Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2022

" chuyện TẠ TỴ vẽ & ĐINH HÙNG yêu " Mê hồn ca "/ ZING -- trích: vanhocsaigon 05/11/ 2022.

 

Chuyện Tạ Tỵ vẽ & Đinh Hùng yêu… Mê hồn ca

 Đinh Hùng yêu một người con gái tên Bích Liên. Chẳng may, nàng thơ bị bệnh phổi qua đời, nhà thơ đã viết “Mê hồn ca“.

Tên tuổi Tạ Tỵ và Đinh Hùng đều nổi tiếng ở miền Nam dạo 1954-1975. Người thì vẽ như phượng múa rồng bay nhưng cũng là một nhà văn với nhiều tác phẩm lưu dấu; kẻ thì đắm say trong tình yêu với Mê hồn ca để đời.


Tạ Tỵ – văn trung hữu họa


Nhiều nhà văn viết văn trước rồi sau đó ngứa tay mới thọc vô màu, vẽ tùm lum, tè lè đủ thứ sắc màu hình nét. Vẽ đối với họ như là một thú tiêu khiển ngoài giờ, như một ông chồng lén lút chán cơm, ta đi ăn phở, mà phở nào chẳng có màu sắc do ta sơn phết.

Riêng Tạ Tỵ, trước hết là một họa sĩ. Một họa sĩ chuyên nghiệp. Cả đời sống với khung bố cây cọ và màu sắc. Ông đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1943.

Họa sĩ Tạ Tỵ qua chân dung tự họa.

Tạ Tỵ là người tiên phong đưa trường phái lập thể và trừu tượng vào lịch sử mỹ thuật Viêt Nam bằng ba cuộc triển lãm vào năm 1951 với 57 tác phẩm lập thể tại Nha Thông tin Bắc Việt. Năm 1956 triển lãm 57 tác phẩm lập thể tại Sài Gòn. Năm 1961 triển lãm trưng bày 60 tác phẩm lập thể và trừu tượng tại Sài Gòn.

Nhưng thôi, hãy tạm gác vai trò người họa sĩ của Tạ Tỵ lại để nói về ông với vai trò nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học. Ông đã xuất hiện như một nhà văn với tập truyện ngắn Những viên sỏi (Nam Chi Tùng Thư, 1962), Yêu và thù (NXB Phạm Quang Khai, 1970).

Những cây viết trẻ muốn tìm hiểu về những nhân vật văn nghệ năm xửa năm xưa không thể không tìm đọc Mười khuôn mặt văn nghệ, rồi Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay. Là bạn Phạm Duy từ trẻ nên ông đã có một quyển sách viết riêng về bạn của mình Phạm Duy còn đó nỗi buồn, những bài tiểu luận về hội họa, sơn mài…

Tác phẩm của ông còn nhiều nhưng ta hãy nói về màu sắc hội họa của ông hay chính xác hơn hãy xem ông đã mang màu sắc nhìn về thành phố Sài Gòn như thế nào qua bài “Màu sắc Sè Gong”:

“Hỡi du tử nếu bị một sự tình cờ may mắn nào người được đặt chân vào mảnh đất yêu quý của chúng tôi, người có gặp nhiều đại lộ, những đại lộ của chiều thứ 7 tôi chắc người sẽ không giữ được cảm xúc khi bắt gặp những màu sắc chuyển mình dao động trong nắng gió ban chiều.

Từng đợt sóng màu xô đẩy từ hồng qua tím, từ trắng qua vàng, từ huyết dụ ngả lam biếc quyện vào mùi hương da thịt phơi phới lên tơ, vờn nhau như một đàn bướm làm cho cặp mắt dại khờ”.


Thế Lữ nhận xét thơ Đinh Hùng


Nhà thơ Đinh Hùng, dù chưa in tập thơ nào, chỉ với những bài thơ rời đăng báo đã nổi tiếng cùng thời với văn hữu cũng là anh rể – nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Chính nhà thơ Thế Lữ đã giúp Đinh Hùng rất nhiều trong thời gian đầu khi ông làm những bài thơ đầy khuôn sáo.

Thi sĩ Đinh Hùng

Đinh Hùng thừa nhận: “Hồi đó mỗi khi làm xong một bài thơ, tôi thường tìm Thế Lữ đọc cho ông ta nghe. Nhưng lần nào cũng vậy, nghe xong Thế Lữ lắc đầu bảo: ‘Chưa được, chưa được, cậu cần phải chịu khó, tìm kiếm hơn nữa’. Tôi buồn quá, tự ái nổi dậy, tôi nghĩ thế nào cũng phải làm cho được một bài thật hay, không lẽ cứ để hắn chê hoài”.

Thời đó, các văn nhân thi sĩ đã nổi tiếng hay chưa nổi tiếng đều dính vào một trong hai “Cô”: Ả phù dung hay cô đầu, hoặc cả hai “cô”. Lúc đó Đinh Hùng thầm yêu một cô đầu ở Khâm Thiên. Yêu thầm nên đầy thi hứng, Đinh Hùng sáng tác bài Kỳ nữ và đưa cho Thế Lữ xem.

Lần này Thế Lữ khen: “Được lắm, cậu nên làm theo loại nầy”. Được biết Thế Lữ đã đưa bài thơ Kỳ nữ vào quyển Trại Bồ Tùng Linh của mình.

Từ đó, Đinh Hùng trở thành nhà thơ nổi tiếng. Trong thời gian này, Đinh Hùng yêu một người con gái họ xa tên Bích Liên. Chẳng may, nàng thơ của Đinh Hùng bị bệnh phổi mà chết vào năm 1940.

Trong 10 năm, phải chứng kiến cái chết của 4 người thân và trong đó lại có một tình yêu tưởng như đơm hoa rực rỡ. Đinh Hùng gần như kêu gào:

“Trời cuối thu rồi em ở đâu

Nằm trên đất lạnh chắc em sầu?

Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy

Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu”.

Những câu thơ này trích trong bài Gửi người dưới mộ trong tập Mê hồn ca, tập thơ đầu tay của nhà thơ. Thi phẩm Mê hồn ca gồm bốn phần: Nguyên thủy, Thần tượng, Chiêu niệm và Mê hồn. Tập thơ này được Nhà xuất bản Tiếng Phương Đông của nhà thơ Hồ Dzếnh xuất bản. Chính Hồ Dzếnh viết tựa cho tập thơ.

Tập thơ được in tại Hà Nội vào năm 1954, nhưng vì thời cuộc nên chưa được phát hành. Sau đó, khi vào Sài Gon ông mang theo Mê hồn ca – một tập thơ in tại Hà Nội, phát hành tại vùng đất mới. Nhờ vậy, trong thời gian đầu ở Sài Gòn, nhờ tiền bán tập thơ in ở Hà Nội mà gia đình đỡ vất vả để thi sĩ có thể “đi vào tình sử”.

ZING


-------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét