KHƠI TRONG DĂM NGỌN NGUỒN VĂN HỌC QUÁ KHỨ (đọc luận văn [*] của tiến sĩ tân khoa Trần Hoài Anh)
Trần Xuân An
Trong một lần gặp nhau cách đây mấy năm, khi Trần Hoài Anh còn lặn lội vào thành phố Sài Gòn - Gia Định cũ này để tìm kiếm tài liệu, một nơi vốn là đất khởi xuất hàng vạn cuốn sách, hàng trăm tờ báo, tạp chí (1) của 21 năm chia cắt đất nước (1954-1975), bấy giờ đang rất cần thiết cho luận văn tiến sĩ của anh, tôi đã cảm thấy anh đang làm một công việc khá dũng cảm với đề tài hơi quá to tát.Một lần nữa, cách đây chỉ hơn một tuần, tôi lại được anh tìm đến nhà tặng sách. Trân trọng và cảm động cầm cuốn sách vừa mới xuất xưởng, in nguyên vẹn luận văn tiến sĩ, Trần Hoài Anh đã bảo vệ thành công trong cách đây mấy tháng tại Hà Nội, tôi chúc mừng anh nhưng cũng không giấu được một thoáng âu lo cho anh, khi anh vẫn còn phải đặt mình trước những thách đố. Mừng Trần Hoài Anh đã làm được đề tài thuộc loại dài rộng ấy, và đã trích đăng trên báo chí, lại xuất bản thành sách hẳn hoi. Lo Trần Hoài Anh sau khi vượt qua những thách đố trong quá trình bảo vệ luận văn, lại phải đối đầu với các tiếng nói đương sự ở trong nước cũng như ở hải ngoại.
Dẫu sao, tiến sĩ tân khoa Trần Hoài Anh cũng đã đồng cảm với Nguyễn Du (cũng là Thuý Kiều) thuở nào. Anh đã ít nhiều "gạn đục", nhưng trọng tâm vẫn là "khơi trong". Trần Hoài Anh hẳn đã rất thấm thía lời Kiều, một cô Kiều sau khi đất nước thống nhất Đàng Trong, Đàng Ngoài sau hai trăm năm phân tranh, máu lửa: ..."là nhờ quân tử khác lòng người ta" (Truyện Kiều, 3181-3182).
Lúc này, trên bàn viết của tôi là cuốn sách kết tinh biết bao nhiêu công sức, trí tuệ và tâm lực của Trần Hoài Anh. Tôi chợt liên tưởng đến tấm ảnh về một quang cảnh núi đồi, phố thị nào đó thường thấy trên màn hình máy vi tính. Tấm ảnh ấy, nếu cắt ra một phiến nhỏ, phóng lớn lên, ta sẽ khó thấy được rõ nét. Cũng như vậy, với đề tài bao quát cả một giai đoạn văn học suốt 21 năm (1954-19975), cuốn sách của Trần Hoài Anh có thể giúp người đọc chuyên sâu có dịp hình dung lại một cách tổng thể và giúp người đọc không chuyên sâu có cái nhìn khái niệm về toàn cảnh. Cả hai đối tượng đều đọc thấy cái nhìn cởi mở, mới mẻ hơn về giai đoạn văn học ấy ở phương diện lí luận - phê bình. Với mục đích đặt ra mà anh đã nhiều lần xác định, ở phần dẫn nhập cũng như ở những trang kết luận, rõ ràng Trần Hoài Anh đã thành công. Có đến 24 nhà nghiên cứu với học hàm, học vị thuộc bậc cao nhất nhì trong ngành đã thẩm định bằng văn bản nghiêm chỉnh với lời lẽ biểu dương. Như đã ví von với tấm ảnh quét chụp (scan), công trình của Trần Hoài Anh vì khảo sát lĩnh vực của đề tài ở diện rộng, bao quát, nên không thể đòi hỏi anh sao không đi sâu vào một chủ điểm nào đó, chẳng hạn như một khuynh hướng lí luận - phê bình mà thôi, hiện sinh chủ nghĩa chẳng hạn. Đành rằng một chủ điểm trong cuốn sách của Trần Hoài Anh cũng có thể là một đề tài cho một công trình nghiên cứu, từ cấp độ luận văn tiến sĩ cho đến những cấp độ cao hơn, như công trình chủ lực, để đời của một giáo sư khoa học (học sư, bậc thầy về một ngành khoa học), nhưng đặt ra vấn đề như vậy là xét đến vấn đề bình diện. Rộng thì khái lược. Hẹp thì chuyên sâu. Cả hai đều cần thiết.
Ngay trong giới hạn đề tài, Trần Hoài Anh xác định phạm vi nghiên cứu là chỉ trên lĩnh vực lí luận - phê bình văn học đô thị Miền Nam 1954-1975, chứ không phải bao gồm cả sáng tác phẩm (thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản văn học) trong không gian, thời gian ấy, chúng ta cũng có thể thấy đối tượng khảo sát của anh: Một là, các tác phẩm lí luận văn học; hai là, các tác phẩm phê bình văn học.
Trong loại thứ nhất, Trần Hoài Anh buộc phải tiếp cận các tác phẩm triết học như chủ nghĩa hiện sinh (Karl Jaspers, Kierkegaard, Heidegger, G. Marcel, J. Sartre, A. Camus, có thể kể cả Nietzsche - siêu nhân, ... và các tác phẩm nghiên cứu, giới thiệu, dịch thuật của Tam Ích, Lê Tôn Nghiêm, Nguyễn Quang Lục, Phạm Công Thiện, Trần Xuân Kiêm, Đặng Phùng Quân...), phân tâm học (Freud, Adler, Jung, Erich Fromm và các công trình nghiên cứu, giới thiệu, bản dịch của Vũ Đình Lưu, Lê Thanh Hoàng Dân, Thụ Nhân, Trần Thiện Đạo, Như Hạnh...), Phật giáo (kinh sách, Suzuki và các công trình của Tuệ Sĩ, Nhất Hạnh, Thạch Trung Giả...), Thiên Chúa giáo (Kinh Thánh, Mounier... và Bùi Tuân, Phạm Thiếu Sơn ...) và cả nhưng tác phẩm thuộc tam giáo cổ truyền (kinh điển Nho, Phật, Lão và các tác phẩm, bản dịch về đề tài này của Trần Trọng Kim, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Đăng Thục, Kim Định, Trúc Thiên, Trần Ngọc Ninh...), triết học Ấn Độ hiện đại (Krishnamurti và Trúc Thiên...), triết học marxiste (Trần Văn Toàn, Vũ Hạnh, Lữ Phương...). Đó là chưa đề cập đến chủ nghĩa cấu trúc, hiện tượng luận cũng như các trào lưu thuộc chủ nghĩa hiện đại như tiểu thuyết mới, kịch phi lí, thơ siêu thực (các tác phẩm của Nguyễn Văn Trung, và Bửu Ý với "Văn học thế giới hiện đại", Phạm Công Thiện với "Ý thức mới trong văn nghệ và triết học"...) (2)...
Trong loại thứ hai, phê bình văn học, phần lớn là của các tác giả Miền Nam, như Thanh Lãng, Lê Tuyên, Tam Ích, Võ Long Tê, Huy Trâm, Cao Thế Dung, Huỳnh Phan Anh, Cao Huy Khanh, Võ Phiến, Vũ Hạnh (Cô Phương Thảo), Lữ Phương, Thế Phong, Nguyên Sa, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Văn Xung, Nguyễn Văn Trung, Đặng Tiến, Tạ Tỵ... (3).
Điều cần nói là Trần Hoài Anh khi chỉ đi vào mảng lí luận văn học (bao gồm các tác phẩm triết học của nhiều trường phái), anh sẽ gói gọn đề tài hơn, tài liệu cần đọc cũng bớt bề bộn hơn. Nhưng lí luận văn học nếu thiếu mảng phê bình văn học, sẽ thiếu sức sống và tính sinh động của nó. Mặt khác, do anh muốn khai thác cả mảng phê bình vì theo anh, do đặc điểm chế độ chính trị - xã hội tại Miền Nam, những người làm lí luận văn học không được tập hợp thành đội ngũ, lí luận văn học chưa có những công trình tập thể có tính hàn lâm, chuyên nhất như ở Miền Bắc cùng thời, mà chủ yếu chỉ là những công trình cá nhân, còn giản lược, nhìn chung là thể hiện tính đa phức, phân tán. Chính ý muốn khai thác cả mảng phê bình văn học Miền Nam 1954-1975, Trần Hoài Anh lại gặp phải một khó khăn khác: Để tránh nhược điểm đọc "chay" mảng phê bình, anh phải đọc cả những sáng tác phẩm (thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản văn học) mà bài hoặc sách phê bình đề cập đến.
Nói gọn hơn, tuy đề tài chỉ giới hạn trong "lý luận - phê bình văn học đô thị Miền Nam 1954-1975", nhưng mặc nhiên đã bao hàm cả sáng tác phẩm mà phê bình văn học Miền Nam nhắm đến. Một đề tài thật hơi quá to tát!
Mặt khác, Trần Hoài Anh cũng phải đọc những bài báo, tiểu luận, phê bình, những cuốn sách cùng đề tài do giới lí luận - phê bình Miền Bắc cùng thời (1954-1975) viết. Hơn thế nữa, anh còn khảo sát cả những bài viết, cuốn sách thực hiện nhiệm vụ truy quét trong nước, truy kích ra hải ngoại sau 1975, trước 1986 và ít năm kế tiếp (sđd., tr. 14-18). Không thể nói đề tài này không phải là hơi quá to tát!
Đó là tài liệu cần thiết. Làm chủ, nắm vững, đi sâu vào số tài liệu này cũng đã không dễ dàng và tiêu tốn không ít thời gian. Tối thiểu cũng phải nghiền ngẫm những tài liệu tiêu biểu, căn bản nhất.
Trên cơ sở số tài liệu đồ sộ đó, Trần Hoài Anh đã triển khai đề tài với 3 chương chính, sau phần dẫn nhập và trước phần kết luận: I. Diện mạo lí luận - phê bình văn học ở đô thị Miền Nam (bối cảnh; đặc điểm; quan hệ giữa sáng tác với lí luận - phê bình); II. Các vấn đề chủ yếu của lí luận văn học đô thị Miền Nam (văn học và hiện thực; nhà văn - tác phẩm - người đọc; vấn đề thể loại); III. Những khuynh hướng phê bình văn học Miền Nam (ảnh hưởng Phương Tây, mác-xít, tôn giáo).
Tuy khó khăn là thế, Trần Hoài Anh vẫn vượt qua được, và thành công anh gặt hái đã được cả một hội đồng khoa học thẩm định, ghi nhận. Hồ sơ bảo vệ luận án tiến sĩ của Trần Hoài Anh được trích in ở cuối cuốn sách, trong đó, có đến 24 nhà nghiên cứu lí luận - phê bình tên tuổi thẩm định bằng văn bản: các GS.TSKH. Phương Lựu, Lê Ngọc Trà, các PGS.TS. Phan Trọng Thưởng, Trần Hữu Tá, Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Đăng Điệp, Vũ Tuấn Anh, Trịnh Bá Đỉnh, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Ngọc Thiện, La Khắc Hoà, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Công Lý, Hồ Thế Hà, Ngô Văn Giá, Lưu Khánh Thơ, Lê Huy Bắc, Nguyễn Bích Thu, Tôn Phương Lan, Bửu Nam, các TS. Phan Quốc Lữ, Lê Thị Hường, Nguyễn Văn Kha, Nguyễn Thị Sâm... (sđd., tr. 299-313).
Thành công của Trần Hoài Anh không có gì để bàn cãi.
Với góc độ riêng, có thể thấy Trần Hoài Anh có lẽ rất tâm đắc với ý nghĩ anh là người đầu tiên đã khai phá ở diện tổng thể giai đoạn văn học 1954-1975 tại Miền Nam. PGS.TS. Trần Hữu Tá cũng nhận thấy như thế. Trước anh, cũng đã có nhiều người nghiên cứu đề tài này, nhưng chủ yếu là ở mảng sáng tác, như Phạm Văn Sỹ và nhiều nhà nghiên cứu khác (sđd., tr. 11-19). Đặc biệt hơn nữa, như đã nói, Trần Hoài Anh khai phá với nhãn quan đổi mới, cởi mở hơn với tinh thần "khơi trong" là chính và với ý thức hội nhập. Tuy có chỉ ra ít nhiều hạn chế như những người đi trước anh, về sáng tác và lí luận - phê bình, nhưng Trần Hoài Anh viết:
"Việc xác định giá trị của lý luận - phê bình văn học ở đô thị Miền Nam trong hệ thống giá trị của lý luận - phê bình văn học dân tộc là điều có ý nghĩa, không chỉ về mặt học thuật mà còn về mặt tư tưởng xã hội của một đất nước thống nhất, một dân tộc thống nhất.
Mặt khác, sự hiện hữu của lý luận - phê bình văn học ở đô thị Miền Nam là một thực thể, một thực tế lịch sử, không thể phủ nhận. Sự hiện hữu đó làm cho di sản lý luận - phê bình văn học dân tộc phong phú hơn, giàu có hơn, tiệm cận hơn với nền lý luận - phê bình hiện đại của thế giới mà chúng ta đang hướng tới trong xu thế mở cửa, hội nhập với quốc tế hôm nay" (sđd., tr. 260).
Tuy nhiên, Trần Hoài Anh cũng thể hiện một nhược điểm là đã chiết trung, khi liệt kê và nhận định các quan điểm khác nhau về một chủ điểm, như ở tiểu mục "sứ mệnh nhà văn" (tr. 86-90) - ý kiến của các nhà lí luận - phê bình và các tác giả nhà thơ, nhà văn tại Miền Nam bấy giờ. Nhược điểm chiết trung này cũng dễ hiểu căn nguyên của nó, ấy là bởi tính chất đa phức, chứa đựng nhiều hệ mĩ học trên cơ sở nhiều hệ triết học khác nhau, nhiều lập trường yêu nước đối kháng nhau (đâu là yêu nước chân chính, quyết tâm bảo vệ văn hoá dân tộc đích thực?). Nếu đi đến tận cùng với các minh chứng lịch sử, hẳn hố sâu chia rẽ vẫn ngày càng rộng hơn.
Một điểm khác, phải nói là táo bạo và trung thực, khi Trần Hoài Anh so sánh hai nền lí luận - phê bình Miền Nam và Miền Bắc thuở đó:
"... Đây là điểm dị biệt khá cơ bản giữa lý luận - phê bình văn học ở đô thị Miền nam với lý luận - phê bình văn học ở Miền Bắc trong cùng thời kỳ. Bởi lẽ, nếu lý luận - phê bình văn học ở đô thị Miền Nam là một nền lý luận - phê bình với nhiều khuynh hướng đa phức, vận dụng nhiều quan điểm triết học và mỹ học khác nhau làm hệ qui chiếu để đánh giá các hiện tượng văn học thì lý luận - phê bình ở Miền Bắc là một nền lý luận - phê bình đơn thanh, thống nhất được xây dựng trên cơ sở triết học và mỹ học Mác - Lê-nin" (sđd., tr. 72-73).
Điều Trần Hoài Anh không chỉ ra, ấy là cơ sở căn bản của hai miền: một đằng là chủ nghĩa tự do, cá nhân, dân chủ đa nguyên thời bị tạm chiếm và một đằng là chủ nghĩa chuyên chính, tập thể, dân chủ tập trung, ít nhiều bị lệ thuộc. Chính trong thời kì chiến tranh, một mất một còn, Miền Nam không thể tập hợp được mọi cây bút theo một khuynh hướng, trên một lập trường, và do đó bị đánh tan (chưa kể đến nguyên nhân lịch sử về Thiên Chúa giáo từ nửa sau thế kỉ XIX đến nửa sau thế kỉ XX). Đoàn kết trong chiến tranh là nền tảng để chiến thắng. Đó là chân lí và sự thật lịch sử. Tuy vậy, đến thời hoà bình, hậu chiến, khát vọng tự do, dân chủ cụ thể của mỗi một công dân lại trỗi dậy ở Miền Bắc và trên phạm vi cả nước - nguyên nhân nội tại của xã hội, đặc biệt là của giới cầm bút nước ta (phê phán tính chất ấu trĩ "tả" khuynh, quá "tả", minh hoạ, công thức, bóp chết sáng tạo, phát kiến cá nhân), dẫn đến công cuộc Đổi mới, Cởi trói, dưới tác động của xu thế toàn cầu, một khi khối Liên Xô - Đông Âu đã tan rã, Trung Quốc cũng đã chuyển hướng...
Một điểm khác, cho đến nay, thú thật, tôi không hiểu những trào lưu hiện sinh chủ nghĩa, phân tâm học cùng các khuynh hướng khác thuộc chủ nghĩa hiện đại Âu Mỹ khi tràn vào Việt Nam, có thuộc sự chỉ đạo của người Mỹ và tầng lớp chóp bu của chế độ Miền Nam cũ hay không, mặc dù rất nhiều sách báo của chúng ta đã viết: Đúng là như vậy! Khi đọc những trang sách báo khẳng định như vậy, tôi cũng chưa thấy một văn bản chính thức, cụ thể nào do chính quyền chóp bu Miền Nam ban hành công khai hay bí mật. Phải chăng đó là sự suy diễn, nói theo thành ngữ dân gian là "suy bụng ta ra bụng người"? Nếu người Mỹ và chính quyền chóp bu Miền Nam đã chỉ đạo cụ thể là cần du nhập vào Miền Nam chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học và cả những khuynh hướng, trào lưu hiện đại chủ nghĩa khác của Âu Mỹ về triết học, mĩ học và văn học - nghệ thuật nói chung, thì thật khó hiểu. Bởi lẽ, chủ nghĩa hiện sinh, và những biến thể về văn nghệ khác của phân tâm học, vân vân, như đã kể trên, không phải là các học thuyết chiến đấu, mà phần lớn chỉ là sản phẩm của một Châu Âu tan nát, bi quan sau hai lần Thế Chiến... Những học thuyết ấy phần nào có giá trị chăng là ở khía cạnh nhận thức luận về con người và hiện thực tự nhiên - xã hội, nhưng với một nhãn quan bi đát. Chủ nghĩa hiện sinh có yếu tố tích cực là dấn thân, phản kháng chăng nữa thì cũng dấn thân, phản kháng với ý thức bi đát ấy. Nếu đó là con đường thứ ba, thì cũng không phải là "cẩm nang", "bửu bối" cần thiết cho chiến tranh. Thực chất, đó là học thuyết của chiến bại hay chỉ dẫn đến chiến bại. Vì thế, thật khó hiểu, nếu không nói, việc du nhập các học thuyết ấy chỉ là biểu hiện của sự khủng hoảng ý thức hệ của chính quyền Miền Nam và người Mỹ, nhất là sau khi chế độ gia đình trị họ Ngô sụp đổ với chủ nghĩa cần lao - nhân vị - Thiên Chúa giáo với chiều hướng áp đặt như một quốc giáo; là biểu hiện của não trạng vũ khí luận (xem súng ống đạn dược là yếu tố duy nhất quyết định thắng bại trong chiến tranh). Tôi nghĩ, có lẽ căn nguyên của việc du nhập các học thuyết chiến bại kể trên là nhằm thay thế chủ nghĩa hữu thần đã đổ bể, và chủ yếu là do khát vọng tự do, cá nhân chủ nghĩa, vô chính phủ của giới cầm bút. Mặt khác, về phía người đọc, những thứ du nhập ấy có phần nào gần gũi với tâm trạng chung của lớp thanh niên chán chường, vô vọng; và một khi đã du nhập, văn chương hoá, nghệ thuật hoá những thứ đó theo quy luật thương mại (có cầu, có cung), chúng càng tăng cao và sâu hiệu ứng đến mức khủng khiếp.
Thực sự chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học, vân vân, chỉ có tác dụng tốt phần nào về nhận thức luận hay về kiến thức, kĩ thuật văn chương, trong bối cảnh đất nước hoà bình, ổn định, sau khi chúng đã được khúc xạ qua bản lĩnh vững chắc, lành mạnh, dưới ánh sáng khoa học, thấm nhuần văn hoá dân tộc. Cả thế giới đều biết về chúng, lẽ nào ta không biết! Nhưng vấn đề là phải chọn lọc và tiếp biến, phải thường xuyên phê phán những tác hại của chúng. Có đa nguyên văn hoá cũng phải đa nguyên trên nền tảng dân tộc và khoa học.
Trên cơ sở nhận thức đó, ý tưởng đã dẫn nguyên văn bên trên của Trần Hoài Anh trong công trình ít nhiều "gạn đục", chủ yếu là "khơi trong" của anh, thật đáng trân trọng. Hàng vạn cuốn sách, hàng trăm tờ báo, tạp chí Miền Nam trong giai đoạn 1954-1975, loại trừ đi những gì vốn là viết thuê cho ngoại bang và những thế lực được ngoại bang hà hơi tiếp sức, vẫn là di sản văn học dân tộc, cho dù di sản ấy có ngọc trong đá, có đá trong ngọc hay rác rưởi (nói theo ngôn ngữ mạng vi tính bầy giờ là "spam").
Ánh sáng dân tộc và khoa học vẫn cần và mãi cần được soi sáng, trước bất kì học thuyết ngoại lai du nhập nào, di sản văn hoá nào.
Cuốn sách của Trần Hoài Anh, luận văn tiến sĩ của anh, còn nhắc nhở chúng ta trước những vấn đề trước mắt mà chúng ta đang phải đối mặt: chủ nghĩa hậu hiện đại (và cả hip - hop trong âm nhạc, vũ đạo, đang rộ lên trong vài tuần vừa qua, tuy đả phá được sự ủ rũ, rên rỉ nhưng vẫn thật quái dị vì thiếu chọn lọc!). Và chúng ta tự hỏi, nên chăng, trọng tâm của vấn đề là bản lĩnh dân tộc - khoa học của chúng ta, là lương tâm của người Việt chúng ta, trong nước cũng như ở hải ngoại, kể cả những nhà văn, nhà thơ, nhà lí luận - phê bình là đương sự, trong công trình nghiên cứu của Trần Hoài Anh mà anh có liệt kê danh tính ở thư mục tham khảo, và có đề cập, trích dẫn trong các trang sách của anh.
Kinh nghiệm đó (kinh nghiệm tiếp nhận các nguồn triết học, mĩ học và lí luận - phê bình cũng như sáng tác phẩm nước ngoài), dân tộc chúng ta đã trả bằng máu, bằng nhân phẩm.
Tôi biết trong chuyến vào TP.HCM. cách đây một tuần, Trần Hoài Anh vẫn còn đi tìm tài liệu về đề tài mà anh đã bảo vệ thành công. Trần Hoài Anh vẫn còn đang tiếp tục công trình của mình với tất cả đam mê và ý thức trách nhiệm. Anh sẽ đi sâu, chứ không thoả mãn với bề rộng. Tôi tin sẽ được đọc những bài luận, những cuốn sách khác về đề tài này, mà cuốn đầu tay (luận án tiến sĩ) của anh chỉ là mở đầu, khái lược cần thiết.
Tấm ảnh quang cảnh núi đồi, phố thị thường thấy trên màn hình vi tính (desktop) cho ta tầm rộng. Trần Hoài Anh đang nâng cao năng lực của đôi mắt trí tuệ, tâm hồn để có thể ghi nhận được chiều sâu, tạo ra những tấm ảnh được chụp bởi ống kính vi điện tử, hiển vi, x-quang, tia hồng ngoại...
Trần Xuân AnViết từ 08:15 đến 16:47', ngày 26-9 HB9
_______________________[*] Trần Hoài Anh, "Lý luận - phê bình văn học đô thị Miền Nam 1954-1975", Nxb. Hội Nhà văn, 2009, 316 trang (14,5 x 20,5 cm).
(1) Báo chí ở Miền Nam ít có trường hợp ấn hành liên tục, phần lớn là những tờ báo (gồm tuần báo), tạp chí xuất hiện một thời gian, từ một vài năm đến mươi năm. Những tờ báo, tạp chí có chuyên trang văn nghệ hay hoàn toàn chuyên ngành: Mai, Giữ Thơm Quê Mẹ, Tin Văn, Sáng Tạo, Văn Nghệ, Khởi Hành, Bách Khoa, Tư Tưởng, Trình Bày, Đối Diện, Văn, Văn Học, Thời Tập...
(2) Các tác giả nước ngoài có đề cập đến trong đoạn này: Karl Jaspers (Đức, 1883-1969), Kierkegaard (Đan Mạch, 1813-1855), Heidegger (Đức, 1889-1976), G. Marcel (Pháp, 1889-1973), J. Sartre (Pháp, 1905-1980), A. Camus (Pháp, 1913-1960), Nietzsche (Đức, 1844-1900), Freud (Áo, 1856-1939), Adler (Áo, 1870-1937), Jung (Thuỵ Điển, 1875-1961), Erich Fromm (Đức, 1900-1980), Suzuki (Nhật, 1870-1966), Mounier (Pháp, 1905-1950), Krishnamurti (Ấn Độ, 1895-1886)...
(3) Xem danh mục sách báo tham khảo, một số tấm ảnh chân dung trong giới cầm bút, thư mục thuộc đề tài, sđd., tr. 262-298.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét