Tiểu luận | |
Nhất Linh trong sự tiếp nhận của văn học miền Nam 1954 -1975Trần Hoài Anh | |
1.Mở đầu
Không phải ngẫu nhiên, trên tạp chí Văn, một trong những tạp chí có uy tín về nghiên cứu và sáng tác văn chương danh giá ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, thi sĩ Vũ Hoàng Chương, trong bài thơ viết nhân ngày giỗ đầu của Nhất Linh, một chủ tướng của Tự Lực Văn Đoàn, người có cuộc đời hoạt động văn chương sôi nổi, góp phần đặt những “bậc cấp” khởi đầu cho sự phát triển của văn học Việt Nam trên con đường hiện đại hóa, đã viết những vần thơ đầy cảm xúc như tổng kết về cuộc đời và văn chương Nhất Linh: “Hạc vàng bay đi…/ Lầu hoang sầu vây quanh;/ Đường ngôi hoang khói sóng bơ phờ/ Bướm trắng bay đi…/ Bầy lan run rẫy mộng,/ Gai rừng khuya xé rách cánh bơ vơ./ Một con người mê đời như ai kia!/ Tài hoa như ai xưa!/ Nức tiếng văn hay một thời./ Uổng cho Sông Sen chưa từng hé nhụy!/ Sông Dương chưa hề buông tơ!/ Chỉ u uất một giòng Thanh thủy,/ Nối vần mây còn lạc điệu hai bờ” [3, tr.83]. Còn trong cái nhìn của Nguyễn Văn Trung về con người và văn nghiệp Nhất Linh thì: “Nhìn vào toàn thể cuộc đời Nhất Linh, có thể Nhất Linh đã là nạn nhân của những ảo tưởng văn học, chính trị , xã hội của chính ông. Nhất Linh tiêu biểu cho một lớp người trí thức tư sản thành thị, thức tỉnh trước những đòi hỏi của dân tộc, của lương tâm nhân loại, nhưng chưa bao giờ tìm ra đúng con đường phù hợp với hướng đi lịch sử dân tộc và do đó đáp ứng lại một cách hiệu nghiệm những đòi hỏi của đất nước” [16, tr.80]. Và ông cho rằng: “Nhất Linh khi còn sống chịu nhận những ảo vọng chính trị, nhưng vẫn bằng lòng với sự nghiệp văn học của mình. Tôi có cảm tưởng lúc sắp chết trong cô đơn, có lẽ Nhất Linh cũng nhận ra luôn những ảo vọng văn học của mình. Ảo vọng không phải hẳn vì những tác phẩm khó chống lại sự thử thách lâu dài của thời gian cho bằng vì chính sự thất bại của dự phóng viết, sứ mệnh tiêu biểu nói lên sự thật của nhà văn. […] Cái gì còn lại, sau những thất bại, những ảo tưởng của một cuộc đời nhà văn. Đó là một thái độ sống. Và đối với tôi, đó cũng là điều quí nhất mỗi lần tôi tưởng niệm tới Nhất Linh” [16, tr.81]. Có thể nói những cảm nhận đầy suy tưởng của Vũ Hoàng Chương và Nguyễn Văn Trung về cuộc đời và văn nghiệp của Nhất Linh cũng là những vấn đề đặt ra khi tiếp nhận Nhất Linh trong văn học miền Nam 1954-1975.
2. Những bình diện tiếp nhận Nhất Linh trong văn học miền Nam 1954-1975
2.1. Nhất Linh với tiến trình vận động của lịch sử văn học nước nhà
Khi tiếp nhận Nhất Linh, một trong những vấn đề các nhà nghiên cứu văn học ở miền Nam quan tâm, đó là việc tìm hiểu và thẩm định những đóng góp của ông đối với nền văn học nước nhà, đặc biệt là ở những năm đầu thế kỷ kỷ XX. Bởi, trong cái nhìn của các nhà nghiên cứu văn học, sự hiện hữu của Nhất Linh giữa cuộc đời chính là tác phẩm cùng sự đam mê và tinh thần dấn thân của ông cho sự tồn sinh cũng như hiện đại hóa văn chương Việt. Điều nầy được xác tín qua việc Nhất Linh thành lập Tự Lực Văn Đoàn, tổ chức báo Phong Hóa, Ngày Nay để phổ biến tác phẩm của các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn trẻ, góp phần bồi dưỡng nhân lực, phát hiện nhân tài cho văn chương Việt trong những tháng năm “chập chửng” bước vào thời kỳ hiện đại. Xác quyết về vai trò của Nhất Linh và những đóng góp của ông đối với văn học sử nước nhà, Nguyễn Văn Xung trong bài viết: “Thử xác định vị trí của Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam trong văn học sử và trong lịch sử Việt Nam”, Văn số 14 ra ngày 16/7 /1964, đã chia sẻ: “Mặc dù có trên ba thế kỷ lịch sử từ khi phát sinh cho mãi đến năm 1932, nền văn học Quốc ngữ chỉ mới trải qua hai trạng thái phôi thai và trưởng thành. Nó chỉ có thể được xem như thật sự thành lập khi nó đã khai sinh ra các tác phẩm văn nghệ thật sự có giá trị về mọi bộ môn tiểu thuyết, kịch bản, thi ca và phê bình. Và như thế người ta có thể nói là nền văn học quốc ngữ chính thức thành hình với sự xuất hiện của Nhất Linh, Nguyễn Tường Tam cùng với Tự Lực Văn Đoàn và các văn phái khác cùng chung hay khác khuynh hướng. Tên tuổi Nhất Linh quả đã gắn liền với một giai đoạn khởi sắc của nền văn học quốc ngữ mở đầu bằng một phong trào sáng tác sâu rộng” [18, tr.4]. Và, để biện minh cho sự xác quyết của mình về vị thế cũng như sự dấn thân của Nhất Linh cho văn học nước nhà, Nguyễn Văn Xung, một lần nữa đã minh chứng từ những hoạt động của Nhất Linh: “Nguyễn Tường Tam ra đời khi thế kỷ mới vừa có 4 tuổi. Hưởng thụ một nền văn học đã đến tuổi trưởng thành, con người có nhiều khả năng văn nghệ đó đã sớm ý thức được sứ mệnh lịch sử của mình trong văn học dân tộc […] dịp may đưa đến, năm 1934 ông Phạm Hữu Ninh chuyển trao cho ông công việc điều khiển tạp chí Phong Hóa với một số vốn độc giả nghèo nàn. Bắt đầu từ đây Nhất Linh đem hết năng lực của mình phục vụ cho văn học” [18, tr.5]. Cùng quan điểm với Nguyễn Văn Xung, khi nhìn nhận về vị thế cũng vai trò của Nhất Linh đối với lịch sử văn học dân tộc, Nguyễn Hữu Trọng trong bài viết “Nhất Linh con phượng hoàng gẫy cánh”, tưởng niệm Nhất Linh sau bảy năm ngày ông “đi ra ngoài cõi sống”, cũng khẳng định Nhất Linh là “một trong những người khai phá văn học thế kỷ XX […] Bảy năm qua, văn đàn Việt Nam chính thức mất một tay kiện tướng, chính giới Miền Nam mất đi một kẻ nhiệt thành. Đã hơn bảy năm, tên tuổi Nhất Linh chính thức đi vào lịch sử, lịch sử Văn Học lẫn Lịch Sử Đất Nước” [15, tr.15].
Trong niềm cảm xúc ngập tràn và sự trân trọng những đóng góp của Nhất Linh với văn học nước nhà, trong bài viết “Tưởng nhớ văn hữu Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam”, Văn học 109, ra ngày 15/7/1970, với tư cách là Chủ tịch Trung tâm Văn Bút Việt Nam (VIỆT NAM P.E.N. CLUB) lúc bấy giờ, Thanh Lãng đã xác tín ngôi vị của Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam trong nền văn học dân tộc mà theo ông: “Năm 1932, khi Phạm Quỳnh bỏ Nam Phong đi làm quan, làm cho người ta thương tiếc, tưởng như nền văn học Việt Nam sẽ suy sụp, thì ngược lại chính lúc ấy, anh xuất hiện với báo PHONG HÓA rồi với báo NGÀY NAY, anh và các bạn anh đã khai sinh ra hẳn một thế hệ văn học mới mà anh là thủ lĩnh, là tổng thống trong cái nước cộng hòa Văn học từ 1932-1945. Anh đã đem lại cho thanh niên, thiếu nữ cả một đường hướng suy nghĩ, cảm xúc và viết văn mới” [7, tr.6]. Tuy nhiên, với một cái nhìn bình tỉnh, công bằng và khách quan Nguyễn Văn Xung, nhà nghiên cứu văn học và mỹ học cho rằng: “Cái phong trào văn học nghệ thuật rộng lớn từ sau 1930 không phải hoàn toàn chỉ là công trạng của Nhất Linh, Tự Lực Văn Đoàn và các cộng tác viên gần gũi. Phải nhận rằng các văn phái khác cũng có nhiều đóng góp đáng kể […] Nhưng nhìn chung suốt thời kỳ văn học đó, người ta phải nhìn nhận rằng Nhất Linh là người có nhiều công lao nhất: Cái công khởi xướng, dìu dắt nâng đở và nuôi dưỡng cả một trào lưu tiến bộ” [18, tr.7]. Và cho dù từ điểm nhìn nào thì trong sự tiếp nhận của văn học miền Nam 1954-1975, Nhất Linh cũng là một trong những người có vị thế đặc biệt, góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa nền văn học nước nhà. Đây là điều không thể phủ nhận.
2.2. Nhất Linh với Tự Lực Văn Đoàn và báo Phong Hóa, Ngày Nay
Sở dĩ Nhất Linh có một vị thế đặc biệt trong tiến trình hiện đại hóa nền văn học nước nhà, bởi, không chỉ là một nhà văn có tài với những sáng tác có ảnh hưởng sâu rộng trong sự tiếp nhận của người đọc mà ông còn là nhà văn góp phần khai mở những hướng đi mới mang tính khai phóng cho văn chương, văn hóa trong việc cải cách xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, mà việc thành lập Tự Lực Văn Đoàn, báo Phong Hóa, Ngày Nay do Nhất Linh khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo với nhiều hoạt động văn học và hoạt động xã hội đa diện, phong phú đã mở ra những bước chuyển động mới cho nền văn học, văn hóa nước nhà. Việc nhìn nhận về tinh thần “dân tộc, nhân bản và khai phóng” qua hoạt động xã hội, văn học của các tổ chức này còn tùy thuộc vào điểm nhìn của mỗi người. Song, việc xác tín về vai trò của Nhất Linh đối với Tự Lực Văn Đoàn và báo Phong Hóa, Ngày Nay trong việc góp phần hiện đại hóa nền văn học dân tộc là điều cần được khẳng định. Và đây cũng là những điều được các nhà nghiên cứu văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 thẩm định, khi tiếp nhận văn nghiệp Nhất Linh. Trước tiên, theo ý kiến của Nguyễn Mạnh Côn trong bài “Vĩnh quyết Nhất Linh” đăng Văn số 14 ra ngày 16/7/1964, viết sau cái chết của nhà văn Nhất Linh tròn một năm thì “Phải nhiều đời mới có một Nhất Linh thành lập nổi một Văn đoàn Tự Lực, nuôi sống - về tinh thần – được hai tờ Phong Hóa, Ngày Nay. Tôi muốn giữ hình ảnh của Nhất Linh văn nghệ sĩ” [2, tr.43]. Còn Nguyễn Văn Xung thì tôn vinh vai trò của Nhất Linh đối với văn chương nước nhà mà theo ông “Nhất Linh đã đem lại một nguồn phấn khởi mới cho văn chương Việt Nam bằng cách tạo ra một không khí tươi trẻ và lành mạnh cho tạp chí Phong Hóa, khiến tạp chí nầy từ một tuần báo không tiếng tăm, trở thành một cơ quan văn nghệ đầy sinh lực tập trung tất cả những cây bút vững vàng nhất, hăng hái nhất làm trung tâm điểm cho phong trào văn nghệ biểu dương một sức sống mới của một thế hệ trẻ hăng say phục vụ cho văn học và xã hội” [18, tr.5]. Không những thế, Nguyễn Văn Xung còn cho rằng bên cạnh Phong Hóa, Ngày Nay Nhất Linh còn “chủ trương nhà xuất bản “Đời Nay” phát hành những tác phẩm căn bản của Tự Lực văn Đoàn cùng với những tác phẩm của những thiên tài mới được chọn lọc qua các cuộc thi văn chương do văn đoàn tổ chức” [18 tr.6]. Có thể nói, với những hoạt động văn học sinh động này, Nhất Linh đã góp phần rất lớn trong việc phát hiện và biểu dương những văn tài cho văn học nước nhà trong một thời kỳ mới. Đó là “những Đỗ Đức Thu già dặn và trí thức, Nguyên Hồng tượng trưng cho sự tranh đấu gian khổ của một lớp người lao động. Trọng Lang với những thiên phóng sự soi mói vào các khía cạnh bí ẩn của tình đời… […] Ngoài ra những thi sĩ tiên phong trong phong trào Thơ Mới cũng dùng hai tạp chí trên làm nơi gặp gỡ: Những Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Lưu Trọng Lư… và đặc biệt nhất là Xuân Diệu và Huy Cận, hai nhà thơ trẻ khai thác hai bộ diện khác nhau trong tâm hồn của thế hệ trẻ” [18, tr.7]. Còn trong cảm nhận của Vũ Bằng, một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn học khá am tường về đời sống văn học miền Nam trước 1975, khi nói về vai trò của Nhất Linh đối với hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay cũng như Tự Lực Văn Đoàn đã cho rằng: “Có thể nói Hoàng Đạo – Nguyễn Tường Long là:“linh hồn của nhóm Ngày Nay”, nhưng người lèo lái cho báo “Ngày Nay, Phong Hóa” và Tự Lực Văn đoàn sống và phồn thịnh, người ấy chính là Nguyễn Tường Tam” [1, tr.53]. Bởi, theo luận giải của Vũ Bằng: “Nguyễn Tường Tam là một người hành động, một người làm việc cần cù, tin ở tài mình, ở khả năng của mình, tin ở cố gắng của mình. Chính một phần vì thế mà anh đã thành công trong việc xây dựng Tự Lực Văn đoàn…” [1, tr.53]. Riêng với Nguyễn Tường Thiết, con trai thứ của nhà văn Nhất Linh, trong hồi ức khá xúc đông: “Những ngày cuối cùng của Thân phụ tôi” khi nói về tình cảm của Nhất Linh đối với Tự Lực Văn Đoàn, đã chia sẻ về lời cật vấn với Nhất Linh, khi ông hỏi “Bây giờ nghĩ lại tất cả những việc cậu đã làm, cậu thấy hãnh diện về những việc gì nhất?” Cha tôi cười: “thật ra thì chẳng có việc gì đáng tự hào vì chẳng có việc nào cậu cho là đến nơi đến chốn. Nhưng cậu vừa lòng nhất là việc thành lập được Tự Lực Văn Đoàn. Đến bây giờ cậu vẫn tha thiết về vấn đề nầy nhất” [14, tr.55]. Lời “tự thú” thấm đẫm nỗi “đau đời” của Nhất Linh đối với con trai trong những giờ phút cuối đời, khi ông quyết định tìm đến cái chết cũng là tìm cho mình một lẽ sống cũng đã cho thấy tâm huyết của ông đối với việc thành lập Văn Đoàn Tự Lực như thế nào!?. Chính vì vậy, Lê Huy Oanh, trong Thời tập ra ngày 16/9/1974, khi đánh giá về vai trò Nhất Linh đối với Tự lực Văn đoàn đã xác quyết: “Trong thời Tiền Chiến, nhóm Tự lực văn đoàn dưới sự lãnh đạo của nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, đã là một nhóm có địa vị rất quan trọng trong lịch sử văn chương Việt Nam. Nhóm này ngoài Nhất Linh đã qui tụ được một số đông đảo các văn nghệ sĩ quan trọng như Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thanh Tịnh, Thạch Lam, Trần Tiêu, Đỗ Đức Thu, Thế Lữ và cũng đã xuất bản sách cho một số tiểu thuyết gia như Mạnh Phú Tư, Nguyên Hồng […] Trong cả về tác phong lẫn văn tài, Nhất Linh luôn xứng đáng là người lãnh đạo là con chim đầu đàn của nhóm Tự lực văn đoàn. Nhóm này đã thành công lớn trong việc tung ra những tư tưởng mới trong một lối hành văn tinh vi hơn trước nhiều [...] Cuốn Đoạn Tuyệt của Nhất Linh đã là một tiếng vang lớn trong lĩnh vực phát huy văn chương và cải cách xã hội” [9, tr.16, 17]. Đây cũng là cảm nhận của Thế Phong trong Lược sử Văn nghệ Việt Nam – Nhà văn tiền chiến 1930-1945, Vàng Son xuất bản, SG, 1974 khi ông xác quyết: “Tự Lực Văn Đoàn có công trong việc tu bổ cho văn chương chúng ta một lối tiểu thuyết mới mẻ, những bài thơ giá trị, nổi bật cuộc đời thời ấy. Một Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo,Thạch Lam, một Thế Lữ, Xuân Diệu là những người có công lớn với lịch sử văn nghệ chúng ta” [10, tr.108]. Vì thế, theo Nguyễn Duy Diễn trong những năm 1931 - 1932, khi nền văn học nước nhà đương đi vào chỗ suy tàn, thì Nhất Linh xuất hiện: “đúng như mong đợi của mọi người. Với tờ Phong Hóa, một luồng gió mát đầy sinh lực dào dạt thổi vào vườn văn học Việt Nam, báo hiệu một thời kỳ mới đã bắt đầu khai mạc… Đối với Nhất Linh văn chương không phải chỉ dùng để nghiên cứu những tư tưởng những học thuyết, để thỏa mãn cho giai cấp trí thức mà nó phải có tính cách thuyết phục xã hội một cách thiết thực. Do đó nó phải là lợi khí đấu tranh vừa để phá hoại vừa để xây dựng. Phá hoại những tàn tích cũ đã đến lúc mục nát như: Óc mê tín dị đoan, óc xôi thịt [tức là cái thói tranh chấp vị thức để kiếm cái phao câu, thủ lợn]. Đả phá những phong tục tập quán hủ bại gây nên do chế độ gia đình phong kiến như mẹ chồng nàng dâu, môn đăng hộ đối, nam tôn nữ ti v. v… Bài xích óc bảo thủ, óc tôn ti trật tự hà khắc, óc quan liêu khệnh khạng cũng như cái thái độ khiếp nhược, khúm núm, hậu quả của của mấy ngàn năm phong kiến. Đả phá chế độ thực dân bóc lột cùng với tay sai của chế độ, tức là bọn tham quan ô lại” [4, tr.42]. Song, theo Thế Uyên, không phải như một số người ngộ nhận [trong cuốn văn học sử chính thức dùng trong các lớp trung học], khi cho rằng: “về cả chủ trương của Tự Lực Văn Đoàn là quá cực đoan với cái cũ, bất cứ cái gì cũ cũng đòi phá hủy”. Nhưng “Sự thực đối với tục lệ cũ, các bác các chú tôi không hề có thái độ cực đoan như vậy. Các ông đã chỉ làm một chọn lựa lại; xét lại tất cả các tục lệ bắt nguồn từ văn hóa cũ, chỉ đã phá những gì thực sự là hủ tục. Không những thế trên thực tế còn đề cao, còn phục hồi những tục lệ thuần chất dân tộc” [17, tr.55]. Và, cho dù còn có những ý kiến khác nhau nhưng vai trò của Nhất Linh đối với Tự Lực Văn Đoàn, báo Phong Hóa, Ngày Nay trong việc góp phần hiện đại hóa nền văn học, văn hóa nước nhà theo hướng cải cách để canh tân đất nước là một hệ giá trị cần được ghi nhận. 2.3. Nhất Linh - Tài năng nghệ thuật và Sự nghiệp văn chương Như đã nói ở trên, một trong những vấn đề căn bản trong việc tiếp nhận Nhất Linh ở đời sống văn học miền Nam 1954 -1975, đó là hành trình sáng tạo văn chương và những đóng góp của ông cho văn học dân tộc. Vì vậy, bên cạnh việc nhìn nhận vị thế của Nhất Linh trong nền văn học nước nhà cũng như sự đóng góp của ông đối với đời sống văn học những năm 1932-1945 qua các hoạt động như thành lập Tự Lực văn đoàn, tổ chức báo Phong Hóa, Ngày Nay, thì việc nhìn nhận đánh giá về tài năng nghệ thuật và sự nghiệp văn chương của Nhất Linh cũng là một bình diện trong trường tiếp nhận về Nhất Linh ở văn học miền Nam. Song, nếu những vấn đề nêu trên về Nhất Linh dễ dàng có sự thống nhất thì ở bình diện này còn có những kiến giải khác nhau, thể hiện một cái nhìn đa chiều trong việc đánh giá về văn tài của Nhất Linh của các nhà nghiên cứu.
Với cái nhìn toàn diện về hành trình sáng tạo nghệ thuật của Nhất Linh, Nguyễn Văn Xung cho rằng: “Nhất Linh đã đóng góp vào hầu hết các bộ môn văn nghệ: Từ âm nhạc, thi ca đến hội họa, tiểu thuyết […] Về tiểu thuyết thì Nhất Linh quả là một kiện tướng, một lãnh tụ của Văn Đoàn Tự Lực, hơn nữa của cả một phong trào. Cây bút của ông cho đến nay, vẫn được công nhận là một cây bút vào bực thầy. Không những lối hành văn của ông là một lối hành văn trong sáng đến cùng độ mà nội dung tư tưởng cũng hết mực gọn ghẽ và rõ ràng” [18 tr.9]. Không những thế, cũng theo Nguyễn Văn Xung, Nhất Linh không những là người “khởi xướng một phong trào văn học sâu rộng, là lãnh tụ của một văn đoàn tiêu biểu cho một giai đoạn văn học sử, Nhất Linh còn là một nhà văn có uy tín, có thực tài, tác giả của nhiều tác phẩm quan trọng, đánh dấu cả một thời kỳ văn học, từ địa hạt tiểu thuyết lý tưởng đến tiểu thuyết luận đề rồi qua tiểu thuyết tâm lý để sau cùng đi vào tiểu thuyết phong tục và miêu tả xã hội” [18, tr.10] Ngược lại, khi nhận định về sự nghiệp văn học của Nhất Linh trong văn học nước nhà, Nguyễn Văn Trung có một cái nhìn khác với các nhà phê bình về Nhất Linh theo hướng “tụng ca”, khi ông cho rằng: “Nếu “xét lại” sự nghiệp văn học của Nhất Linh hay những người nỗi tiếng trong nhóm Tự Lực văn đoàn, để đánh giá đúng mức những sự nghiệp đó, tôi có cảm tưởng rất nhiều tác phẩm được biết đến của những nhà văn trên không thể gọi là tuyệt tác khả dĩ được coi là “cổ điển” chiếm một phần quan trọng trội bật trong chương trình giáo khoa hiện nay, mà chỉ nên được coi như những tác phẩm có một giá trị lịch sử, đánh dấu một chặng đường văn học sử mà thôi. Những tác phẩm “nổi tiếng “nầy cố nhiên hạn chế cả về phương diện nghệ thuật lẫn phương diện nội dung. Đọc lại chúng, sự thực đôi khi không khỏi cảm thấy một cái gì nhạt nhẽo, giả tạo, hời hợt,và vụng về” [16, tr.74] . Ý kiến nầy có phần cực đoan và mang tính chủ quan của Nguyễn Văn Trung, bởi, chủ đích của ông trong bài viết này là nói đến thái độ của người trí thức trước xã hội cho nên Nguyễn Văn Trung thiên về việc đánh giá thái độ xã hội của Nhất Linh hơn là văn chương của ông. Và dù chưa xem trọng văn tài Nhất Linh nhưng xét về phương diện ngôn ngữ văn chương qua các sáng tác của Nhất Linh, Nguyễn Văn Trung cho rằng: “Vấn đề ngôn ngữ của Nhất Linh là một điểm thiết tưởng cần phải được để ý và đề cao vì tôi nghĩ rằng đó là một cái gì sẽ còn lại mãi trong sự nghiệp của Nhất Linh, đặc biệt ngày nay càng nhấn mạnh vào “điểm son” đó lúc mà sự phân biệt trắng đen vàng thau thật giả khó khăn hơn nhiều…” [16, tr.76]. Còn với Nguyễn Duy Diễn ở bài viết “Chân dung của Nhất Linh giữa cuộc đời và vai trò của Nhất Linh trong văn học sử”, Văn học số 109 (15/7/1970), khi nhận định về văn nghiệp của Nhất Linh đã cho rằng:“Với chủ trương về nội dung kỷ thuật cũng như lối hành văn giản dị trong sáng đầy hình ảnh nhạc điệu, Nhất Linh đã sáng tạo được những tác phẩm nổi danh về phương diện tư tưởng, tình cảm, tâm lý cũng như về phương diện văn chương và đã gây sôi nổi một thời như Đoạn Tuyệt, Lạnh lùng, Tối Tăm và nhất là Bướm Trắng. Và những ảnh hưởng mãnh liệt của những tiểu thuyết đó vẫn còn kéo dài cho tới tận ngày nay, xem như vậy thì ta thấy rằng Nhất Linh quả là con người đã lãnh cái sứ mạng chấm dứt một thời kỳ văn học biên khảo để mở màn cho một thời kỳ trọng đại mới: đó là thời kỳ văn chương sáng tác. Nếu Phạm Quỳnh là lãnh tụ của những người hói trán, đeo kính trắng ngồi trong tháp ngà để suy tưởng, để dò đường thì Nhất Linh chính là một vị lãnh tụ đã tìm ra được đường lối rõ ràng, lăn xả vào xã hội, lãnh đạo một thế hệ tươi trẻ để hăng say tiến lên. Có thể nói được rằng: trong khoảng từ 1932 đến 1940 Nhất Linh là một vì tinh đẩu rực rỡ nhất, sáng chói nhất trên vòm trời văn học Việt Nam” [4 tr.44, 45]. Và không chỉ đánh giá về văn chương Nhất Linh trong thời tiền chiến, Nguyễn Duy Diễn còn nhìn nhận về vai trò của Nhất Linh trong hoạt động văn học tại miền Nam từ năm 1954 đến khi ông qua đời, mà theo Nguyễn Duy Diễn, “Năm 1958, anh từ biệt cuộc sống ẩn dật với suối, với lan, trở về Sài Gòn và bắt đầu hoạt động văn nghệ trước sự kỳ vọng của mọi người: Nhưng người ta không khỏi thất vọng khi đọc những sáng tác mới của anh. Trước bao cuộc biến thiên trọng đại của dân tộc mà những tác phẩm đó vẫn không phản ảnh việc gì có liên hệ tới cuộc sống đầy gian khổ, đầy cố gắng của những con người hôm nay. Người ta có cảm tưởng như anh còn mơ màng sống lùi lại trong khung cảnh thời tiền chiến, với lũy tre, với đình làng, với đồn điền, với bà Án v.v…” [4, tr.46]. Luận về văn tài và văn nghiệp của Nhất Linh, theo Vũ Bằng, Nguyễn Tường Tam là nhà văn : “chiếm được một địa vị cao cả trong văn học sử Việt Nam” [1, tr.50]. Bởi, Nguyễn Tường Tam là: “người đa tài, đa cảm nhưng tựu trung đến lúc hai tay buông xuôi thì xét ra cũng chẳng được đắc ý điểm nào. Duy có một điểm, mặc dù không được anh thừa nhận, nhưng được đa số anh em chịu là đúng, đó là anh đã thành công một cách vẻ vang trong ngành tiểu thuyết. Dù đứng về phái nào cũng vậy, dù mang màu sắc chánh trị nào cũng thế, không ai phủ nhận cái tài viết tiểu thuyết của Nguyễn Tường Tam và điều phải nhận, trên lãnh vực tiểu thuyết, kể cả truyện dài, truyện ngắn, truyện vừa, Nguyễn Tường Tam là một tên tuổi đánh dấu một giai đoạn phồn thịnh của loại tiểu thuyết dành cho giai cấp tư sản – một giai cấp lưng chừng bất mãn với chế độ thực dân thống trị nhưng không được nhiều thông cảm của giai cấp vô sản, bần cùng - mặc dù lãnh tụ của nhóm “Phong hóa” “Ngày nay” là Tứ Ly Nguyễn Tường Long đã tìm các cách để giành lấy tình cảm của những đồng bào sống ở nơi “bùn lầy nước đọng”. Mặc dù vậy, Nguyễn Tường Tam vẫn được coi là một nhà tiểu thuyết sâu sắc, cảm hóa được nhiều người nhất, bất kể ở gai tầng xã hội nào” [1, tr.51]. Song, khi đánh giá về văn phong của Nhất Linh, Vũ Bằng chia sẻ một cách thành thật: “Riêng tôi, tôi yêu văn anh và mến phục anh từ lúc đọc “Người quay tơ” trong đó có chuyện người nông phu mất đất cho điền chủ, chiều chiều đứng ở dưới này trông lên đồi mà nói thầm: “Ấy chó ông chủ, ấy đèn ông chủ”. Sau nầy còn nhiều truyện ngắn khác của Nguyễn Tường Tam chiếm được cảm tình của tôi, như chuyện cô gái điên muốn tận hưởng cuộc đời…nhưng sâu sắc và làm cho tôi cảm động thiết tha nhất, ấy là truyện “Nhặt lá bàng” và sau nầy là truyện “Săn vịt” đăng trên “Văn Hóa Này nay”. Đặc biệt của văn Nguyễn Tường Tam, theo tôi là sự trong sáng (pureté) gọn gàng. Văn của Thạch Lam Nguyễn Tường Lân cũng có đặc điểm ấy, nhưng nếu tôi được phép ví von một chút, tôi sẽ ví văn của Thạch Lam với một trinh nữ trời cho đẹp, còn văn Nguyễn Tường Tam thì như một thiếu phụ đa tình đau khổ nhiều hơn nhưng hiểu biết hơn mà lòng “lắng” xuống sâu hơn” [1, tr.51]. Và, Thế Phong thì cho rằng: “Truyện dài của Nhất Linh có phần sâu sắc hơn truyện ngắn […] Về truyện ngắn không phải Nhất Linh không có sở trường, nhưng không đặc sắc bằng Khái Hưng. Truyện ngắn kết thức đột ngột, xẩy ra theo đúng giác quan rất tự nhiên của Khái Hưng, không thấy trong truyện ngắn của Nhất Linh. Ông luôn luôn phải tìm kết thúc theo một ý định luân lý xếp đặt, hoặc lồng vào một thứ triết lý quá cầu kỳ, khiến đôi khi truyện mất tự nhiên và chính như thế có phần giả tạo” [10 , tr.49, tr.51].
Với cái nhìn đa nhiều mang tính phản biện, việc tiếp nhận Nhất Linh nhìn từ tài năng nghệ thuật và sự nghiệp văn chương của ông, giúp người đọc ở miền Nam trước 1975 có cái nhìn chân xác, công bằng, khách quan và khoa học khi tiếp nhận Nhất Linh. Và, dù hành trình sáng tác của Nhất Linh có thể chưa hoàn hảo, chưa thành công ở một số thể loại nhưng những giá trị văn chương cũng như sự dấn thân tận hiến của Nhất Linh cho văn chương và xem văn chương như một cứu cánh để thực thi lý tưởng cách tân xã hội của mình là điều không thể phủ nhận. Đây cũng là cảm nhận của Vũ Bằng: “Rất có thể tôi lầm, nhưng cho tới lúc viết những dòng này, tôi vẫn yên trí Nguyễn Tường Tam chỉ là một nhà văn và chỉ là một nhà văn thôi. Nguyễn Tường Tam là một nhà khoa học, một họa sĩ, một nhạc sĩ, một nhà văn, một nhà phóng sự, một nhà báo, nhưng cái “mạnh” của anh vẫn là nghề văn” [1, tr.47]. 2.4. Nhất Linh – Nhân cách và Văn cách Nhất Linh không chỉ là nhà văn chuyên tâm sáng tác văn chương mà ông còn là một con người đam mê hoạt động xã hội với một lý tưởng cải cách theo cách riêng của mình và điều nầy thể hiện rõ qua sáng tác và hoạt động văn học của ông mà khi viếng Nhất Linh, nhà thơ Đông Hồ, một trí thức, với nhân cách văn hóa cao đẹp ở miền Nam trước 1975 đã viết 100 chữ đối nói lên cảm nhận của mình về nhân cách và văn cách của Nhất Linh: “Một thời còn nức thanh danh, nền xã hội chí canh tân sắp sẵn, trào lưu phơi rộng ngõ tâm tình trước rồi sau Phong Hóa Ngày nay, đoàn Tự Lực gây nên, bút tài hoa lỗi lạc, mũi thép sắc ngời, làng báo, đàn văn tay lãnh tụ./ NẤM đất không chôn sự nghiệp, tòa cường quyền án chuyên chế đừng tuyên, xét công tội để cho phần lịch sử, khinh với trọng lòng non Thái, nghĩa thành nhân chọn lấy, tiệc chánh khí huy hoàng, rượu đời cạn chén, đường mây nẻo gió bước thung dung” [5, tr.22]. Song, để hiểu về con người Nhất Linh, không phải là điều đơn giản. Thế nên trong việc nhìn nhận nhân cách và văn cách Nhất Linh còn có những kiến giải khác nhau cũng là điều bình thường trong tiếp nhận các hiện tượng văn học ở một xã hội luôn chấp nhận những khác biệt như miền Nam. Và điều nầy, ta có thể cảm nhận qua ý kiến của Nguyễn Văn Trung trong bài viết “Nghĩ về một thái độ trí thức…”, nhìn từ trường hợp con người Nhất Linh khi ông cho rằng “với thái độ của một độc giả”: “từ lâu, tôi vẫn có ý định “xét lại” trường hợp Nhất Linh tương tự công việc tôi đang làm đối với Phạm Quỳnh. Tôi muốn đã phá một “huyền thoại” về Nhất Linh cũng như đã phá những “huyền thoại” về Phạm Quỳnh, nghĩa là nêu lên những hạn chế trong những chỗ người ta vẫn khen, và khen ở những điều mà người ta đã bỏ qua hay chưa thấy” mà bài viết nói trên của Nguyễn Văn Trung là một minh chứng [16, tr.73]. Còn con người Nhất Linh trong cái nhìn của Vũ Bằng “là một người đặt sự thành thật lên trên hết và sinh thời không tha thứ cho bất cứ một cái gì đậy điệm, giấu diếm hay phết sơn ra ngoài để lấy sự hào nhoáng mà làm mờ mắt người ta, cho người ta không lưu ý đến sự thối tha ở bên trong” [1, tr.41]. Không những thế, trong cảm nhận của Vũ Bằng, Nhất Linh là: “một cây thành thật, không thể giả dối, không thể đóng trò, yêu thì yêu ra mặt mà ghét ai thì cũng ghét ra mặt, chớ không thể ghét mà bảo là yêu, thấy đen mà nói là trắng, thấy cây chò cây chẩu mà bảo là vàng tâm” [1, tr.42].
Cũng luận bàn về phương diện đạo đức của con người Nhất Linh, nhưng nếu Vũ Bằng nói đến tính chất thẳng thắng và trung thực ở con người Nhất Linh thì Nguyễn Duy Diễn lại cảm nhận về sự giản dị và đức khiêm nhường của Nhất Linh mà theo ông, Nhất Linh “chưa bao giờ anh dám nói tự nhận mình là một văn sĩ mà chỉ là một người yêu văn chương, thiết tha yêu văn chương và chỉ muốn được làm văn sĩ mà thôi” [4, tr.32]. Con người Nhất Linh trong cảm nhận của Nguyễn Duy Diễn không chỉ có tính khiêm tốn mà còn có tinh thần tự kiểm và thành thực. Thế nên, khi luận giải tinh thần tự phê bình của Nhất Linh về hành trình sáng tác văn học của mình, Nguyễn Duy Diễn đã viết: “Một nhà văn nổi tiếng vào bậc nhất như anh, và những tác phẩm của anh được dùng làm sách giáo khoa tại các trường, được đem ra nghiên cứu và tán thưởng mà anh đã không ngại đem bản thân cùng với tác phẩm của mình ra mà kiểm thảo một cách khắc nghiệt, chứng tỏ anh là một người hết sức thành thực: thành thực với chính mình và thành thực với người. Sự thành thực đến độ can đảm như vậy thì một nhà văn chân chính luôn luôn tôn thờ cái Hay, cái Đẹp, lấy đó làm lý tưởng thì không thể nào có thể có được. Đó thực là một bài học quí giá chung cho tất cả chúng ta, những người làm văn nghệ hôm nay. Chỉ có sự tự kiểm thảo – kiểm thảo một cách quyết liệt – chúng ta mới mong mỗi ngày một tiến bộ thêm trên con đường nghệ thuật” [4 tr.33]. Còn đây là cảm nhận của Vũ Bằng: Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam: “trông thì kiểu cách, nhưng sống đơn giản lạ” và ông xác quyết: “Nguyễn Tường Tam không giới ý nhiều đến ngoại cảnh – kể cả về vật chất lẫn tâm tình. Dưới cái bề ngoài lịch sự, đi đứng đàng hoàng, nhiều người tưởng anh là một người cầu kỳ, khó tính, nhưng theo chỗ biết của riêng tôi, anh sống đơn giản hết sức, gần như không thèm lưu ý đến ngoại cảnh làm gì […] Nguyễn Tường Tam sống gần như vô tình với mọi người, nhưng anh say mê nghề một cách kỳ lạ, có lẽ ít nhà văn nhà báo say mê với nghề đến thế” [1, tr.52]. Nếu Vũ Bằng và Nguyễn Duy Diễn nhìn sâu vào phẩm chất đạo đức qua việc xác tín sự ngay thẳng và thành thật, khiêm tốn, tự phê ở con người Nhất Linh, thì Nguyễn Hữu Trọng lại cảm nhận một phẩm tính khác nơi con người Nhất Linh mà theo ông: “Trong suốt cuộc đời, Nhất Linh luôn luôn biểu tượng cho một sự tranh đấu không ngừng, ông đã tranh đấu trên mọi mặt, trong mọi hoàn cảnh. Ngay trong lãnh vực văn học tinh thần đấu tranh đối kháng của Nhất Linh cũng đã phát biểu khá rõ ràng. Những ngày còn chủ trương tờ “PHONG - HÓA” Nhất Linh đã hô hào bài xích những tệ đoan xã hội qua hí họa của hai nhân vật Lý – Toét và Xa Xệ để châm biếm, dù là đứng trong giới hạn văn chương, nhưng việc làm đó của Nhất Linh đã nói lên quá rõ ràng tinh thần cải tiến cốt giải thoát nhân dân Việt Nam ra khỏi những cái vỏ thống trị nặng nề của ngoại bang” [15, tr.18]. Bởi, theo Vũ Bằng, Nhất Linh là người: “chân thành yêu nước, thực thà có một, không mưu thuật, không ma đầu, lúc nào cũng tin tưởng là ai cũng tốt và cũng chân thật như mình” [1, tr.47]. Và Nhất Linh là người mang tâm thức “truyền thống của kẽ sĩ Việt Nam” [17, tr.54]. 2.5. Luận về cái chết của Nhất Linh Bàn về sự tiếp nhận Nhất Linh trong đời sống văn học miền Nam không thể không luận về cái chết của Nhất Linh. Bởi, chính trong di ngôn để lại cho đời, trước khi tự sát, Nhất Linh đã xác quyết: “Đời tôi để lịch sử xử, Tôi không chịu để ai xử cả” [8, tr. 35]. Vì vậy, vấn đề luận bàn về cuộc đời của Nhất Linh mà trong đó cái chết của Nhất Linh cũng được các nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học rất quan tâm. Bởi, cái chết của Nhất Linh không chỉ để lại trong văn hữu những niềm tiếc thương vô bờ về một nhà văn có những đóng góp quan trọng cho nền văn học nước nhà mà còn đặt ra nhiều vấn đề với những suy tư về lẽ sống, về ý nghĩa của sống và cái chết trong cuộc đời hay nói như Nguyễn Văn Trung đó là về “thái độ của Người trí thức” trước xã hội. Vì thế, khi suy tư về cái chết của Nhất Linh, trong cảm thức của Nguyễn Văn Xung: “ Nhất Linh đã sống đẹp mà chết lại càng đẹp. Cái chết của ông là trái tạc đạn nổ vào thành trì của bọn cường quyền, hung bạo, […] dư vang của sự hy sinh cao cả ấy vẫn còn mãi mãi lắng sâu trong tận đáy lòng của mọi công dân yêu nước, thiết tha với sự tồn vong của dân tộc Việt Nam” [18, tr.14] Còn trong suy niệm Vũ Bằng, khi luận về cái chết của Nguyễn Tường Tam đã chia sẻ: “Bây giờ nắp ván thiên đã đậy lại rồi, phân tách gì về cái chết của anh và bàn luận đến mấy đi nữa về cách chết cũng là vô ích. Chỉ biết rằng Nguyễn Tường Tam lúc sống đã làm “nổi đình đám” trong làng báo; đến lúc về già, cái chết của anh đã gây sôi nổi trong làng văn bút một cách rất thấm thía sâu xa. Nguyễn Tường Tam đã bỏ các bạn bè ra đi một cách khác thường. Ngồi tính đốt ngón tay thì trước anh và cho đến bây giờ, chưa có văn nhân, ký giả nào đã gây một “xúc động tâm lý” gớm ghê như thế trong lúc từ biệt cõi đời đau khổ này. Nguyễn Tường Tam quả là một “cây lì” đã biết nghiên cứu và chọn lọc cách chết để chống lại độc tài áp bức” [1, tr.54]. Và, cũng theo Vũ Bằng: “Nguyễn Tường Tam đến khi chết, vẫn không quên cá tính dân tộc: lúc sống đã trầm lặng thì lúc chết cũng trầm lặng luôn. Anh đã dùng độc dược pha rượu mạnh để uống và ra đi nhẹ nhàng, êm ái như đi ngủ sau khi viết lại một bức thư lên án chế độ Ngô gia với những câu cũng nhẹ nhàng êm ái như thế nhưng làm cho cả nước xót xa anh và uất hận Ngô gia gấp trăm vạn lần. Nguyễn Tường Tam, nhà văn đa bất mãn hoài, riêng một lần nầy, có lẽ đã được toại ý vì đã thắng trên một điểm chánh trị chống bạo tàn áp bức. Không có vụ nầy, cái tên Nguyễn Tường Tam cũng đã đi vào văn học sử, nhưng có thêm vụ này, văn học sử Việt Nam lại càng nổi bật hơn vì đời nào, thế hệ nào, những nhà văn “những con người bị đời coi là không thực tế, những con người bị bạc đãi, những con người bị xã hội quên lãng, coi thường” cũng biết cách sống cho nhân dân, chết vì nhân dân, mà không hề than thở cho ai biết” [1, tr.55]. Còn trong cái nhìn của Thanh Lãng, cái chết của Nguyễn Tường Tam là “một phản kháng”. Vì thế, khi luận về cái chết của Nhất Linh, Thanh Lãng khẳng định trước huyệt mộ Nhất Linh: “Chúng tôi đến đây nhân danh văn hữu toàn quốc và văn hữu của các nước hội viên trên khắp thế giới, đến đây tiễn biệt anh. Năm đất mà tôi, các bạn anh và mọi người đang rắc lên anh đây, không phải để chôn vùi anh. Nếu văn học tức sự nghiệp văn chương, được nhìn như là một sinh hoạt, thì thưa anh, chính từ lúc này, lúc anh nằm đây, anh mới sinh hoạt thật, anh mới đi vào sự sống chân thật của văn học. Vậy thì những vốc đất, mà chúng tôi đang rắc lên anh trong giờ phút đau đớn này, không phải là đất mà là những CÁNH HOA HỒNG chúng tôi tung lên người anh, quấn vào người anh để đưa anh vào vinh quang của lịch sử” [7 tr.6]. Bởi, theo Nhật Tiến: “Cái chết của văn hào sẽ mãi mãi là bó đuốc soi sáng con đường tăm tối mà chúng tôi đang đi, là niềm khích lệ lớn lao cho những nỗi khổ nhục của chúng tôi sẽ gặp gỡ, là một tấm gương sáng láng mà mãi mãi những kẻ cầm bút đi sau như chúng tôi phải soi vào để suy ngẫm” [13, tr.23-24]. Trương Bảo Sơn thì cho rằng: Cái chết của Nhất Linh: “cũng tuyệt hảo, cũng cao cả, đẹp đẽ như sự nghiệp văn chương và cách mạng của anh” [12, tr.34]. Đây cũng là cảm nhận của Nguiễn - Ngu-Í khi luận về cái chết của Nguyễn Tường Tam nhưng khác với Trương Bảo Sơn, bởi, theo Nguiễn - Ngu-Í tuy là: “Cái chết thật đẹp, đứng về mặt nghệ thuật mà nói, rất là nghệ sĩ. Thật là anh chụp ngay cái dịp ngàn năm một thuở ấy để ra đi” Nhưng Nguyễn Ngu -Í lại không đồng tình với cách chọn lựa của Nhất Linh, và theo ông: “Các bạn trẻ buộc tội anh: nhát, sợ. Vì giữa cái chết mau êm thấm, có tiếng vang và tưởng như có ích lợi nhiều cho Dân tộc, với cái sống lâu, dằn vặt, nhục nhã và… bất lực, anh đã chọn cái dễ nhất! Anh coi tuổi trẻ giờ đây, chúng “tàn nhẫn” “đến chừng nào!” [6, tr. 22]. Và, cho dẫu, cái chết của Nhất Linh là sự chọn lựa của định mệnh hay sự chọn lựa của chính ông thì cũng là bi kịch của thân phận lưu đày mà ông đã đi qua trong cõi nhân gian đầy những bất an nầy. 3. Thay lời kết Trong tiến trình vận động và phát triển của văn học Việt Nam, khi luận bàn về văn học giai đoạn 1932-1945, không thể không nói đến Tự lực văn đoàn, mà nói đến Tự Lực Văn Đoàn, không thể không nói đến vai trò của nhà văn Nhất Linh, người được xem là sáng lập viên, là chủ tướng, là linh hồn của Tự Lực Văn Đoàn. Bởi, Nhất Linh không chỉ là nhà văn tiên phong, với khát khao cổ xúy cho cái mới trong văn chương hướng đến việc hiện đại hóa nền văn học nước nhà và tư tưởng cải cách xã hội theo hướng hiện đại mà còn là nhà tổ chức, điều hành trong lĩnh vực báo chí, văn học mà sự ra đời của tuần báo báo Phong Hóa; Ngày Nay cùng với nhà xuất bản Đời Nay là những chứng từ đầy thuyết phục thể hiện năng lực tổ chức và quản trị của ông, với tư cách là người sáng lập.
Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Nhất Linh nói riêng và Tự lực Văn Đoàn nói chung có những thành công nhưng không tránh khỏi những thất bại. Song, di sản văn chương và các giá trị tinh thần qua những sáng tác của ông cùng các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn để lại cho nền văn học nước nhà là điều không thể phủ nhận mà những gì đã luận giải và minh chứng qua những phương diện tiếp nhận Nhất Linh của các nhà nghiên cứu văn học đã đề cập ở trên là những chứng từ sinh động cho sự hiện hữu của Nhất Linh trong đời sống văn học miền Nam 1954-1975. Không những thế, đây còn là một di sản, một hệ giá trị văn hóa của dân tộc cần được giữ gìn và phát triển. Và mặc dù còn có những kiến giải khác nhau về cuộc đời và văn nghiệp Nhất Linh của các nhà nghiên cứu, một vấn đề mang tính tất yếu trong tiếp nhận văn học, song chính sự khác biệt nầy, chứng tỏ sự quan tâm đến di sản văn chương của Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn như một hệ giá trị của văn học nước nhà là một điều không thể phủ nhận.
Chỉ còn một năm nữa là tròn 60 năm, ngày Nhất Linh tuẩn tiết (7/7/1963 -7/7/2023) để phản đối bản án mà chính quyền Ngô Đình Diệm xét xử ông. Đúng sai trong sự việc ấy, nói như Nhất Linh là để cho “lịch sử phan xét” nhưng dù thế nào thì cái chết của ông là có thật. Nhưng tác phẩm và sự dấn thân của ông cho việc hiện đại hóa nền văn học dân tộc cũng như khát vọng cải cách xã hội để canh tân đất nước thì vẫn còn sống mãi với mai sau. Tiếp nhận Nhất Linh trong văn học miền Nam là tiếp nhận tinh thần “dân tộc, nhân bản và khai phóng” toát lên từ những sáng tác của ông cũng như từ những gì ông đã làm cho nền văn học nước nhà. Bởi, nói như Nhật Tiến trong mấy lời vĩnh biệt, đại diện một nhóm nhà văn độc lập đọc trước linh cửu Nhất Linh đã xác quyết: “Trọn một đời gian khổ không ngại khó khăn, không màng danh vọng, văn hào đã tận tụy hy sinh, từ bỏ mọi quyền lợi riêng tư để tranh đấu cho lý tưởng Tự do, cho cuộc sống Hạnh phúc của Dân tộc. Văn hào đã hoàn thành sứ mạng cao quí của người cầm bút. Văn hào đã nêu cao chí khí bất khuất của truyền thống những nhà văn chân chính” [13, tr.23-24]. Ý kiến của Nhật Tiến về nhà văn Nhất Linh, có thể có những điểm cần trao đổi và chia sẻ nhưng những điều mà Nhật Tiến nói đến chính là những giá trị nhân bản mang tính phổ quát, có thể tìm thấy trong sáng tác của Nhất Linh cũng như các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn mà xúc cảm của nhà thơ Trần Như Liên Phượng viết nhân một năm ngày mất Nhất Linh là minh chứng: “Người về bủa mộng non cao/ Ra trăm trời rộng rạt rào lộc xanh/ Đời đơm hoa đẹp hương lành/ Vòng tay loan - dũng kết thành tân xuân […] Người đi nhớ nước thương non/ Bước chân lịch sử khúc buồn loanh quanh/ Lửa từ bi sáng tâm linh/ Vào trăm cõi rộng hồn linh vẫn còn” [11, tr.2]. Và có thể xem đây cũng là một cách tiếp nhận của người đọc về Nhất Linh trong văn học miền Nam 1954 -1975… Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, 20/9/2022 TRẦN HOÀI ANH ---------------
Tài liệu tham khảo
[1] Vũ Bằng “Nguyễn Tường Tam, Một nhà văn “Đa bất mãn hoài””, Văn số 156, ra ngày 15/6/1970 [2] Nguyễn Mạnh Côn, “Vĩnh quyết Nhất Linh” Văn số 14, ra ngày 16/7/1964 [3] Vũ Hoàng Chương, Nhịp cầu (Thơ viết nhân ngày giỗ đầu Nhất Linh), Văn số 14, ra ngày 16/7 /1964 [4] Nguyễn Duy Diễn, “Chân dung của Nhất Linh giữa cuộc đời và vai trò của Nhất Linh trong văn học sử”, Văn học số 109, ra ngày 15/7/1970 [5] Đông Hồ, “100 chữ đối viếng Nhất Linh, ngày 18/7/1963” Văn học số 109 ra ngày 15/7/1970 [6] Nguiễn – Ngu – Í, Bách Khoa, số 325, ra ngày 15/7/1970 [7] Thanh Lãng “Tưởng nhớ văn hữu Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam”, Văn học 109, ra ngày 15/7/1970 [8] Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam “Di ngôn để lại, 7/7/ 63”, Văn số 14 ra ngày 16/7 /1964 [9] Lê Huy Oanh, “Hoàng Ngọc Phách, Nhất Linh, Khái Hưng, Hồ Biểu Chánh, Ngô Tất Tố qua các tác phẩm Tố Tâm, Đoạn Tuyệt và Bướm Trắng, Hồn Bướm Mơ Tiên, Ngọn Cỏ Gió Đùa, Tắt Đèn”, Thời tập ra ngày 16/9/1974 [10] Thế Phong, Lược sử Văn nghệ Việt Nam – Nhà văn tiền chiến 1930-1945, Vàng Son xuất bản, SG, 1974 [11] Trần Như Liên Phượng “Thơ viết nhân một năm ngày mất của Nhất Linh”, Văn số 14 ra ngày 16/7 /1964 [12] Trương Bảo Sơn “Triết lý tuyệt hảo trong cuộc đời của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam” Văn số 14 ra ngày 16/7/1964 [13] Nhật Tiến, “Mấy lời vĩnh biệt Nhất Linh”, Văn học số 109 ra ngày 15/7/1970 [14] Nguyễn Tường Thiết “Những ngày cuối cùng của Thân phụ tôi”, Văn học số 109 ra ngày 15/7/1970 [15] Nguyễn Hữu Trọng “Nhất Linh con phượng hoàng gẫy cánh”, Văn học số 109, ra ngày 15/7/1970 [16] Nguyễn Văn Trung “Nghĩ về một thái độ trí thức…”, Văn số 14 ra ngày 16/7/1964 [17] Thế Uyên, “Người Bác” Văn số 14, ra ngày 16/7 /1964 [18] Nguyễn Văn Xung, “Thử xác định vị trí của Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam trong văn học sử và trong lịch sử Việt Nam”, Văn số 14 ra ngày 16/7 /1964.
| |
-------------- | |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét