N
& Bạn Hữu
Văn Học và Đời Sống
Annie Ernaux: CHỈ LÀ NỖI ĐAM MÊ (Kỳ 4-HẾT)
10
Tôi khởi sự viết “Từ dạo tháng 9 năm ngoái, tôi chẳng làm gì ngoài việc ngồi chờ đợi một người…,” khoảng hai tháng sau khi A ra đi; tôi không nhớ ngày tháng chính xác. Mặc dù tôi có thể nhớ lại được hết tất cả những gì đã xẩy ra trong suốt khoảng thời gian chúng tôi gặp gỡ nhau – cuộc nổi dậy tháng 10 ở Algeria, cái nóng và bầu trời mù mịt hôm 14 tháng 7 năm 1989, cả những chi tiết không có gì đáng chú ý như việc tha bổng một người thợ pha màu vào tháng 6, một ngày trước khi chúng tôi gặp nhau – nhưng tôi lại thấy mình không thể nào nối kết được một trang viết nào đó với một trận mưa bão, hay bất cứ sự kiện nào xẩy ra trên thế giới trong 5 tháng qua: sự sụp đổ của bức tường Bá Linh hay cuộc xử tử gia đình Ceausescus. Sống với nỗi đam mê cuồng nhiệt của mình hay viết lách: trong mỗi trường hợp, ý niệm về thời gian của người ta về cơ bản khác nhau hoàn toàn.
Dù vậy, khi khởi sự viết, tôi muốn được ở trong khoảng thời gian của sự đam mê đó, khoảng thời gian mà mọi hành động của tôi – từ việc chọn một cuốn phim để coi cho đến việc chọn mua một thỏi son – đều được lọc qua hình ảnh một người. Thì quá khứ sử dụng trong phần thứ nhất của quyển sách này nhằm ám chỉ một sự lập đi lập lại liên tục và truyền đạt sự tin tưởng rằng “trong những ngày ấy, cuộc sống của tôi tươi đẹp hơn rất nhiều.” Nó cũng gợi lên trong tôi một nỗi đau khó tả khi nhớ lại những ngày tháng khó ở vì mệt mỏi chờ đợi những cú điện thoại và những cuộc viếng thăm của A (ngay cả bây giờ, đọc lại những trang viết đầu của quyển sách, tôi vẫn có cùng một cảm giác phiền muộn như khi đưa tay cầm lấy chiếc áo ngủ A thường mặc mỗi khi đến nhà và chỉ cởi ra khi chàng thay quần áo để chuẩn bị ra về. Tuy nhiên, vẫn có một sự khác biệt: những trang viết này luôn luôn mang một ý nghĩa nào đó cho tôi, và cũng có thể cho những người khác nữa. Trong khi đó, chiếc áo ngủ – chỉ có ý nghĩa với tôi – một ngày nào đó sẽ mất đi tất cả những gì gọi là ý nghĩa của nó và sẽ bị ném vào đống giẻ rách dùng để lau chùi. Khi viết những dòng này, tôi hy vọng sẽ giữ được cho chiếc áo không bị chìm vào sự quên lãng.)
Và tôi vẫn tiếp tục cuộc sống của riêng tôi. Nói cách khác, việc viết lách cũng không thể làm giảm nhẹ đi nỗi đau khổ của mình. Mỗi khi buông bút, tôi lại cảm thấy nhói đau vì nghĩ đến hình ảnh một người đàn ông có giọng nói mang nặng âm hưởng ngoại quốc của chàng tôi không còn nghe được nữa, làn da của chàng tôi không bao giờ được ve vuốt nữa; giờ đây người ấy đang sống một cuộc sống tôi không hề biết được chút gì trong một thành phố lạnh lẽo nào đó – cái con người thực sự ngoài đời ấy, vốn khó đến gần hơn rất nhiều so với con người trong những trang viết được biểu hiện bằng cái tên A. Vậy nên, tôi tiếp tục làm những việc giúp tôi khuây khỏa nỗi buồn, đem lại niềm hy vọng, dù về lý thuyết, không còn gì để mà hy vọng nữa: kiên nhẫn chờ đợi, ném vào bát của người hành khất ngồi ở trạm metro Auber một đồng xu 10 quan rồi thầm ước “chàng sẽ gọi, chàng sẽ quay lại” (có lẽ, viết cũng là một trong những điều tôi làm mang mục đích này.)
Mặc dù không muốn gặp gỡ, tiếp xúc với bất cứ ai, tôi nhận lời đi dự một hội nghị ở Copenhagen, vì đó là một cơ hội để tôi kín đáo nhắn tin cho chàng: một bức bưu thiếp gởi đi, tôi tin chàng sẽ trả lời. Khi vừa đặt chân đến Copenhagen, tôi không nghĩ đến bất cứ việc gì khác: lập tức đi mua một tấm bưu thiếp, viết xuống đôi dòng mà tôi đã cẩn thận soạn thảo trước khi rời nhà, rồi tìm một hộp thư để bỏ vào, gởi đi. Trên chuyến bay trở về lại nhà, tôi nhớ ra là mình làm cuộc hành trình đến Đan Mạch chỉ để làm duy nhất một việc: gởi bưu thiếp cho một người đàn ông.
Tôi cảm thấy muốn đọc lại những quyển sách tôi đã lướt qua lúc chàng vẫn còn thường xuyên lui tới với tôi. Tôi tin rằng sự chờ đợi và những giấc mơ trong thời kỳ đó đã kết tinh lại trên những trang sách, giúp tôi tái khám phá trọn vẹn nỗi đam mê của mình. Nhưng tôi lại ngần ngại, trì hoãn mãi giây phút mở trang sách đầu tiên; lý do hầu như là vì mê tín, như thể quyển Anna Karenina là một tác phẩm bí truyền, trong đó có chứa đựng những trang sách đặc biệt về sự đau khổ, về những điều rủi ro bị cấm không cho ai được mở tới.
Một hôm, tôi không thể cưỡng lại ý muốn thôi thúc mình quay trở lại khu Passage Cardinet nằm trong quận hạt 17, nơi cách đây 20 năm tôi đã bí mật đến để phá thai. Tôi cảm tưởng như có một mệnh lệnh thầm kín nào đó buộc tôi phải đến để nhìn lại con đường, khu nhà chung cư và leo lên đến tận căn hộ nơi sự việc năm xưa xẩy ra, với một niềm hy vọng mong manh rằng cái quá khứ không mấy gì vui vẻ ấy sẽ giúp tôi quên đi được nỗi đau hiện tại.
Tôi xuống trạm metro Malesherbes, qua một quãng trường mà cái tên của nó – nay đã bị đổi – chẳng có ý nghĩa gì với tôi. Tôi phải ghé lại một tiệm bán thực phẩm để hỏi đường. Những hàng chữ trên bảng đường ghi Passage Cardinet nhưng một phần đã bị xóa đi. Nền chữ có vẻ như mới được sơn lại, màu trắng. Tôi bước thẳng đến số nhà mà tôi còn nhớ được, đẩy mạnh cửa. Đó là một trong vài căn nhà chưa được bảo vệ bằng khóa kỹ thuật số. Trên tường, treo một danh sách bao gồm tên những cư dân sống trong tòa nhà. Bà trợ tá già năm xưa có lẽ đã chết hoặc được chuyển tới nhà dưỡng già ngoài ngoại ô; những người sống trong tòa nhà này hiện giờ thuộc về một tầng lớp có thu nhập khá giả. Khi nhắm hướng Pont-Cardinet, tôi thấy mình đi bên cạnh một bà già, người mà 20 năm trước cứ khăng khăng đòi đưa tôi ra đến tận nhà ga gần nhất; hẳn nhiên là bà không muốn tôi ngất xỉu ngay trên ngưỡng cửa nhà bà với một cái ống tube nằm trong bụng. Tôi tự bảo: “Mình đã từng đến đây mà.” Tôi không biết có sự khác biệt nào không giữa một thực tại đã xẩy ra trong quá khứ và văn chương tiểu thuyết; hay có lẽ chỉ là một cảm tưởng khó tin rằng chính mình đã có mặt nơi đây một ngày của 20 năm trước. Điều mà tôi chắc chắn sẽ không cảm thấy nếu đó chỉ là một nhân vật hư cấu của tiểu thuyết.
Tôi quay lại trạm Malesherbes và bước lên xe điện ngầm. Chuyến đi này không thay đổi được gì như mong muốn; có chăng là tôi cảm thấy hài lòng mình đã chủ động không bỏ lỡ cơ hội làm sống lại một hành vi có tính cách cưỡng đoạt mà nguyên nhân cũng do từ một người đàn ông mà ra.
(Tôi có phải là người phụ nữ duy nhất trở lại viếng thăm nơi mình đã đến để phá thai? Có lúc tôi tự hỏi, liệu việc viết lách của mình có mục đích là tìm xem những người khác có cũng nghĩ, cùng làm giống như mình không, hoặc nếu không, thì liệu họ có xem những việc làm như vậy là bình thường hay không? Có thể tôi cũng mong muốn họ vượt qua được những xúc cảm khi phải trải qua những tình huống tương tự và hãy cố quên đi những gì họ đã từng biết đến, từng đọc đến đâu đó.)
11
Bây giờ là tháng Tư. Đôi khi tôi thức dậy vào buổi sáng mà không hề nghĩ chút gì đến A. Triển vọng của nỗ lực tái khám phá “những lạc thú nho nhỏ của đời sống” – gặp gỡ bạn bè, đi xem phim, thưởng thức một bữa ăn ngon – đã không còn đáng sợ như trước kia nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn còn ở trong trạng thái của đam mê (một ngày nào đó tôi sẽ không còn nhận biết rằng tôi đã không nghĩ đến A khi thức giấc), nhưng nỗi đam mê ấy nay đã có chút thay đổi: nó không còn mang tính liên tục như xưa nữa. (6)
Bỗng nhiên tôi nhớ đến những điều liên quan đến chàng, những điều chàng đã từng chia sẻ với tôi. Thí dụ như lần chàng đi xem đoàn xiệc Moscow trình diễn, chàng khen ngợi người huấn luyện đàn thú ở đó “hết sảy”. Trong một giây ngắn ngủi, tôi cảm thấy mình hết sức bình ổn, giống như mỗi lần tỉnh dậy sau một giấc mơ có chàng hiện diện mà chưa nhận ra là mình đã mơ. Cái cảm tưởng rằng mọi chuyện đã trở lại bình thường và rằng “giờ thì ổn hết rồi.” Nhưng rồi sau đó, tôi nhận ra những lời trấn an này thuộc về một quá khứ khá xa: thêm một mùa đông nữa đã qua, người huấn luyện đàn thú của đoàn xiệc có lẽ không còn ở đó nữa, lời khen ngợi “anh ta hết sảy” thuộc về một thực tại nay đã hết sức lỗi thời.
Trong những lần ngồi nói chuyện với A, đôi khi tôi thoáng thấy một thái độ nào đó của chàng hay bỗng nhận ra một khía cạnh nào đó trong mối quan hệ của chúng tôi mà trước đó tôi đã không để ý tới. Một đồng nghiệp của tôi, trong một buổi uống cà phê, đã thổ lộ anh ta có một mối quan hệ thể xác rất gần gủi với một phụ nữ có gia đình và lớn tuổi hơn mình: “Ra khỏi nhà nàng, tôi cảm thấy mình vô cùng khích lệ; tôi hít thở không khí với niềm sảng khoái của một anh đàn ông tin mình lúc nào cũng có thể làm một người phụ nữ thỏa mãn.” Tôi nghĩ ngay đến A và tin rằng chàng có thể đã từng có chung một cảm xúc với người bạn đồng nghiệp của mình. Tôi cảm thấy vui với ý nghĩ này dù không có cách nào kiểm chứng được chàng có thực sự nghĩ như vậy hay không, như thể tôi đã nắm giữ được một điều vĩnh cửu mà không một thứ hồi ức nào có thể truyền đạt nổi.
Tối nay, trên xe điện ngầm, ngồi đối diện tôi là hai cô gái trẻ. Tôi thoáng nghe một cô nói, “họ có nhà ở Barbizon.” Tôi ngạc nhiên sao cái tên nghe quen thuộc với tôi. Trong vài phút, tôi nhớ lại có lần A bảo tôi chàng đã ở đó vào một ngày chủ nhật nào đó với vợ. Đó là một hồi ức như những hồi ức khác. Chẳng hạn, một địa danh như Brunoy, nơi một người bạn cũ nay tôi không còn liên lạc được nữa đã từng ở đó. Điều đó có nghĩa là thế giới chung quanh tôi bắt đầu hiện hữu trở lại mà không nhất thiết phải có liên quan đến A? Người huấn luyện đàn thú của đoàn xiệc Moscow, chiếc áo choàng ngủ A mặc mỗi khi ghé nhà tôi, Barbizon và toàn bộ những ý tưởng hiện ra trong đầu tôi trong từng ngày nối tiếp nhau kể từ đêm đầu tiên, những câu chữ, hình ảnh, động tác, tất cả nội dung của một quyển tiểu thuyết chưa được viết về một nỗi đam mê cháy bỏng đang bắt đầu rã ra từng mảnh. Trong số những gì được viết ra, quyển sách này chỉ là phần còn sót lại, một thứ vết tích nhạt nhòa. Một ngày nào đó nó sẽ trở nên vô nghĩa với tôi, cũng giống như bất cứ những ai liên quan đến nó.
Dầu vậy, tôi vẫn chưa thể dứt khoát chia tay với nó; giống như mùa xuân năm ngoái, tôi đã không thể nào cắt đứt mối quan hệ với A, khi mà sự mong muốn và khao khát của tôi với chàng vẫn cứ mãi dai dẳng. Tôi nhận thức rất rõ rằng tôi không thể mong đợi bất cứ điều gì từ sự viết lách, vì viết lách không giống như đời sống thực, nó luôn luôn loại trừ những gì không mong đợi. Tiếp tục viết cũng có nghĩa là trì hoãn sự tổn thương của việc công bố những trang viết này đến người đọc. Tôi không hề coi đây là một tình huống có thể xẩy ra bao lâu tôi còn cảm thấy có nhu cầu phải viết tiếp. Nhưng, giờ đây, nhu cầu này của tôi đã được thỏa mãn. Tôi ngắm nhìn những trang giấy đầy chữ với một sự kinh ngạc và một cảm giác tương tự như sự xấu hổ, những cảm tưởng mà trước đây – khi còn đắm chìm trong nỗi đam mê và nhu cầu cần phải viết về nỗi đam mê ấy – tôi đã không hề có. Viễn tượng một ngày nào đó quyển sách sẽ đến tay độc giả đưa tôi đến gần hơn với sự phán xét của công chúng và những chuẩn mực ‘bình thường” của xã hội. (Phải trả lời những câu hỏi đại loại “đây có phải là một quyển tự truyện hay không?” và phải tìm cách biện minh điều này điều kia có thể làm cho nhiều quyển sách không bao giờ được ra đời, ngoại trừ dưới dạng tiểu thuyết hư cấu như một cách để giữ sĩ diện.)
Lúc này đây, ngồi trước những trang giấy phủ đầy các hàng chữ viết tháu mà không ai có thể đọc được, ngoại trừ tác giả, tôi vẫn còn có thể thuyết phục mình rằng đây là những gì rất riêng tư, hầu như trẻ con, không hề có chút hệ quả nào dù dưới bất cứ danh nghĩa nào – và chúng chỉ có thể được xem như một tuyên ngôn về tình yêu hay những chữ tục tĩu tôi hay viết trên trang bìa sau những quyển vở bài tập hồi còn đi học, hoặc bất cứ nội dung gì khác mà người ta viết xuống không một chút nghĩ ngợi, không hề lo sợ bị trừng phạt, phê bình vì sẽ không bao giờ có người nào khác được đọc đến. Một khi tôi bắt đầu ngồi gõ lại những nội dung ấy, một khi chúng trở thành quyển sách gởi đến độc giả, khi ấy tôi không còn là một kẻ vô tội nữa.
12
THÁNG HAI 1991
Tôi có thể kết thúc quyển sách này ở đây và giả vờ tin rằng không một điều gì xầy ra trên thế giới hay trong cuộc sống riêng của mình có thể làm thay đổi nội dung đã được viết xuống. Nói cách khác, tôi có thể xem như thế là đã hoàn tất và tác phẩm sẵn sàng cho việc in ấn ra mắt công chúng. Dù vậy, bao lâu mà những trang viết này còn là của riêng tôi, còn trong tầm tay với của mình, như ngay hôm nay đây, thì công việc viết vẫn còn có cơ hội được tiếp tục. Tôi cảm thấy việc nhắc đến một số sự việc vừa mới xẩy ra quan trọng hơn là thay đổi vị trí của một vài tĩnh từ nào đó trong nội dung quyển sách.
Trong khoảng thời gian từ tháng Năm năm ngoái, lúc tôi ngưng viết, cho đến hôm nay 6 tháng hai năm 1991, cuộc xung đội vốn từ lâu được mong đợi giữa Iraq và liên minh quân sự Tây Phương cuối cùng cũng đã nổ ra. Một cuộc chiến tranh được các phương tiện tuyên truyền gọi là “sạch sẽ”, mặc dù Iraq đã nhận được “nhiều bom hơn cả toàn thể nước Đức trong đệ nhị thế chiến” (theo ấn bản buổi chiều hôm nay của tờ Le Monde) và nhiều nhân chứng đã xác nhận rằng trong số các nạn nhân có rất nhiều trẻ em nằm la liệt trên những đường phố Iraq như những kẻ say rượu giữa tiếng bom nổ đinh tai nhức óc. Ở đây, người ta đang chờ cho những thảm họa được tiên đoán là sẽ xẩy ra nhưng trong thực tế chưa xẩy ra: một cuộc tấn công bằng bộ binh của phe đồng minh, Saddam Hussein sẽ phản công bằng vũ khí hóa học, có lẽ siêu thị Galeries Lafayette sẽ bị ném bom. Tôi có cùng cảm giác bất an, cùng nỗi thất vọng khi khao khát muốn được biết rõ sự thật như khi tôi còn đang chìm đắm trong cơn đam mê điên cuồng ngày nào. Những điểm tương đồng mà tôi muốn nhắc đến phải ngừng lại ở đây. Vì trong trường hợp này, không có chỗ cho những tưởng tượng không có thật.
Vào buổi chiều ngày chủ nhật đầu tiên sau khi chiến tranh bùng nổ, chuông điện thoại reo. Giọng của A. Trong một giây bất ngờ, tôi bị sự hoảng hốt chế ngự. Tôi vừa khóc vừa nhắc đi nhắc lại tên của chàng. Còn chàng thì từ tốn, chậm rãi, “anh đây, anh đây mà,” chàng muốn được gặp tôi ngay lập tức. Và chàng sẽ đến bằng taxi. Trong khoảng thời gian 30 phút trước khi chàng đến, tôi thay quần áo và trang điểm với tâm trạng mê loạn. Rồi tôi ra đứng ở lối đi dẫn vào nhà, cổ quàng chiếc khăn chàng chưa từng thấy bao giờ. Tôi nhìn chăm chăm vào cánh cửa bật mở mà không tin ở mắt mình. Như thường lệ, chàng không bao giờ gõ cửa. Chắc là chàng đã uống rượu ở đâu đó rồi; khi ôm tôi, chàng có vẻ như đứng không vững và loạng choạng khi bước lên cầu thang vào phòng ngủ.
Sau đó, chàng đòi uống cà phê. Có vẻ như cuộc sống của chàng ở Đông Âu không khác hồi trước mấy: vẫn cùng một công việc như hồi còn ở Pháp, vẫn không có con cái dù rằng vợ chàng tha thiết muốn có một đứa. Ở tuổi 38, trông chàng vẫn còn phong độ trẻ trung dù ánh nhìn đã tỏ ra mệt mỏi. Móng tay chàng có vẻ ít được chăm sóc, bàn tay không còn được mềm mại như xưa. Có lẽ là vì thời tiết lạnh lẽo nơi xứ sở của chàng. Chàng có vẻ thích thú khi tôi trách móc sao không có một sự liên lạc nào hết kể từ khi gặp nhau lần cuối: “Vậy là em phải gọi điện thoại cho anh; chào anh, anh có khỏe không? Và sau đó?” Chàng đã không nhận được tấm bưu thiếp tôi gởi từ Đan Mạch, vì đó là địa chỉ của nơi làm việc cũ ở Paris. Chúng tôi nhặt mớ quần áo nằm lăn lóc trên sàn nhà mặc lại, rồi tôi lái xe đưa chàng về khách sạn gần L’Etoile. Chúng tôi hôn nhau, ve vuốt nhau trong lúc chờ đèn xanh tại ngã tư Nanterre và Pont-de-Neuilly.
Trên đường về nhà, lúc đi ngang qua đường hầm La Défense, tôi nghĩ, “câu chuyện của mình đến đâu rồi?” rồi thì, “bây giờ mình chẳng mong gì hơn nữa.”
Ba ngày sau, chàng ra đi không một lần chúng tôi gặp lại. Trước lúc lên đường, chàng điện thoại cho tôi, “Anh sẽ gọi cho em.” Tôi không biết chàng sẽ gọi từ nơi xứ sở của chàng, hay từ Paris, khi chàng có dịp quay lại đây. Tôi cũng không buồn hỏi lại.
Tôi mang một ấn tượng rằng lần gặp gỡ cuối cùng đã không bao giờ xẩy ra. Vì nó không phải là một chi tiết thuộc về câu chuyện của chúng tôi. Nó là một dấu mốc thời gian, ngày 20 tháng Giêng. Người đàn ông quay lại với tôi buổi chiều hôm đó không phải là người đàn ông mà tôi đã ôm ấp trong lòng suốt thời gian chàng có mặt ở đây, cũng không phải là người đàn ông trong câu chuyện mà tôi vừa hoàn tất. Tôi sẽ không bao giờ gặp lại người đàn ông ấy nữa. Dù vậy, chính cuộc gặp gỡ cuối cùng rất khó tin là nó thực sự đã xẩy ra ấy, đã mang lại những ý nghĩa đích thực cho mối tình say đắm của tôi với A, vốn trong suốt thời gian 2 năm của một cuộc dan díu hầu như chỉ chứa đựng một thực tại cuồng nộ đến mức khó hiểu và không hề có một chút ý nghĩa nào đáng kể.
Trong bức hình duy nhất của chàng mà tôi còn lưu giữ, tôi có thể nhìn thấy một người đàn ông cao ráo với những nét tương tự như tài tử người Pháp Alain Delon. Tất cả những gì thuộc về chàng đều là những bảo vật đối với tôi – mắt, miệng, dương vật, ký ức thời thơ ấu, giọng nói, và cả cái cung cách quả quyết khi chàng bày tỏ ý kiến của mình.
Tôi đã từng cố để học cho bằng được ngôn ngữ của chàng. Tôi đã giữ một cái ly chàng đã từng đặt môi uống, giữ nguyên như vậy không rửa ráy gì.
Tôi đã từng ước rằng chuyến bay chở tôi về từ Copenhagen bị rớt xuống đâu đó nếu như tôi không còn được gặp lại chàng nữa.
Mùa hè năm ngoái, ở Padua, tôi đã dán bức ảnh chàng lên bức tường nhà mồ của Thánh St. Anthony – cùng với những người khác, kẻ đặt khăn tay, người để những mẩu giấy trên đó viết những điều họ cầu xin – với ước mong chàng sẽ quay về với tôi.
Chàng có “đáng” để được tôi đối xử với chàng như vậy không? Đó không phải là điều tôi quan tâm. Kể cả khi những mê đắm không còn chiếm ngự tôi nữa, như thể tôi không phải là người đàn bà đã từng một thời mê đắm; điều ấy cũng không thể thay đổi một sự thực: nhờ chàng, tôi đã có thể vươn tới được cái ranh giới ngăn chia tôi với những người khác, với niềm tin tưởng rằng rồi cũng có lúc tôi có thể vượt qua được ranh giới ấy.
Tôi đo lường thời gian hơi khác người: bằng cả cơ thể của tôi.
Tôi đã khám phá ra những khả năng một con người có thể làm được, hầu như là bất cứ điều gì: ước vọng cao quý hay xấu xa, thiếu phẩm giá, không có lòng tự trọng, những quan điểm hay niềm tin tưởng mà tôi cho là hết sức vô lý nơi những người khác cho đến khi chính tôi tự mình chia sẻ cùng quan điểm, cùng niềm tin đó. Một cách vô thức, chàng đã dẫn tôi đến gần hơn với thế giới.
Chàng đã có lần bảo tôi, “Em sẽ không viết một quyển sách nào về anh đấy nhé.” Nhưng quyển sách này không phải được viết về chàng, cũng không phải nó đã được viết về tôi. Tôi chỉ làm công việc chuyển dịch thành câu chữ – những câu chữ có lẽ chàng sẽ không bao giờ đọc được; vì chúng không phải được viết cho chàng – cái cách thế mà sự có mặt của chàng trên cõi đời này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của chính tôi. Để cho người khác được biết tới.
Khi còn là một đứa trẻ, sự xa xỉ đối với tôi là chiếc áo choàng lông, là những bộ đầm dạ hội, và những căn biệt thự nằm trên bờ biển. Khi lớn lên, tôi khoác cho nó ý nghĩa một cuộc sống của người trí thức. Giờ đây, tôi cảm thấy rằng sự xa xỉ chính là khả năng sống qua và sống sót một nỗi đam mê mình đã dành cho một người đàn ông hay một người đàn bà.
Annie Ernaux
(T.Vấn chuyển ngữ dựa trên bản Anh ngữ SIMPLE PASSION của Tanya Leslie (NXB Seven Stories Press 2003).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét