“Đập vỡ cây đàn” như dự cảm một phần đời của nhạc sĩ có biệt danh “ông anh chi tiền”
ĐÌNH PHÙNG
Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo. |
Hình ảnh cây đàn và câu chuyện tình đắng cay nhất
Với những người đã trót say mê dòng nhạc bolero thì chắc chắn sẽ không dưới vài lần nghe xuất hiện hình ảnh cây đàn trong thời yêu đôi lứa. Có chàng trai dùng đàn để bày tỏ nỗi lòng mình với người con gái, có những người nhờ anh đàn em hát mà tình cảm nảy sinh, cũng có trường hợp nàng muốn chàng phải biết đàn thì mới yêu, nhưng rồi sau đó thìlại là một câu chuyện buồn.
Nhắc đến cây đàn, có thể kể đến chuyện tình đơn phương của anh nhạc sĩ nghèo không dám tỏ lời, chỉ dám mượn tiếng đàn thổ lộ với cô hàng xóm như nhóm Lê Minh Bằng trong nhạc phẩm “Cô hàng xóm” rằng: “Tôi ca không hay tôi đàn nghe cũng dở/ Nhưng nàng khen nhiều và thật nhiều”.
Hay như nhạc sĩ Châu Kỳ cả gan ôm đàn đến hát tỏ tình với con gái ông quan thượng thư: “Rồi một hôm tôi gặp nàng/ Đem tiếng hát cung đàn/ Với niềm yêu lai láng”. Nhưng rồi nhận lại cái kết bẽ bàng, để rồi chỉ biết một mình ôm đàn than thở: “Nhìn đời thấy lắm phũ phàng/ Mượn tiếng hát cung đàn/ Quên niềm đau dĩ vãng” trong “Giọng ca dĩ vãng”.
Cũng không thể bỏ qua mối tình của nhạc sĩ Bảo Thu và ca sĩ Hoài Phương Tâm, với những buổi tập nhạc anh đàn em hát. Rồi đến lúc nghe tin Tâm đi lấy chồng, nhạc sĩ cảm thán viết nên bài “Giọng ca dĩ vãng” để kể về câu chuyện tình từ thuở ban đầu: “Ngày xưa mỗi lần em buông tiếng hát/ Thì anh tay phím nắn nót cung đàn”.
Tuy nhiên, bài hát buồn nhất và cay đắng nhất chắc phải kể đến “Đập vỡ cây đàn” của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, ký bút hiệu Tùng Vân - Tuyết Sơn. Ở những bài hát trên, tuy chàng trai có đau buồn khi mất đi người mình yêu thương nhưng ít ra vẫn còn cây đàn bầu bạn, để những lúc buồn có thể mang đàn ra mà gảy khúc sầu bi. Còn chàng trai trong bài hát của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo thì than ôi người yêu bỏ đi theo hình bóng khác, còn đàn thì cũng vỡ tan.
-bìa nhạc tờ “Đập vỡ cây đàn” thời điểm phát hành lần đầu. |
Vì sao như vậy? Thật ra chàng trai trong bài hát không hề yêu thích chơi đàn mà chàng đi học đàn chỉ vì nàng muốn như thế mà thôi. “Em bảo tôi rằng: Anh đi học đàn/ Để đàn theo lúc em ca những ngày hoa mộng đời ta”. Nhưng rồi khi chàng đi học thì ở nhà nàng đã xây đắp gia đình với một nhạc sĩ vang danh: “Tôi yêu nàng nên vội vàng lên tỉnh/ Đi tìm theo học đàn/ Sau một năm trường tôi trở về quê hương/ Nhưng người em gái ngày ấy đã đi rồi”.
Đối với nàng, chàng là phương tiện và đàn là mục đích. Chàng dại khờ không nhận ra điều đó, nên ngược lại xem mục đích là nàng và đàn là phương tiện. Để rồi khi gặp được phương tiện tốt hơn, nàng không ngần ngại bỏ đi. Còn với chàng trai, bây giờ mục đích đã không còn thì còn cần phương tiện để làm gì. Thế nên, chàng đập vỡ cây đàn vô tri.
Chàng trai rất giận nên lặp đi lặp lại từ “giận” để nhấn mạnh tâm trạng đớn đau của mình. “Làm sao để nguôi” là cảm giác đau đớn tột cùng chứ không phải đơn thuần là một sự phá vỡ. Đặt trường hợp chúng ta vào hoàn cảnh này cũng sẽ oán trách, bởi lẽ trong tình yêu sự hứa hẹn và đổi thay là sự lừa dối, bội bạc nên “giận người đổi trắng thay đen”.
Từ “ông anh chi tiền” đến tay trắng
“Đập vỡ cây đàn” không chỉ là câu chuyện về tình yêu đôi lứa, mà nó còn dự cảm được một phần đời sau này của chính nhạc sĩ Lê Mộng Bảo. Đó là “giận đời bạc trắng như vôi”.
Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo (1923 - 2007) sinh ra trong một gia đình nho giáo tại Huế. Năm 1941, khi mới 18 tuổi, ông bắt đầu sống tự lập, ra Hà Nội để học, làm việc cho tờ báo Tiếng Dân của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Ông còn học chữ Hán với cụ Phan Bội Châu, học nhạc lý và vĩ cầm với nhạc sĩ Đặng Thế Phong. Thời gian sau, ông được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thươnghướng dẫn thêm về nhạc lý và sáng tác.
Sau 4 năm trở về Huế, đến năm 1948, Lê Mộng Bảo cộng tác với nhà xuất bản Tinh Hoa của ông Tăng Duyệt. Và chính ông đã giúp ông giám đốc Tăng Duyệt phát triển Tinh Hoa thành nhà xuất bản nhạc tờ uy tín nhất Việt Nam thời bấy giờ.
Lê Mộng Bảo phụ trách trình bày tờ nhạc phần chọn ca khúc để xuất bản. Nhờ quen biết trước đó nên các nhạc sĩ gửi nhạc họ sáng tác để nhờ Lê Mộng Bảo xuất bản và lăng xê. Nhà xuất bản Tinh Hoa đã phát hành rất nhiều nhạc phẩm thời kỳ sơ khai của tân nhạc với các nhạc sĩ như: Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Thương, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Văn Cao, Phạm Duy… Thời bây giờ, nhạc sĩ nào được Tinh Hoa in nhạc hoặc phát hành nhạc là tác phẩm sẽ được phổ biến khắp 3 miền.
Năm 1952, ông Tăng Duyệt mở thêm chi nhánh Tinh Hoa ở Sài Gòn và cử Lê Mộng Bảo vào làm giám đốc chi nhánh. Năm 1956, nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế ngưng hoạt động.
Cũng trong năm 1956, tại Sài Gòn, một mình Lê Mộng Bảo thành lập nhà xuất bản lấy tên là Tinh Hoa Miền Nam. Ông làm giám đốc cho đến năm 1975. Đây là một trong những nhà xuất bản nhạc tờ lớn nhất Sài Gòn thập niên 1960, 1970.
Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo có tài kinh doanh nên ngoài việc xuất bản, ông phân phối nhạc tờ được đến tận các nhà sách và các quầy bán nhạc trên các lề đường Sài Gòn. Nhà xuất bản nhạc tờ của ông là nhà xuất bản Việt Nam đầu tiên có tên trong danh mục các nhà xuất bản âm nhạc quốc tế mang tên “Worldwide music trade directory”.
Thời ấy, các nhạc sĩ đặt cho Lê Mộng Bảo biệt danh là “ông anh chi tiền”. Lý do là thời đó, các nhạc sĩ miền Nam chỉ ngoại trừ một vài nhạc sĩ có tên tuổi chói lọi như: Anh Bằng, Lam Phương, Hoàng Thi Thơ, Phạm Duy… thì đa số các nhạc sĩ còn lại đều nghèo, khó khăn. Khi các nhạc sĩ này cần tiền trang trải cuộc sống, dù chưa có tác phẩm nhưng muốn nhận tiền ứng trước thì nhạc sĩ Lê Mộng Bảo luôn vui vẻ chi tiền trước, vì ông cảm thông được hoàn cảnh của các đồng nghiệp.
Dù là “ông anh chi tiền” nhưng sau những thay đổi của thời cuộc, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo trở thành tay trắng. Người bạn đời năm nào của ông cũng cắt đứt tình nghĩa chồng vợ gắn bó bấy lâu. Sau đó, ông có yêu một người con gái là nghệ sĩ dương cầm. Những tưởng hạnh phúc bến neo cuối là đây, nhưng rồi nàng cũng rời ông mà đi, mang theo đứa con của cả hai.
Sau năm 1981,nhạc sĩ Lê Mộng Bảo sống lay lắt bằng nghệ hát dạo với nhóm Phi Thoàn, Khả Năng. Đến năm 1993, ông sang Mỹ định cư. Năm 2007, ông ra đi trong nỗi sầu thương và nghèo khó.
Với bút danh Lê Mộng Bảo, ông viết các ca khúc nổi tiếng như:“Nửa đêm thức giấc”, “Phận nghèo”, “Thân phận”, “Mùa ve sầu”… Với bút danh Hoa Linh Bảo, ông có các sáng tác được yêu thích như: “Đổi thay”, “Thương về quán trọ”... Ngoài ra, ông còn dùng các bút danh khác như: Anh Bảo, Tùng Vân - Tuyết Sơn… với các phong cách nhạc khác nhau.
Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo từng cho biết, khi sáng tác nhạc xong, đưa ca sĩ thu âm và phát trên đài phát thanh thì theo quy định, mỗi nhạc sĩ chỉ được giới thiệu một ca khúc trong một buổi phát thanh. Do đó, nhạc sĩ phải dùng nhiều bút danh khác nhau như một cách để “lách luật”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét