PHONG ĐIỆP vắt kiệt sức cho điều mình đam mê
VƯƠNG TÂM
Trong hai tháng đầu của quý II năm 2018, nhà văn Phong Điệp ra liền hai tập truyện ngắn Những mối tình câm và Tình trạng không phủ sóng, quả là hiện tượng hiếm thấy. Chị viết văn như công việc hàng ngày, và không đợi chờ cảm xúc đến mới cầm bút. Mà theo Phong Điệp, nếu không lao động, không tự tạo ra cảm xúc cho mình thì sẽ khó đi đường dài với văn chương. Ít có nhà văn nữ nào vừa làm báo, vừa viết văn, lại xuất bản được số lượng sách nhiều như Phong Điệp. Nếu tính từ tập truyện ngắn đầu tiên “Khi ta hai mươi” (NXB Trẻ -1996”, đúng vào dịp tuổi 20 của Phong Điệp), thì đến nay chị đã có tới 23 đầu sách.
VẮT KIỆT SỨC CHO ĐIỀU MÌNH ĐAM MÊ
VƯƠNG TÂM
Những chuyến đi nạp năng lượng
Không ít người nói, Phong Điệp sống hơi khép kín, chẳng ham theo các hội nhóm bạn bè để vui chơi, buôn chuyện. Lúc nào cũng bận. Thật đơn điệu. Buồn. Nhưng quả họ nhầm. Đó chỉ là cái vỏ bên ngoài dễ bị ngộ nhận. Có thể nói không dễ dàng gì với một nữ văn sĩ trẻ như Phong Điệp từ Nam Định lên, khi bước chân vào làng báo, khởi nghiệp với mức lương mấy trăm ngàn vào năm 1998. Nghĩa là để tồn tại, tìm nguồn mưu sinh và còn nuôi mộng văn chương thì phải làm việc như “điên” mới sống được ở chốn thị thành, đầy rẫy những lo toan. “Cơm áo không đùa với khách thơ” các cụ nói cấm có sai. Trước kia làm phóng viên rồi trưởng ban báo Văn nghệ Trẻ, chị bận không khác gì nuôi con mọn. Ấy là chưa nói, Phong Điệp còn phải viết báo cho mấy tờ khác, để kiếm tiền thêm mới đủ sống. Thậm chí có thời gian khá dài chị cộng tác với chương trình Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam như một phát thanh viên thực thụ. Đặc biệt hơn mười năm qua, từ lúc lập gia đình và có con, chị phải tận dụng thời gian dành cho công việc viết văn vào quãng giữa, trước khi đón con và sau khi con đã ngủ. Đúng là kín bưng thời gian.
Tôi có dịp cộng tác với nhà văn Phong Điệp khá sớm. Dấu ấn của tôi với một nữ cử nhân luật nhỏ nhắn, duyên dáng ngược hẳn với những câu chuyện mà tôi đã được đọc qua tập truyện ngắn Ma mèo (NXB Trẻ-1998) của chị. Khi đó Phong Điệp vừa tròn 22 tuổi. Năm 1997, truyện ngắn Ma mèo của Phong Điệp đã đoạt giải nhì cuộc thi của báo Văn nghệ Trẻ (1996-1997). Một cây bút trẻ vào thời điểm đó được xuất bản một tập truyện ngắn như Phong Điệp đúng là một hiện tượng. Hơn nữa trước đó, Phong Điệp đã hai lần nhận giải thưởng Văn học tuổi hai mươi. Có lẽ “Rồng” đã cất cánh từ đây. Tôi bất ngờ với cách kể chuyện khác lạ của Phong Điệp từ ngày đó. Đầy chất điện ảnh. Những phân cảnh tạo nên sự chuyển động của hình ảnh. Chúng tự kể chuyện và ẩn chứa những nỗi niềm mà người đọc tập trung theo dõi sẽ phát hiện ra. Mười lăm truyện ngắn trong tập đều thể hiện chất “Cinéma” như vậy. Ấn tượng đến mức độ, mỗi khi gặp Phong Điệp là hình ảnh “Con mèo già vẫn ngồi ở lối rẽ vào nhà kho, hai chấm mắt xanh lét” lại hiện lên trước mắt tôi.
Ấy thế rồi sau này, tôi mới biết là Phong Điệp rất thích trốn đi một nơi nào đó, một mình với một không gian riêng biệt. Dường như đó là lúc tập trung xả hơi. Đến một chốn thiền định, thoát khỏi mọi ràng buộc, hoặc buông bỏ những điều còn bức bối trong lòng. Với những chuyến đi như thế nhằm nuôi dưỡng những điều tươi mới được nảy sinh. Đó là những ý tưởng bất ngờ. Thì ra Phong Điệp không sống khép kín như một số người nghĩ. Phong Điệp vẫn bay bổng và tìm lại chính mình, sau những chuyến đi như vậy. Những vùng đất mới, những thân phận Phong Điệp gặp trên mỗi chuyến đi, chính là năng lượng hối thúc những trang văn mới ra đời. Phong Điệp từng viết: “Có điều kiện là tôi lại vác ba lô lên đường. Tôi có thể tiết kiệm thời gian tụ tập với bạn bè nhưng lại sẵn sàng tiêu xài thời gian cho những chuyến đi”.
Tôi đã từng có những chuyến đi với Phong Điệp ở những cung đường xa, cùng bạn bè văn chương như Nguyễn Xuân Thủy và Thụy Anh, mới hay khi đến nơi Phong Điệp bao giờ cũng sôi nổi hơn cả. Nào hỏi chuyện những người dân bản xứ. Nào sà vào quán bán cá, quán ăn quà vặt để hỏi mọi thứ. Từ chuyện làm ăn tới những sự cố mới xảy ra. Chuyện về những đứa trẻ dưới lòng hồ, hay những chuyện tầm phào, từ chiếc cối xay gió được dựng trên lưng ngọn núi… Mải mê say sưa thế, vậy mà chợt nhớ đến giờ thổi cơm cho con, Phong Điệp lại giục mọi người cuống lên về nhà. Phong Điệp viết trên Facebook với những dòng chữ trong một chuyến đi với tâm trạng xao xuyến, rằng: “Khi đã trót phải lòng những cung đường thì lúc mưa gió thế này lại ngồi gặm nhấm những ký ức. Thế mới biết: Khoanh chân ngồi nhớ những con đường. Muôn nẻo giang hồ vấn vấn vương…”. Thì ra có một Phong Điệp rất thơ, với những ký ức luôn luôn được nạp cho văn chương, từ những cung đường. Dấn thân. Trải nghiệm.
“Ga ký ức” với những nỗi niềm ẩn giấu
Sau những chuyến đi, Phong Điệp thơ thới và trong trẻo cảm xúc với những con chữ. Những ý tưởng mới thường xuất hiện, đốc thúc những con chữ ra đời. Đã đến lúc không còn nhiều lo toan cho miếng cơm manh áo nữa, Phong Điệp dồn tâm huyết cho những tác phẩm mới. Tất nhiên vẫn là trong thời gian trống, giữa sự chờ đợi đưa đón con cái, hoặc đêm khuya. Khi ấy Phong Điệp mới thả sức mình viết. Với quỹ thời gian như vậy, nhịp điệu của câu chuyện vẫn luôn suôn sẻ, cảm xúc vẫn dạt dào trôi theo dòng chữ. Phong Điệp sống cùng nhân vật, với những cung bậc tình cảm, khó lường. Có lẽ điển hình, tiểu thuyết Ga ký ức của Phong Điệp (in năm 2015) ra đời, được bạn đọc hồ hởi đón nhận và được đánh giá cao.
Tôi biết, Phong Điệp đã phải tập trung viết trong mấy năm liền. Tác phẩm đã có sức lôi cuốn với chính tác giả trong quá trình sáng tạo. Viết đi sửa lại. Hoàn chỉnh cho ra mắt mà tác giả vẫn hồi hộp với câu chuyện mình kể ra. Không biết bao đêm tác giả đã khóc cùng nhân vật. Những nỗi đau như dao cứa và những ai oán trong đường đời con người. Phong Điệp là một tác giả luôn giữ được cốt cách của riêng mình. Đó là sự kiệm lời và ít miêu tả tỉ mỉ. Phong Điệp dành cho hình ảnh nhân vật được hiện lên đúng với hình hài chính nó, rồi vận hành theo câu chuyện, được dẫn dắt. Những đoạn bày tỏ những diễn biến tâm lý của các nhân vật như “Cô”, “Y”, hay “Phùng” tạo được sự ảo diệu, có sức thuyết phục cao. Bởi chúng sống động và đúng với tính cách nhân vật. Cách chơi “bố cục” của Phong Điệp trong Ga ký ức được phát huy đặc sắc hơn trước, so với hai tiểu thuyết đã xuất bản như Blogger(2009) và Vực gió (2015).
Đáng chú ý, cách kể chuyện mang đậm yếu tố điện ảnh, nên câu chuyện trong Ga ký ức sinh động, gây ấn tượng và cuốn hút người đọc. Sự kết nối ba chương chính, kể chuyện của ba người với số phận đặc biệt, qua những ký ức hiện về trong tâm tưởng. Họ hội tụ tại bệnh viện của những người hoang tưởng. Các chương đệm và chương bốn như sự kết dính. Là nơi hội tụ những nhân vật trở về. Đó là những nốt kết cuối cùng cuộc đời. Mối liên quan tất yếu, thông qua những đối thoại của ba người, với những ký ức xót xa và đau khổ như thế nào. Ba nhân vật đều có những nỗi niềm khổ đau và trầm luân trong quá khứ. Nhân vật có liên quan, như những người mẹ của cả ba người, cũng phải vượt qua những nỗi đau, theo thời gian như thế nào, để vững vàng sống và yêu thương cuộc đời này. Mỗi nhân vật đều có triết lý riêng mình trong những quá khứ nhọc nhằn. Ai cố chấp, không chịu rời bỏ những nỗi đau, sự mất mát ắt sẽ dẫn đến bế tắc. Bi kịch nảy sinh.
Trong đó, nhân vật Phùng là điển hình cho sự bứt thoát quá khứ, sống lăn lộn trong thực tại của chính mình. Cho dù xuất xứ là một đứa con hoang, Phùng gắng sống và vượt qua những nỗi đau không cùng của gia đình, tạo dựng cuộc đời mới trong một xã hội. Ngược lại với nhân vật “Cô”, chính là một bác sĩ chữa bệnh tâm thần, thì lại không thể vứt bỏ quá khứ với nỗi cay đắng, vì không biết lý do tại sao bố mình lại bỏ ba mẹ con ra đi. Cuộc biến mất của người bố thật tức tưởi ám ảnh “Cô” suốt báo tháng năm. Ký ức ám ảnh “Cô” như một định mệnh giời đầy. Tình yêu đến cũng chỉ như một giấc mơ. Nó tan biến, mỗi khi quá khứ trở về, nó dằn vặt như vết dao cứa vào tâm hồn. “Cô” trở nên hoang cảm và tìm đến cái chết, định chôn vùi cùng quá khứ… Đáng chú ý, nhân vật “Y” có thể nói hết sức lạ lùng, luôn luôn sống với những giấc mơ khủng khiếp, mỗi khi cơn đau đầu chợt đến. Những ảo ảnh đầy triết lý của nhân vật, luôn luôn gắng sống với thực tại và hạnh phúc cùng cuộc đời, mỗi khi vượt qua cơn đau. Nhân vật “Y” thật sự ảo diệu và thể hiện kỹ thuật dựng nhân vật khá độc đáo của tác giả. Cuối cùng “Y” chính là người kết nối, kéo lại những niềm hy vọng mới cho “Cô” và “Phùng”.
Sân ga ký ức của những số phận bất hạnh sẽ bớt u tối, dần dần bừng sáng khi họ luôn có hy vọng bứt thoát. Hiện thực tươi sáng đang chờ đón họ. Đó chính là tư tưởng của tiểu thuyết Ga ký ức mà Phong Điệp muốn gửi gắm. Khi đọc tôi luôn luôn sửng sốt, với những nỗi đau của nhân vật, cùng những cơn mơ bất hạnh chợt đến. Đặc biệt có lúc tôi giật mình, khi những tiếng mèo kêu, trong hoang lạnh đêm tối vang lên. Có lẽ những con ma mèo, cách đây hai mươi năm lại hiện về, trong nỗi ám ảnh khó ngờ. Đó là “Đám mèo hoang chạy huỳnh huỵch trên mái nhà. Tất cả bủa vây lấy y, chi phối từng nhịp thở của y” (Trích chương II-Y và vùng đất bị nguyền rủa). Những hình ảnh mèo hoang, cùng những đàn giòi và đôi bướm trắng gắn với “Y”, quả là những trang đặc sắc của Phong Điệp, khi miêu tả tâm lý của một nhân vật mắc bệnh đau đầu kinh niên. Đó là chứng tâm thần hoang tưởng. Ga ký ức có sức thu hút, khi Phong Điệp phân tích bệnh lý nhân vật thật sự sống động, qua những nét dị biệt khó quên.
“Phẩm chất của người lính”
Ít có nhà văn nữ nào vừa làm báo, vừa viết văn, lại xuất bản được số lượng sách nhiều như Phong Điệp. Nếu tính từ tập truyện ngắn đầu tiên: Khi ta hai mươi (NXB Trẻ -1996”, đúng vào dịp tuổi 20 của Phong Điệp, thì đến nay chị đã có tới 23 đầu sách. Vậy trung bình cứ mỗi năm in một cuốn. Có năm hai cuốn là vì thế. Nếu không nói đó là kỷ lục của một nhà văn nữ hiện nay. Ngay từ những ngày đầu làm báo, Phong Điệp đã là người dấn thân với cuộc sống, qua những bài phóng sự xã hội nóng hổi mang tính thời sự, chống tệ nạn tiêu cực đầy trách nhiệm công dân trên tờ Văn nghệ Trẻ. Thậm chí có lần, khi đi viết phóng sự điều tra, Phong Điệp đã bị đồng bọn xấu đón đánh trên đường về. May sao có người những dân tốt bụng biết chuyện, đã chỉ dẫn cho chị con đường tắt, vượt qua khỏi làng mới thoát nạn. Từ đó, với công việc báo chí thì hết lòng, với sáng tác thì Phong Điệp dồn tâm huyết đến cháy ruột, cháy gan với chữ nghĩa, cùng những thân phận mà mình “dự phần”. Lao động như một “khổ sai”, hàng ngày như hơi thở sự sống, không chờ đợi niềm hứng khởi chợt đến.
Phong Điệp đã vượt qua những khó khăn thường ngày, xây dựng sự nghiệp văn chương, báo chí. Chị đã có lần tâm sự: “Khi được vắt kiệt sức cho điều mình đam mê, đó cũng là hạnh phúc. Tự thấy mình có phẩm chất của người lính”. Đến nay, Phong Điệp đã có sự chuyển hướng báo chí, với trọng trách mới bên báo Nhân Dân. Nghiệp báo chí và con đường văn chương của Phong Điệp luôn song hành. Đầy nỗ lực sáng tạo. Tôi rất cảm động khi mới đây được nghe Phong Điệp tâm sự, qua tin tập tản văn Có mẹ trong cuộc đời này của chị, được tái bản vào thời gian tới. Chị viết: “Hạnh phúc của tôi cũng là hạnh phúc của mẹ. Cám ơn mẹ đã sinh ra con trên cuộc đời này. Cả cuộc đời, mẹ lặng lẽ phía sau con, mong con khôn lớn, thành người”. Nói tới Phong Điệp với hình ảnh “Hai trong một” là vì thế. Nhưng tôi lại nghĩ, nếu thiếu đi phần chăm lo gia đình, con cái, thì chưa đủ với Phong Điệp. Chị có tới ba tập truyện thiếu nhi nổi tiếng được tái bản nhiều lần, mà đề tài chỉ xoay quanh những nhân vật là hai “cô công chúa” trong nhà. Phong Điệp chính là người của gia đình, mới có những sáng tác thân thiết đến thế, và được bạn đọc yêu mến. Mới đây, đọc chị tâm sự trên facebook về bữa ăn gia đình mới thú vị làm sao. Nào ta nghe chị kể: “Cơm tối chưa đến 100k, có canh cua cà, cá sông chiên và thịt kho. Vừa ăn vừa đợi đến lúc bonsai khoai đủ thu hoạch được đĩa rau xào tỏi. Em nhất định quyết sống vui khỏe và lành mạnh”. Vậy ra đến bữa ăn chị cũng chơi “bố cục” như viết tiểu thuyết vậy. Hẳn thế!?
-------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét