'Nhạc hoài mong ta hát vì xa người...'
Vậy là sau hơn 2 năm chống chọi với căn bệnh ung thư vòm họng, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã chia tay chúng ta để 'về đồi sim, ta nhớ người vô bờ...'.
Khi tôi về đầu quân cho Báo Thanh Niên đã thấy anh Vũ Đức Sao Biển chễm chệ ngồi ở cương vị “sếp” nhưng khác ban: Anh phụ trách tờ Thanh Niên bán nguyệt san, còn tôi ở ban Văn nghệ báo ngày (phát hành cách nhật: thứ ba, thứ năm, thứ bảy hằng tuần). Gọi anh là “sếp” vậy thôi, thật ra anh rất hòa ái với tất cả anh em đồng nghiệp trong cơ quan. Sự niềm nở bằng nụ cười và ánh mắt có đuôi của anh luôn tạo cho người đối diện cảm giác nhẹ nhàng, an tâm khi làm việc với anh.
Tôi nhớ lần đầu tiên được anh “giao nhiệm vụ” là thế này: “Qua” nhờ “em” sang Nhạc viện Thành phố viết bài này”. Đó là sự kiện một doanh nhân người Mỹ tên Morgado tặng cho Nhạc viện một số băng đĩa tư liệu về âm nhạc và một cây đàn piano Stein way & Son, tổng trị giá hơn 200.000 USD (thời điểm năm 1995). Cái cách xưng hô “qua” và “em” của anh đã tạo cho tôi sự tách biệt không thể nhầm lẫn giữa anh và những người khác như nhận xét của một cô bạn đồng nghiệp: “Ở Vũ Đức Sao Biển như có một sự đối nghịch lạ kỳ giữa một người nghệ sĩ phóng khoáng và một nhà nho thủ cựu”.
Khi đã thân quen, tôi với anh thường có những đổi trao tâm đắc. Tôi khoe với anh rằng trước 1975 tôi và bạn bè đã từng rất mê hai bản nhạc Thu, hát cho người và Hát trên đồi Tăng Nhơn Phú của anh. Rồi thời gian tôi gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong (1977-1980), ở giữa đồi núi, rừng rú, biết bao lần tôi đã hát: “Ta ngồi mơ, mơ chiều Tăng Nhơn Phú. Nhìn mây bay nhớ người đến vô bờ. Ngựa hồng ơi bao năm rồi, tàn cuộc vui sao quanh đời còn vọng mãi chút hương xưa thời thơ ấu... Ta ngồi mơ thu vàng em yêu dấu. Mùa xuân xanh tóc dại chớm ưu phiền. Nhìn đồi xa, xa muôn trùng. Mịt mờ xanh, xanh cây rừng. Ghìm chặt súng hát ru cuộc đời mù sương” (Hát trên đồi Tăng Nhơn Phú). Tôi thắc mắc không biết anh lấy đâu ra những câu chữ diễm ảo như thơ vậy. Anh thủ thỉ: “Tôi sinh năm 1948 tại Tam Kỳ, lớn lên tại Duy Xuyên (Quảng Nam). Mẹ tôi sinh ra tôi trong lúc chạy tản cư, tiêu thổ kháng chiến chống Pháp. Bà là một phụ nữ vĩ đại dù văn hóa chỉ đủ phân biệt tờ giấy bạc 2 đồng với tờ 10 đồng nhưng bù lại bà thuộc cả ngàn câu ca dao, hát ru, cả trăm chuyện hài hước dân gian. Đó là một bà mẹ nghèo, mỗi khi tôi xa nhà chưa bao giờ dám xin mẹ một món tiền nho nhỏ. Thế nhưng, cái vốn liếng văn hóa mà mẹ tặng cho tôi là cực kỳ to lớn. Đặc biệt, tấm lòng hiền mẫu đã để lại cho tôi một trái tim lãng mạn tuyệt vời. Tôi lớn lên, biết yêu cuộc sống, yêu tự do và yêu người. Tôi đã chuyển hóa tất cả tình cảm ấy thành những bài tình ca...”.
Riêng đối với người viết, cuộc đời nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển gắn liền với 3 dấu ấn: ca khúc Thu, hát cho người, bản Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu và bộ Kim Dung giữa đời tôi.
Thu, hát cho người...
Vũ Đức Sao Biển kể: “Năm 18 tuổi, tôi xa người bạn gái đầu đời nhà ở cuối sông Thu. 20 tuổi, tôi mất người bạn ấy, mãi mãi... Tháng 9, mùa thu năm 1968, tôi trở về quê nhà Quảng Nam, cầm cây đàn guitar lên đồi sim xưa. Người bạn nghèo thời trung học của tôi không còn nữa, chỉ còn đây khu đền tháp với những nàng Apsara lặng lẽ nhảy múa nghìn năm và một rừng hoa sim. Cái màu hoa tím nhạt lãng mạn giữa thu vàng gợi nhớ người xưa chi lạ... Tôi kê tờ giấy lên mặt sau thùng đàn và viết lên đó những nốt đầu tiên của ca khúc Thu, hát cho người: “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt. Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa...”. Đó là bài hát đắc ý nhất của tôi bởi giai điệu, sự cảm âm gần như trong trạng thái “lên đồng”. Đẹp về ca từ, mượt mà về giai điệu và có vẻ sang trọng về hình thái, kết cấu. Bản nhạc vừa đưa ra là được công chúng đón nhận ngay. Người hát đầu tiên là cặp song ca Anh Ngọc - Hà Thanh trên Đài phát thanh Sài Gòn. Tiếp theo là các ca sĩ Phượng Bằng, Mai Hương, Quỳnh Giao, Kim Tước, Vân Quỳnh, Vân Hà, Ngọc Long... khiến cho bài hát nhanh chóng nổi tiếng.
Từ thành công của Thu, hát cho người, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã chọn cho mình khuynh hướng sáng tác nghiêng về thể loại bán cổ điển, rất gần với dòng nhạc tiền chiến như các ca khúc: Chiều mơ, Chiều trên đồi (1970), Bài thơ hoa cúc, Đôi mắt (1973), Cõi tiêu dao (1989), Đường về, Mẹ ơi (2000)...
Dạ cổ hoài lang...
Ở vào giữa thập niên 1990, nhạc của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã chuyển qua một khuynh hướng khác: thấm đẫm chất dân ca Nam bộ. Thực ra nguồn cảm xúc của anh đã được thai nghén từ những 5 năm (1970-1975), đó là khoảng thời gian anh rời mảnh đất miền Trung vào dạy học ở Trường trung học công lập Bạc Liêu. Những chuyến phà qua sông Tiền, sông Hậu, những đêm nghe đờn ca tài tử và cả Dạ cổ hoài lang đã hoài thai những cung bậc cảm xúc trong anh. Đặc biệt từ khi anh về công tác ở Báo Thanh Niên, thường được tiếp xúc với việc cổ súy trở về với những giá trị văn hóa - nghệ thuật truyền thống, đồng thời anh cũng thường được phân công theo những đoàn công tác cứu trợ đồng bào lũ lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó cái cảm xúc khi nhìn thấy một vùng đất phương Nam trong mùa nước nổi luôn trào dâng, mỗi đợt đi là có một vài bài. Có bài viết vội trên chiếc tắc ráng cũng có bài hình thành trong phòng làm việc ở tòa soạn. Đó là những ca khúc: Đau xót Lý chim quyên (1994), Tiếng quốc đêm trăng (1995), Điệu buồn phương Nam (1996)... Đặc biệt vào năm 1999, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển được UBND tỉnh Bạc Liêu mời về Bạc Liêu, đi nhiều nơi trong tỉnh để nghe bài Dạ cổ hoài lang, để từ đó anh thẩm âm và ký âm lại bằng các nốt nhạc Tây phương. Anh kể: Tôi “cảm” bài Dạ cổ hoài lang từ đó và nghĩ Dạ cổ hoài lang là cái gốc để các nghệ sĩ dân gian phát triển bài vọng cổ nhịp 4,8, 16, 32... Thế thì tại sao mình không phát triển bài Dạ cổ hoài lang theo một hướng khác, phát triển từ chất liệu sẵn có để tạo được sự sâu hơn, đẹp hơn về mặt nghệ thuật nhưng vẫn giữ được cái hồn dân ca - cổ nhạc. Và tôi đã viết Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang, Trở lại Bạc Liêu, Gửi về nơi cuối đất, Phượng nhớ Hoàng... đều mang cung bậc của hò, xự, xang, xê, cống như nối liền mạch cảm xúc với nhạc sĩ tiền bối Cao Văn Lầu.
Không chỉ ký âm bản Dạ cổ hoài lang, rồi sáng tác bằng “hồn cốt” của Dạ cổ hoài lang mà nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển còn muốn “quốc tế hóa” bản Dạ cổ hoài lang bằng cách mời 3 nhà báo: Danh Đức, Tố Loan (2 nhà báo này đều xuất thân từ Báo Thanh Niên) và Liêu Phúc Minh (Báo Pháp Luật TP.HCM) dịch Dạ cổ hoài lang ra các thứ tiếng Pháp, Anh và Hoa. Đó là mong ước cuối đời của anh, và anh bày tỏ ước nguyện sẽ được UBND tỉnh Bạc Liêu hoàn thành việc quốc tế hóa bản Dạ cổ hoài lang.
Kim Dung giữa đời tôi
Vũ Đức Sao Biển kể rằng thuở còn học trung học anh rất mê đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung. Lớn lên, tốt nghiệp Ban Việt - Hán Đại học Sư phạm Sài Gòn (1970), đậu cử nhân Triết Đông phương Đại học Văn khoa Sài Gòn (1970) nên càng “lậm” ông Kim Dung. Và cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi trong gia tài sáng tác đồ sộ của ông (khoảng 40 tác phẩm) thì số đầu sách “dính dáng” đến võ hiệp Kim Dung chiếm con số đáng nể. Ngoài bộ Kim Dung giữa đời tôi (4 cuốn: thượng, trung, hạ, kết) còn có: Kiếm hoàng hoa (1995), Nhân vật Kim Dung nhìn qua lăng kính pháp luật (2002), Những vụ án kinh điển trong tiểu thuyết Kim Dung (2003), Tiếu ngạo giang hồ (8 tập, dịch chung với 2 dịch giả khác, 2001)...
Vũ Đức Sao Biển bộc bạch: “Theo tôi, nhà văn Kim Dung đã tạo được một thế giới khác ngoài thế giới hiện thực, như cách người Trung Hoa thường nói “Thiên ngoại hữu thiên” (ngoài bầu trời có một bầu trời khác). Kim Dung đã tạo ra một thế giới riêng của bọn giang hồ hào sĩ với những nhân vật, tình tiết đan xen thoắt trói thoắt mở - vượt xa các Truyện Tàu kinh điển cũ. Hư cấu nhưng lại rất gần gũi với cuộc sống hiện thực, rất người, rất nhân bản...
Bao nhiêu năm anh em gắn bó, từ lúc anh còn làm ở Báo Thanh Niên rồi anh qua Báo Pháp Luật TP.HCM. Từ hồi gia đình anh còn ở Cư xá Thanh Đa (Bình Thạnh) rồi dời về sinh sống ở đường Tân Thới Nhất (Q.12) tôi vẫn đi theo anh. Càng lớn tuổi sức khỏe của anh càng giảm sút. Năm 2008, khi anh vừa tròn 60 tuổi, một cơn đột quỵ đã khiến anh phải cấp cứu ở Bệnh viện 115 (Q.10). Lần đó tôi và một đồng nghiệp có vào thăm anh, anh vẫn tỏ ra lạc quan vui vẻ, dù giọng nói có bị “méo” đi chút ít. Hai năm cuối đời anh bị ung thư vòm họng, không nói được, chỉ dùng “bút đàm”. Đã thế, vợ anh - đi nuôi chồng, nhân đó khám bệnh luôn lại lòi ra bệnh sỏi thận, yếu khớp chân. Thật là “họa vô đơn chí”... Trên giường bệnh, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển vẫn sáng tác, bản nhạc cuối đời là viết cho quê hương Quảng Nam, không biết đã hoàn thành chưa.
Chúng tôi - những người bạn văn nghệ - báo giới đồng trang lứa, những đàn em của anh trong nghề báo và những bạn đọc khắp các vùng đất nước đã từng yêu thích các tác phẩm “nhạc - văn” của anh xin được kính cẩn nghiêng mình trước anh linh, đốt nén tâm nhang và tiễn anh đi bằng câu hát của chính anh: “Biệt ly nào không buồn phiền trên dấu môi. Mùa vàng lên biêng biếc bóng chiều rơi. Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người...”.
HÀ ĐÌNH NGUYÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét