Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2023

bài đáng đọc : " để tưởng niệm PGS Đặng Anh Đào [ 1934- 2023 ] / Huỳnh Như Phương [ 1955- / tphcm -- trích: vanvn.vn.

 

Nhớ và quên – Để tưởng niệm PGS Đặng Anh Đào

Vanvn- Cuốn sách Nhớ và quên của Phạm Hồng Sơn và Đặng Anh Đào gợi nhớ đến Đường sáng trăng sao của Nguyệt Tú mà tôi đọc cách đây mấy năm. Hồi ký của Nguyệt Tú ghi lại đường đời và hoạt động cách mạng của tác giả – nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Phụ Nữ – với người bạn đời là nguyên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo. Còn Nhớ và quên là hồi ký song đôi của một đôi bạn “văn võ song hành”: Trung tướng, Giáo sư, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Phạm Hồng Sơn và nhà văn, Phó Giáo sư văn học Đặng Anh Đào. Họ thuộc vào một thế hệ đã chứng kiến một thời kỳ lịch sử đặc biệt của dân tộc và góp phần làm nên những kỳ tích không lặp lại của đất nước.

PGS-TS Đặng Anh Đào (1934 – 2023)
Nhớ và quên, Hồi ức và chân dung của Phạm Hồng Sơn và Đặng Anh Đào, NXB Phụ Nữ, tháng 01.2011.   

>> Nhà nghiên cứu, dịch giả Đặng Anh Đào qua đời

 

Phần thứ nhất của cuốn sách có tiêu đề “Nửa đời chiến trận” là hồi ký của Phạm Hồng Sơn, tên lúc nhỏ là Phạm Thành Chính – người cháu ruột của liệt sĩ Phạm Hồng Thái, viết về đoạn đường chiến binh từ khi người sinh viên Luật khoa tham gia phong trào yêu nước trước Cách mạng Tháng Tám, rồi sau đó xếp bút nghiên đi kháng chiến cho đến khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ.

Phần thứ hai có tiêu đề “Vầng trăng khuyết” do Đặng Anh Đào viết, bổ sung và nối tiếp “Nửa đời chiến trận”, từ khi người chiến binh hứa hôn với người con gái thứ tư của giáo sư Đặng Thai Mai. Từ đây, những câu chuyện chiến trường thời chống Mỹ được kể lại dưới góc nhìn của người vợ ở hậu phương.

Là nhà thi pháp học, nhà phê bình văn học và người viết văn xuôi nhuần nhị, Đặng Anh Đào như cố nén mình lại để cho các sự kiện và chứng liệu tự nó lên tiếng. Bà sắp xếp và khai thác những lá thư gửi về hậu phương, những trang sổ tay và nhật ký chiến trường của Phạm Hồng Sơn, rồi liên kết với những tư liệu lịch sử sưu tầm được trong sách báo, để tái hiện lại không khí ác liệt của cuộc kháng chiến và chân dung người anh hùng nơi tiền tuyến. Đồng thời, những trang viết của bà cũng cho chúng ta hình dung cuộc sống khó khăn và tâm tình của người hậu phương qua những lá thư gửi từ miền Bắc.

Những ghi chép từ chiến trường, do hoàn cảnh khắc nghiệt của nó, đôi khi sơ lược và chỉ thuần sự kiện, đã được bổ sung bằng sự phân tích của một nhà bình luận chuyên nghiệp. Có thể nói, Đặng Anh Đào đã thay chồng viết tiếp phần sau “Nửa đời chiến trận”, khi mà trí nhớ của Phạm Hồng Sơn không cho phép ông hoàn thành công việc của “người lính già đầu bạc, ngồi kể chuyện Nguyên Phong”. Những điều ông ghi chép, dù vắn tắt bằng ngôn ngữ tường thuật “trung tính”, nếu người đọc tinh ý, vẫn nhận ra giá trị của một chứng liệu trung thực. Chẳng hạn, những đoạn ông viết về Cách mạng văn hoá ở Trung Quốc, về cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân, mà bà trích dẫn.

PGS Đặng Anh Đào và GS Huỳnh Như Phương ở Paris, Pháp năm 1999

Hồi ký Đường sáng trăng sao của Nguyệt Tú có giọng văn nồng nàn, đầy chất trữ tình, bộc lộ ngay từ nhan đề cuốn sách. “Vầng trăng khuyết” của Đặng Anh Đào cũng là một hình tượng lãng mạn qua ngòi bút của một nhà văn mà phong cách tinh tế, đầy chất thơ đã từng thể hiện trong tác phẩm Tầm xuân. Nhưng ở đây, giọng văn của bà đạm hơn là nồng, hình như bà muốn “chỉnh sửa” mình cho nghiêm nghị một chút khi đứng cạnh ông tướng chăng. Tuy nhiên, đôi lúc bà cũng không kiềm chế được, đã để cảm xúc tuôn trào theo dòng câu chuyện, nhất là ở phần “Vĩ thanh”: “Giang sơn biến đổi. Số phận những người đồng đội, sau hai cuộc chiến đấu trường kỳ, ở thế kỷ 21 ra sao, một khi đã tản mát về bốn phương trời? Trong khoảng bấy nhiêu năm, âm vang của họ giống như những viên sỏi ném xuống mặt nước, lúc đầu lan toả thành những vòng tròn đậm và dày, sau càng thưa, càng mờ” (tr. 264).

Gần tuổi 90, trung tướng Phạm Hồng Sơn vẫn khoẻ mạnh, duy trí nhớ thì suy giảm nhiều. Giáo sư Đặng Anh Đào cố gắng hoàn thành cuốn sách này để kịp ghi giữ lại những điều mà vì tuổi tác, cả ông và bà rồi sẽ không còn nhớ nữa. Quả thật, trong cuộc sống, nhiều điều rồi sẽ bị lãng quên. Nhưng cũng có những năm tháng, những chân dung và kỷ niệm mà ta không nên quên lãng và cũng không thể nào quên được.

TP. HCM – 2011

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG


=============

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét