Phạm Xuân Nguyên tiết lộ về buổi gặp mặt cuối cùng với Đoàn Tử Huyến
(Dân trí) - Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu, dịch giả Phạm Xuân Nguyên, trước khi dịch giả Đoàn Tử Huyến “về trời”, họ còn gặp gỡ, ăn uống vui vẻ tại nhà mình. Đoàn Tử Huyến vẫn say mê chụp ảnh cho bạn bè…
“Buồn quá, sáng chủ nhật (22/11/2020) thức dậy được tin Anh vừa qua đời lúc khoảng tám giờ sáng nay tại nhà thông gia ở Sơn Tây. Mới hôm thứ Năm (19/11) Anh còn đến nhà mình vui cùng bạn bè…”, lời cảm thán của nhà nghiên cứu, dịch giả Phạm Xuân Nguyên khiến nhiều đồng nghiệp, bạn bè sửng sốt, tiếc thương trước sự ra đi đột ngột của dịch giả Đoàn Tử Huyến.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà nghiên cứu, dịch giả Phạm Xuân Nguyên cho biết, cách đây vài hôm, dịch giả Đoàn Tử Huyến đã đến nhà ông ăn cơm, gặp gỡ nhiều bạn bè yêu văn thơ. Khi đó, Đoàn Tử Huyến không có dấu hiệu mỏi mệt.
“Tôi và anh Đoàn Tử Huyến là bạn bè thân thiết. Nhìn vẻ bề ngoài, chúng tôi khá giống nhau về râu, tóc, nét mặt… Trước đây, có bộ ba Dương Trung Quốc- Đoàn Tử Huyến- Phạm Xuân Nguyên nhìn giống nhau. Sau này có thêm ông Văn Như Cương cũng để râu tóc bạc…
Thứ 5 tuần trước, anh Huyến còn đến nhà tôi chơi, gặp gỡ ăn uống cùng bạn bè. Hôm đó, nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh (80 tuổi) có ra tập thơ mới. Trước đây, chị có bài thơ “Gửi sông La” được nhạc sĩ Lê Việt Hoà phổ nhạc, bài hát rất hay và được người xứ Nghệ, Hà Tĩnh rất yêu quý. Chị cũng rất yêu quý những người bạn văn chương xứ Nghệ.
Khi ra tập thơ mới, vốn coi tôi như người em trai nên chị nhờ tôi mời một số bạn bè tụ tập ở nhà tôi. Nhân cuộc đó, chúng tôi nhớ đến Huyến. Huyến là người Đức Thọ, nơi có con sông La ấy.
Tôi đã báo trước cho con dâu anh Huyến rằng “hôm sau chú đón bố Huyến lên nhà chú chơi”. Con bé rất vui. Vì từ khi bị tai biến, ông thường thui thủi một mình ở nhà với cái máy tính. Bởi con cái còn phải đi làm. Từ hồi ông bị tai biến, cứ có dịp là bạn bè đến đón ông ra ngồi quán cafe hay gặp gỡ cho ông vui.
Khi đến nhà, anh vẫn đi lại bình thường, vẫn chụp ảnh. Anh có đam mê là chụp ảnh mọi người. Anh cũng góp vui vào câu chuyện cùng mọi người. Khi về, tôi đưa anh về tận nhà. Anh không có biểu hiện gì về sức khoẻ, còn rất vui. Chia tay, chúng tôi còn hẹn gặp lại vào lần tới…
Vì thế, khi nghe anh Nguyễn Đình Toán báo tin anh Huyến mất sáng 22/11, nhóm bạn vừa gặp anh hôm thứ 5 vừa rồi là sững sờ nhất. Nghe nói, anh Huyến được vợ chồng con trai đưa đến nhà thông gia ở Sơn Tây chơi. Anh ra đi tại đó…
Cách đây 4 năm, anh Đoàn Tử Huyến từng bị tai biến. Năm 2016, đúng 4h giờ sáng đêm giao thừa Bính Thân, gia đình đang trên đường về quê ăn tết thì anh Huyến bị tai biến mạch máu não. Từ bệnh viện Vinh, ông được đưa ra Hà Nội, bệnh tình nguy kịch tưởng chừng ông khó qua nổi nhưng sau khi trải qua ca mổ não sáng 1 Tết, anh đã dần dần hồi phục.
4 năm qua Đoàn Tử Huyến hồi phục tương đối về sức khỏe nhưng bị rối loạn chức năng ngôn ngữ của não bộ khiến việc đọc khó khăn, nhưng anh vẫn nhớ mọi việc trong quá khứ rất rõ ràng”.
Đánh giá về Đoàn Tử Huyến, dịch giả Phạm Xuân Nguyên nói: “Với anh Đoàn Tử Huyến, tôi có thể nói một chữ là một người CHƠI. Với ý nghĩa phóng túng, đẹp đẽ của từ này.
Anh chơi sách- là một trong những người làm sách tư nhân sớm, làm ra những cuốn sách, dịch những cuốn sách mà mình thích thú để đưa đến độc giả những cuốn sách ưng ý.
Anh đi học ở Nga về, đi dạy tiếng Nga, sau đó anh chuyển ra ngoài và từng có thời gian làm ở Nhà xuất bản Lao Động. Từ đó, anh bước vào công việc xuất bản, làm sách. Trong biển sách bao la, anh góp phần nhỏ bé của mình giúp cho bạn đọc có được cuốn sách tử tế, có được cuốn sách hay.
Bản thân anh là người dịch văn học. Với vốn tiếng Nga, hiểu biết về văn học Nga và vốn tiếng Việt, anh đã bắt tay vào dịch văn học Nga. Anh chọn những tác giả xuất sắc, tiêu biểu của văn học Nga để cùng với các dịch giả khác đưa đến cho độc giả Việt Nam những tác phẩm xứng đáng, phong phú về văn học Nga.
Đặc biệt như cuốn tiểu thuyết “Nghệ nhân và Margarita” (M.Bulgakov) được Đoàn Tử Huyến dịch và được trao Giải thưởng Văn học dịch (Hội Nhà văn 1990 - 1991).
Đấy là cuộc chơi trên chữ nghĩa của anh. Và với cuộc chơi nào của anh cũng đầy đam mê, thích thú.
Rồi cuộc chơi nữa của anh là lập ra Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây. Kể từ khi ra đời, Trung tâm này hoạt động rất hiệu quả: in sách, tổ chức những buổi nói chuyện, trao đổi quy tụ được nhiều gương mặt văn nghệ sĩ cũng như đông đảo công chúng yêu sách. Trung tâm này đã trở thành thương hiệu trong đời sống văn hoá ở Thủ đô.
Với cuộc chơi ngoài đời, với bạn bè; Đoàn Tử Huyến là người hào sảng, phóng túng, thích đi đây đi đó. Anh kết bạn với nhiều người, uống rượu được. Với bạn hữu, anh rất nhiệt tình, chu đáo.
Giờ anh giã từ cuộc chơi ở cái tuổi 70 một cách nhẹ nhàng, lặng lẽ. Đấy cũng là cách chơi của anh với cõi vô cùng”.
Dịch giả Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp ở Liên Xô, về nước giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi làm biên tập viên Nhà xuất bản Lao Động.
Ông cũng từng là ủy viên Hội đồng Văn học dịch (Hội Nhà văn Việt Nam), Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài. Hiện nay ông là Chủ tịch Hội đồng Văn học nước ngoài, Hội Nhà văn Hà Nội.
Đoàn Tử Huyến đã dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của văn học Nga như: Tiểu thuyết “Nghệ nhân và Margarita” (M.Bulgakov), tập tản văn “Giọt rừng” (Mikhail Prisvin), tiểu thuyết “Trái tim chó” (Mikhail Bulgacov), truyện dài “Đêm sau lễ ra trường” (Vladimir Tendriacov), tiểu thuyết “Đấng cứu thế” (Miguel Otero Silva), tập truyện ngắn “Những ô cửa màu xanh” (Nhiều tác giả), tập truyện ngắn “Khóm hoa tử đinh hương” (Nhiều tác giả)...
Ông cũng là người biên soạn và dịch chung các ấn phẩm như: “Trịnh Công Sơn một người thơ ca một cõi đi về” (Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Đoàn Tử Huyến sưu tầm và biên soạn); tiểu thuyết “Bố già” (tác giả Mario Puzo, dịch chung với Trịnh Huy Ninh; Đoàn Tử Huyến); “Kiệt tác Bulgacov”. Văn học hậu hiện đại: “Những vấn đề lý thuyết” (Lại Nguyên Ân, Đoàn Tử Huyến biên soạn; “Tuyển tập truyện vừa và ngắn A. Cuprinm” (Đoàn Tử Huyến, Minh Hạnh, Nguyễn Kim Giao dịch); “Người đàn bà mà tôi ruồng bỏ” (Đoàn Tử Huyến, Hoàng Thái dịch); “Cái chuông điện” (Đoàn Tử Huyến, Nguyễn Đình Tài dịch; Vũ Quần Phương giới thiệu)...
Ông được trao Giải thưởng Văn học dịch (Hội Nhà văn 1990 - 1991) cho tác phẩm “Nghệ nhân và Margarita” (tiểu thuyết của M.Bulgacov).
Tang lễ dịch giả Đoàn Tử Huyến sẽ được tổ chức từ 7 giờ 15 - 9 giờ 15 ngày 24/11 tại Nhà tang lễ Cầu Giấy, số 1 Trần Vỹ, Cầu Giấy, Hà Nội. An táng tại quê nhà, xã Hoà Lạc, Đức Thọ, Hà Tĩnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét