Thứ Ba, 24 tháng 1, 2023

bài đáng đọc ; " Trong Một Khung Cảnh Thuộc Địa "/ Ngô Bắc ( dịch) -- trích: www.gio-o.com> -- ( Mỹ )

 gió o

Tết Em Mèo 2011

 

Jack A. Yeager

University of New Hampshire - Durham

 

VĂN CHƯƠNG TIẾNG PHÁP CỦA NGƯỜI VIỆT --

SẢN PHẨM VĂN HÓA


TRONG MỘT KHUNG CẢNH THUỘC ĐỊA

 

Ngô Bắc 

dịch

 

 

 

Sự hiện diện chính thức của Pháp tại Việt Nam (từ thập niên 1860 đến 1954) được đi kèm bởi sự du nhập, không chính thức lẫn theo định chế, ngôn ngữ Pháp, phương tiện không thể thiếu cho các tác giả Việt Nam viết tiếng Pháp.  Trong bài viết “Situation du franҫais dans les trois états d’Indochine” 1 (Tình trạng tiếng Pháp tại ba nước Đông Dương), tác giả Pierre Bandon tóm tắt sự phổ biến ngôn ngữ Pháp tại Đông Dương xuyên qua các định chế tôn giáo và giáo dục trong khi vạch ra lịch sử lâu dài của sự biển đổi chính trị trong quyền lực ở vùng đó và trong các sự phân nhánh ngữ học của chúng.

       Trong thiên niên kỷ dưới sự đô hộ của người Trung Hoa (111 trước Công Nguyên – 939 sau Công Nguyên), Hán tự đã là ngôn ngữ chính thức tại vùng thời đó là một tỉnh của Trung Hoa trong khi tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ nói mà không có hình thái văn tự viết.  Ngay sau khi độc lập, tiếng Hán vẫn giữ vị thế siêu đẳng của nó trong các giới quan chức.  Một sự tinh thông tiếng Hán cho phép sự biên soạn thi ca theo thể cố định thì thiết yếu để đỗ các kỳ thi tuyển phục vụ công vụ bắt buộc đối với các kẻ ôm mộng làm quan.  Ngôn ngữ Việt Nam vẫn còn bị giới hạn trong sự truyền miệng, ít nhất cho tới khi có sự phát minh ra chữ nôm [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], một hệ thống viết chữ sử dụng các chữ Hán một mình hay trong sự phối hợp để biểu thị các từ nói Việt Nam. 2  Vào khoảng 1600, các giáo sĩ Công Giáo từ Âu Châu đã phát minh ra một cách ký tự bằng mẫu tự La Mã tiếng Việt.  Được hoàn thiện bởi một giáo sĩ người Pháp, Alexandre de Rhodes, trong thế kỷ thứ 17, hệ thống này (được gọi là quốc ngữ [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch]) là thứ văn tự được dùng ngày nay.

       Trong thế kỷ thứ mười chín, các phần tử tiến bộ đã nhìn quốc ngữ là không thể thiếu được cho sự phát triển kỹ thuật và khoa học và cho sự giải phóng Việt Nam ra khỏi quá khứ của nó.  Văn hóa cổ truyền đã thất bại trong việc bảo vệ người Việt Nam chống lại sự ưu việt về kỹ thuật của người Pháp trong cuộc chinh phục.  Giờ đây quốc ngữ sẽ phục vụ để đẩy nhanh sự tiến hóa của ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam mà nó biểu thị, 3 tạo dễ dàng cho sự tiếp thu các từ ngữ và ý tưởng mới.  Như đã xẩy ra, cả khối ngữ vựng mới này đã được ký âm từ tiếng Pháp, một tiến trình đã khởi sự ngay từ đầu thế kỷ thứ mười chín.  Khi các người trẻ tuổi được đào tạo tại các trường dạy tiếng Pháp/Quốc ngữ, nói hay viết tiếng Việt Nam, họ tự động dùng các từ ngữ của Pháp khi ngữ vựng Việt Nam bị thiếu sót. 5

       Vượt quá các hạng từ trong ngữ vựng, tác giả Pierre Bandon trích dẫn Bùi Xuân Bào là người mô tả các hiệu ứng rộng rãi hơn của ngôn ngữ Pháp – và bởi sự nối dài cách nghĩ bằng tiếng Pháp – trên ngôn ngữ Việt Nam:  “ … la structure de la phrase, au contact de la langue franҫaise, acquiert plus de vigeur logique, s’incorpore des articulations à la fois plus souples et plus rationnelles” 6 ( …sau khi tiếp xúc với ngôn ngữ Pháp, cấu trúc câu văn tiếp thụ văn khí hợp lý luận hơn và sáp nhập các sự diễn đạt tức thời có tính chất linh động hơn và hữu lý hơn).

       Các sự phát triển quan trọng nhất trong sự tiến hóa của ngôn ngữ Việt Nam diễn ra trong cuối thế kỷ thứ mười chín.  Các quan lại biết ba thứ tiếng được giao công tác phiên dịch các văn kiện chính thức.  Như tác giả Bandon giải thích, các quan lại này đã phải trui rèn “các dụng cụ” ngữ học mới trong tiếng Việt để phiên dịch một cách hữu hiệu, các khí cụ phát sinh từ Hán tự hay vay mượn từ Pháp ngữ.  Do đó, “… dans le cadre linguistique et idéologique constitué par le franҫais et le chinois, … la langue vietnamienne contemporaine s’est développée.  L’essor de la francophonie a donc accompagné celui de la langue vietnamienne au lieu de la contrecarrer: situation originale à beaucoup d’égards” 7 (“ …ngôn ngữ Việt Nam đương đại đã phát triển … trong khuôn khổ ý thức hệ và ngữ học được tạo lập bởi tiếng Pháp và tiếng Hán.  Sự tăng trưởng mau chóng của việc đối thoại bằng tiếng Pháp chính vì thế đi kèm theo sự tăng trưởng mau chóng của ngôn ngữ Việt thay vì đối kháng nó – một tình trạng tân kỳ trong nhiều khía cạnh”).  Vào năm 1912, một phần Pháp ngữ và một phần tiếng Việt đã được bổ túc vào các kỳ khảo hạch tuyển dụng viên chức cổ điển mà mãi đến khi đó, vẫn hoàn toàn chỉ bằng Hán tự. 8

       Sự phổ biến tiếng Pháp qua định chế có thể truy tìm ngược lại từ những bước khởi đầu của chính quyền thực dân tại Nam Kỳ nơi mà các thông dịch viên, các thư ký và nhân viên trợ tá Việt Nam được cần đến bởi cả chính quyền thuộc địa lẫn các doanh nghiệp Pháp.  Yếu tố này được liên kết với sự thành lập dần dần hệ thống trường học Việt-Pháp vốn là công cụ trong việc đào tạo lực lượng lao động cần thiết và trong việc phổ biến sự sử dụng tiếng Pháp khắp thuộc địa. 9  Hệ thống được thiết kế không phải để loại trừ văn hóa và ngôn ngữ bản xứ; ở trình độ khởi đầu tiếng Việt là phương tiện giáo dục.  Ở các trình độ kế tiếp tiếng Pháp được dùng với tần số gia tăng.

       Tiếng Pháp và tiếng Việt được sử dụng ngang nhau trong lớp học, ít nhất trên lý thuyết.  Hệ thống này có sự hỗ trợ bổ túc trong sự huấn luyện các thầy giáo địa phương [maîtres locaux, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch], các thầy giáo người Việt được đào tạo tại các trường sư phạm của Việt Nam và có khả năng giảng dạy bằng cả hai ngôn ngữ.  Sự ấn hành các sách giáo khoa, các tờ báo, và các ấn phẩm định kỳ khác bằng tiếng Pháp bởi các nhà xuất bản tại Việt Nam đã góp phần vào nỗ lực giáo dục.  Trong thực tế, như tác giả Gail Paradise Kelly đã vạch ra trong cuộc nghiên cứu thâm sâu về các trường Pháp-Việt trong thời kỳ giữa chiến tranh, tầm mức theo đó tiếng Pháp được sử dụng tại lớp học và được gồm trong học trình thay đổi nhiều, từ trường này sang trường khác.  Một cách tổng quát, các sự khác biệt này đã phản ảnh và gia cố cho các đường rãnh phân cách giai cấp và địa dư; tầng lớp thượng lưu kinh tế thành thị có sự giao tiếp với tiếng Pháp – và với các thái độ chống tiếng Việt – nhiều hơn lớp dân nghèo khó ở nông thôn. 10

       Hệ thống trường học Pháp-Việt được dự tưởng với sự lọc lựa nội tại chỉ ở mức 10% số học sinh ở một trình độ được nâng lên trình độ kế tiếp, chính từ đó tạo lập ra giới tinh hoa bản xứ được tuyển dụng bởi người Pháp để giữ các chức vụ công quyền và hành chính cấp dưới.  Mặt khác, các trường Pháp cho phép 90% số học trò của chúng hoàn tất bậc tiểu học được tiếp tục lên học tại trường trung học [lycée, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch].  Trong những năm giữa chiến tranh, chỉ có một tỷ lệ nhỏ các học sinh tại các trường Pháp này là người Việt Nam.

       Các hệ thống trường học này vẫn y nguyền cho đến năm 1955 và đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập và tán trợ chính sách song ngữ tại Đông Dương cho dù chính sách song ngữ bị hạn chế chính yếu trong giới công chức và các nhân viên của các doanh nghiệp thương mại.  Tất cả điều này lại càng đáng ghi nhận hơn, tác giả Bandon vạch ra, bởi tỷ số thấp của người Pháp đối với người Việt – trong năm 1936, ba mươi nghìn trên mười hai triệu.  Vào thời điểm đó ước lượng đã có một trong mười người Việt Nam là song ngữ. 11

      Chính sách song ngữ này được tạo lập chính yếu bởi các trường học Pháp-Việt, sự huấn luyện các giáo chức Việt Nam cho các trường học đó, và một số lượng to lớn các ấn phẩm tiếng Pháp được cung ứng.  Nhưng như tác giả Bandon nêu ý kiến, tất cả điều này sẽ là vô hiệu quả nếu không có một chính sách chính trị chặt chẽ, bất chấp chính sách loại trừ và chủ nghĩa tinh hoa của trường học, về phía người Pháp và sự ưng chịu của một thành phần trong dân số bản xứ.  Các mục đích của hệ thống – sự khai thác kinh tế vùng thuộc địa, sự phát triển hành chính xuyên qua sự cải thiện trình độ văn hóa của quần chúng, và sự đào tạo các công chức – minh chứng cho sự cấu kết chặt chẽ này.  Đối với người Việt Nam, tầng lớp trung lưu đã có thể gửi con cái của họ theo học các trường lycée để đánh đổi cho lòng trung thành của họ, trong khi các người khác nhìn các trường học Pháp-Việt như một phương tiện để leo lên bậc thang xã hội.  Tác giả Bandon kết luận:

La solidarité économique et sociale entre l’administration colonial et la bourgeoisie indigene a permis en definitive d’assurer le success de la diffusion du franҫais en Indochine.  Il fallait bien que le pacte soit solide pour que cette situation demeure inchangée jusqu’en 1950, même au Nord Viet-Nam, maigré les bouleversements intervenes à partir de 1945. 12 (Sự liên đới kinh tế và xã hội giữa chính quyền thực dân và giới tư sản bản xứ đã cho phép sau hết sự thành công của việc phổ biến tiếng Pháp tại Đông Dương.  Thỏa ước này hẳn đã phải vững chắc bởi tình trạng này vẫn giữ nguyên không thay đổi mãi cho đến 1950, ngay cả ở Bắc Việt, bất kể các vụ nổi dậy đã được khởi sự từ năm 1945.)

       Sự tinh thông của người Việt Nam trong sự vận dụng ngôn ngữ Pháp đã lót đường cho sự xuất hiện của văn chương bằng tiếng Pháp của người Việt. 13  Trong bài giới thiệu dài tám trang cho phần về Việt Nam trong quyển Littératures de langue franҫaise hors de France của mình, [Giáo Sư] Bùi Xuân Bào 14 tuyên bố:

Les oeuvres écrites en franҫais par des Vietnamiens constituent par leur nombre et leur qualité une littérature qui a sa raison d’être au sein de la communauté nationale et ses titres de noblesse au sein de la littérature universelle.  Réalité vietnamienne dans laquelle entrent en jeu le destin et la liberté, le movement irreversible de l’histoire et les motivations de l’acte créateur, la littérature vietnamienne d’expression franҫaise évolue dans le contexts de l’histoire du Vietnam …15 (Bởi số lượng và phẩm chất của chúng, các tác phẩm viết bằng tiếng Pháp bởi người Việt Nam tạo thành một văn chương của những kẻ mà lý do hiện hữu (raison d’être) nằm trong cộng đồng dân tộc và của những kẻ với uy tín cho phép nó có một chỗ đứng trong văn chương thế giới.  Chính một thực tại Việt Nam trong đó định mệnh và sự tự do, phong trào bất khả đảo ngược của lịch sử, và các động lực của hành vi sáng tạo, đều có liên hệ đến.  Nền văn chương bằng tiếng Pháp này tiến hóa trong khung cảnh lịch sử của Việt Nam.)

       Theo đó, ông phân chia lịch sử văn chương tiếng Pháp thành bốn thời kỳ, mỗi thời kỳ liên hệ đến các biến cố trong lịch sử chính trị.

       Trước tiên, một giai đoạn chuẩn bị, bắt đầu với sự du nhập ngôn ngữ Pháp vào Việt Nam hồi giữa thế kỷ thứ mười chín và chấm dứt vào năm 1913 khi văn chương sáng tác bằng tiếng Pháp bởi các tác giả Việt Nam được ấn hành lần đầu tiên.  Ông Bào cho hay rằng sự quan tâm đến ngành Pháp học là nguyên do xa xôi của văn chương viết bằng tiếng Pháp của người Việt Nam; trước thời kỳ thực dân, Triều Đình Huế và một số học giả dành một sự chú ý đạc biệt đến tiếng Pháp như một ngôn ngữ văn học và ngoại giao.  Trong năm 1862, các nhà chức trách thực dân đã tuyên bố tiếng Pháp là phương tiện ngữ học của hệ thống giáo dục mới, khích lệ một sự chú ý song hành đến chính bản thân tiếng Pháp cũng như chữ quốc ngữ, hệ thống viết chữ theo mầu tự La Mã của tiếng Việt đã nêu lên trước đây.  Đối với một số người, tiếng Pháp đại diện cho văn chương hiện đại và do đó nhận được sự cứu xét nhiều hơn nữa từ các kẻ muốn phát huy các hình thức và sự diễn đạt văn học cải cách.  Hai tác giả được biết đến như trong số các người Việt Nam sớm nhất đã viết rất nhiều bằng chữ quốc ngữ, các ông Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, cũng ở trong số các tác giả Việt Nam đầu tiên sử dụng tiếng Pháp.  Các tác phẩm sáng tác đầu tiên bằng tiếng Pháp xuất hiện trong năm 1913: một tuyển tập thi ca, Mes heures perdues của Nguyễn Văn Xiêm và quyển Contes et legends du pays d’Annam của Lê Văn Phát. 16

       Tiếp theo là một thời kỳ phát triển văn học trong một khung cảnh thực dân kéo dài mãi cho đến năm 1940, khởi điểm cho giai đoạn vô lãnh đạo (interregnum) thời Nhật Bản.  Phần lớn các tác giả viết cả hai ngôn ngữ và xem sứ mệnh của họ như các nhà văn là các người bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.  Tác phẩm sáng tạo thuộc mọi thể loại xuất hiện trong thời kỳ này.  Các bài khảo luận và phê bình phơi bày một sự uyên bác và già giặn về trí thức mà ông Bào xác quyết là tranh đua với “science et … originalite… des érudits franҫais” 17 (“kiến thức … và sự sáng tạo … của các học giả Pháp”).  Phạm Quỳnh ấn hành các khảo luận về văn chương và văn hóa; Nguyễn Mạnh Tường và Trần Văn Tùng mang lại cái nhìn thấu triệt vào các ý nghĩ của thế hệ này trong rất nhiều bài viết của họ về các phản ứng của họ trên việc sống ở và quay về từ nước Pháp.  Tự truyện và văn chương du lịch đã xuất hiện, cũng như một trong những quyển tiểu thuyết đầu tiên, Le Roman de Mademoiselle Lys, của Nguyễn Phan Long, năm 1921.  Cùng tác giả đã đi theo sự khởi xướng của Lê Văn Phát với các chuyện sáng tác của ông trong quyển Cannibales par persuasion.  Trương Đình Tri cộng tác với Albert de Teneuille trong tiểu thuyết Bà Đầm được ấn hành năm 1930.  Nguyễn Tiến Lãng đã bộc lộ các tài năng của ông trong các bài khảo luận, ký sự và phiên dịch. 18

       Trong thập niên 1930, nhiều nhà thơ đã có các tác phẩm của họ được ấn hành: Nguyễn Vỹ, Premières poesies và Bạch-nga; Nguyễn Văn Yêm, Chansons pour elle; Phạm Văn Ký, Une Voix sur la voie; và nhân vật nổi tiếng Pierre Đỗ Đình, với bài trường thi Le Grand Tranquille (1937), trình bày cuộc tranh luận nội tâm của một người Việt Nam cải đạo theo Công Giáo.  Vi Huyền Đắc, vốn đã nổi tiếng nhờ các vở kịch tiếng Việt của ông, đã ấn hành tập Éternels regrets trong năm 1938, giúp ông đoạt giải Thượng Hạng Với Lời Khen Tặng (Premier Grand Diplôme d’honneur avec felicitations) từ ban giám khảo tại cuộc Thi Mùa Đông (Concours d’hiver) 1936-37 của Hàn Lâm Viện Académie des Jeux Floraux de Nice tại Nice.  Các khác biệt trong sự đào luyện thế hệ và giáo dục và các sự căng thẳng phát sinh được phác họa trong các ấn phẩm tập thể năm 1939 bởi Nhóm “Responsible” (“Trách Nhiệm”) và báo trước các tranh chấp công khai của thời kỳ tiếp theo. 19

       Thời kỳ thứ ba, 1940 đến 1954, được đánh dấu bởi sự nổi dậy về chính trị và xung đột vũ trang.  Trong Thế Chiến II, Việt Nam chịu gánh nặng của phe đế quốc chủ nghĩa Nhật Bản cai trị xuyên qua các cơ cấu hành chính của các thực dân Pháp, tạo ra, nói vắn tắt, một loại chế độ thực dân “hai tròng” (“double”).  Sau chiến tranh, phe cộng sản lèo lái cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc [sic], giai đoạn đầu tiên được kết thúc với sự thất trận của người Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954 và với sự phân chia đất nước.  Mặc dù Việt Nam nằm trong tình trạng bị bao vây trong suốt thời gian này, sản lượng văn học phần lớn đã không phản ảnh khía cạnh dễ tiếp cận nhất này trong các đề tài. 20

       Trong thời chiếm đóng Pháp-Nhật, hai chiến dịch tuyên truyền đã được thực hiện.  Nước Pháp dự kiến Việt Nam như một phần của Liên Hiệp Pháp (Union Francaise) trong khi Nhật Bản muốn tất cả các nước tại Viễn Đông thống nhất dưới sức mạnh của họ để đối kháng với Tây Phương.  Các tình huống này tạo ra chủ nghĩa dân tộc phôi thai tại Việt Nam để tự biểu lộ như một sự quay về các nguồn cội, nhắm đến không chỉ người người Việt Nam tại Việt Nam mà còn cả với những kẻ tự lưu vong tại Pháp.  Đi theo các chiều hướng này các bài khảo luận và nghiên cứu về văn hóa và lịch sử Việt Nam chẳng hạn như quyển La Civilisation annamite và Le Culte des immortelles en Annam của Nguyễn Văn Huyên, cả hai được ấn hành trong năm 1944, có tầm quan trọng chính yếu.  Sau đó, không có gì đáng ngạc nhiên, là sự xuất hiện các tuyển tập các truyền thuyết và chuyện dân gian Việt Nam: Trịnh Thúc [? Thục] Oanh với sự cộng tác của Marguerite Triaire, La Tortue d’or; Trần Văn Tùng, Le Coeur de diamant; và Phạm Duy Khiêm, Légendes des terres sereines và La Jeune Femme de Nam Xương (1942).  Quyển Légendes des terres sereines mang lại cho tác giả của nó giải thưởng Prix d’Indochine.  Ông Khiêm cũng viết các bài được tiểu thuyết hóa về sự tình nguyện đi quân dịch của chính ông trong tập De Hanoi à La Courtine sau này được ấn hành tại Pháp với nhan đề La Place d’un homme.  Các tài năng thi ca của Trần Văn Tùng và Phạm Văn Ký được xác định lần lượt qua các tập Muses de Paris và Fleur de jade.  Hoàng Xuân Nhị cũng tăng cường việc về nguồn với các tập Plaintes d’une Chinh phu và Thuy Kiêou, hai bản bằng tiếng Pháp phỏng theo các văn bản Việt Nam cổ điển. 21

       Cuộc chiến tranh thứ nhất giành độc lập, 1946-1954, 22 đã không ngăn trở sự ấn hành văn chương tiếng Pháp.  Nguyễn Tiến Lãng kết án các phương pháp cộng sản trong khi tái xác định chủ nghĩa dân tộc của chính ông trong quyển Nous avons choisi l’amour, một tiểu thuyết đăng nhiều kỳ trên tờ France-Asie (1952) và sau này được tu sửa và ấn hành dưới nhan đề Les Chemins de la révolte.  Phạm Văn Ký tiếp tục tiền lệ của các văn sĩ đi trước với tuyển tập của ông về các truyền thuyết, L’Homme de mulle part (1946); quyển tiểu thuyết đầu tiên của ông, Frères de sang, được ấn hành trong năm kế tiếp.  Trần Văn Tùng tiếp tục viết về văn hóa Việt Nam trong khi nhà thơ Pierre Đỗ Đình quay sang lãnh vực phê bình trong tuyển tập Les Plus Beaux Écrits de l’Union Franҫaise et du Maghreb.  Ông Bùi Xuân Bào phát biểu rằng động lực thúc đẩy đàng sau văn chương của thời kỳ này là một chủ nghĩa yêu nước nồng nhiệt nói chung không đếm xỉa đến các thực tế chính trị, một cảm tính được diễn tả trong tập thơ “Le Mot” của Cung Giũ Nguyên được ấn hành trên tờ France-Asie năm 1948. 23

       Với sự phân chia Việt Nam trong năm 1954, đã xẩy ra sự củng cố các lực lượng chính trị tả phái tại Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền bắc và của phe dân tộc chủ nghĩa ôn hòa tại Việt Nam Cộng Hòa ở miền nam.  Sự chấm dứt thời kỳ thực dân Pháp, tuy thế, đã không triệt hạ tầm quan trọng của ngôn ngữ Pháp, bởi nó tiếp tục đứng hàng thứ nhì sau tiếng Việt như là một phương tiện diễn tả văn học và như một “dụng cụ của sự tiến bộ”. 24

       Ông Bào giải thích rằng văn chương của thời kỳ thứ tư này là “à la recherché de sa double vocation nationaliste et universaliste” 25 (“sự tìm kiếm lời kêu gọi song đôi của nó – phe dân tộc chủ nghĩa và phe đại đồng chủ nghĩa”).  Hai trong các tác giả nổi bật nhất trong thời kỳ này là Phạm Duy Khiêm và Phạm Văn Ký.  Quyển tiểu thuyết của ông Khiêm, Nam et Sylvie (1957) đã mang lại cho ông Giải Prix Louis Barthou của Hàn Lâm Viện Pháp Quốc (Académie Franҫaise).  Các tiểu thuyết của ông Ký – Les Yeux courroucés (1958), Les Contemporains (1959) và quyển đoạt giải thưởng của ông, Perdre la demeure (1961) – minh họa cho sự toàn cầu hóa của ông về sự xung đột Đông-Tây được nhìn thấy trước tiên trong quyển Frères de sang.

       Mặc dù phần lớn văn chương được viết trong các cuộc chiến tranh trước đã không phản ảnh trực tiếp thực tại chính trị, sự tiếp diễn chiến tranh tại Việt Nam đã có một ảnh hưởng sâu xa trên việc sáng tác của thời kỳ này và đã được biểu lộ trong nhiều cách khác nhau.  Quyển tiểu thuyết Les Reflets de nos jours (1955) của Nguyễn Hữu Châu than thở về tình yêu và lý tưởng đã mất.  Lý Thu Hồ hình dung các sự thay đổi trong xã hội Việt Nam gây ra bởi các cuộc chiến trong quyển Printemps inachevé (1962) và Au Milieu du carrefour (1969).  Trong tập khảo luận Volontés d’existence của ông, Cung Giũ Nguyên cứu xét đến các mối quan hệ Pháp-Việt trong quá khứ và trong tương lai.  Trong các tiểu thuyết của ông, quyển Le Domain maudit (1961) khai phá hiệu ứng của sự chạm trán của các ý thức hệ chính trị đối chọi nhau trên các cá nhân, trong khi quyển Le Fils de la baleine (1956) mô tả cuộc sống cổ truyền tại một làng đánh cá nhỏ và nhu cầu cần sự thay đổi xã hội.  Vi Huyền Đắc phân tích các nguyên do của sự xung đột trong vở kịch của ông, Gengis-Khan (1972).  Võ Long Tê đưa ra giải pháp về lẽ huyền nhiệm của tình yêu trong tuyển tập các bài thơ của ông – Lumière dans la nuit (1966), Festin de noces (1966), và Symphonie orientale (1971).  Các bài khảo luận và phê bình của thời kỳ này được nhắm vào việc đào sâu văn hóa Việt Nam. 26  Tác giả Bùi Xuân Bào kết luận rằng các sự phát triển của văn chương Việt Nam bằng tiếng Pháp và bằng tiếng Việt lệ thuộc lẫn nhau bởi phần lớn các tác giả đều sử dụng cả hai ngôn ngữ, bởi tiếng Pháp vẫn còn được sử dụng như một phương tiện để diễn đạt, và bởi sự sử dụng tiếng Pháp trong bất kỳ cung cách nào không phải là một sự lựa chọn chuyên độc mà chỉ như một phương tiện để vươn tới một khối quần chúng độc giả rộng lớn hơn. 27

       Rõ ràng, việc lựa chọn để viết bằng một ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ của mình có các hàm ý quan trọng bên trên và vướt quá vấn đề khối quần chúng độc giả.  Như tác giả Serge Gavronoky [? Gavronsky] đã vạch ra, 28 tiếng Pháp, như một ngôn ngữ thứ nhì, trở thành một màn lọc cho văn hóa chính yếu của người viết.  Các quy luật thẩm mỹ học liên kết với sự sinh hoạt văn học Pháp xác định hơn nữa cách thức và những gì một tác giả sẽ viết và v.v…  Các tác giả này khi đó trải qua, bởi sự cưỡng bách hay bởi sự lựa chọn, một sự biến dạng (deformation) văn hóa mà tính mơ hồ của người đó là điều không thể phủ nhận được.

       Một ít người sẽ tranh luận rằng nhiều người nói tiếng Pháp hơn tiếng Việt, nhưng một quyết định để viết bằng ngôn ngữ của kẻ thực dân đòi hỏi sự cứu xét đến các lý do khác bởi các hiệu quả vươn xa của một sự lụa chọn như thế.  Chắc chắn uy tín của một ngôn ngữ liên kết một cách thật chặt chẽ với chứng liệu của văn hóa Pháp trong sự tiến hóa của tư tưởng và văn hóa Tây phương đã đóng một vai trò quan trọng.  Các cuộc nghiên cứu về giáo trình cho thấy hệ thống trường học Pháp-Việt chắc chắn nhấn mạnh đến sự vĩ đại của nước Pháp đối với các học sinh Việt Nam là các kẻ sau này sẽ viết các bài văn sáng tạo bằng tiếng Pháp.  Tác giả Gail Kelly đã phân tích cặn kẽ ảnh hưởng của giáo trình tại trường học tại thuộc đia Việt Nam trong những năm giữa các cuộc thế chiến (1918-1938) và đã xác định rằng các học sinh Việt Nam được dậy dỗ để chối bỏ văn hóa của chính họ như là không thích hợp với kỹ thuật và khoa học, với sự tiến bộ và sự canh tân hóa.  Thay vào các truyền thống của họ, người Việt Nam được cung cấp kiểu mẫu của Pháp như chìa khóa cho kiến thức, sức mạnh và tương lai. 29

       Cùng một lúc, giá trị truyền thống đặt trên học thuật đã thúc đẩy một số người tìm học nhiều hơn về một văn hóa được nhận thức là ưu việt.  Sáng tạo các văn bản văn học bằng một ngôn ngữ khác cũng phù hợp với truyền thống coi trọng giáo dục.  Trong nhiều thế kỷ, làm thơ bằng Hán tự mang lại một lối gia nhập vào hệ thống hành chính công của Việt Nam; sự thông thạo tiếng Pháp như thế cũng có thể bảo đảm cho một chức vụ trong chính quyền thực dân.  Sự lựa chọn tiếng Pháp như một phương cách điễn đạt, vì thế, phản ảnh không chỉ một khát vọng cho sự tiến bộ và một sự khước bỏ một văn hóa cổ truyền đã thất bại trong việc phòng vệ Việt Nam chống lại người Pháp, mà còn cho một hệ thống giá trị bản xứ đã bền bỉ bám trụ đối đầu với tính ưu việt đã được nhận thức của mô thức Pháp.  Khá nghịch lý, chính niềm tin này nơi các giá trị truyền thống chắc chắn đã dẫn dắt một số người Việt Nam đến việc lựa chọn tiếng Pháp như một phương tiện để tự phòng vệ, để bày tỏ rằng người Việt Nam cũng có khả năng về mặt trí thức.  Sử dụng tiếng Pháp, các người Việt Nam này kế đó sẽ vạch ra giá trị của nền văn hóa của chính họ.  Trạng thái yêu-ghét lẫn lộn (ambivalence) rõ ràng này được phản ảnh ngay trong chính vị thế của ngôn ngữ Pháp tại Việt Nam như tác giả Trương Vương Riddick đã nhận xét: “Symbole de servitude et pourtant outil révolutionnaire, le franҫais jouit donc d’un statut ambigu qui explique en partie le drame qui vivent les écrivains vietnamiens francophones” 30 (“Một biểu tượng của sự phục tùng, song là một công cụ cách mạng, ngôn ngữ Pháp chính vì thế thụ hưởng một tư thế mơ hồ giải thích được phần nào vở kịch được sinh sống bởi các tác giả Việt Nam viết bằng tiếng Pháp”).

       Tác giả Nguyễn Trần Huân đồng ý rằng một số người Việt Nam lựa chọn để viết bằng tiếng Pháp nhằm chứng tỏ sự nhạy cảm và thông minh của họ. 31  Ở chỗ khác, 32 ông nhận xét rằng ước muốn được cảm thông bởi người Pháp cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định sự lựa chọn ngôn ngữ, một ý kiến đựợc bổ chứng bởi việc đề tặng của Nguyễn Phan Long quyển tiểu thuyết của ông, Le Roman de Mademoiselle Lys 33 cho Toàn Quyền Đông Dương.  Các tiểu thuyết bằng tiếng Pháp được viết bởi các tác giả Việt Nam đưa ra bằng chứng nguyên bản áp đảo, hậu thuẫn cho quan điểm này.

       Các tác giả của các văn bản này sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để giải thích và làm sáng tỏ các điểm văn hóa cho độc giả không phải là người Việt Nam.  Nếu các tiểu thuyết này của người Việt Nam không nhắm vào khối độc giả mặc nhiên đó, rõ ràng không sự giải thích nào sẽ lại còn cần thiết.

       Các từ ngữ và thành ngữ tiếng Việt hiện diện trong các sự tường thuật này đôi khi được phiên dịch ngay trong chính bản văn.  Trong quyển Frères de sang 34 của Phạm Văn Ký, qua-tai-chua [?] được giải thích là “quả, trái cây chua” (trang 118) (“acidic fruit”) trong khi mia lau được kèm theo bởi nhóm chữ “variété de canne à sucrée” (trang 31) [một loại cây mía đường] trong quyển Printemps Inachevé35  Cả hai sự giải thích này xuất hiện trong sự trình bày nằm trong các dấu ngoặc (parentheses).  Đôi khi các sự phiên dịch này không tách rời gì cả.  Trong quyển Les Chemins de la révolte36 chúng ta tìm thấy “Hoàng Đế, l’Empereur” (trang 28) và “un công-tôn, un petit fils de prince” (trang 57) (“một công tôn, cháu trai của một ông hoàng”).  Trong quyển Le Roman de Mademoiselle Lys của Nguyễn Phan Long, huong chu [hương chủ?]được giải thích là “le premier notable du village: nhân sĩ đứng đầu trong làng” (trang 47) (“nhân sĩ cao nhất trong làng”).

       Các phần phiên dịch các từ vựng đôi khi xuất hiện nơi các cước chú.  Trong quyển Bà Đầm của Trương Đình Tri và Albert de Teneuille, 37 “Nam Kỳ” được dịch là “Cochinchine” (trang 51) (“Cochinchina”, tiêng Anh), “nha quê” là “paysan” (trang 58), cả hai ở phần cước chú.  Trong cùng cách thức này, truc [trúc] được giải thích là “bambou royal” (“tiêng Anh là royal bamboo: tre của hoàng triều”) trong quyển Frères de sang (trang 23), hoa mai là “fleurs d’abricotier sauvage” (trang 137) (“hoa cây mơ dại”) trong quyển Les Reflets de nos jours 38 của Nguyễn Hữu Châu.  Khung cảnh không thôi đôi khi sẽ biểu lộ ý nghĩa của các từ ngữ và câu văn.  Trong quyển Vingt Ans 39 của Nguyễn Đức Giang, hai chiếc xe được kéo bởi phu xe cạnh nhau trên một con đường; người kể chuyện, một thanh niên, đi theo sau một phụ nữ trẻ tuổi đang hô to: “Mau lên!”  Người thuật chuyện tiếp tục: “Son coolie obéit plus vite que ne l’aurait fait un cheval et me voici de nouveau dépassé” (trang 17) (“Mau lên! Người phu của cô ta vâng lời nhanh hơn cả một con ngựa có thể làm được và tôi ở đó, bị qua mặt một lần nữa”).  Trong cách viết này rõ ràng là người thiếu nữ đã nói với phu xe đi nhanh lên.

       Trong một số bản văn, các từ ngữ Việt Nam đơn giản được thay thế bởi tiếng Pháp, do đó loại trừ bất kỳ nhu cầu phiên dịch nào.  Trong quyển Bạch Yên 40 của Trần Văn Tùng, một kẻ cầu hôn khát khao cưới được nhân vật trong nhan đề được nói đến là “M. l’Ingénieur ‘Loyaute’” (trang 175) ( “Ông ‘Trung Thành’, Kỹ Sư”).  Trịnh Thục Oanh và Marguerite Triaire đặt tên nơi sinh của nhân vật chính của họ là “Forêt illustre” (trang 2) (“?Danh Lâm, Khu Rừng Nổi Tiếng”) trong truyện En s’écartant des ancêtres41  Cung Giũ Nguyên nói đến “Nouvel An” (“Năm Mới”) thay vì Tết (trang 162) trong quyển Le Fils de la baleine 42 và “fête de la mi-automne” (trang 273) (“tết trung thu”) trong quyển Le Domaine maudit43

       Các cước chú cũng được dùng để làm rõ nghĩa các sự tham chiếu về văn hóa cho độc giả không phải là người Việt Nam.  Một chú thích diễn tả món canh sợi bún gạo phổ thông là phở trong quyển Les Chemins de la révolte (trang 121) trong khi lý luận đàng sau một kiểu đặc biệt của một mảnh trang phục – “la culotte ouverte en demi-lune, en bas” (“quần cộc hở hình bán nguyệt ở dưới đít”) được ghi nơi một chú thích trong quyển Frères de sang (trang 26).  Trong chuyện Heou-Tâm 44 của Hoàng Xuân Nhị một chú thích giải thích việc mang một miếng vải trắng như một dấu hiệu để tang (trang 41).  Đôi khi các sự giải thích này hay khác rõ ràng cho thấy rằng người đọc mặc nhiên  là một người nước ngoài, xuyên qua sử sử dụng từ “nous” (“chúng tôi”, một đại danh từ dùng để phân biệt người kể chuyện với người đọc. Trong quyển La Place d’un homme 45 của Phạm Duy Khiêm, “nos traditions” (“các truyền thống của chúng tôi” có hiệu ứng này (trang 17).  Tương tự, trong quyển Nam et Sylvie 45 của ông Khiêm, người kể chuyện viết về “notre langue” (“ngôn ngữ của chúng tôi”) và “notre versification” (“lối làm thơ của chúng tôi”) (trang 136).  Đây chỉ là hai trong nhiều thí dụ.

       Tổng quát, thông tin văn hóa đầy rẫy trong các tiểu thuyết này.  Trong quyển Au Milieu du Carrefour 47 của Lý Thu Hồ, Tết là “cette fête du nouvel an lunaire” (trang 180) (“ngày lễ này là năm mới theo âm lịch”).  Trong quyển Frères du sang, chúng ta tìm thấy “Il s’assit à la mode orientale, jambs croisées” (trang 55) (“Anh ta ngồi xuống theo kiêu Đông Phương, chân bắt chéo nhau”) và “la troisième division du jour (14h)” (trang 79) (khắc thứ ba trong ngày [2:00 trưa]”) là các thí dụ.  Cũng có các sự tham chiếu đến lịch sử và văn hóa Việt Nam trong các tiểu thuyết chẳng hạn như Printemps InachevéBà Đầm, Au Milieu du Carrefour và quyển Des Femmes assesses ҫà et là 48 của ông Ký.

       Các sự so sánh đặt trên sự quen thuộc với văn hóa phương Tây, thí dụ – “le cerbère” (trang 79) [theo thần thoại Hy Lạp và La Mã, chó ba đầu có đuôi rắn, đứng canh cửa Hỏa Ngục, chú của người dịch] và “ombres de Macbeth” (trang 151) [(dưới bóng của Macbeth), nhân vật chính trong bi kịch cùng tên nổi tiếng của Shakespeare (1606?), bị thúc đẩy bởi người vợ nhiều tham vọng, tàn nhẫn, đã hạ sát ông vua của ông ta, và chiếm ngôi, nhưng cuối cùng bị giết bởi kẻ yêu nước tên là Macduff, chú của người dịch] trong quyển Frères de sang hay “ciel de Provence” (trang 253) (“bàu trời vùng Provence”) trong tập En s’écartan des ancêtres – tăng cường hơn nữa sự nhận thức về người đọc như các kẻ khác, như kẻ không phải Việt Nam.  Với mối quan hệ của Pháp và Việt Nam và sự kiện rằng các văn bản này được viết bằng tiếng Pháp, có thể giả định một cách an toàn rằng các tác phẩm này được nhắm dành cho giới độc giả quần chúng người Pháp. 49  Trong thực tế, Phạm Văn Ký và Phạm Duy Khiêm đã nhìn nhận y như thế. 50  Bởi sự phong phú của các sự giải thích văn hóa, và bởi việc mở rộng một sự hóa giá (valorization) phát sinh của văn hóa Việt Nam, các tiểu thuyết này đã phục vụ cho việc giáo dục và sau hết để thuyết phục người đọc giá trị cơ hữu của một nền văn hóa bị xem một cách quá mau lẹ là thấp kém bởi người nước ngoài.

       Văn chương tiếng Pháp của người Việt phát sinh từ khung cảnh này của sự căng thẳng và mơ hồ.  Trong cung cách của họ một nỗ lực để đặt định tính bình đẳng của các sự khác biệt – thí dụ, xuyên qua một bài thơ hay một truyện ngắn -- các bản văn thu tóm một sự biến đổi quan trọng trong các giá trị, một nỗ lực để hòa giải các truyền thống quan trọng với một xã hội trải qua sự tiến hóa sâu xa.  Trong các chuyện kể kéo dài, các sự xung đột này tự bộc lộ chủ điểm của chúng xuyên qua các sự đụng độ của các nhân vật và sự bao hàm các biến cố lịch sử chẳng hạn như cuộc đấu tranh giành độc lập.  Nhưng, chính hành vi sáng tạo cũng phản ảnh các sự căng thẳng này: các người viết Việt Nam sử dụng ngôn ngữ khác và trong trường hợp tiểu thuyết văn xuôi, các thể loại mới, để tìm kiếm các giải pháp cho Việt Nam trong thế kỷ thứ hai mươi./-

-----

(Bài viết này là một trích đoạn từ một cuộc nghiên cứu sâu rộng hơn, The Vietnamese Novel in French: A Literary Response to Colonialism, sắp được ấn hành bởi nhà xuất bản University Press of New England).

___

CHÚ THÍCH:

1. Pierre Bandon, “Situation du franҫais dans les trois états d’Indochine”, trong sách biên tập bởi Albert Valdman, Le Franҫais hors de France (Paris: Champion, 1979), các trang 663-8.

2. Mặc dù một số người phát biểu rằng hệ thống này đã được phát kiến ngay từ thế kỷ thứ tám, không có bằng cớ nào cho thấy nó đã hiện diện trước khi có sự xuất hiện bản văn đầu tiên bằng chữ nôm có niên đại từ năm 1282.  Xem Maurice Durand, “Alexandre, de Rhodes”, Bulletin de la Société des Études indochinoises (Saigon), n.s., 32, , no. 1 (tam cá nguyệt đầu tiên năm 1957), 22; và Cao Văn Chiêu, “Pour l’enseignement de la langue vietnamienne dans les universities franҫaises”, France-Asie, 9, no. 83 (avril 1953), 304.

3. Sự trình bày dưới đây chứng nhận cho ý kiến này: “La langue viêtnamienne a, en effet, une grammaire très simple: tous les mots sont invariables, à commencer par le verbe, et la phrase se forme par juxtaposition des mots dans un ordre rigoureusement chronologique.  Nous ne pouvons pratiquement pas dire: je reviens du marché, mais je vais au marché and reviens, -- n’ayant pas les prepositions: de, par, pour et autres particules qui foisonnent en franҫais et qui, marquant bien les rapports réciproques des mots et, par suite, le sens general de la phrase, permettent le déplacement des mots dans la construction et la violation de la succession des faits dans le temps pour les besoins d’un enchainement logique.  Le passé et le future peuvent être indiqués, mais le viêtnamien n’a pas l’habitude de ces precisions, don’t les marques sont susceptible, d’autre part, de romper l’harmonie et le parallelism de nos phrases.  Le plus-que-parfait, le future antérieurm le conditionnel et le subjontif ne pourraient être rendus que par des periphrases.  Les conjugaisons, les voix active et passive, les modes, les temps, et leur concordance, surajoutées aux variabilités en genre et en nombre et aux accords de participes de verbs se conjuguant avec être ou avoir, ont été le cauchemar du petit écolier que j’étais, qui ne manquait certainement pas de les maudire.  Mais je m’aperҫois, faisant maintenant, pour mon compte personnel, des traductions du franҫais en viêtnamien, que le viêtnamien ne peut indiquer la riche gamme des modalities dans l’action finement marquée par le verbe franҫais, et doit, du coup, renoncer dangereusement à l’expression de bien des nuances de pensée.” (Ngôn ngữ Việt Nam trong thực tế có một văn phạm hết sức giản dị: khởi đầu với các động từ, mọi từ đều không thay đổi và các câu được tạo thành bởi sự đặt cạnh nhau các từ ngữ theo một trật tự thời gian một cách nghiêm ngặt.  Trong thực hành, chúng ta không thể nói: Tôi đang trở về nhà từ chợ, mà phải là: tôi đang đi đến chợ và quay về -- bởi vì chúng ta không có các giới từ (prepositions) như: của (de), bởi (par), hay cho (pour), và các phân từ (particles) tràn ngập trong tiếng Pháp và rằng, trong khi rõ ràng chỉ mối quan hệ hỗ ứng (reciprocal) của các từ ngữ và do đó ý nghĩa tổng quát của câu văn, cho phép di chuyển các từ ngữ trong một kiến trúc và vi phạm sự kế tục của các biến cố trong thời gian để đáp ứng các nhu cầu của một phối hợp hợp lý.  Quá khứ và tương lai có thể được biểu thị, nhưng người Việt Nam thường không đưa ra các sự phân biệt này, điều, hơn thế, sẽ chịu trách nhiệm phá vỡ sự hòa hợp và đối chiếu của các câu văn của chúng ta.  Thời tiền quá khứ (pluperfect), thời vị lai hoàn tất (future anterior), điều kiện cách (the conditional), bàng thái cách (the subjunctive) chỉ có thể được diễn tả bằng các cách nói vòng quanh (periphrases).  Các sự phân chia động từ, thể chủ động và thụ động, các cách (moods), các thời (tenses), và các sự hợp cách của chúng, ngoài tính biến đổi về giống phái và số lượng và các phân từ hợp cách của các động từ được chia cùng với động từ être (là) và avoir (có), đã là cơn ác mộng đối với các trẻ em đi học như tôi vốn là kẻ nắm lấy mọi cơ hội để nguyền rủa chúng.  Nhưng giờ đây, khi làm công việc phiên dịch từ Pháp sang Việt ngữ cho chính mình, tôi nhận xét thấy rằng tiếng Việt không thể biểu thị phạm vi rộng lớn của các phương cách hoạt động được biểu tả một cách tinh tế bởi động từ tiếng Pháp và hậu quả phải chịu từ bỏ sự diễn đạt nhiều sắc thái của tư tưởng”.)  Đoàn Quan Tấn, “Le franҫais et le Viêtnamien dans l’enseignement du Vietnam”, Bulletin de la Société des études indochinoises, 29 (1954).

4. Nguyễn Hữu, “Notre langue nationale”, France-Asie, 6, No. 53, aout 1950), 370; Tấn, trang 93.  Ông bổ túc: “comme tous les Orientaux nous répugnons à penser par abstraction” (“giống như mọi người dân Phương Đông, chúng tôi miễn cưỡng để suy nghĩ một cách trừu tượng”).  Cũng xem: E. Roucoules, “Le Franҫais, le Quốc Ngữ et l’enseignement public en Indochine: Répnse à M. Aymonier”, Bulletin de la Société des etudes indochinoises de Saigon (lục cá nguyệt đầu tiên năm 1890).

5. Roucoules, trang 9.  Các thí dụ cho thấy rằng các từ được đồng hóa, được ký âm lại, thường liên hệ tới xã hội kỹ nghệ hiện đại, hay văn hóa Tây Phương: cam-nhông < camion; ô-tô < automobile); cao-su < cauotchouc; bơ < beurre; xà-phòng <savon; phim < film; va-li < valise.  Các từ ngữ và ý niệm khác được thu nhận vào ngôn ngữ bằng việc sử dụng các sự kết hợp các từ đã được hay biết đến: xe lửa (vehicle + fire = train); máy lạnh (machine + cold = air conditioner)bật lửa (start + fire = cigarette lighter).  Cách thức này pha trộn cái nhìn trước đến một số mức độ nào đó.  Mặc dù xem ra quốc ngữ tạo dễ dàng hơn cho sự hấp thụ các từ ngữ mới – bởi nó là một ám hiệu phát âm thích hợp cho sự ký tự (transliteration) – bằng chứng vẫn còn không vững chắc nếu chỉ bởi vì không có sự so sánh nào được thực hiện giữa một ngôn ngữ viết theo loại mẫu tự phát âm hay La Mã hóa với Hán tự vốn chỉ chuyên được viết bằng các nét chữ biểu trưng (characters).  Trường hợp trắc nghiệm sẽ là một cuộc nghiên cứu tiếng Nhật và tiếng Trung Hoa bởi vì tiếng Nhật sử dụng các nét chữ biểu ý của Trung Hoa và có các mẫu tự (chữ cái) gồm hai ngữ âm (two-phonetic alphabets).

6. Bùi Xuân Bào, Le Roman vietnamien contemporain (Saigon: Tủ Sách Nhân Văn Xã Hội, 1972), trang 28.

7. Bandon, trang 664.

8. August Viatte, La Francophonie (Paris: Larousse, 1969), trang 152.

9.  Điều này và phần lớn tin tức theo sau là từ tác giả Bandon, các trang 664-67.

10. Xem Gail Paradise Kelly, “Franco-Vietnamese Schools, 1918 to 1938”, luận án Tiến Sĩ, University of Wisconsin – Madison, 1975.  Cũng xem, Philip G. Altbach và Gail P. Kelly, đồng biên tập, Education and Colonialism (New York: Longman, 1978) cũng như quyển Education and the Colonial Experience của họ (New Brunswick, NJ: Transaction Books, 1984).

11. Sự hiện diện đông đảo của người Mỹ trong thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 đã không tạo ra một sự thông thạo phát sinh về Anh ngữ ở bất kỳ mức độ nào gần bằng với sự thông thạo Pháp ngữ, cho thấy các nguyên nhân và các lý do khác cho việc học tiếng Pháp.

12. Bandon, trang 667.

13. Phần này về văn chương tiếng Pháp của Việt Nam, sử dụng như các nguồn tài liệu chủ yếu của: Bùi Xuân Bào, “Introduction historique”, trong quyển Littératures de langue Franҫaise hors de France: Anthologie didactique (Sèvres [France]: Fédération Internationale des Professeurs de Franҫais (1976), các trang 633-40.  Từ giờ trở về sau, được gọi tắt là Littératures.  Phần giới thiệu này của Bùi Xuân Bào cho đến nay là bao quát nhất trên chủ đề và đề cập đến mọi thể loại, trong thực tế, mọi văn bản được viết bằng tiếng Pháp bởi các tác giả Việt Nam.  (Một cách tổng quát hơn, sự xuất hiện của tuyển tập này tượng trưng cho sự đa trạng của văn chương tiếng Pháp thực sự đã là một biến cố đáng ghi nhớ.  Xem các bài điểm sách ca ngợi kể sau: Albert Ayguesparse, [“Compte-Rendu”], Marginales, 31, No. 172 (nov.- déc. 1976), 55-56; Claude Bonnefoy, “Francophones de tous les pays”, Les Nouvelles littéraires, No. 2538 (24 juin 1976), 7; Albert Doppagne, “Un Evénement dans la francophonie”, L’Ethnie franҫaise, Nos. 3 / 4 (sept. 1976), 127-29; G. Lurquin, [“Compte-Rendu”], Le Langage et l’homme, No. 34 (mai 1977), 71; Jean Servais, [“Compte-Rendu”], La Vie wallonne, 50 (1976), 110-13.  Các nguồn sau đây, cũng đáng lưu tâm bổ túc, được tham khảo cho phần này: “Écrivains viêtnamiens de langue franҫaise”, Culture franҫaise, 6, No. 4 (oct. 1957), 31-35; Ley Hian, “L’Asie francophone”, Vie et langage, 14, no. 165 (1965); Antoine Naaman và Louis Painchaud, đồng biên tập, Le Roman contemporain d’expression franҫaise, introd. Par des Propos sur la Francophonie, Actes du Colloque organize à l’Université de Sherbrooke du 8 au 10 octobre 1970 (Sherbrooke, Québec: Faculté des Arts, Université de Sherbrooke, 1972) (Xem đặc biệt Thái Văn Kiểm, “Mes Souvenirs avec quelques romanciers et pòetes vietnamiens d’expression franҫaise”, các trang 100-110); Nguyễn Trần Huân, “Difficultés de l’écrivain francophone au Viêtnam actuel”, Culture franҫaise, 24, Nos. 3/4 (automne/hiver 1975), 77-78; Nguyễn Trần Huân, “La literature francophone au Sud Est Asiatique: Une effervescence méconnue”, Les Nouvelles littératures, 52, No. 2410 (3 déc. 1973), 12-13; Nguyễn Trần Huân, “La Littérature vietnamienne de langue franҫaise “, Comptes-Rendus trimestriels des séances de l’Académie des Sciences d’Outre-Mer, 34, No. 3 (1974), 437-59; Nguyễn Trần Huân, “La Littérature vietnamienne de langue franҫaise “, Culture franҫaise, 2, no. 1 (printemps 1973), 6-23; Emile Saillens, Esquisse des literatures de langue d’expression franҫaise (Paris: Didier, 1940); Gérard Tougas, Les Écrivains d’expression franҫaise et la France (Paris: Denoel, 1973); Trần Tuyên, “Rapport sur l’état de la literature d’expression franҫaise”, Colloque international des écrivains d’expression franҫaise (Paris, 1958), 49-51.

14.  Vào lúc ấn hành, GS Bùi Xuân Bào là Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Sàigòn.

15. Littératures, trang 633.

16.  Cùng nơi dẫn trên, các trang 633-34.

17.  Cùng nơi dẫn trên, trang 634.

18.  Cùng nơi dẫn trên, các trang 634-35

19.  Cùng nơi dẫn trên, các trang 635-36.

20.  Cùng nơi dẫn trên, trang 636.

21.  Cùng nơi dẫn trên, các trang 636-37.

22. Cuộc chiến tranh thứ nhất giành độc lập được phát động chống lại Pháp từ 1946 đến 1954; cuộc chiến tranh thứ nhì, đặc biệt để chống lại người Mỹ, kéo dài mãi cho tới 1975.

23. Littératures, các trang 637-38; France-Asie, 3, No. 28 (1948), 803.

24. Littératures, trang 638.

25.  Cùng nơi dẫn trên.

26.  Cùng nơi dẫn trên, các trang 639-40.

27.  Cùng nơi dẫn trên, trang 640.

28. Serge Gavronsky, “Linguistic Aspects of Francophone Literature”, French Review, 51, No. 6 (May 1978), 843-52.  Cuộc thảo luận về ngôn ngữ và khối độc giả theo sau tương tự với cuộc thảo luận trong bài viết của tôi, trong  Notebooks in Cultural Analysis, 3 (1986).

29. Kelly, các trang 193-94.  Xem cuộc thảo luận của bà về giáo trình và sự xã hội hóa, các Chương 3 và 4.

30. Thương [? hay Trương] Vương – Riddick, “Le Drame de l’occidentalisation dans quelques romans de Phạm Văn Ký”, Présence francophone, no. 16 (printemps 1978), trang 141.

31. Phỏng vấn cá nhân với ông Nguyễn Trần Huân, 24 July 1979, Paris.  Ông thực sự nói rằng người Việt Nam viết bằng tiếng Pháp để không mang vẻ “ngu si: stupide” trong mắt nhìn của người Pháp.

32. Huân, Comptes-Rendu, trang 448.

33. Nguyễn Phan Long, Le Roman de Mademoiselle Lys (Hanoi: Imprimerie tonkinoise, 1921).  Từ giờ trở đi được đề cập trong phạm vi bản văn.  Trong một số các bản văn tiếng Pháp này, các nhà biên tập đã cố gắng để gồm cả các dấu nhấn giọng trên từ ngữ Việt Nam, nhưng các từ ngữ thường bị đánh vần sai, thông thường nhất là do phép phải biết bỏ cho đúng cac dấu nhấn giọng nhỏ nhặt mà trong Việt ngữ rất quan trọng để xác định các sự khác biệt trong giọng điệu và nguyên âm phát âm ra.  Tôi đã không chọn để nêu ra các sự sai lầm này ở đây bởi chúng xẩy ra quá nhiều. (Các từ ngữ Việt Nam này chỉ đôi khi được in nghiêng, do đó thiếu sự nhất quán xuyên qua các bản văn.)

34. Phạm Văn Ký, Frères de sang (Paris: Éditions du Seuil, 1947).

35. Lý Thu Hồ, Printemps inachevé (Paris: J. Peyronnet, 1952).

36. Nguyễn Tiến Lãng, Les Vietnamiens I: Les Chemins de la révolte (Paris: Amiot-Dumont, 1953) (và “Nous avons choisi l’amour”, France-Asie, 7/8, Nos. 68-78 (janvier-nov. 1952).

37. Albert de Teneuille và Trương Đình Tri, Bà Đầm (Paris: Fasquelle, 1930).

38. Nguyễn Hữu Châu, Les Reflets de nos jours (Paris: R. Julliard, 1955).

39. Nguyễn Đức Giang, Vingt Ans, 2e éd. (Vinh: Les Éditions de la Nouvelle Revue Indochinoise, 1942).  Quyển tiểu thuyết này xuất hiện trước tiên theo từng kỳ trên tạp chí La Nouvelle Revue Indochinoise.

40. Trần Văn Tùng, Bạch Yến ou la fille au Coeur fidèle (Paris: J. Susse, 1946).

41.  Trịnh Thục Oanh và Marguerite Triaire, En s’écartant des ancêtres (Hanoi: Imprimerie d’Extrême – Orient, 1939).

42. Cung Giũ Nguyên, Le Fils de la baleine, 2nd. Ed. (Sherbrooke: Éditions Naaman, 1978).  Ấn bản đầu tiên được ấn hành tại Paris bởi nhà xuất bản A. Fayard trong năm 1956.

43. Cung Giũ Nguyên, Le Domaine maudit (Paris: A. Fayard, 1961).

44. Hoàng Xuân Nhị, Heou-Tâm (Paris: Mercure de France, 1942).

45. Phạm Duy Khiêm, La Place d’un homme: De Hanoi à la Courtine (Paris: Plon, 1958).

46. Phạm Duy Khiêm, Nam et Sylvie (Paris: Plon, 1957).

47. Lý Thu Hồ, Au Milieu du Carrefour (Paris: J. Peyronnet, 1969).

48. Phạm Văn Ký, Des Femmes assises ҫà et là (Paris: Gallimard, 1964).

49. Tại Hội Nghị Hội Ngôn Ngữ Hiện Đại (Modern Language Association Convention) tại New York, trong buổi họp nhóm do bà chủ tọa, tác giả Clarisse Zimra đã vạch ra rằng – bất kể bằng chứng theo văn bản – theo sự hiểu biết của bà, chính người Việt Nam là kẻ đọc loại văn chương này, ít nhất tại Paris, thành phố nơi mà phần lớn các tiểu thuyết này đã được xuất bản.  Mặt khác, các hồ sơ báo chí đồ sộ tại các nhà xuất bản Gallimard, Le Seuil, Grasset và Mercure de France chứa bằng chứng về một khối độc giả công chúng người Pháp.

50. Phạm Văn Ký phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Adrien Jans: “Quand je veux m’adresser au public franҫais, vos maitres l’emportent sur les nôtres, puisque je choisis votre langue pour m’exprimer” (Khi tôi muốn nói với khối quần chúng đọc tiếng Pháp, các độc giả thân chủ của quý ông đã vượt quá các thân chủ của chính chúng tôi, bởi vì tôi đã chọn ngôn ngữ của các ông để diễn đạt mình”.).  Xem Andrien Jans, “Paris aux reflects du monde: III, -- D’Angkor à Hanoi”, Le Soir de Bruxelles, 24 mai 1954, trong hồ sơ báo chí về Phạm Văn Ký tại nhà xuất bản Grasset, Paris.  Trong một cuộc phỏng vấn về quyển Légendes des terres sereines, Maurice Marcus đã viết: “Il [Phạm Duy Khiêm] a y toujours espéré qu’il serait un jour imprimé et lu à Paris, cette capitale de lecteurs de qualité” (“Ông [Phạm Duy Khiêm] luôn luôn hy vọng rằng một ngày nào sách của ông sẽ được xuất bản và được đọc tại Paris, thủ đô của giới độc giả thượng lưu”).  Xem Maurice Marcus, “M. Phạm Duy Khiêm et les “Légendes des Terres Sereines”, France Asie, 6, Nos. 61/62 (juin-juillet 1951), 120. /-

_____

NguồnJack A. Yeager, Vietnamese Francophone Literature – Cultural Production In A Colonial Context, The Vietnam Forum, A Review of Vietnamese Culture and Society, No. 9, Winter-Spring 1987, Yale University, New Haven, CT., các trang 92-110.   

_____

PHỤ LỤC CỦA NGƯỜI DỊCH:

1. Tiểu Sử ông Phạm Duy Khiêm, nguồn: http://phamduy.com/PDFamily/pdkhiem/pdkhiem.html

Một Chút Tiểu Sử
Theo Báo BÁCH KHOA - Saigon, 12-1974

Phạm Duy Khiêm sinh năm 1908 tại Hà Nội. Nhờ một học bổng của tư nhân, ông theo học tại trường Lycée Albert Sarraut ở Hà Nội. Do học lực xuất sắc, nhất là về cổ ngữ La Tinh, Hy Lạp nên ông lại được học bổng sang Pháp học tại trường Louis Le Grand, rồi trường Ecole Normale Supérieure, đồng khóa với René Billières, Thierry Maulnier, Georges Pompidou, Léopold Senghor... đậu thạc sĩ Văn Phạm năm 27 tuổi.

 

Về nước, ông làm giáo sư tại trường Bưởi rồi trường Albert Sarraut. Từ 9/1939 đến 6-1940, ông tự nguyện tòng quân trong quân đội Pháp và sau đó lại trở về dạy học tại trường Albert Sarraut cho tới 1945. Ông làm Bộ Trưởng đặc nhiệm tại Phủ Thủ Tướng (Chính phủ Ngô Ðình Diệm) từ tháng 7-1954 trong 5 tháng rồi Cao Ủy và Ðại Sứ VNCH tại Paris cho tới hết năm 1957. (Ngày 5-11-1957, ông nhận bằng Tiến Sĩ Danh Dự tại trường Ðại Học Toulouse Pháp).

Ông ở luôn bên Pháp dạy học, giúp việc cho nhà xuất bản v.v..., chỉ về nước một lần sau Tết Mậu Thân và chết ngày 2-12-1974 tại một nông trại ở miền quê nước Pháp.

Các tác phẩm của ông gồm có : Việt Nam Văn Phạm - Grammaire Annamite, soạn chung với Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ (1941); Back Street, tùy bút viết theo một truyện phim (1940); De Hanoi À La Courtine (1941); De Courtine À Vichy (viết xong năm 1942, bị cấm xuất bản); Mélanges (1942) Légendes Des Terres Sereines (1942); La Jeunes Femme De Nam Xuong (1944); Nam Et Sylvie (ký bút danh Nam Kim - 1957); La Place D'un Homme (tái bản De Hanoi À La Courtine - 1958); La Mère (cuốn này theo nhạc sĩ Phạm Duy là em ruột ông Khiêm, viết về thân mẫu ông và chưa xuất bản).

Ông đã được giải đầu của Prix Littéraire D'Indochine (Giải Văn Chương Ðông Dương) trao tặng cho cuốn Légendes Des Terres Sereines và Giải Thưởng Louis Barthou của Viện Hàn Lâm Pháp trao tặng cho cuốn Nam Et Sylvie.

Về năm sinh 1908 ghi trên, thì theo ông Nguyễn Doãn Vượng là bạn thân của ông Khiêm cho biết : ông Khiêm sinh ra ngày 12 giờ Hợi năm Ðinh Mùi tức là năm 1907 mới đúng.

Tiểu sử trên đây chúng tôi (BÁCH KHOA) viết theo tài liệu do ông Võ Long Tê cung cấp và theo cuốn Tiểu Truyện Các Tác Giả Hiện Ðại của ông Trần Phong Giao sắp ấn hành và theo lời chỉ dẫn của một vài vị quen biết ông Khiêm.

 

2. Tiểu Sử ông Phạm văn Ký

       Phần tiểu sử ông Phạm văn Ký này được.trich từ tờ Truyền Thông Communications, Mùa thu 2004 Số 13 Automne 2004 No 13, Chủ đề: Dòng văn học Pháp ngữ trong văn học Việt Nam,  http://www.truyen-thong.org/so13/so13.html.  Website này còn có tiểu sử của các tác giả người Việt viết bằng tiếng Pháp khác như Kỳ Đồng, Phạm Quỳnh, Nguyễn Tiến Lãng, Nguyễn Mạnh Tường, Cũng Giũ Nguyên, v.v… Xin giới thiệu với độc giả quan tâm đến chủ đề trên.

Phạm văn Ký sinh năm 1916, gốc miền trung, học ở Saigòn (theo Nguyễn Vỹ) hay Hà-nội (theo Yeager), trên dưới 20 tuổi đã được giải-thưởng Premier prix de Poésie aux Jeux Floraux dIndochine, và cho xuất-bản tập thơ đầu tay. Sang Pháp khoảng 1938-39, ông theo học ban văn-chương ở Sorbonne và chuyên thêm về văn-chương Hán-việt ở Viện cao-học hán-học (?Institut des Hautes Etudes Chinoises). Ông sửa-soạn, nhưng không hoàn-tất một dự-án tiến-sĩ về tông-giáo, lý-do vì chiến-tranh (đệ-nhị thế-chiến) và cũng vì giáo-sư hướng-dẫn mệnh-một. Ông dậy Pháp-văn, làm chủ-bút, thành-viên Hội Âu-châu (nghiên-cứu) Văn-hóa (? Société Européenne de Culture).

Ông có nhiều sinh-hoạt văn-hóa khác nhau, viết cho đài truyền-thanh, viết kịch, truyện và thơ, tiếng Pháp, Việt và Anh. Tác-phẩm đã được dịch ra tiếng Đức, Ý và Anh.

Tác-phẩm đầu đời là cuốn Une voix sur la voie, rập theo kiểu chơi-chữ (tựa như cấu đối của Đoàn thị Điểm da trắng vỗ bì-bạch) và nặng ảnh-hưởng cua Thi-phái Siêu-thực Pháp (kể cả cách lấy nhan-đề thơ, thí-dụ như Un coup de dés ne fait pas le hazard của Mallarmé vào năm 1897 và được Paul Eluard lập lại như Au Coeur de mon amour và Mourir de ne pas mourir vào năm 1926). Ông viết nhiều tập thơ khác: Fleur de Jade (1943), Poèmes sur soie (1961), White man, Will I be Your Survival machine? ( un poème en 1981). Ông viết vài kịch: Le Rideau de pluie (1974) và điệu-múa-thơ (ballet-poème) Danse avant l'Aube. Các chuyện gợi chủ-đề Đông-tây như Frères de sang (1947), Celui qui régnera (1954), Des femmes assises cà et là (1964). Cuốn Perdre la demeure (1961) nói về sự gặp-gỡ Đông-tây và sự chuyển-biến của Nhật-bản dưới thời Minh-trị, qua góc cạnh cổ-truyền và đổi-mới.

Nhận xét

Yeager viết rằng Phạm văn Ký là văn-sĩ Việt viết bằng Pháp-ngữ có nhiều tác-phẩm được xuất-bản và tán-thưởng vào hạng nhất. Ông đặt vấn-đề giao-thoa Đông-tây và tân-cựu. Nguyễn Vỹ nói ông là "tiên-phong và đại-diện độc-đáo của Thi-phái Siêu-thực (Sur-réalisme) ảnh-hưởng của Pháp". Nguyễn Vỹ gọi đó là "thơ bí-hiểm". Nguyễn Hồng Nhiệm có viết một luận-án về Phạm văn Ký vào năm 1982 tại đại-học Massachusetts.-Amherst. Nhan-đề luận-án ghi là L'Echiquier et l'antinomie je / moi comme signe et substance du conflit Occident / Extrême Orient dans les oeuvres de Pham van Ky.

 


 Ngô Bắc dịch và phụ chú

24/1/2011  
    

 http://www.gio-o.com/NgoBac.html

© gio-o.com 2011


============

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét