Về chốn-ẩn-náu của Nguyễn Đức Sơn
Ngô Thị Kim Cúc
Để tìm tới chốn-ẩn-náu của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, chúng tôi phải “vời” tới một công dân B’Lao đầy tin cậy nhờ dẫn đường: anh Trần Minh Thảo, người-nước-Huệ, thầy giáo đã chọn B’Lao làm chốn nương thân từ hơn nửa thế kỷ qua.
Vừa chạy xe theo trí nhớ của anh Thảo (cũng đã lâu anh không lên Phương Bối) vừa qua hướng dẫn của app, cộng với chỉ dẫn trực tiếp của chính Phương Bối (con gái anh Nguyễn Đức Sơn) vậy mà cũng phải lẩn quẩn mấy vòng xe thì mới tìm ra đúng nơi cần tới: “phía trước đường có một tượng Phật màu đen”…
Thật đáng mừng nhưng cũng vừa lạ lùng với quãng đường tráng nhựa quanh co khá dài, để dẫn tới những khóm nhà rất lác đác. Phải chăng có một “dự án” nào đó sẽ triển khai, và đồi thông Phương Bối liệu có bị lọt vào các loại kính-nhắm?
Thật cảm động khi Phương Bối đã chuẩn bị đãi khách một bữa lẩu nấm, bày biện khá đẹp và rất ngon miệng. Trong khi Phương Bối bận rộn với chén đũa thì Nguyễn Đức Yên hào hứng lôi từ trong cặp ra những quyển sách muốn khoe cùng khách. Có vẻ Yên đọc nhiều và luôn giữ những nối kết với những người liên quan. Đó là hai trong số chín người con của Sơn Núi có mặt từ phút đầu để nghênh đón đoàn khách Sài Gòn.
Cách đây mấy thập niên, thời chị Ý Nhi còn phụ trách chi nhánh phía Nam của Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn, những chú điệu mặt mày sáng trưng tung tăng theo sau ông-cha-nhà-thơ ghé thăm, các chú bé vừa đi vừa ngậm kẹo, nghiêng ngó khắp nơi khiến cư dân trong cái hẻm trên đường Hai Bà Trưng chộn rộn xuýt xoa vì sự đáng yêu của họ. Những chú điệu ấy giờ tuổi đời đã trên dưới bốn mươi, đã trải qua nhiều trải nghiệm và thay đổi, nhưng vẫn nhớ chuyện cũ và nhắc lại chuyến đi Sài Gòn ngày ấy một cách đầy tình cảm.
Gia đình nhà thơ gồm chín đứa con (Thạch, Vân, Thảo, Thuỷ, Không, Lão, Yên, Phương Bối, Tiểu Khê) và người vợ gầy gò ốm yếu đã tìm cách để tồn tại giữa chốn hoang vu, vốn là nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh từng xây một thiền thất và nó đã sụp đổ sau 1975, chỉ sót lại cái bể nước. Cái bể cạn đã khô nước đã được chọn làm nơi nương náu thời điểm 1979, khi Sơn Núi quyết định rời bỏ thành phố, từ bỏ cuộc sống mà số đông không dứt ra được.
Bao nhiêu mồ hôi của vợ chồng con cái đã đổ xuống để ngày nay có một Phương Bối vút lên từng không màu xanh bền bỉ của thông, như trả lời/khẳng định về sự ương bướng không thể bị tước bỏ của một con người/một nhà thơ không-giúng-ai giữa cõi trần mù mịt với ông, cả trước và sau năm 1975.
Sơn Núi lúc nào cũng nhạo cợt rầy la mọi thứ quanh mình, đã có một quá khứ không vui với nhà cầm quyền trước 1975, thì sau 1975 càng khó lòng tìm được tiếng nói chung. Việc Sơn Núi bỏ phố lên rừng gần như điều hiển nhiên, nhưng chỉ hiển nhiên với chính ông, còn với số đông thì là điều không thể hiểu hết/rất khó luận bàn.
Trong chín đứa con, đứa lớn nhứt – Nguyễn Đức Thạch – đã cắt đứt với gia đình từ khá sớm, chọn con đường riêng. Đứa kém may mắn nhứt Nguyễn Đức Thảo (1970-1982) đã qua đời ở tuổi thiếu niên sau khi ăn nhằm nấm độc thuở cả nhà mới lên rừng đầy đói khổ. Chúng tôi đã gặp ở đây Phương Bối mà không có Tiểu Khê, cùng Nguyễn Đức Yên, Nguyễn Đức Lão-Thích Ngộ Chánh, Nguyễn Đức Vân-Thích Giới Lực. Chị Phượng có vẻ khỏe mạnh hơn trước, đi cùng đoàn khách, làm người thuyết minh trước mỗi điểm dừng.
Tất cả những gì nghe thấy càng khiến tôi nhận ra rằng, khi có mặt Nguyễn Đức Sơn như-chính-ông trên đời, phần còn lại sẽ nhận ra những gì mình không thể/không dám chọn/không dám hành động, nhận rõ ở con người này một nguồn năng lượng miên man/điên rồ nhưng đủ mạnh để những người khác soi vào và nhìn ra chân dung/chân tướng của chính mình.
Trên bia mộ, khắc ba câu ngắn của Nguyễn Đức Sơn bên dưới phù điêu rất đẹp gương mặt ông: Ta đến đây/ Khác với mây/ Là ở lại!
Đừng tưởng Nguyễn Đức Sơn đã từ bỏ cuộc sống này thì sẽ trở nên thụ động bởi những người còn ở lại. Ông vẫn là người nói câu cuối cùng: "Ta đến với cuộc đời cuồng điên này, không như mây… Và ta sẽ ở lại, vẫn ở lại… Vẫn ở lại tới vô biên… Vì ta là Nguyễn Đức Sơn – Sơn Núi – Sao Trên Rừng…".
Nguyễn Đức Sơn mới là người nói câu-cuối-cùng về chính cuộc đời mình, chính ông chớ không-phải-chúng-ta, phần còn lại của nhân gian…
Trước phần mộ Nguyễn Đức Sơn
Thắp nhang trước phần mộ Nguyễn Đức Sơn
Phần mộ Nguyễn Đức Thảo, con trai mất sớm của Nguyễn Đức Sơn
Nguyễn Đức Sơn – Pháp danh Tuệ Hải, sinh và mất: 18.11.1937-11.6.2020
"Ta đến đây/ Khác với mây/ Là ở lại !"
Đàng sau là túp nhà tranh Nguyễn Đức Sơn ở lúc còn sống
Đường nhựa trải dài dẫn đến đồi thông Phương Bối
Nguyễn Đức Yên khoe sách với khách
Bữa lẩu nấm đãi khách rất đẹp của Phương Bối
"Quý khách không vào khu vực này". Là khu vực sinh sống của gia đình Nguyễn Đức Sơn
Nguyễn Đức Lão bên chiếc-xe-huyền-thoại đã ngược xuôi Sài Gòn – B’Lao cùng Nguyễn Đức Sơn không biết bao dặm ngàn…
Những túp nhà tranh chở che cho gia đình nhà thơ qua bao năm tháng
Tùng Lâm thất, nơi cả gia đình tụng niệm mỗi ngày vẫn đang thiếu những pháp khí
như chuông – mõ, chuông – trống, lư hương… ước giá khoảng 450 triệu, quá nhiều so với gia cảnh nhà thơ
Bên dưới kia là làng xóm và đường nhựa chạy ngang qua đồi thông Phương Bối
Hình chụp vào tháng 9.2015 của vợ chồng nhà thơ Nguyễn Đức Sơn
Nguyễn Đức Vân từ rừng sim của mình cũng chạy xe qua để chào khách
Mấy câu viết tay của Nguyễn Đức Sơn trên dĩa CD tặng cho nhà báo Ngô Thị Kim Cúc tháng 6.2005:
"Ngày mai núi cũ tôi về/ Dĩ nhiên hạnh phúc tràn trề em ơi/ Thơ bay từ cổ ngút trời/
Quanh năm bảo đảm tuyệt vời nước mây/ Cớ sao đãng tử bậc thầy/ Hỏi ra từ đá tới cây lắc đầu"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét