dạy học. Làm thơ phản kháng, bị bắt tù ba lần (trước và sau 1975). Được bảo lãnh xuất cảnh sang Mỹ. Tập thơ “Hoa địa ngục” tố cáo chế độ cai trị ở miền Bắc.

ĐỖ TRƯỜNG

Nếm đủ mùi “xuất khẩu”
Ghét “Cộng”, tếch ly hương
Đạt tiêu chí “văn chửi”
Khối người khoái Đỗ Trường.

VŨ NGỌC TIẾN

Xả “Sóng hận sông Lô”
Lên “Qủy vương” chễm chệ
Trai Hà Nội đào hoa
Sướng cuộc đời dâu bể.

Bình chú: Vũ Ngọc Tiến vừa xuất bản tiểu thuyết “Quỉ vương” đang được đón nhận nồng nhiệt ở miền Bắc
.
PHẠM THÀNH

Sống thời “Hậu Chí Phèo”
Giữa cuộc đời sấp ngửa
Thả “Xã nghĩa cò hồn”
Tai ương chờ ngoài cửa.

Bình chú: Nhà văn Phạm Thành, chủ blog Bà Đầm Xòe, viết tiểu thuyết “Cò hồn xã nghĩa”, gửi dự thi Hội nhà văn Việt Nam. Ông nói Hội đã tố cáo ông với an ninh. Ông Thành mô tả tác phẩm là “khái quát giai đoạn Cộng sản Việt Nam đã mang học thuyết Marx – Lenin về với những chiêu bài làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” và “làm cho dân miền Bắc đến chỗ đau đớn khổ sở, đạo đức bị suy đồi”.

NGUYỄN TÔN NHAN

Thôi rồi một đấng tài hoa
Nhà “Trung hoa học” còn là ai đây?
Giáo sư, học giả thì đầy
Riêng anh “học thật” tiếc thay một người!

ĐỖ LAI THÚY

“Luộc văn” bị nghi án
Càng viết càng lên tay
Hồ Xuân Hương tuột yếm
Chân trời có người bay.

THẾ PHONG

Chào vĩnh biệt Yên Bái
Vào Sài Gòn lập thân
Mình một nhà xuất bản
Lừng lững văn Thế Phong.


Viết xong ở Làng Mọc Quan Nhân, Hà Nội ngày 07.05.2017

NGUYỄN KHÔI
[ 1938-          ]



--------------

Ghi chú của người viết:

* Nguyễn Khôi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội năm 1963, lên công tác tại Sơn La, qua nhiều chức vụ: Trưởng phòng kĩ thuật sở nông nghiệp Sơn La, Giám đốc nông trường, Thư ký Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La. Ngoài công tác chuyên môn ông đã ra sức học tiếng Thái và đi sâu nghiên cứu văn học các dân tộc ở Tây Bắc… Kết quả là, tập thơ “Gửi mường bản xa xăm” đã đưa tác giả vào các tuyển tập thơ quốc gia, được xếp vào số các nhà thơ Việt Nam thế kỷ XX; bản dịch truyện thơ “Sống Chụ Son Sao” (Tiễn dặn người yêu”, 1024 câu song thất lục bát là một bản dịch thành công được bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận; cuốn sách Họ và tên của 54 dân tộc ở Việt Nam là một công trình “giải mã” về cách thức đặt tên của các tộc người ở Việt Nam, xưa nay chưa có ai viết).

Ông còn tốt nghiệp học viện hành chính Quốc gia Hà Nội; 1986 – 1987, lại đi tu nghiệp quản lý kinh tế trên đại học tại trường Đại học kinh tế tài chính Xanh-Petecbua, Cộng hòa liên bang Nga; về làm chuyên viên cao cấp Phó Vụ Trưởng Văn phòng Quốc hội Việt Nam. Song song với công việc ở cơ quan ông đã dành công sức trong vòng 8 năm biên soạn cuốn “Bắc Ninh thi thoại” (đã xuất bản tới 3 lần và được thư viện các nước Hoa Kỳ, Anh Quốc lưu giữ giới thiệu về nền thơ ca 10 thế kỷ xứ Kinh Bắc).

Sau khi nghỉ hưu, ông tập trung viết bộ sử làng “Cổ Pháp cố sự”- 4 tập, 920 trang, một công trình biên khảo công phu. Tác giả đã khai thác phát huy vốn văn sử chính thống cùng văn học dân gian một các nhuần nhuyễn, khoa học với những chứng cứ khảo cứu trung thực về quê hương cội nguồn nhà Lý xưa và nay.

Điều bất ngờ nhất là vào lúc cuối đời, ông tung lên mạng tập “Chân dung 99 nhà văn”.

BÀI MỚI HƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét