Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 1: Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Mỗi người dân thành phố hình như đều có những ký ức khó quên với những con đường kỷ niệm mà ngày xưa mẹ cha dẫn đi học , rồi lớn lên đi làm, đi tìm tình yêu, khát vọng cuộc đời. Những con đường như đã hóa tâm hồn...
"Trả lại em yêu khung trời đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát". Cảm ơn "Bố già" Phạm Duy cùng nhiều nhạc sĩ khác đã gieo những hình ảnh bất hủ và âm điệu du dương của những con đường mang đậm ký ức tình yêu cho bao thế hệ thanh xuân ở Sài Gòn - TP.HCM. Theo tôi, riêng con đường Duy Tân (sau 1985 đổi thành Phạm Ngọc Thạch) là con đường nhung nhớ nhất của tuổi vào đời căng tràn nhựa sống. Qua nhiều năm tháng, có lẽ hình ảnh nơi đây đọng lại đậm đặc nhất trong tim nhiều người là hồ Con Rùa, Nhà văn hóa Thanh niên, quán cà phê, trường đại học và những ngôi nhà "hồn muôn năm cũ".
Những địa chỉ "xanh rêu"
Đường Phạm Ngọc Thạch ngày nay là một con đường bận rộn của nhiều cao ốc văn phòng, nhà hàng, khách sạn, căn hộ cao cấp. Nó không còn vẻ êm đềm của một con phố villa và công thự kiều diễm như hơn hai mươi năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn đấy "ngàn cây thắp nến lên hai hàng" giữ cho con đường phần nào vẻ quyến rũ quen thuộc. Hai hàng cây vươn thẳng lên trời, tán lá đan vào nhau, nhất là đoạn từ hồ Con Rùa đến đường Võ Thị Sáu (Hiền Vương cũ) tạo thành một đường hầm xanh ngút ngát. Dưới tán lá ấy, đây đó còn nhiều ngôi nhà ẩn chứa những linh hồn "xanh rêu" của nhiều ký ức và tâm tình khác nhau.
Đầu tiên, phải kể đến ngôi nhà của tác giả "ngàn cây thắp nến" nằm trong con hẻm 47, con hẻm tuy dài nhưng chỉ có vài nhà, tất cả đều kín cổng cao tường. Nhà của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có cửa sắt màu nâu đỏ, kèm chiếc bảng nhỏ vẫn ghi theo tên đường cũ là "47C Duy Tân". Tôi đến đây lần đầu khoảng 1990, đi chụp hình cho nhà thơ Đỗ Trung Quân trong cuộc phỏng vấn nhạc sĩ. Lúc ấy, tôi nhớ bàn tiếp khách của ông đặt ngoài sân, phía sau là một bức tường gạch rêu xanh lấp lánh nắng. Tưởng như tôi đang nghe thấy: "Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời". Ngôi nhà ông từng là chốn "tao nhân, mặc khách" lui tới, đàn hát và nâng ly cùng người nhạc sĩ cô đơn muôn thuở.
Gần hẻm Trịnh, có nhà của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, giáo sư Trần Văn Giàu - những "kẻ sĩ" Nam Bộ đại thụ trong kháng chiến và hòa bình. Phía cuối đường, ở số 57, có một cư xá bốn tầng là khu căn hộ của các giáo sư Viện Đại học Sài Gòn và các giáo sư khác sau này. Con phố êm đềm khi xưa chỉ bắt đầu nhộn nhịp lên khi tiếp giáp với đường Võ Thị Sáu. Ở đấy, có một cây xăng dáng dấp cũ, bên kia đường vẫn còn tiệm phở gà Hương Bình lừng danh hơn 50 năm trước. Bên cạnh Hương Bình là con hẻm dẫn vào Trường Lasan Đức Minh (hiện giờ là cơ sở 2 của Học viện Cán bộ) thông đến nhà thờ Tân Định.
Trên con đường giờ đây có nhiều tòa nhà cao tầng và biệt thự xây mới lộng lẫy. Song, ngôi nhà xứng đáng đẹp nhất và sang trọng nhất chính là nhà số 21, nguyên là dinh thự của Công ty dầu khí Shell. Từ cánh cổng sắt, hàng rào bên ngoài cho đến ngôi nhà bên trong đều khoác chiếc áo màu trắng sữa tinh khôi. Ngôi nhà thiết kế theo kiểu lâu đài miền Bắc Pháp, quy mô vừa phải nằm giữa một không gian lớn. Sân ngoài của tòa nhà có hẳn một hồ bơi, sân sau là sân chơi tennis. Có một thời gian, tòa nhà dùng làm Trường Đội của Thành Đoàn.
Quanh ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Đình Chiểu ra đến Nhà thờ Đức Bà, có một loạt nhà cửa sau 1975 do các cơ quan của Thành Đoàn quản lý. Nổi bật là biệt thự số 12 Duy Tân, từng là văn phòng của kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa - tác giả khách sạn Caravelle cùng nhiều công trình nổi tiếng khác. Từ tháng 9-1975, báo Tuổi Trẻ khởi nghiệp tại đây, tòa soạn là nơi gặp gỡ thường xuyên của nhiều bạn đọc, cây bút và cả giới văn nghệ sĩ. Tôi còn nhớ khoảng những năm 1978-1980, ngay cổng vào có một chòi lá trung quân được dựng lên làm căng tin bán cà phê, rất đông khách. Cuối tuần tại chòi lá có hội họp, nói chuyện, đọc thơ, ca hát, rất trẻ trung và rất Sài Gòn. Những năm 2000, ngôi biệt thự bị phá bỏ để xây nhà cao tầng, không còn dấu tích một chốn văn báo.
Trong khi ấy, ở góc Duy Tân - Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai) có một biệt thự bốn tầng, kiểu dáng hiện đại và xinh xắn. Tòa nhà được thiết kế bởi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - tên tuổi gắn liền với công trình Dinh Độc Lập và nhiều tác phẩm kiến trúc tiêu biểu ở miền Nam. Đây là biệt thự của ông bà Ưng Thi - chủ hai rạp hát Rex và Đại Nam. Từ 1975 đến nay, biệt thự có lúc dùng làm Nhà văn hóa-khoa học Liên Xô, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc, nhà hàng và bây giờ là show room địa ốc. Thời phóng viên, tôi cùng các đồng nghiệp đi học tiếng Nga tại biệt thự này, nhớ mãi kiểu kiến trúc và nội thất tuy tối giản nhưng rất trang trọng. Và nhớ... cô giáo Nga tóc vàng diễm lệ, vui vẻ tập phát âm cho lũ học trò thích chọc ghẹo người đẹp.
Ngôi nhà sôi nổi của tuổi hoa niên
Đến bây giờ nói đến đường Duy Tân, không thể không nhắc đến số 4 Duy Tân - địa chỉ sôi nổi của giới trẻ nhiều thời kỳ. Thời chiến tranh, đây là nơi sinh viên học sinh tụ họp đấu tranh đòi hòa bình và dân chủ. Lần đầu tiên, tôi đến 4 Duy Tân là vào năm 1974, khi mới là học sinh lớp 7, để xem "Hội chợ hàng nội hóa Việt Nam". Ngày ấy, nơi này mang tên "Trung tâm sinh hoạt thanh niên", nhà cửa mới xây rất khang trang, hội trường hiện đại, sân bãi rộng lớn. Cơ ngơi đó, từ lúc Thành Đoàn tiếp quản, tiếp tục dành cho giới trẻ đến vui chơi với nhiều đội nhóm và hoạt động phong phú.
Năm 1978, giao thừa Tết Tây, cả một đoạn đường từ mặt sau Nhà thờ Đức Bà kéo đến hồ Con Rùa ngang qua số 4 Duy Tân được kết hoa và những băng dây kết bằng khăn quàng đỏ. Thanh thiếu niên đổ ra đường đặc nghẹt để... "nhảy" tưng bừng sau những năm tháng khiêu vũ bị cấm. Tại đây, hát và "nhảy", chơi thể thao và xem phim, học ngoại ngữ, trao đổi văn thơ và sách báo là những thú vui trác tuyệt của giới trẻ vào thời buổi Internet chưa thống trị.
Thời đó, tụ điểm 4 Duy Tân là nơi hò hẹn của nhiều trái tim tuổi hoa niên đang khát vọng ra với xã hội. Với ngôi nhà "vui như Tết", chúng tôi quên đi cuộc sống gian truân của thời bao cấp, tận hưởng tình cảm bạn bè và những rung động đầu đời xảy đến.
PHÚC TIẾN
Số 4 Duy Tân hiện tại mỗi độ xuân về còn là "phố Ông Đồ", tưng bừng khung cảnh Xưa và Nay hòa hợp. Mỗi lần qua đây, tôi lại thầm mong không chỉ địa chỉ này mà cả con đường sẽ vẫn giữ được những cảnh quan và kiến trúc điển hình của nhiều thời khắc. Và nhất là cái hồn cốt thanh xuân và nhân văn xuyên suốt trong không gian xanh vô giá. Cái hồn cốt ấy cần thể hiện qua nhiều hoạt động nâng niu ký ức và bồi đắp tương lai hay đẹp.
Mong sao sẽ sớm có những bảng lưu niệm các danh nhân và các địa điểm lịch sử dọc theo con đường. Đặc biệt, rất mong có một tấm bảng kỷ niệm vị vua Duy Tân, chàng trai 16 tuổi, tấm gương của một người trẻ yêu nước nhiệt thành muốn thoát cảnh nô lệ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét