Những ngõ ngách và con người
vùng đất Ngã ba Ông Tạ
[Đọc sách: SÀI GÒN một thuở “Dân Ông Tạ đó” – Tập 2. Cù Mai Công. Nxb Trí Việt – First News, 287 trang]
Khi nhận được sách của tác giả Cù Mai Công gửi tặng, nhìn mấy hình trên bìa là một trời ký ức lại ùa về vì tôi đã được sinh ra và đã lớn lên ở vùng đất có tên Ngã ba Ông Tạ.
Hình ảnh những phụ nữ đội nón lá buôn thúng bán bưng trên đường Thoại Ngọc Hầu, nay là Phạm Văn Hai, cũng là hình ảnh của u tôi hơn 30 năm về trước. Khúc đường này tôi đã nhiều lần đi bộ qua lại từ khi lên mười và khi lên cấp 3 đi học bằng xe máy thì cũng thường chạy qua đây.
Trên đường có nhà thuốc tây Bình Dân mà mỗi lần đi xem xi-nê ở rạp Đại Lợi bọn trẻ chúng tôi từ xứ Nghĩa Hoà luôn ghé vào, bước lên bàn cân xem mình nặng bao nhiêu ký.
Đường Thoại Ngọc Hầu chạy từ bãi cỏ trước Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hoà đến khi chạm vào đường Phạm Hồng Thái nối dài Lê Văn Duyệt và làm thành ngã ba, gọi là Ngã ba Ông Tạ, nổi tiếng từ sau năm 1954 khi có đoàn người di cư từ bắc vào đây sinh sống, lập nghiệp.
Qua bìa sau, đọc những hàng chữ tác giả viết về ngày Tết mà lòng lại xôn xao nhớ quê cũ, khi không khí tết đang về bên trời Cali.
“Chắc chắn Ông Tạ là một trong những vùng pháo nổ nhiều nhất Sài Gòn – Gia Định, không kém Chợ Lớn. Giầu nghèo gì cũng ít là một phong, thường cả thước. Những nhà cao tầng khu ngã ba có nhà nổ cả chục thước. Đường sá ngập hồng xác pháo, không ai quét dọn, xe cộ qua lại cuốn tung…”
Không khí tết ở Ngã ba Ông Tạ trong ký ức của tôi cũng là những hình ảnh, âm thanh như thế, với tiếng pháo nổ giòn tan, xác pháo ngập đường và vang vang tiếng nhạc xuân của nhạc sĩ Hoài An, cũng từng sống ở đây và đã viết nhiều ca khúc về mùa xuân như “Ngày xuân thăm nhau”, “Tâm sự ngày xuân”, “Câu chuyện đầu năm”
“Xuân mang niềm tin tới/ Bao la nguồn yêu mới/ Như hoa mai nở phơi phới/ Thế gian thay nụ cười/ Đón cho nhau cuộc đời/ Trên đất mẹ vui khắp nơi…”
Tác giả ghi lại sinh hoạt sống động trong những ngày cuối năm ở Ngã ba Ông Tạ với lò mổ heo nhộn nhịp, những nơi làm giò dồn dập sản xuất để cung cấp cho thị trường tết, không chỉ riêng khu vực mà nhiều nơi khác của Sài Gòn.
Khi tết về, nhà nhà đi chúc tết nhau, cư dân tụ họp ngoài đường đánh bầu cua, mà khi tác giả còn nhỏ đã một lần thử vận đỏ đen và thua hết tiền lì-xì.
Ba năm trước Cù Mai Công xuất bản Tập 1 sách về Ngã ba Ông Tạ với nhiều lịch sử địa dư của vùng đất và một số nhân vật.
Tập 2 nổi cộm với hàng nghìn nhân vật từng sống ở đây trong 70 năm qua, là những người chủ đất xa xưa, các sĩ quan tướng tá của cả hai miền Nam Bắc từ thời chiến tranh và sau ngày thống nhất, các văn nghệ sĩ, nhà báo hay chủ các quán ăn, quán cà phê có từ hơn nửa thế kỷ trước mà vẫn còn hiện diện cho đến ngày nay, được truyền từ đời ông bà sang đời con, rồi đến đời cháu.
Qua những trang sách, tác giả dẫn người đọc len lỏi vào từng ngõ hẻm. Những hẻm nhỏ chỉ vừa đủ cho hai xe máy lách nhau gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm quê nhà cùng liên tưởng đến những ngõ ngách ở Venice bên Ý.
Nhưng hình ảnh còn trong trí nhớ của tôi cũng chỉ là một phần nhỏ nhoi so với tổng thể của tập sách mà tác giả Cù Mai Công đã ghi lại với lịch sử của những khu xóm như ngõ Con Mắt, ngõ Cổng Bom – Chùa Khuông Việt, xóm Đại Lợi, xứ An Lạc, đường Thánh Mẫu với hàng trăm căn nhà và hàng nghìn nhân vật đã làm nên vùng đất này.
Gia đình ở xứ Tân Chí Linh, khi còn nhỏ tác giả học trường Mai Khôi trên đường Thánh Mẫu, nay là đường Bành Văn Trân, rồi học trường Ngô Sĩ Liên nên dấu chân non của Cù Mai Công đã in đậm trên những con đường, trên từng ngõ hẻm của khu vực. Khi vào đời, làm phóng viên báo chí và vẫn sống ở nơi chốn cũ nên tác giả đã có những góc nhìn sâu và tinh tế về một nơi gọi là nhà, đó là khu vực Ngã ba Ông Tạ.
Cù Mai Công đã tìm tòi, ghi lại dấu ấn địa chí và nhân vật ở vùng đất này, như tấm lòng của một người con có hiếu muốn thực hiện lời trăng trối mà mẹ tác giả đã nhắn gửi trước khi qua đời.
Qua tập sách, độc giả biết được những nhà báo tiếng tăm từng sống qua hay hiện đang sống ở Ngã ba Ông Tạ như Thiên Hổ, tức linh mục Nguyễn Quang Lãm chủ bút nhật báo Xây Dựng; Lê Nguyễn Hương Trà, Phạm Chu Sa, Trương Bảo Châu, Nguyễn Hồng Lam. Hay những nhà báo gốc Ông Tạ hiện sống ở nước ngoài là Nguyễn Vy Tuý, từ xứ Lộc Hưng, hiện ở Úc và tác giả bài điểm sách này từ xứ Nghĩa Hoà, hiện ở Mỹ cũng được tác giả ưu ái nhắc đến trong tác phẩm.
Tác giả ghi nhận đến từng chi tiết về một số gia đình đã sống ở đây, hiện nay còn ở quê nhà hay đã ra nước ngoài. Gia đình ông Trịnh Quang Tường một thương gia, kỹ nghệ gia, nhà làm văn hoá với ba vợ và 11 người con. Gia đình ông Vũ Thanh Tâm, chủ tập đoàn Đông Phương kinh doanh dịch vụ tổ chức hội nghị. Gia đình ông Vũ Hữu Soạn có con trai là Vũ Hữu San, Hạm trưởng chiến hạm HQ-4 của Hải quân Việt Nam Cộng hoà từng tham chiến ở Hoàng Sa. Gia đình cụ Trần Ruy Dương, nguyên trưởng ti hiến binh Phước Tuy – Bà Rịa có 7 người con và con trai cả là thẩm phán Trần An Bài.
Ngã ba Ông Tạ cũng là nhà của nhiều văn nghệ sĩ được tác giả nhắc đến. Linh mục nhạc sĩ Kim Long với ca khúc “Kinh hoà bình” vang vang trong các thánh đường, các cuộc rước kiệu từ 65 năm qua. Nhạc sĩ Thông Đạt với ca khúc “Mừng ngày Phật Đản” nổi tiếng về đạo và “Ai về sông Tương” về tình yêu. Nhạc sĩ Hoài An với nhạc xuân, nhạc sĩ Nguyễn Vũ với nhạc phẩm “Bài thánh ca buồn” về mùa lễ Giáng Sinh, nhạc sĩ Ngọc Chánh – Shotgun với “Vết thù trên lưng ngựa hoang”. Nhà thơ Đỗ Trung Quân mà ai cũng biết qua ca khúc “Quê hương là chùm khế ngọt” phổ từ thơ của ông với những câu “Quê hương là con diều biếc / Tuổi thơ con thả trên đồng…” là hình ảnh của cánh đồng giáo xứ An Lạc còn ghi trong ký ức tuổi thơ của thi sĩ.
Văn thi sĩ từng sống ở đây có Hoàng Hải Thuỷ, Đinh Tiến Luyện, Võ Hà Anh – Dung Saigon, Nguyễn Hữu Hiệu, Hà Thúc Sinh, Nguyễn Ngọc Ngạn. Ca sĩ có Giang Tử, Vũ Khanh, Tóc Tiên, Đàm Vĩnh Hưng.
Tập sách của Cù Mai Công làm nổi bật lên tính cách của con người khu vực Ngã ba Ông Tạ, đó là chăm chỉ làm ăn, sống hài hoà với nhau, dù là người nam hay người bắc, dù theo đạo Chúa hay đạo Phật. Cư dân vùng đất này luôn có ý chí vươn lên, dù còn ở quê nhà hay đang sống ở nước ngoài.
Bùi Văn Phú
Tác giả Bùi Văn Phú là giảng viên đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét