Thứ Năm, 8 tháng 12, 2022

" tưởng nhớ hoạ sĩ NGHIÊU ĐỀ "/ Du Tử Lê / Mỹ -- trích: nguoiviet-com>

 Thursday, December 8, 2022

Tưởng Nhớ Hoạ Sĩ Nghiêu Đề


DU TỬ LÊ

[ i.e.Lê Cự Phách 1942- 2019 ]

 

Nghiêu Đề tên thật Nguyễn Tiếp, ông sinh năm 1939 tại Quảng Ngãi. Là con trai trưởng trong một gia đình sáu anh chị em. Học Cao đẳng Mỹ thuật Gia Ðịnh nhưng đã tự rời trường ốc trước khi tốt nghiệp; là một thành viên Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam; Huy chương Bạc Hội họa mùa Xuân 1961, từng tham dự triển lãm tại nhiều quốc gia. Ngoài hội họa, Nghiêu Ðề còn viết văn, làm thơ mà sau này Nghiêu Đề coi như hai “bước lỡ” không nên dấn thân vào.

Tác phẩm đã xuất bản: Ngọn Tóc Trăm Năm (Sài Gòn 1965.) Nghiêu Ðề cùng gia đình đến Hoa Kỳ năm 1985. Ông qua đời ngày 09 Tháng Mười Một, 1998 tại San Diego, California khi chưa tới tuổi 60.

Hoạ sĩ Nghiêu Đề. (Hình: Viet Art Society 1998)

Người khước từ tác phẩm mình: Họa sĩ Nghiêu Đề!

Du Tử Lê

Bây giờ đã 24 năm kể từ ngày dòng văn, học nghệ thuật miền nam Việt Nam bị bức tử. Một chiều dài, dài hơn sự sống, nhịp đập của chính sinh mạng dòng văn học nghệ thuật đó.

Thời gian đủ, nếu không muốn nói là dư cho những người làm công tác lượng giá văn học ở miền Bắc, nghiêm túc đặt lại vấn đề vị trí hai mươi năm văn học miền Nam, trong toàn cảnh. Dù những người làm công việc thẩm định văn học hôm nay ở Việt Nam, có nhìn nhận hay quay lưng với dòng văn học vừa kể, thì những tác giả ngoại quốc nghiên cứu về văn học sử Việt Nam cận đại, cũng đã đề cập tới dòng văn học ấy, như một thực thể rạng ngời nhân bản, đã và đang được dùng để giảng dạy tại các đại học Âu, Mỹ. (1)

Tranh: Nghiêu Đề

Nói thế không có nghĩa tất cả mọi “tế bào mầm” của dòng văn học, nghệ thuật miền Nam 20 năm đã được ghi nhận một cách đầy đủ.

Trong giới hạn của trí tuệ, hoàn cảnh mỗi cá nhân, thậm chí một nhóm người, dù có thể đứng trên giới hạn hay, bung thoát khỏi những vòng phấn định kiến, mặc cảm… thì, theo tôi, dòng văn học ấy vẫn còn rất nhiều những trữ lượng phù sa bồi đắp, vẫn chưa được ghi nhận đầy đủ.

Tôi e rằng, ngay những người sinh trưởng giữa bầu khí văn học miền Nam ngồn ngộn kia, cũng khó nhìn thấy mặt khuất lấp, phía đặc thù vi tế, nếu không thả, buông mình trôi trên những con kênh văn học miền Nam lênh đênh sáng tạo, gập ghềnh nhiều mới mẻ, dị biệt này.

Tôi muốn nói tới những mảng rừng, những vách núi đá dựng kỳ khu, khuất lánh.

Bố Cục Sen. (Tranh: Nghiêu Đề)

Một trong những mảng rừng, những triền núi đá dựng vừa kể, trong ghi nhận của tôi, là tài năng, trí tuệ mang tên Nghiêu Đề/ Nguyễn Tiếp, họa sĩ. (2)

Cũng dầm mình trong dòng sông văn chương từ cuối thập niên (19)50, với những bài lục bát mới mẻ, đăng tải trên tạp chí Bách Khoa – – Cũng bước ra quảng trường hội họa miền Nam đầu thập niên (19)60, tên tuổi Nghiêu Đề đã chói lọi với một huy chương cao quý của bộ môn nghệ thuật này! Nhưng khác hơn những thành công rực rỡ của một số họa sĩ khác, Nghiêu Đề có đó mà, đồng thời cũng hư ảo liền đó. Nó như hai mặt của một đồng xu: Khi ngửa. Lúc xấp.

Ngay bút hiệu Nghiêu Đề, cũng không hề mang một ý nghĩa thâm sâu, bí hiểm nào như nhiều người tưởng, nghĩ.

Nghiêu Đề kể, khi mới bước chân vào sân chơi văn học, nghệ thuật, các bạn ông nói, phải chọn lấy cho mình một bút hiệu! Thay vì loay hoay, vất vả tìm kiếm…, ông mở tự điển hai lần. Nhặt ra hai chữ đầu tiên, tình cờ bắt gặp. Là “nghiêu” và “đề.” Qua sự kiện hi hữu này, nhà thơ, họa sĩ Nghiêu Đề đã sớm cho thấy, ông nhìn cuộc đời, sự nghiệp, danh vọng chỉ như một cuộc chơi. Ngắn ngủi. Và phù phiếm!

Năm 1998, cơ sở Viet Art Society ở miền nam California, khi thực hiện tuyển tập “Nghiêu Đề,” đã đăng lại nguyên văn bài Nghiêu Đề trả lời cuộc phỏng vấn của nhà báo Nguiễn Ngu Í, dành cho tạp chí Bách Khoa số 137, đề ngày 15 Tháng Chín, 1962; có những đoạn như sau:

“… Tôi không thích tranh của tôi được quá một giờ khi vẽ xong. Chúng thường bị úp một xó cho bụi… Tôi mang ơn những thằng bạn thường đến và lấy đi biệt tăm, như thế tôi yên tâm hơn. Mỗi lần bán được một bức tranh, tôi thấy như số tiền đó từ trời rớt xuống. Cho nên tôi vung tay quá trán mà không tiếc. Nhiều khi thấy tiền nó quá nhiều, mình không đáng được! Như một vụ lường gạt! Tôi cảm ơn hết những người yêu tranh tôi về sự rộng lượng của họ – rộng lượng quá sức! (…)

“… Không khỏi nhiều khi – mà nó thường lắm nữa – tôi thấy nghệ thuật như một cái gì không thật. Nó phù phiếm, nó lừa dối như khi tôi nói ‘Anh yêu em.’ Vậy mà tôi biết tôi sẽ nói ‘Anh yêu em’ suốt đời…”

Có thể không ít người cho rằng phát biểu của Nghiêu Đề cách đây gần nửa thế kỷ là cường điệu, lên gân, hay cách nói khinh bạc của một người thành công quá sớm?

Vườn Chuối. (Tranh: Nghiêu Đề)

Với tôi, những phát biểu của họ Nguyễn, là hiện thân của sự chân thật tới trần trụi, khá hiếm hoi trong thế giới nghệ sĩ. (Nó hiếm hoi, như cách ông chọn cho mình, một bút hiệu đầy tính cà rỡn của ông vậy.)

Mặt khác, sau này, chúng ta được biết, được đọc nhiều bài viết về mầu xanh trên khung vải của họa sĩ này hay, họa sĩ kia, như thể đó là thẻ nhận dạng của những họa sĩ tài hoa đó. Nhưng, có dễ cũng ít người biết, ngay từ những năm đầu thập niên (19)60, mầu xanh trong tranh Nghiêu Đề đã được giới thưởng ngoạn ghi nhận như một khám phá, một hình thành mới lạ của tài năng ấy.

Trong bài “Nghiêu Đề, vẻ đẹp nỗi phù du,” nhà thơ Đỗ Quý Toàn viết:

“Hồi đầu 1960 tôi coi những bức tranh Nghiêu Đề tràn ngập một mầu xanh. Cây xanh. Nhà xanh. Những thiếu nữ xanh. Trong một không gian vầng trăng xanh như ngọc. Người cầm cọ và mầu muốn thu cả kinh nghiệm sống vào những khối xanh thẳm giữa bốn cạnh của một miếng vải bố. Một nỗ lực bắt lấy cái vô tận trong một không gian hữu hạn, trong chốc lát gắng vươn lên chạm tới cõi vô cùng…” (3)

Bé Sài Gòn. (Tranh: Nghiêu Đề)

Vẫn là màu xanh làm thành “bản sắc” Nghiêu Đề cách đây trên dưới năm mươi năm, khi viết về ông, họa sĩ Thái Tuấn trong bài “Bóng dáng Nghiêu Đề” ghi nhận:

“Tôi tiếc không được xem bức tranh ‘Chân dung’ anh triển lãm năm (19)61 và được giải Văn Học Nghệ huật. Nhưng qua bức ‘Blue,’ triển lãm ở chín thành phố bên Nhật năm 1969 – như tên của bức tranh, anh vẽ độc nhất một mầu xanh, với những hình thể mới lạ và bằng nét sắc, quyết liệt đó, cho ta thấy ngay người họa sĩ này đang tìm cho mình một đường hướng mới trong khu rừng thăm thẳm, bao la của nghệ thuật.

“Trong số các họa sĩ tôi quen biết, có lẽ Nghiêu Đề là người ít triển lãm nhất. Rất trân trọng trong công việc sáng tác nên ít tranh đã đành, nhưng có khi thật sự như anh vẫn nói: ‘sinh ra đâu phải để làm họa sĩ, chỉ vẽ khi thích vẽ còn không thì rong chơi’…” (4)

Từ chính diện là bộ môn Hội Họa, với mầu xanh mang đầy tính thần thoại và, chân dung những người nữ bước ra từ cổ tích – – Với vinh quang đến sớm, người ta đinh ninh từ đà bay bổng kia, Nghiêu Đề/ Nguyễn Tiếp sẽ vươn tới những tầng trời chóa lòa hơn thế. Nhưng không. Tuyệt nhiên không.

Sau thành tựu cụ thể với huy chương cao quý về hội họa năm 1961, Nghiêu Đề đã ném mình vào những cuộc chơi khác. Những cuộc chơi mang tên báo chí. Những cuộc chơi mang tên thi ca, truyện ngắn. Những cuộc chơi mang tên “bá láp,” “tầm xàm,” như ông thường tự nhận.

Nhưng trong bầu trời nào, giữa sân chơi nào, thủy chung ông vẫn là ông. Ông vẫn là một Nghiêu Đề thong dong. Khinh bạc. Bất cẩn với chính cá nhân mình.

Giải mã bản chất lấy “rong chơi” làm tiêu chí sống cho đời mình, Nghiêu Đề nói: “Tất cả mọi sự đều bắt nguồn từ tính biếng nhác và rất mau chán của tôi…”

Sự biếng nhác, hãy tạm bằng lòng với cách nói của họ Nguyễn, là một “biếng nhác” khó thấy nơi những đời bình thường khác.

Hoạ sĩ Nghiêu Đề và gia đình. (Hình: Giang)

Tôi trộm nghĩ khó ai có thể cứ tiếp tục làm biếng khi biết rõ rằng, chỉ cần bước tới giá vẽ, với những nét cọ thần thoại, lát dao cùng game mầu cổ tích vốn sẵn đó, và cuối cùng chỉ cần ký một chữ ký nhỏ bé “Nghiêu Đề” nơi một góc thích hợp, khiêm tốn nào đấy của bức tranh, đời sống vật chất của người ấy sẽ đổi khác!…

Tuy nhiên, điều tưởng chừng đơn giản kia, đã không xẩy ra nơi Nghiêu Đề. Tuyệt nhiên không.

Một bằng hữu có chiều dài tình thân với Nghiêu Đề qua nhiều năm, tháng cho biết, sự “bất động” nơi Nghiêu Đề, sở dĩ có, chỉ vì ông chưa tìm được cho hội họa, cho văn chương của ông, một mới lạ, lớn.

Sự biếng nhác, hãy cứ tạm bằng lòng với cách nói của họ Nguyễn, một bằng hữu khác của Nghiêu Đề lại lý giải rằng: Nó mang ý nghĩa của một nỗ lực lao lung, tìm kiếm một tương thông hạnh phúc cho cuộc hôn phối lý tưởng giữa thi ca và hội họa – – Là bước đường mà người nghệ sĩ tuy đề cao chủ nghĩa “hư vô,” nhưng lại hằng mơ ước bước tới.

Ngọn Tóc Trăm Năm, truyện Nghiêu Đề – Bìa Nguyễn Trung. (Hình: RFA)

Phải chăng vì thế mà, người ta đã thấy khá nhiều lý chứng trong những bài thơ họ Nguyễn viết rải rác suốt mấy chục năm có mặt. Như những thăm dò cho cuộc hứa hôn giữa chữ nghĩa và sắc mầu, đường nét, mà trích đoạn trong bài thơ nhan đề “Về Mẹ Công Tôn Nữ Lệ Chi” của ông, viết ở quê người là một thí dụ:

Ta có chú ngựa ngon lành lắm
vẫn bay ngang trời đất tuyệt vời
đêm dẫn ta về rừng chơi núi
thâm sơn tàng trữ chỗ rong chơi
ngồi Khe Sanh nghe bạn bè đàn hát
khúc tử sinh hỉ hả làm vui
trăng ngọc sáng trăng vùng tưởng nhớ
vằng vặc soi nẩy hạt cơm trời
nhà ta có cánh bay đầy núi
rừng giấu con đường xúm xít vui xưa
Trăng đi biệt có hàng phố nhớ
bụi bay, vàng con ngõ, ngày mưa
vẫn con đường Lý Trần Quán cũ
trần thân lăn khắp ngõ – đã chưa!
con đường thuở rong rêu, nước tiểu
cửa rộng dung chờ đứa con hư
hiên nhỏ có hàng cây bông giấy
chết tươi khi làng nước đổi đời…” (5)

Tôi không biết bài thơ cho mẹ của họ Nguyễn được viết trong khoảng thời gian nào, thuộc những năm tháng ông ở thành phố San Diego. Chỉ biết và nhớ, ông đã bỏ lại tất cả, để thong dong trở về hư không ngày 9 Tháng Mười Một, 1998.

Nghiêu Đề đã trở về với thế giới, với định mệnh của riêng ông. Ông để lại cho chúng ta tất cả mọi thành tựu (lẫn thất bại!)

Những để lại tiêu biểu của Nghiêu Đề tưởng không nhiều. Nhưng ngẫm kỹ, mới thấy nó ngây ngất bao la dường nào!

Như mầu xanh cổ tích, chân dung thiếu nữ và, ngựa trong tranh của ông, sẽ còn mãi nơi chúng ta, có phải?

Du Tử Lê

[ 1942- 2019]

(23-12-2010) (*)

______

Chú thích:

(1) Thí dụ như tác phẩm biên khảo văn học nhan đề “Understanding Vietnam” của giáo sư Neil L. Jameison do Univeristy of California Press (Berkeley – Los Angeles – London) ấn hành lần thứ nhất năm 1993.

(2) Theo Tuyển tập “Nghiêu Đề” do cơ sở Việt Art Society xuất bản tại California năm 1998 thì, họa sĩ Nghiêu Đề sinh năm 1939 tại Việt Nam. Ông theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định. Thành viên sáng lập và, cũng là Tổng thư ký Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, Sài Gòn 1965. Ông được trao tặng Huy Chương Bạc trong cuộc triển lãm Hội Họa Quốc Gia 1961. Ông có một số cuộc triển lãm cá nhân tại Việt Nam và ngoại quốc…

(3), (4), (5): sđd.

(*) Bài viết này được hiệu đính từ bài viết tìm thấy trong tuyển tập “Nghiêu Đề” do Việt Art Society xb năm 1998, với tựa đề khác hơn tựa đề cũ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét