Thứ Ba, 21 tháng 2, 2023

đọc thêm (3) : " nhà văn THUỴ VŨ , những trang đời còn lại "/ Nguyễn Hữu Hồng Minh / tphcm -- trích : Duyên Dáng Việt Nam

 

VĂN HÓA

Nhà văn Thụy Vũ, những trang đời còn lại

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 25-10-2020 • Lượt xem: 5833
Nhà văn Thụy Vũ, những trang đời còn lại

Trong nghệ thuật, đặc biệt là văn chương luôn có những biến đổi không ngừng của nó. Bởi sáng tạo như đặc tính của dòng sông. Đó là chảy mãi và không dừng lại. Đôi khi đóng góp vào sự thay đổi là trào lưu, một trường phái. Đôi lúc do nghịch cảnh số phận. Và có những trường hợp theo những ngọn gió thời đại. Nhưng dù thế nào những giá trị của nghệ thuật cũng sẽ còn lại. Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ và những tác phẩm của bà là trường hợp như thế!...


Thi sĩ Đông Trình, một tên tuổi trong làng thơ Việt, giọng thơ miền Trung đặc sắc trên thi đàn từ những năm 1960 của dòng văn học miền Nam hiện sống tại Đà Nẵng đang chuẩn bị cho một chuyến đi xa vào Sài Gòn để thăm học trò, người thân và nhất là những bạn văn cũ. Thế hệ những nhà văn viết cùng thời với ông bây giờ nhiều người đã ra đi. Người ở lại thì ai cũng đã xấp xỉ trên dưới tám mươi tuổi. Tuy vậy trong trí nhớ ông vẫn tươi nguyên hồi ức tái hiện những kỷ niệm về những trang văn khó quên mà ông đã đọc lúc còn trẻ, kể cả khi ông tốt nghiệp xuất sắc Đại học Sư phạm Huế, đi dạy và là Hiệu trưởng trường Phan Châu Trinh nổi tiếng ở Đà Nẵng.

Ảnh mới nhất nhà văn Thụy Vũ từ Lộc Ninh về thăm bạn bè ở Sài Gòn. Từ trái sang: Nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp, nhà văn Thụy Vũ, Tiến sĩ văn chương Hoàng Kim Oanh và Nguyễn Hữu Hồng Minh. Cà phê Brodard, 15.10.2020. 

Ông nói về Thụy Vũ: -“Từ 1960 những cây bút nữ xuất hiện mang dáng dấp riêng, phong cách riêng tạo ra một dòng văn học rất đặc biệt. Đọc Thụy Vũ người ta có thể hình dung ra được tất cả các tình huống phức tạp, căng thẳng, băng hoại của một xã hội lúc bấy giờ. Tôi không còn nhớ nhiều nhưng có chi tiết từ văn Thụy Vũ đọng lại. Đó là tả cảnh những cô vũ nữ hỏi khách làng chơi là lính Mỹ lúc ấy: -“Ông có “tiêu thụ” được tôi không?”. Chữ “tiêu thụ” đã làm tôi giật mình! Một người đàn bà hỏi được một câu như thế rõ ràng có một độ thông minh nào đó! Nếu viết “anh có yêu tôi không”, “anh có đi chơi với tôi không” thì thường, rất thường! Nhưng dùng chữ “tiêu thụ” rõ ràng rất đắt và không dễ! Về sau, qua nhiều tác phẩm khác, khẳng định bút pháp đầy góc cạnh, sắc sảo, khôn ngoan và chì chiết như thế chỉ có ở Nguyễn Thị Thụy Vũ…”.   

Nhà thơ Đông Trình (từ Đà Nẵng) vào Sài Gòn chơi và đã thăm nhà văn Thụy Vũ ở Lộc Ninh (Bình Phước). Cuộc gặp gỡ của những bạn văn một thời vô cùng cảm động. 
***
Chuyến xe đưa nhà thơ Đông Trình, nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp và ê kíp làm phim DDVN từ Sài Gòn lên thị xã Lộc Ninh - Bình Phước thăm nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ khởi hành từ sáng sớm. Con đường hơn 130 cây số có lẽ không xa lắm với tâm hồn thi sĩ của ông nhưng chính những đoạn gồ ghề, những cánh rừng cao su mênh mông, cơn gió thổi qua, mặt đường tung đầy bụi và lá đỏ tan tác như đã đưa ông chìm sâu vào những suy nghĩ miên man thế giới của một đời văn. Nhà văn có thể là người sáng tạo ra một thế giới với những nhân vật của riêng mình, được toàn quyền quyết định số phận của họ thì Thượng đế cũng vậy! Những bí mật luôn được cất giấu kỹ lưỡng và chỉ mở ra vào giờ cuối. Trong chủ thể sáng tạo quyền năng có thể ngang nhau. Và cuộc sống luôn thay đổi, luôn bất ngờ, vượt qua những hình dung hay sáng tạo của một nhà văn. Và cho dù một số phận oan khuất nhất vẫn có một chỗ đứng đàng hoàng nhất, kiêu hãnh nhất của họ trên trang viết và ngõ ngách cuộc sống.  

***
Trong lời giới thiệu của nhà xuất bản Hội Nhả văn khi in lại những tác phẩm đã giới thiệu: Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ được đánh giá là “một trong năm nhà văn nữ nổi tiếng nhất của miền Nam trước 1975”. Sức hấp dẫn của văn chương bà đó là lấy chất liệu từ đời sống bà con nông dân, cụ thể là Vĩnh Long. Bà có biệt tài quan sát và cần ghi nhận là đã tái hiện lại bằng giọng văn “lời ăn tiếng nói rặt ròng Nam Bộ”. Màu sắc đa dạng về ngôn ngữ đã tiếp tục dấn chân khai phá ngôn ngữ miền Nam của các nhà văn thế hệ đi trước như Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Ngọc Linh… thể hiện trong nhiều tác phẩm của bà như các truyện ngắn, truyện dài Thú hoang, Nhang tàn thắp khuya, Ngọn pháo bông, Như thiên đường lạnh, Cho ngọn gió kinh thiên… và nhiều tác phẩm khác. 

Ba khuôn mặt nhà văn nữ đặc sắc của văn chương Việt Nam ở miền Nam. Từ trái qua: Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, nhà văn Thụy Vũ và nhà văn Lý Lan. (Ảnh tư liệu)
  
Nhưng có lẽ dấu ấn đậm nét hơn của Thụy Vũ khi vừa xuất hiện trên văn đàn đã gây được tiếng vang, không phải cây bút nào mơ ước đều có thể làm được đó là tính đột phá đề tài. Cũng có thể do đời sống thực tế xô đổ vào đời văn chăng? Bà cho biết từ năm 1961, khi từ Vĩnh Long lên Sài Gòn bà học tiếng Anh và sau đó đi dạy cho các cô gái bán Snack bar. Từ đây với những gì chứng thực, bà đã chọn một con đường văn riêng, đó là viết về số phận vũ nữ, gái bar với sự quan sát tinh tế, sắc cạnh của cái nhìn một cây bút nữ.  Chính thân phận “nhi nữ thường tình” bà đã đồng cảm sâu sắc với từng thân phận trôi dạt giữa dục vọng, lẽ sống và phẩm tính. Trong tác phẩm Thú hoang, bà đã viết “Con người bất quá cũng như một con bọ chét sống trong bộ lông của một con vật khổng lồ”. Ngòi bút của bà như con dao mổ tài tình, bóc tách vi tế những vấn đề của xã hội lúc bấy giờ. Và có lẽ vì thế truyện dài Khung rêu của bà đã được giải thưởng văn chương miền Nam năm 1971. 

Nhà văn Thụy Vũ cùng với thi sĩ Tô Thùy Yên mở nhà xuất bản Kẻ Sĩ, in tập nhạc đầu tay cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc bấy giờ đang dạy học ở Blao, cuối tuần đón xe về Sài gòn gặp bạn bè và tìm cách xuất bản tác phẩm. Nhà xuất bản Kẻ Sĩ còn đỡ đầu cho rất nhiều tác giả tác phẩm khác. 
 
***
Sau năm 1975, vì cuộc sống, nhà văn Thụy Vũ dừng viết một thời gian dài. Bà đã rời Sài Gòn đưa các con lúc ấy còn rất nhỏ về sống ở thị trấn Lộc Ninh – Bình Phước. 
Bà đã không quản vất vả, không từ nan bất cứ việc gì để nuôi con. Những trang viết vì thế như xương máu lặn sâu vào bên trong. Đôi khi chỉ còn trào dâng qua một ánh nhìn, những câu nói ruột gan, chất chứa cả nỗi đau lẫn tình yêu cuộc sống. Rổi những thử thách cũng qua đi, thời gian qua mau. Những người con bà lớn lên đỡ đần cho mẹ. Cuộc sống bà thêm nhiều niềm vui. Trong đó có Nguyễn Khôi Hạo là người con trai làm thơ rất hay, rất khí phách giống cha anh là thi sĩ Tô Thùy Yên. 

Rồi một trong những niềm vui của nghề văn đã đến với bà là năm 2016 công ty văn hóa Phương Nam và nhà xuất bản Hội Nhà Văn đặt vấn đề muốn in lại những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ. Niềm vui đó viết như Nguyễn Du trong chuyện “Kiều” tái hợp nhân duyên, nhà văn ý nghĩa lớn nhất của đời mình là tác phẩm được “tái sinh” cùng bạn đọc sau chửng nửa thế kỷ hợp tan dâu bể: “Trời còn để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời / Hoa tàn rồi lại thêm tươi / Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”.  

Phải nói bà là một trong số những nhà văn hiếm hoi qua biến thiên thời đại, những dâu bể lịch sử tuổi xế chiều có được niềm hạnh phúc đó. Đó là được nhìn thấy những đứa con tinh thần của mình được tái bản, được yêu thương trong vòng tay bạn đọc, người yêu văn học. 

Trong ngày ra mắt tác phẩm ở đường sách, bà rất vui khi nhớ lại những kỷ niệm. “Trong khán thính giả có một người quê ở Bến Tre. Ông kề nghe tôi chuẩn bị ra mắt sách ông đã không ngủ để chờ từ 3 giờ sáng bắt xe lên cho kịp. Để chi? “Ngày xưa khi 17 tuổi tôi đã đọc sách của bà. Tôi yêu tất cả những nhân vật của bà trong sách và tôi yêu luôn tác giả. Mặc dù tôi biết bà lớn hơn tôi tới 20 tuổi! Ai cũng mắt cười hết…” – Bà cũng cười hóm hỉnh: -“Nếu bữa đó mà không có đông, chắc tôi cũng nói nếu mà tôi biết anh yêu tôi cỡ đó thì tôi không làm một nhà văn nữa! Tôi về tôi hái dừa phụ anh…”.  

Nhà văn Thụy Vũ và nhà thơ Nguyệt Phạm. Ảnh chụp tại Lộc Ninh - Bình Phước.

***

Một nhà văn chưa bao giờ nguôi thao thức về những điều đã viết ra của mình. Cho dù truyện ngắn đã viết xong, đã được in thành sách. Bởi ngôn ngữ không còn là chữ chết trên giấy mà đã luân chuyển như một tình yêu, gửi gắm một thông điệp. Đôi khi ý chưa thể hiện ra hết thì mực đã cạn dòng. Nói cách khác đó Thụy Vũ vẫn chưa hài lòng khi vẫn muốn hay hơn nữa! 

Hãy nghe nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp trò chuyện với nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ. Ngay cả với những truyện ngắn nổi tiếng có nhiều tên khác nhau như “Muỗng nước mắm”, "Lòng trần" trước sự băn khoăn của nhiều độc giả về cái kết, Thụy Vũ tâm tư: -“Nhiều người hỏi tôi tại sao không cho nhân vật uống một muỗng nước mắm vì nguyện vọng cuối đời của nhân vật (là một Ni cô đã từ bỏ tục thế để đi tu từ trẻ) tôi cũng muốn nói nếu nước mắm ngày ấy như bây giờ có nước mắn chay thì tôi cho bả uống cả lít cũng được nữa…” 

Về tác phẩm "Khung rêu" được giải thưởng văn học miền Nam: “Cái tựa tôi để thì tôi quên rổi! Còn lúc sách in ra là của Tô Thùy Yên. Ông nói “Bà lấy cái tựa gì mà dài lòn thòn. Để tôi đặt cho bà cái tựa “Khung rêu”. Bà bật mí lần đầu: “Truyện viết về đời của ông nội tôi với bảy mươi phần trăm sự thật, chĩ có khoảng ba mươi phần trăm là hư cấu mà thôi…”. 

Như vậy, thế giới văn chương của Thụy Vũ rõ ràng là sự thật và hư cấu đan cài vào nhau mặt trăng, mặt trời, như hai nửa sáng tối. Văn chương không thể tách bỏ khỏi đời sống. Chữ nghĩa sự hư cấu cuối cùng cũng phải uyển chuyển như cá bơi trong nước. 

Trả lời câu hỏi của nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp tại sao cuộc đời nhiều trải nghiệm với những trang đan kín sự kiện, sự việc lịch sử như thế, và cũng đã bỏ qua nhiều năm không viết, có nên chăng, nhà văn Thụy Vũ sẽ tái hiện lại bằng một cuốn Hồi ký?
Bà nói: “-Có một ông chủ báo ở Canada gọi về cho tôi đặt tôi viết Hồi ký. Tôi trả lời bây giờ đầu óc tôi không còn bình thường nữa, lúc nhớ lúc quên. Anh tha cho tôi đi!... Hồi ký tôi nghĩ, nếu viết thật thì rất ít người viết thật! Cái đẹp của mình thì đem ra, cái ta của mình thì cao lớn; còn cái “ta tồi” của mình thì mất tiêu à! Cứ như hỏng có! Thành ra tôi thấy giả! Chính vì biết nó sẽ không thật nên tôi không viết ...”. 

Nhưng trong mười tác phẩm đã in trước 1975 và bây giờ được nhà xuất bản Hội Nhà Văn tái bản lại, bà cũng cho biết đây đó có những đoạn rải rác là cuộc đời thật của mình. 
Một cảnh quay trong phim nhà văn Thụy Vũ do DDVN thực hiện tại Lộc Ninh, tháng 7.2020.  

Vâng, tâm lý con người là vậy. Cho đến cuối đời Thụy Vũ vẫn là một nhà văn muốn tìm một sự sống thật! 

Nhà thơ Đông Trình kết luận: “-Nếu đánh giá thì vẫn thấy Thụy Vũ là một trong những nhà văn nữ xuất sắc nhất của miền Nam trước 1975.   

Và còn gì thật hơn với cuộc sống giàu trải nghiệm? Những trang viết đã viết trong mười tác phẩm và cuộc đời nhân hậu? Bà và nhà thơ Đông Trình như rất tâm đắc vấn đề này! Bởi giữa họ cùng đi qua một thời đại như những chứng nhân lịch sử. 

Và một nhà văn suy cho cùng cũng chỉ là nhân vật hay một nhân chứng cho tác phẩm, một thời gian đã sống của mình mà thôi!? Muôn đời là như thế! Để tất cả sẽ khép lại thật đẹp như một trang cuối của tác phẩm. 

Con đường văn chương vẫn mở rộng và chào đón những nhà văn trẻ! Thế giới và câu chuyện hôm nay là của họ. 

Tạm biệt miền đất đỏ Lộc Ninh, chúng tôi lên xe trở về Sài Gòn sau một cơn mưa lớn! Trong nắng chiều xế, chúng tôi nhớ tên một truyện dài “Chiều xuống êm đềm” của Thụy Vũ. Vâng, chiều thị trấn Lộc Ninh đã xuống thật êm đềm!...

Nhớ mãi nụ cười nhân hậu của nhà văn bên một nhánh phong lan rừng diễm tuyệt mà ở nhà bà treo rất nhiều. Nhà thơ Đông Trình tâm sự, chuyến đi thăm bạn bè văn chương một thời của ông rất mãn nguyện, không còn gì đẹp hơn nữa! Để chắn chắn là ông sẽ còn nhớ khi trở lại ngôi nhà nhỏ của mình ở thành phố biển Đà Nẵng niềm Trung. Ông rất vui khi được đón tiếp nhà văn Thụy Vũ ở Lộc Ninh, nếu khỏe sẽ ra thăm ông, cùng tất cả những người bạn văn ở đây!

Cuộc đời trôi qua, trên dòng thời gian chỉ còn những tác phẩm như những cánh hoa lay nhẹ trong chiều nắng…

Sài Gòn, 10/2020

Nguyễn Hữu Hồng Minh 
*Chú thích ảnh chính: Các nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, nhà văn Lý Lan, nhà phê bình văn học Trần Hoài Anh... trong ngày vui ra mắt 10 tác phẩm của nhà văn Thụy Vũ được xuất bản tại đường sách TP.HCM.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét