VĂN HÓA
Nhà thiết kế Minh Hạnh: Từ “giấc mơ thổ cẩm” đến các sàn diễn quốc tế
Biên phòng - Là một nhà thiết kế thời trang sáng giá nhất trong làng thời trang Việt Nam, nhiều năm qua, nhà thiết kế Minh Hạnh đã trở thành “sứ giả văn hóa” mang những chiếc áo dài duyên dáng cùng nét đẹp thổ cẩm của các dân tộc thiểu số Việt Nam đi giới thiệu, quảng bá với bạn bè ở khắp 5 châu. Qua những tà áo dài và các mẫu trang phục do chị thiết kế, Minh Hạnh đã chứng minh một điều: Văn hóa chính là cánh cửa mở ra mọi cánh cửa với thế giới.
Tuổi thơ với “giấc mơ thổ cẩm”
Cô gái Minh Hạnh cất tiếng khóc chào đời tại phố núi Pleiku (Gia Lai) năm 1961. Mẹ của Minh Hạnh kể, khi còn bé xíu, lần đầu tiên bắt gặp những dải thổ cẩm màu xanh đỏ trên trang phục của đồng bào Tây Nguyên, Minh Hạnh đã mê tít. Cô bé bị ám ảnh vẻ đẹp huyền bí những dải thổ cẩm xanh đỏ vào từng bữa ăn, giấc ngủ, từng món đồ hàng... khiến ba mẹ lo lắng nghĩ quẩn: Hay là con gái mình bị người xấu “thuốc thư” (bỏ bùa).
Năm lên 8 tuổi, Minh Hạnh theo gia đình chuyển ra Đà Nẵng rồi vào Sài Gòn sinh sống, niềm đam mê thiết kế thời trang khiến chị tự lén cắt áo dài của mẹ để may váy áo cho búp bê. Lên 10 tuổi, Minh Hạnh đã tự thiết kế, cắt may một bộ quần áo vừa vặn để mặc đi học. Sau đó, chị còn thiết kế cho mình một bộ áo dài để “diện” mỗi khi tham gia sự kiện quan trọng của trường, của lớp...
Những năm miền Nam vừa được giải phóng, đất nước thống nhất cũng là giai đoạn kinh tế gia đình Minh Hạnh tụt dốc. Chị em Minh Hạnh vừa đi học, vừa phải cặm cụi may đồ xuất khẩu trong hợp tác xã. Những mảnh vải được cắt ra, may lại là nguồn thu nhập chính để đổi lấy chén cơm manh áo cho 6 người đang tuổi ăn, tuổi lớn trong gia đình chị.
Vào những ngày cuối tuần, chị em Minh Hạnh đạp xe ngược lên Trảng Bom (Đồng Nai) để chăm sóc vườn khoai mì. “Giai đoạn bước vào tuổi dậy thì, thay vì những bộ quần áo bằng lụa mềm mượt, óng ả và mát lạnh, tôi chỉ có vài chiếc áo và một chiếc quần vải. Khi đũng quần bị mòn, tôi đắp vào đó hai miếng vải rồi quay ngược quần ra phía trước. Đũng quần tiếp tục mòn, tôi đắp thêm hai miếng vải mới. Tôi xem đó là cách thích nghi trong hoàn cảnh thiếu thốn” - Minh Hạnh rưng rưng nhớ lại...
Hành trình theo đuổi giấc mơ
“Lối nhỏ vào đời” của Minh Hạnh là tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định rồi về Duyên Hải (Trà Vinh) làm thông tin cổ động. Sau đó, chị vào làm họa sĩ trình bày ở Báo Tuổi trẻ rồi sang Báo Công nhân giải phóng (nay là Báo Người lao động) và Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh. Minh Hạnh kể: “Ngày đó, dì Phương Điền, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh gợi ý tôi làm trang báo thời trang. Vải thiết kế thời trang là vải bao cấp, người mẫu là nhân viên của báo. Tôi cắt may, làm bản vẽ kỹ thuật và chụp hình đưa lên báo. Đó là trang báo thời trang đầu tiên của Việt Nam”.
Năm 1990, Minh Hạnh nhận được học bổng của khóa thiết kế đồ lót tại Indonesia. Kết thúc khóa học, Công ty Legamex mời chị về làm Giám đốc, triển khai Trung tâm thời trang Việt Nam đầu tiên là Legafashion vào năm 1992. Khoảng 2 năm sau, Viện Mẫu thời trang Việt Nam ra đời, lãnh đạo ngành dệt may mời chị về làm việc tại đây.
Được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp và hiện đại, Minh Hạnh vẫn luôn trăn trở với “giấc mơ thổ cẩm” thời ấu thơ. Trong ý tưởng thiết kế thời trang, chị luôn đan cài những nét văn hóa truyền thống của dân tộc vào các mẫu trang phục hiện đại. Để thổi “hơi thở” của núi rừng vào thời trang, chị đã lặn lội đến các buôn làng Tây Nguyên, lên vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế tìm hiểu về chất liệu, kiểu dáng họa tiết trên vải thổ cẩm của các dân tộc thiểu số. Trên nền tảng hoa văn truyền thống, chị đã thiết kế sáng tạo màu sắc, hoa văn táo bạo bằng cảm quan hiện đại, làm toát lên biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam trên những bộ trang phục bằng chất liệu vải tơ tằm.
Nhà thiết kế Minh Hạnh nhiều năm nay là khách hàng tiềm năng của Hợp tác xã dệt zèng - thổ cẩm thị trấn A Lưới (Thừa Thiên Huế). Khi nói về người “đỡ đầu”, chắp cánh cho thổ cẩm Tà Ôi khoe sắc trên các sàn diễn tại các sự kiện quan trọng trong nước và quốc tế, nghệ nhân Hồ Thị Hợp, Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt zèng - thổ cẩm thị trấn A Lưới xúc động nói: “Chị Minh Hạnh là nhà thiết kế đầu tiên đã dùng vải zèng của người Tà Ôi để thiết kế trang phục tân thời. Trong dịp Festival nghề truyền thống Huế năm 2015, lần đầu tiên thấy các cô người mẫu sang trọng trình diễn những bộ đồ thời trang may bằng vải zèng, chị em thợ dệt chúng tôi đã bật khóc vì vui sướng, tự hào”.
Vươn ra biển lớn
Trong khoảng 20 năm nay, nhà thiết kế Minh Hạnh đã nhiều lần mang những bộ sưu tập thời trang áo dài và váy áo tân thời do chị thiết kế sang các nước Nhật Bản, Pháp, Anh, Đức, Thái Lan, Trung Quốc để “khoe sắc” cùng bạn bè 5 châu. Và lần nào lên “đấu trường” thời trang quốc tế, chị cũng gặt hái được những thành công vang dội, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng quốc tế về một đất nước Việt Nam với nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc dân tộc.
Những thành công ấn tượng nhất của nhà thiết kế Minh Hạnh phải kể đến hai chiếc áo dài đoạt giải thưởng New Designer Award tại cuộc thi thiết kế Makuhari Grand Prix tổ chức ở Nhật Bản, năm 1997. Tại đây, chị đã được Ban Tổ chức mời giới thiệu đến công chúng Nhật Bản 100 mẫu thiết kế trong bộ sưu tập áo dài Việt Nam “Truyền thống và tương lai” tại đền Kiyomizu - Dera. Tiếp đến, năm 1999, nhà thiết kế Minh Hạnh - đại diện duy nhất của châu Á được mời đến tham dự cuộc trình diễn thời trang quốc tế Big Q tại Đức cùng với những tên tuổi nổi tiếng của làng thời trang thế giới.
Năm 2006, Minh Hạnh được Chính phủ Pháp tấn phong danh hiệu “Hiệp sĩ nghệ thuật và văn chương”. Minh Hạnh đã có những hoạt động thiết thực nhằm thắt chặt mối quan hệ trong lĩnh vực thời trang giữa Việt Nam và Pháp qua chương trình ký kết với Viện Mẫu thời trang Pháp. Chị cũng đã tạo được ấn tượng sâu sắc với bộ sưu tập “Đêm trắng” tại Pháp trong khoảng thời gian này.
Những năm tiếp theo, chị tiếp tục mang bộ sưu tập của mình sang các nước Trung Quốc, Pháp, Anh, Thái Lan... tham dự các sự kiện lớn của làng thời trang quốc tế... Năm 2016, nhân sự kiện ra mắt Dự án “Ngôi nhà Việt trên đất Pháp”, nhà thiết kế Minh Hạnh đã mang sang Pháp bộ sưu tập thời trang mang tên “Hơi thở từ núi rừng Việt Nam” do chị thiết kế trên nền vải của hai dân tộc Tà Ôi (A Lưới, Thừa Thiên Huế) và Mông (Hà Giang). Dịp này, chị mời hai nghệ sĩ Vàng Thị Mai (dân tộc Mông tại Lùng Tám, Hà Giang) và Hồ Thị Hợp (dân tộc Tà Ôi ở A Lưới, Thừa Thiên Huế) cùng đến Pháp trình diễn tay nghề trên những khung dệt thô sơ truyền thống.
Trong những chương trình trình diễn thời trang, áo dài mang tầm quốc gia luôn có sự xuất hiện của nhà thiết kế Minh Hạnh với vai trò tổng đạo diễn hoặc cố vấn chương trình. Trong hơn 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các sàn diễn thời trang cũng tạm thời lắng lại, nhà thiết kế Minh Hạnh “không chịu” ngồi im mà biến “nguy thành cơ”. Chị đã thiết kế một bộ sưu tập thời trang áo dài nghệ thuật với chủ đề “Những thiên thần áo trắng” để lên sóng truyền hình.
Ngọc Ánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét