VƯƠNG TÂN
Mai Thảo
Một Đời Ở Với Thơ Văn
trích hồi ký sắp xuất bản
Mai Thảo tên thật là Nguyễn Đăng Quý. Có anh ruột tên Nguyễn Đăng Viên. Vương Tân chơi thân với Nguyễn Đăng Viên qua giới thiệu của nhà văn Chu Tử. Nguyễn Đăng Viên là em họ nhà văn hóa Nguyễn Đăng Thục mà ông Thục là cây đa cây đề trong giới triết học vì trước năm 1945. đã viết cuốn Khoa học và Đao học đươc nhà văn kiêm học giả Hồ Hữu Tường khen là tác phẩm thuộc loại độc đáo. Nguyễn Đăng Viên thường khoe có người em ruột là Nguyễn Đăng Qúy làm thơ hay lắm. Nguyễn Đăng Viên học luật và từng được ông tướng người Pháp tên Salan tư lệnh quân đội Pháp tại Việt Nam bổ nhiệm làm tỉnh trưởng liên tỉnh Thái Bình-Nam Đinh-Ninh Bình. Khi đó Nguyễn Đăng Viên đã chọn trung úy Nguyễn Văn Thiệu làm sĩ quan tùy viên theo lời yêu cầu của anh trung úy Thiệu là giáo sư Nguyễn Văn Kiểu một lãnh tụ Đảng Đại Việt mà Nguyễn Đăng Viên là người được lãnh tụ tối cao của Đảng Đai Việt, ông Trương Tử Anh chọn là người thân cận như bác sĩ Đăng Văn Sung nhà báo Bùi Diễm. nhà văn Đinh Xuân Cầu. Con người Nguyễn Đăng Viên tính tếu táo nên Chu Tử đã chọn hợp tác khi mở trường Thăng Long ở số 207 Bùi Viện quận 2 Saigon. Khi trung úy Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng Thống có mời Nguyễn Đăng Viên hợp tác lúc đó Nguyễn Đăng Viên làm giám đốc khách sạn Palace của ngừơi Pháp ở đường Nguyễn Huệ quận 1 trung tâm Saigon Nguyễn Đăng Viên đã cười và trả lời Tổng Thống Thiệu rằng lương bộ trưởng thua lương giám đốc khách sạn Palace và Viên còn nói thêm làm tổng thống như ông còn chẳng làm được gì ra hồn vì người Mỹ họ đã bao sân cả rồi, nói chi làm bộ trưởng nên Nguyễn Đăng Viên từ chối. Sau 30 tháng tư năm 1975 Nguyễn Đăng Viên bị bắt đi tù ở Xuyên Mộc gặp họa sĩ Đằng Giao con rể nhà văn Chu Tử , Nguyễn Đăng Viên luôn kể chuyện tiếu lâm và hút thuốc lào sòng sọc rối cười tủm, ra tù Nguyễn Đăng Viên đi vượt biển chết mất xác ngoài biển.
Nguyễn Đăng Viên từng kể với Vương Tân, Mai Thảo - Nguyễn Đăng Qúy có ba bút danh trước năm 1954. Khi đi kháng chiến ở khu tư Nguyễn Đăng Qúy làm thơ ký bút danh Nhi (vì thích một cô gái tên Nhi). Những câu thơ Nguyễn Đăng Qúy làm trong dịp này có mấy câu đươc nhà văn TrầnThanh Hiệp trích dẫn trong bài viết về thơ tự do đăng trên tạp chí Sáng Tạo. Sau năm 1954 viết tập truyện ngắn Đêm Gĩa Từ Hà nội Nguyễn Đăng Qúy ký bút danh Mai Thảo vì thích một cô gái tên là Mai Khanh làm ở Câu Lạc bộ Văn Nghệ ở đường Phan Đình Phùng của nhà báo Phạm xuân Thái lúc ông làm bộ trưởng Thông Tin của chánh phủ Ngô Đình Diệm. và khi viết phê bình Nguyễn Đăng Qúy lấy bút danh Nguyễn Đăng.
Năm 1956 họa sĩ Duy Thanh triển lãm tranh tại trụ sở PhápVăn Đồng Minh Hội ở đường Gia Long quận 1 Saigon, phòng tranh do nữ sĩ Trúc Liên coi sóc và tiếp khách mua tranh. Họa sỉ Duy Thanh là bạn văn nghệ với Vương Tân từ ngoài Hà nội trước năm 1954. Nhà ông và nhà Vương Tân cùng ở phố Trần Quốc Toản gần xóm Hạ Hồi. Lúc họa sĩ Thanh triển lãm tranh, Vương Tân đang phụ trách trang Văn Nghệ của nhật báo Ngôn Luận. Sau khi xem tranh của Duy Thanh, Vương Tân được Duy Thanh báo anh vừa bán một bức tranh lớn cho tùy viên văn hóa tòa đai sứ Mỹ tên Tucker và cho biết Mai Thảo có bài viết xem tranh Duy Thanh với tựa đề Thưởng ngoạn nghệ thuật hội họa Duy Thanh nhờ Vương Tân phổ biến. Bài viết của Mai Thảo ký bút danh Nguyễn Đăng là bài viết lần đầu tiên người viết ở VN dùng bốn chữ "thưởng ngoạn nghệ thuật" để chỉ thái độ xem tranh. Vương Tân đem bài này về đăng trên trang văn nghệ báo Ngôn Luận bài đã gây được khá nhiều tiếng vang. Nhà báo Cao Giao Huỳnh văn Phẩm hỏi Vương Tân Nguyễn Đăng là ai mà viết phê bình tranh Duy Thanh hay vậy. Vương Tân cho biết Nguyễn Đăng là bút danh mới của Mai Thảo tác giả tập truyện Đêm Gĩa Từ Hà nội. Cao Giao Huỳnh Văn Phẩm nói Mai Thao viết phê bình hội họa với ngôn ngữ của một nhà nhà thơ chứ không phải ngôn ngữ của nhà phê bình nghệ thuật, độc đáo đấy.
Sau triển lãm tranh Duy Thanh mời Vương Tân đi ăn cơm Tây ở cao ốc Everest đường Nguyễn Văn Tráng uống rượu vang chai đàng hoàng chứ không phải uống rượu vang thùng. Trong bữa cơm này họa sĩ Duy Thanh tiết lộ người Mỹ tên Tucker* tùy viên Văn Hóa tòa Đai sứ Mỹ ở Saigon có ngỏ ý nhờ Trúc Liên và Duy Thanh giới thiệu cho ông một nhà văn người Việt Nam đứng ra xuất bản một tờ tạp chí nhằm mục đích quảng bá Phong Trào Văn Hóa Tự Do trên thế giới. Nhất là nền văn hóa văn nghệ Tự Do của Việt Nam. Phòng Thông Tin Hoa Kỳ tại Saigon sẽ yễm trợ để tờ tạp chí này sống được và những người viết nó sống đàng hoàng bằng cách mỗi số tạp chí phát hành họ sẽ mua đứt mấy nghìn bản để tòa soạn thu hồi được tiền nhuận bút và tiền in ấn cùng các chi phí cho tòa soạn. Duy Thanh đã quyết định giới thiệu Mai Thảo làm công việc này và Mai Thảo đã gặp Tucker hai ngươi đã thảo luận với nhau bằng tiếng Pháp. Duy Thanh tiết lộ Tucker là người Mỹ gốc Ý nói tiếng Pháp đúng giọng của người Pháp ở Paris. Điều khó hiểu là tạp chi Sáng Tạo do Phòng Thông Tin Hoa Kỳ yểm trợ ra số đầu không phải do họa sĩ Duy Thanh trình bầy và không có sự góp mặt của những cây bút nhóm Người Việt như các ông Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sĩ Tế, Doãn Quôc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền.
Mãi tới số thứ Ba người ta mới thấy Thanh Tâm Tuyền viết một bài về Ngày khai trường. Duy Thanh, Vương Tân viết bài cho Sáng Tạo còn chậm hơn. Sáng Tạo trả nhuận bút khá nhưng anh em viết bài cho Sáng Tạo hầu hết làm nghề dạy học. Vương Tân ngoài dạy học còn làm báo hàng ngày thành ra tiền nhuận bút của Sáng Tạo chỉ để anh em đi xuống đường Tự Do chơi trò chơi điện tử hay chiều thư bẩy đi ăn cơmTây uống rượu vang chai. Mai Thảo có tật gặp anh em là lấy phong bì đưa tiền đặt bài, không cần biết anh em có cần hay không.
Mai Thảo sống đôc thân tại tầng trệt một căn nhà ở đường Ký Con,tầng trệt này có hai phòng. Phòng phía trước kê một cái bàn cho Đăng Lê Kim người phụ trách trị sự tờ Sáng Tạo ngồi làm việc và một cái bàn lớn với mấy cái ghế để Mai Thảo tiếp khách. Phòng trong là nơi Mai Thảo ở. Mai Thảo có xe hơi du lich loại xoàng thua xe hơi loại du lich của Nguyên Sa , Trần Dạ Từ. Mai Thảo mê uống rượu phải nói là nghiện rượu. Bình thường Mai Thảo lầm lì ít nói nhưng có rượu vào thì nói nhiều. Mai Thảo thích đi chơi đêm và khiêu vũ. Có lúc Mai Thảo sống như vợ chồng với một vũ nữ tên Cúc. Nhưng rồi người ta lại thấy Mai Thảo sống một mình. Theo lời Nguyễn Đăng Viên có đôi lần gia đình định hỏi cưới cho Mai Thảo một ngươi vợ nhưng Mai Thảo đã phá đám nên chẳng đám nào thành cả. Tuy nhiên thập niên 1960 người ta lại thấy Mai Thảo một mình lừng lững ra Huế đến gia đình nữ ca sĩ Hà Thanh đánh tiếng xin cưới hỏi Hà Thanh. Dĩ nhiên với một gia đình danh gia vọng tộc như gia đình ca sĩ Hà Thanh ở Huế cái lối đanh tiếng xin cưới hỏi con gái họ như lối của Mai Thảo đã bị đáp lại bằng lời từ chối thẳng thừng. Mai Thảo yêu nữ danh ca Thái Thanh và Thái Thanh cũng rất thích Mai Thảo. Nhưng với Thái Thanh thì phải có đám cưới mới ăn ở với nhau được nhưng Mai Thảo thì lại sợ đám cưới dù yêu Thái Thanh đến bị Lê Quỳnh đánh ghen tại phòng trà Bồng Lai. Nhưng Mai Thảo cương quyết không làm đám cưới với người yêu Thái Thanh. Thành ra cuộc tình này kéo dài khá lâu nhưng lại chẳng đi đến đâu.
Cuối đời Mai Thảo sống nơi phố Bolsa Cali, khi nhận chấp bút hồi ký cho nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh Mai Thảo cũng có tình cảm với Kiều Chinh và cũng đươc Kiều Chinh đáp lại. Nhưng cuộc tình già này cũng chẳng đi đến đâu vì khi Mai Thảo qua đời vẫn là một người độc thân.
Tạp chí Sáng Tạo giai đoan đầu với sự yểm trợ của Tucker kéo dài từ 1956 tới 1961 và nó ngưng xuất bản khi Tucker hết nhiệm kỳ ở Việt Nam. Thời kỳ này Sáng Tạo khám phá đươc các cây bút như ThảoTrường, DươngNghiễm Mậu, Thạch Trân ( Đào Trung Đạo), Trường Dzi (Đăng Phùng Quân), Ngụy Ngữ …
Sau khi Sáng Tạo ngừng phát hành bác sĩ Trần KimTuyến người đươc ông Ngô Đình Nhu trao cho nhiệm vụ phụ trách Văn hóa Văn Nghệ ở miền Nam đã tung tiền ra cho nhà thơ Nguyên Sa ra tờ Hiện Đại nhằm thay thế tờ Sáng Tạo nhưng không thay thế được. Ông lại tung tiền cho giáo sư Nguyễn khắc Hoạch với sự yểm trợ của nhà văn Đoàn Tường (Lý Hoàng Phong) và kịch tác gia Trần Lê Nguyễn ra tờ Thế Kỷ Hai Mươi thay tờ Sáng Tạo cũng thất bại nên đã dùng Đoàn Tường và Dương Nghiễm Mậu ra tờ Văn Nghệ nhưng vẫn không thay được tờ Sáng Tạo.
Sau năm 1963 một tổ chức Văn hóa của người Mỹ qua bác sĩ Lý Trung Dung đã thương thuyềt yểm trợ Mai Thảo tái bản tạp chí Sáng Tạo. Lần Sáng Tạo tái bản này có sự tham gia của họa sỉ Duy Thanh và nhóm Người Việt từ số đầu và những tên tuổi mới nổi lên như Dương Nghiễm Mậu, Trần Dạ Từ, Nguyễn Đức Sơn, Viên Linh, Thảo Trường , Trần Hoài Thư …
Sáng Tạo đợt tái bản tuy trình bầy đẹp hơn bài vở phong phú hơn nhưng không súc tích và đột phá như lần xuất bản đầu. Thời gian hiện diện cũng ngắn ngủi hơn và dấu vết để lại trong lich sữ văn học cũng mờ nhạt hơn đợt đầu.
Sau hai đợt phát hành tạp chí Sáng Tạo, nhà văn Mai Thảo đã quyết định chấm dứt việc làm chủ báo và quyết định chỉ đi viết thuê. Vì thế khi tướng Nguyễn Cao Kỳ qua nhạc sĩ Phạm Đình Chương ngỏ ý muốn Mai Thảo đứng ra xuất bản tuần báo Nghệ Thuật và chính phủ bỏ tiền ra chi hết từ A tới Z. Nhưng Mai Thảo trả lời đã chán làm chủ báo rồi kiếm ai làm chủ nhiệm ông chỉ nhận làm chủ bút nghĩa là đi viết thuê thôi. Kết quả là tướng Nguyễn Cao Kỳ đã trao cho Nguyễn Văn Minh (nhà báo Minh Vồ) làm chủ nhiệm tuần báo Nghệ Thuật, Mai Thảo làm chủ bút, Viên Linh làm thư ký tòa soạn.
Tuần báo Nghệ Thuật tồn tại đươc hơn một năm nhưng cũng tạo ra được một số nhà văn mới như Cung Tich Biền, Sơ Dạ Hương(Nguyễn Quôc Trụ). nhà thơ Nguyễn Thùy Song Thanh …
Sau Nghệ Thuật Mai Thảo vẫn nhất định sống bằng nghề viết thuê. Hết làm báo Văn của Nguyễn đình Vượng, lại đi làm báo Kich Ảnh của Quốc Phong hoăc viết bài cho Đài Tự Do của người Mỹ do Vũ Quang Ninh đứng "đầu trò". Cái đau đớn của Mai Thảo là ngày 30 tháng tư năm 1975 xẩy ra những người làm Đài Tự Do bị người Mỹ không mang đi kịp nên những Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo cộng tác với Đài Tư Do kẹt lại Việt Nam.
Ngay sau ngày 30 tháng tư Mai Thảo đã quyết đinh sống nay ở nhà người này mai ở nhà ngươi khác, và tìm cách đào thoát khỏi Việt Nam.
Tháng tư năm 1976 Việt Cộng bắt đầu chiến dịch bắt những nhà văn nhà thơ nhà báo mà chúng ghi vào sổ bìa đen là những nhà văn nhà thơ chống Cộng.
Mai Thảo đang sống tại nhà một người anh ruột ở góc đường Phan Đình Phùng và Nguyễn Gia Thiều quận 3 Saigon. Lúc công an cộng sản kéo tới nhà người anh ruột của Mai Thảo thì Mai Thảo đi vắng. Chúng mật phục ở đó. Nhà văn dich giả Nguyễn Hữu Hiệu (em ruột nhà thơ Viên Linh) đến kiếm Mai Thảo đã bị chúng bắt liền và nói Nguyễn Hữu Hiệu có tên trong danh sách bị bắt vì là dich giả cuốn tiểu thuyết Bác sỉ Zivago. Đám công an Việt Cộng này không có tên nào biết mặt mũi hình dáng Mai Thảo như thế nào nên đã hỏi Nguyễn Hữu Hiệu mặt mũi và hình dáng Mai Thảo. Nguyễn Hữu Hiệu vốn tính thích chọc ghẹo người khác nhất là công an Việt Cộng nên đã tả Mai Thảo người thấp đậm mặt vuông tóc chải lật dáng đi lạch bạch như vịt bầu, đó là hình ảnh nhà văn Vũ Khắc Khoan bạn của nhà văn Mai Thảo đã vượt thoát đi Mỹ từ tháng 4 năm 1975. Một giờ sau Mai Thảo về đi ra nhà sau bọn công an Viêt Cộng thấy anh chàng cao lênh khênh đi vào nhà không nói gì. Mai Thảo ra nhà sau đươc người cháu báo cho biết, công an Việt cộng đang chờ bắt ở đằng trước đã lẻn cửa hông ra đường Nguyễn Gia Thiều trốn thoát. Sau khi thoát cuộc vây bắt ở nhà Mai Thảo tới ẩn náu tại nhà Măc Thu Lưu Đức Sinh và Thái Thủy mấy ngày rồi trốn vào Chợ Lớn. Điều ly kỳ là Mai Thảo vừa ra khỏi nhà cha con Mặc Thu Thái Thủy (Thái Thủy là con rể Măc Thu) có hai ngày thì công an ập vô bắt cha con Măc Thu Thái Thủy bỏ tù và phát vãng đi trại Gia Trung ở Kontum.
Theo chỗ hiểu biết của Vương Tân thì chính nhà thơ Nhã Ca đã chứa Mai Thảo tại căn nhà đường Hoàng Hoa Thám Gia Định (căn nhà vợ chồng Trần Dạ Từ Nhã Ca mua của bác sĩ Hoàng Văn Đức). và liên lạc với nhạc sĩ Văn Phụng tổ chức cho Mai Thảo vượt biển sang Mỹ.
Trong một bức thư nhà văn Nghiêm xuân Hồng gửi cho Vương Tân, ông cho biết Mai Thảo sống lưu vong viết xuống tay nhưng lại làm thơ rất hay. Cái để đời sau này của Mai Thảo chính là những bài thơ làm trong cuối đời. Nhận định của Nghiêm xuân Hồng trùng khớp với nhận đinh của Lê Thị Huệ, Mai Thảo vào đời với những bài thơ ký bút hiệu Nhi và tồn tại với tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền.
Nói về cái chết của Mai Thảo, nhà thơ Vũ Uyên Giang quả quyết Mai Thảo qua đời sớm chính vì nhà thơ Viên Linh cứ lén cho Mai Thảo uống rượu hoài trong khi bác sĩ cấm Mai Thảo"nhậu". Vì chất cồn sẽ làm cho Mai Thảo chết sớm và "hết thuốc chữa" luôn
Vương Tân
Nhà thơ, nhà báo Vương Tân sinh năm 1930 tại Sơn Tây, có bút hiệu khác Hồ Nam.
Khởi sự viết từ năm 1950.
1952-1954 Chủ bút Tuần Báo Quê Hương.
1955 Biên tập viên Tuần Báo Đời Mới
1956 Thư Ký tòa soạn Tuần Báo Việt Chính và chủ trương tủ sách Lạc Việt cùng Phan Lạc Tuyên và Mạc Ly Châu.
1957 Tham gia nhóm Sáng Tạo làm thư ký với bút hiệu Vương Tân.
1958 Chủ trương Tuần Báo Cái Tiến cùng Giản Chi, Đông Xuyên.
1961 Phụ trách trang Văn Nghệ của Nhật Báo Mới.
1964 Phụ trách phần văn nghệ Nhật Báo Quyết Tiến
1970 Thư Ký Tòa Sọan Nhật Báo Hòa Bình.
1975 tù “Cải Tạo” 3 lần cả thảy, sau khi ra tù viết báo “chui” Việt Nam.
Có tên trong Khảo Luận Về Thi Ca Việt Nam của Uyên Thao; Thi Ca Việt Nam của Trần Tuấn Kiệt và Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại của Nguyễn Đình Tuyến.
Sách đã xuât bản :
- Tìm Hiểu Thơ Tự Do viết chung với Phan Lạc Tuyên, Mạc Ly Châu và Kiêm Đạt 1956.
- Những Sương Phụ Của Thời Đại - Truyện dài,- Sống Mới xuất bản
*Tucker nguyên tên: Graham Tucker, là nhân viên phụ trách ngành xuất bản cho cơ quan USIS - Publications Officer for the U. S. Information Service USIS - thuộc bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Ông Tucker đến Sài Gòn năm 1956. Trước khi nhận nhiệm sở ở Sài Gòn, ông Graham Tucker đã làm việc ở Paris 8 năm, lấy vợ Pháp, nên ông nói lưu loát tiếng Pháp (theo tài liệu trong sách From the city inside the Red River của giáo sư Nguyễn Đình Hòa, Jefferson, McFarland & Co., 1999) (lê thị huệ sưu tầm thêm)
http://www.gio-o.com/VuongTan.html
© gio-o.com tự f2015
-----------------------------
lời bàn thêm:
Lê Văn Nghĩa viết nhiều bài về Mai Thảo ( VĂN HỌC MIỀN NAM 1954- 1975/ Những chuyện bên lề (Nxb Tổng hợp Tp. HCM 2020}.
-riêng " ÁNH SÁNG MIỀN NAM ĐỨA CON BỊ MAI THẢO TỪ CHỐI, " như sau:
ÁNH SÁNG MIỀN NAM
ĐỨA CON BỊ MAI THẢO TỪ CHỐI
Trong tự điển mở Wikepidia phần tác phẩm của nhà văn Mai Thảo không thấy nhăc đến truyện dài phóng tác Ánh sáng miền Nam và hầu nhu không ai nghe nói đến tác phẩm" này sau Đêm giã từ Hà Nội (1956), kể cả tác giả cũng không nhắc đến.
Khi đọc quyển Nhà văn hậu chiến 1950 - 1956 của nhà văn Thế Phong, tôi (LVN ) mới biết Mai Thảo đã có một truyện dài phóng tác từ phim Ánh sáng miền Nam - một phim hợp tác giữa Việt Nam Cộng Hoà và Phi Luật Tân quay từ năm 1956. Trong phim này có sự góp mặt của Phạm Duy và hai người phụ nữ trong đời ông là Thái Hằng, Khánh Ngọc.
Khi phim này trình chiếu đã bị sự chê bai thậm tệ của báo chí. Duy Mỹ sản xuất hỗn hợp trong bài: " Đặt vấn đề sản xuất hỗn hợp " trên báo Sinh lực ngày 1/ 1/ 1957 viết: " Ánh sáng miền Nam đã thất bại, cuốn phim xã hội tình cảm kia đã không xã hội một chút nào và không tình cảm một chút nào cả vì người thực hiện đã chắp vá, vá víu một cách vụng dại, non nớt, những cử chỉ, hành động đi ngược lại thực trạng xã hội, phản ngược lại tình cảm tinh tế, kín đáo và phong phú của dân Việt. Nói tóm lại Ánh sáng miền Nam còn là bài học chính đáng trải nghiệm xuẩn động" ( dẫn theo Thế Phong, Nhà văn hậu chiến 1950- 1956, tr. 2015 ).
Thế mà không hiểu sao, nhà văn Mai Thảo lại làm cái chuyện ngược đời là phóng tác lại truyện phim này thành một tiểu thuyết cùng tên. Quyển sách này cũng có cùng số mạn "thúi héo" như cuốn phim -- nghĩa là bị phê phán nặng nề. Nhà phê bình Uyên Thao viết: " ... Nhưng ở đây trong phạm vi một bài báo chúng tôi chỉ nói riêng đến cái hỏng, cái hay của một cuốn tiểu thuyết. cái hỏng trước tiên của cuốn tiểu thuyết Ánh sáng miền Nam như trên đã nói là cái hồn tính của người Việt không có trong những nhân vật chính trong truyện. Từ đấy người ta thấy biết bao là cảnh trơ trẽn trái ngược với nhền giáo lý cổ truyền của dân tộc . Yếu tố tâm lý cũng là một nhát búa nặng đập tan sự xây dựng, lỏng lẻo nội dung của cốt truyện. Những cảnh đáng lẽ ra phải thắm thiết, nồng nàn trở thành tẻ nhạt, giả tạo. Đọc hết hơn 300 trang giấy người ta chỉ thấy những hỗn loạn của hành động chắp nối, những lời lẽ cầu kỳ mà rỗng tuếch, những cuộc sống không hơn vá víu, pha trộn một cách quá mức hẩu hốn. Có thể nói rằng Mai Thảo đã vơ cỏ, lượm rác kết thành Ánh sáng miền Nam". (tạp chí Sinh lực, Sđd, tr. 205).
Riêng nhà văn Thế Phong đã hạ"chưởng " : " Mai Thảo buôn bán nghệ thuật không đặt vấn đề tín nhiệm bản thân, chung quy chỉ vì tiền mà làm ". ( Sđd, tr. 2016).
LÊ VĂN NGHĨA
--------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét