Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

" nhạc sĩ Thanh Tùng [ i.e. Nguyễn Thanh Tùng 1948- 2018 ] "/ TR.N. -- trích: https://tuoitre.vn> - 15/ 03/ 2016 .

 

Nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời: "Sớm mai chợt thấy hư vô trong đời"


Tr.N.
 
15/03/2016 09:57 GMT+7

TTO - Nhạc sĩ Thanh Tùng, tác giả nhiều ca khúc được hâm mộ như Lối cũ ta về, Ngôi sao cô đơn, Chuyện tình của biển, Một mình, Giọt sương trên mi mắt, Hát với chú ve con... qua đời tại Hà Nội.

Nhạc sĩ Thanh Tùng. - Ảnh tư liệu.

* Nghe các ca khúc được yêu thích nhất của nhạc sĩ Thanh Tùng

"...Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi. Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi. Một sớm mai kia, chợt thấy hư vô trong đời. Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi... Chỉ là... thế thôi...". (trích Giọt nắng bên thềm của Thanh Tùng)

Nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời hôm nay 15-3 tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, hưởng thọ 68 tuổi.

Thanh Tùng (tên đầy đủ là Nguyễn Thanh Tùng) sinh ngày 15-9-1948 tại Nha Trang, Khánh Hòa. Năm 6 tuổi ông theo cha mẹ tập kết ra Bắc và lớn lên tại Hà Nội. Ông từng học và tốt nghiệp tại Nhạc viện Bình Nhưỡng, CHDCND Triều Tiên năm 23 tuổi.

Từ năm 1971 đến 1975, Thanh Tùng là chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam II. Sau 1975, Thanh Tùng sống tại TP.HCM, góp phần xây dựng dàn nhạc nhẹ Đài Truyền hình TP.HCM lúc bấy giờ. 

Ông còn chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Bông Sen. 

Năm 1975 Thanh Tùng viết ca khúc đầu tay Cây sầu riêng trổ bông cho vở cải lương. Từ 1987 trở đi, Thanh Tùng có rất nhiều ca khúc được giới trẻ yêu thích như Hát với chú ve con, Hoàng hôn màu lá, Chuyện tình của biển, Lời tỏ tình của mùa xuân, Ngôi sao cô đơn, Câu chuyện nhỏ của tôi, Hoa tím ngoài sân, Em và tôi, Phố biển, Mưa ngâu, Lối cũ ta về, Một mình, Giọt sương trên mi mắt...

Nhạc sĩ có thời gian dài sinh hoạt tại Hội Âm nhạc TP.HCM. Từ năm 1978, Thanh Tùng tham gia nhóm nhạc sĩ "Những người bạn" gồm 7 nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thanh Tùng, Từ Huy, Nguyễn Văn Hiên và Nguyễn Ngọc Thiện.

Họ chơi thân với nhau, thường xuyên gặp gỡ ở Hội Âm nhạc TP.HCM. Nhóm Những người bạn ra mắt chính thức đầu năm 1991 với sự chứng nhận của Hội Âm nhạc Việt Nam. Các thành viên đều sáng tác sung sức, có những tác phẩm phổ biến và được công chúng đón nhận trong thời kỳ này.

Người anh cả của nhóm - nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời ngày 1-4-2001. Hơn 5 năm sau, đến lượt nhạc sĩ Từ Huy mất ngày 6-9-2006.

Năm 2005, Thanh Tùng từng chia sẻ quan niệm âm nhạc của mình là: "Đi. Học. Đọc. Viết. Hội nhập. Giữ gìn bản sắc".

Ông cũng từng cho rằng ca sĩ “Nếu chịu rèn luyện kỹ, có bản lĩnh, sẽ tồn tại lâu. Đó là điều tất yếu trong nghệ thuật”.

Thanh Lam và Hồng Nhung được xem là hai ca sĩ thành danh với khá nhiều ca khúc của Thanh Tùng (Em và tôi, Giọt nắng bên thềm, Giọt sương trên mi mắt, Một mình...).

Nhạc sĩ Thanh Tùng. Ảnh tư liệu.

Nhạc sĩ Thanh Tùng có 3 người con (2 trai, 1 gái): con trai cả là Nguyễn Thanh Bách, con trai thứ là Nguyễn Thanh Thông, cô con gái út là Nguyễn Thị Bạch Dương.

Về già, nhạc sĩ Thanh Tùng bị bệnh tiểu đường và thận yếu. Sau cơn tai biến năm 2008, nhạc sĩ Thanh Tùng liệt bên phải, mất khả năng nói và ngồi xe lăn.

Ông thường xuyên phải chạy thận và nhập viện nhiều ngày trước đây trước khi qua đời.

*Nghe lại ca khúc Một mình của Thanh Tùng qua tiếng hát Hồng Nhung:

*Có cảm giác ông là một nhạc sĩ thượng lưu, hạng VIP, nên cuộc sống của ông cũng thay đổi, kiểu cách và khép kín?

- Tôi rất thích đặc điểm của loài công. Người ta nói rằng: Nếu con công đực từ bé đến lớn bị cách ly thì nó vẫn sống, còn nếu con công bị chia lìa khỏi bạn tình thì nó không sống được quá ba tháng. Trong mục đố vui khoa học, con vật chung tình nhất là con công. Con công kiêu ngạo nhất nhưng cũng yếu đuối nhất.

Tôi không dám ví mình như loài công. Nhưng khi những cuộc tình đi qua, để lại cho tôi một điều: Con người sẽ cô đơn và nhỏ bé biết bao, yếu đuối biết bao, đơn điệu biết bao nếu sống không có tình yêu. (Nhạc sĩ Thanh Tùng - trả lời báo chí năm 2004).

*Các nghệ sĩ và đồng nghiệp như nhạc sĩ Quốc Trung, Huy Tuấn, ca sĩ Bằng Kiều, Hà Anh Tuấn... bày tỏ lời thương tiếc trước sự ra đi của Thanh Tùng - người nhạc sĩ tài hoa mà nói như một bạn đọc Tuổi trẻ Online: "Đã có một khoảng thời gian âm nhạc của ông là nguồn sống động lực lớn cho tôi...". Xem TẠI ĐÂY

*Xem thêm những câu nói đáng nhớ của nhạc sĩ Thanh Tùng: ​"Không có gì sướng bằng cười cho đã đời"

TR.N

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét