Nghiên Cứu Lịch Sử
Các bài nghiên cứu, biên khảo và dịch thuật các chủ đề về lịch sử
Thơ Hằng Phương Nữ Sỹ trong tập Hương Xuân 1943
* Vũ Ngọc Phương
Lịch sử Thơ Việt Nam thời dựng Nước không còn dấu tích gì trong lưu trữ Việt Nam, may ra có thể tìm được trong các thư tịch cổ Việt hoặc Hán đang còn lưu trữ hàng chục nghìn quyển tại Trung Quốc, Pháp và thư viện Quốc Hội Hoa kỳ. Dù có tra cứu được cũng rất khó phân định nguồn gốc tác giả. Dấu tích duy nhất mà chúng ta thấy là thơ ca truyền miệng được hoàn chỉnh thành ca dao, dân ca, tục ngữ,… trở thành tài sản của Dân tộc Việt Nam.
Trong thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1,000 năm và sự ảnh hưởng của thơ Đường được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm không mấy ai biết tới vì kiểu thơ Ngôn chí – Chí hướng hoặc Mạn hứng – Nhân cảm hứng mà viết chỉ duy nhất của một số Nhà Nho. Những tác phẩm thơ ca như Truyện Kiều, Hoa Tiên, Lục Vân Tiên, thơ Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh quan,… có lẽ phải trải qua hàng mấy chục năm, thậm chí gần 100 năm mới lưu truyền trong xã hội. Chỉ sau những năm 1930 của Thế kỷ XX với sự xuất hiện của các báo đầu tiên như Gia Định báo, Nông cổ Mín đàm, Đăng Cổ Tùng báo,… có đăng lẻ tẻ thơ văn đến mức Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã viết: “Song theo Vũ Ngọc Phan, đó chỉ là “ Thơ văn của độc giả, nhà báo đăng theo cách khuyến khích, thật ra chưa đáng kể là thơ văn – Nhà văn hiện đại, quyển I”. Tuy nhiên đọc giả nhận thấy văn chương có tác động nhiều đến thời sự, quan niệm sống của đọc giả đương thời.
Sự xuất hiện của Đông Dương tạp chí, Nam Phong, Phụ nữ Tân văn, An Nam tạp chí, Phong Hoá, Ngày Nay, Tiểu thuyết thứ bẩy, Tao đàn, Thanh Nghị, Tri Tân. … thường có mục giới thiệu rồi chuyển sang chuyên mục thơ văn mới sáng tác, những thơ văn truyền khẩu, sau có phần dịch Văn, chủ yếu từ Pháp văn sang Việt văn. Những sự kiện này góp phần rất quan trọng xây dựng nền Quốc văn và đặt nền móng cho Thời kỳ Văn học hiện đại Việt Nam 1932 – 1945. Quá trình hình thành, phát triển của Văn học Quốc ngữ đã tạo ra những tranh luận sôi nổi như năm 1924 Ngô Đức Kế với bài Luận về “Chính học cùng Tà thuyết” trên Hữu Thanh. Phan Khôi đăng bài thơ “ Tình già” ngày 10/3/1932 trên báo Phụ Nữ Tân văn số 122 với giới thiệu “Một lối thơ mới trình chánh giữa Làng Thơ” mở đầu cho cuộc tranh luận gay gắt giữa thơ Mới, thơ Cũ cho đến năm 1941mới chấm dứt với sự thắng thế của lối thơ mới mở ra một thời đại mới rất rực rỡ của Nền Thi ca Việt nam được lịch sử gọi là Thời kỳ Phong trào Thơ Mới.
Thời kỳ Phong trào Thơ Mới có những Nhà thơ Nữ tiêu biểu như Vân Đài, Hằng Phương, Mộng Tuyết, Anh Thơ,… có Thi tuyển trong tập thơ “Hương Xuân” xuất bản lần đầu năm 1943. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc phần Thi Phẩm của Nữ thi sỹ Hằng Phương mà cuộc đời và sự nghiệp của Bà như đã đi gần hết thế kỷ XX cùng với những biến cố dữ dội của Lịch sử Việt Nam.
TIỂU SỬ NHÀ THƠ HẰNG PHƯƠNG
( LÊ HẰNG PHƯƠNG NĂM 1908 – 1983)
Nhà thơ Hằng Phương họ Lê. Bà có cha đẻ là Danh nhân Lê Dư có biệt hiệu là Sở Cuồng Tiên sinh, mẹ Bà là Phan thị Dệm – con gái Danh Nho Phó Bảng Phan Trần, là một trong các sĩ phu yêu nước của phong trào Cần Vương và Duy Tân. Bà Lê Hằng Phương sinh ngày 09 tháng 09 năm 1908 tại làng Bảo An – Gò Nổi, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Gò Nổi xưa là vùng đất nằm ở ngã ba cửa sông Thu Bồn đổ ra biển. Ven biển là đô thị cổ Hội An. Năm 1910, Cụ Lê Dư cùng Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh thành lập Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và Đông Du. Cụ Lê Dư đi Nhật Bản rồi bất đồng về cách thức giành lại độc lập cho Việt Nam, Cụ bỏ về Hà Nội sống ở phố Phùng Hưng, Hà Nội. Báo chí đương thời viết nhiều về Cụ mỗi lần đi bộ ven Hồ Hoàn Kiếm có nhiều thanh niên đi theo hô: “Lê Dư muôn năm,…”.
Thời kỳ này, phong trào cứu nước phát triển mạnh ở Quảng Nam, Phan Chu Trình bị bắt đưa đi an trí, Huỳnh Thúc Kháng bị giam trong tù, Cụ Phan Thành Tài cầm quân khởi nghĩa, thua trận, bị Pháp bắt được xử chém tại quê nhà bên bờ sông Thu Bồn. Phong trào Đông Du thất bại, Phan Bội Châu bị bắt và an trí ở quê nhà. Phó Bảng Phan Trần là Ông Ngoại Nhà thơ Hằng Phương. Năm 17 tuổi, Phó Bảng Phan Trần là con rể Cụ Hoàng Diệu, khi Cụ ra trấn thủ Hà Nội đưa con rể đi theo. Tại Hà Nội, Phó Bảng Phan Trần là bạn học với Cử Nhân Vũ Hán Bích, anh ruột Cử nhân Vũ Kỳ Sâm – Thân sinh Nhà văn Vũ Ngọc Phan. Phó Bảng Phan Trần thường đến tập văn ở Nhà Họ Vũ Phường Đồng Lạc (Nay là phố Hàng Đào), sau này Cụ Phan Trần có viết cho ông bà Lê Dư – Phan thị Dệm, thân sinh Nhà thơ Lê Hằng Phương như sau:“Ông đồng ý gả cháu ông cho con nhà Họ Vũ, nhà ấy nho học lâu đời, tu thân tích đức đã nhiều, con cháu sẽ còn được hưởng phúc lâu dài. Vả lại, cháu ông chỉ có một dạ dầy, chứ đâu có hai, để mà đi lấy chồng giầu để ăn cho nhiều” – trích Hồi ký Những Năm tháng ấy của Nhà văn Vũ Ngọc Phan.
Ông Bà Vũ Ngọc Phan – Lê Hằng Phương đã sống chung thủy trong mối tình đầu suốt cả một đời người gần hết thế kỷ XX, vượt qua tất cả những cạm bẫy, những thời kỳ biến động dữ dội nhất của lịch sử Việt Nam.
Bà Lê Hằng Phương và các em được Mẹ nuôi dưỡng từ nhỏ sống trong cảnh túng quẫn, bần bách. Năm Bà 14 tuổi, Cụ Lê Dư về đưa các con ra Hà Nội. Bà được Danh Nho đương thời là Cụ Ngô Đức Kế dậy chữ Hán. Thời trẻ, Bà Lê Hằng Phương nổi tiếng là một phụ nữ đẹp, làm thơ và đảm đang tề gia nội trợ. Sau này trong một lần gặp lại Ông Bà Vũ Ngọc Phan – Lê Hằng Phương, Nhà Cách mạng, Tổng Bí thư Lê Duẩn sau này còn nhắc lại:“Chị Hằng Phương ngày xưa đẹp và nấu ăn ngon có tiếng”.
Nhà bà có bốn chị em gái đều nổi tiếng rất đẹp và một người em tra út. Bà có người chị là Lê Hằng Phấn, hai người em gái là Lê Hằng Huân, Lê Hằng Trang, người em út Lê Hoan. Bà Lê Hằng Phấn lấy chồng là Hoàng văn Trí một trí thức nổi tiếng thời Pháp thuộc, theo Kháng chiến 9 năm rồi định cư ở Pháp, Mỹ. Bà Lê Hằng Huân lấy chồng là Lưỡng Quốc Tướng quân Nguyễn Sơn (Tên khai sinh là Vũ Nguyên Bác. Khi sang hoạt động Cách mạng ở Trung Quốc, học Trường quân sự Hoàng Phố cùng Lưu Thiếu Kỳ, ông được Hồ Chí Minh đặt tên là Lý Anh Tự. Ông còn có tên là Hồng Thủy khi tham gia Vạn lý Trường Chinh cùng các ông Diệp Kiếm Anh, Bành Chân, Bành Đức Hoài, Chu Đức, Tập Trọng Huân,… Ngày nay tại Bát Bảo Sơn, Bắc Kinh – Trung Quốc, ông được thờ và được coi là một trong những Vị Khai Quốc Công Thần xây dựng Nước Trung Hoa mới. Người em gái út là Lê Hằng Trang mất trong một tai nạn đuối nước. Lê Hoan sau là Dược sỹ cao cấp làm ở Hà Nội.
Bà Lê Hằng Phương sớm tiếp thu truyền thống yêu nước của gia đình, dòng họ. Năm 1929, 1930, hai người em họ là Phan Thanh và Phan Bội (Hoàng Hữu Nam) ra Hà Nội có ở nhà ông bà Vũ Ngọc Phan – Lê Hằng Phương ở Thái Hà.
Tại đây, Nhà văn Vũ Ngọc Phan là người Việt Nam đầu tiên dịch từ Pháp văn ra Quốc ngữ bộ Tư Bản luận của Karl Mar. Thời kỳ 1929 – 1943, Bà viết nhiều thơ đăng trên các báo lúc bấy giờ như Đàn Bà, Tri Tân, Ngày Nay, Hà Nội Tân Văn, Trung Bắc Tân Văn, Phụ Nữ Tân văn, Trung Lập,… Năm 1943, Bà cùng các Nữ thi sỹ Vân Đài, Mộng Tuyết, Anh Thơ làm tập thơ Hương Xuân do Nhà xuất bản Nguyễn Du ấn hành. Bà là một trong những Nhà thơ Quốc ngữ đầu tiên trong Lịch sử Văn học hiện đại Việt Nam.
Nhà thơ Hằng Phương (Lê Hằng Phương) thuyết trình tại Hội truyền bá Quốc Ngữ – Đấu xảo Hà Nội (nay là Cung văn hóa Hữu Nghị Hà Nội). Hàng ghế ngang bên dưới từ trái sang phải là các ông Nguyễn văn Tố, … Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp. Ảnh chụp ngày 25/5/1938.
Nhà đông con, lại thêm các em, các cháu, Bà vừa lo việc nhà vừa làm thêm việc thêu giầy và bán hàng từ Thanh Hóa ra Hà Nội. Bà tham gia Mặt trận Dân chủ Đông dương thời kỳ 1936 – 1939, Hội Truyền bá Quốc Ngữ cùng các ông Nguyễn văn Tố, Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp,…
Tháng 8 năm 1937, Đảng Cộng sản Đông dương có Nghị quyết về công tác phụ nữ. Bà Lê Hằng Phương cùng người em họ Lê thị Xuyến và một số người khác thành lập Hội Phụ Nữ Dân chủ, Bà Lê thị Xuyến được bầu làm Chủ tịch – Tiền thân của Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam ngày nay. Sau cách mạng 1945, miền Bắc chìm trong nạn đói khủng khiếp, Bà Lê Hằng Phương đã kêu gọi nhiều Nhân sỹ lập Hội Từ thiện cứu sống được nhiều người. Việc làm của Bà Lê Hằng Phương được báo chí thời kỳ này ghi nhận.
Toàn quốc kháng chiến năm 1946, Bà cùng gia đình đi tản cư vào Làng Quần Tín, xã Thọ Ngọc, Huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ngoài công tác văn hóa cách mạng, Bà cùng các con và hai cháu Phan Vịnh, Phan Diễn làm ruộng cầy cấy, làm giấy Dó, làm tương,.. để sinh nhai. Sau này Phan Diễn vẫn thường nhắc lại kỷ niệm sâu sắc và ham vui là khi đi học về, trong kháng chiến chống Pháp thường học đêm, đến nhà là thay quần áo rách treo trên sào tre đầu nhà rồi cùng mấy anh em Phan Vịnh, Vũ Tuyên Hoàng, Vũ Huyền Giao, Vũ Hồng Côn,…đi mò ốc, bắt cua.
Sự cần mẫn lao động, kiên trì viết và nghiên cứu Văn học, Văn hóa của Bà là động lực, là nguồn sống chính duy trì cho cả Đại gia đình và cho sự nghiệp lớn Văn học sử của Nhà văn Vũ Ngọc Phan. Nếp sống văn hóa thanh bạch, đức tin sáng suốt vào tương lai tươi sáng của Ông Bà Vũ Ngọc Phan – Hằng Phương là sự kế thừa, duy trì truyền thống Gia đình tốt đẹp của Dân tộc Việt Nam đã trở thành căn bản đạo lý để con, cháu khi trưởng thành là những người có Phẩm chất, có Văn hóa cống hiến cho Xã hội.
Từ năm 1946 đến khi từ trần, Bà tham gia nhiều công tác khác nhau, từ công tác Văn học Sử khi tham gia làm tại Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa ở Việt Bắc do Trường Chinh làm Trưởng Ban, xây dựng Viện Văn học, dậy Hán – Nôm cùng các Danh nho Cao Xuân Huy, Phạm Thiều, Hoa Bằng, năm 1967 tại Thôn Mã Cháy, xã Trung Hòa, Huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (Nay là tỉnh Bắc Giang), về thơ tại Hội Nhà văn Việt Nam. Bà còn tham gia giảm tô, cải cách ruộng đất, cải tạo Tư sản ở Hải Phòng. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Bà đi vào tuyến lửa khu 4 đến cầu Hiền Lương,… Thời kỳ này vừa viết bút ký, thơ, văn học dân gian, văn học sử,… trong các bút ký của Bà có bài viết đầu tiên về các cô gái Ngã Ba Đồng Lộc đăng trang 3 báo Nhân Dân được Hồ Chủ Tịch đọc, ghi bút tích lên bài viết hiện vẫn còn lưu trữ tại Bảo Tàng Hồ Chí Minh. Các tập thơ đã xuất bản của Bà là Mùa Gặt năm 1961, Hương Đất Nước năm 1974, Lòng Quê năm 1996,…Nhiều bài thơ, bút ký vẫn còn tản mát trong các báo và các bài phát thanh địch vận của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam chưa tổng hợp được.
Là người làm việc miệt mài, kiên trì, chân thành và giản dị, lại thêm cá tính ít nói, ghét khoa trương nên sự nghiệp và cuộc đời của Nhà thơ Lê Hằng Phương còn nhiều sự kiện ẩn khuất chưa được công bố. Ngay trong các công việc Xã hội, Bà rất ít khi cho phép ghi tên vào các sự kiện nên sự phát hiện chỉ biết được qua những người nghiên cứu nhiều các tư liệu viết về Bà. Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, Bà luôn chăm lo, coi sóc, giành hết tình yêu thương cho gia đình được bình yên, êm ấm. Các con của ông bà Vũ Ngọc Phan – Lê Hằng Phương đều thành đạt, tiếp thu được truyền thống Gia phong thanh liêm chính trực và đều có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh cho Độc lập – Tự do của Dân tộc. Sự hy sinh năm 1979 của Liệt sỹ Vũ Hoài Tuân, trợ lý Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã làm cho Bà suy sụp sức khỏe, ốm nặng rồi từ trần ngày 02/02/1983.
Nhận định về Bà, Nhà thơ Xuân Diệu đã viết trong bài “ Vĩnh biệt Chị Hằng Phương” đăng trên báo Văn Nghệ số 8 ngày 19/2/ 1983: “ Thơ Hằng Phương có rất nhiều bài hướng về thắng lợi, tươi vui, nhìn chung là trong sáng. Khi nói xa cách, biệt ly, mất mát vẫn là trong sáng, không chút bi lụy. Nhưng thơ ấy cảm động lòng người vì nó chân thực, nghĩa là vẫn bao hàm đau đớn xót xa,… Chị Hằng Phương! Chị lưu lại cho chúng tôi những vần thơ nhân hậu, mang một tấm lòng tốt bụng, một tấm lòng luôn luôn yếu mến con người, một trái tim yếu mến không bao giờ tắt”.
NGUYÊN TÁC THƠ HẰNG PHƯƠNG TRONG TẬP THƠ HƯƠNG XUÂN 1943
TẾT XƯA
Sáng mồng một, tôi mặc quần áo mới,
Theo mẹ tôi mừng Tết các nhà quen,
Lạy bàn thờ xong cỗ Tết bưng lên:
Nào nem, trưởi, bánh in, rồi bánh tét (1)
Lại cho trẻ gói gấy phong đỏ loét,
Tôi ra về, túi rủng rẻng đầy xu.
Đàn trăm dây, gió ngoài nội vi vu,
Nhạc muôn điệu, chim trên cành ca hát.
Vòng lối xóm, gặp những người tuổi tác,
Xoa đầu tôi, họ ha hả cười tươi:
“ Con bé này lớn như thổi chẳng chơi
Hễ có rượu phải nhớ mời lão nhé”
Tôi đỏ mặt, còn mẹ tôi vui vẻ,
Vội dừng chân đáp lễ chúc nhiều câu,…
Những ngày vui, sao chẳng được bao lâu,
Vừa mới đó, cuộc đời đà khác trước!
Ví có cánh, tôi bay theo chim Phượng,
Tới Bồng Lai, xem mẹ ở nơi nao,
Và quay đầu về dẫy núi cao cao,
Tìm quê cũ dưới nắng xuân rực rỡ.
________________________________________
- Các thứ nem bánh ngày Tết trong Trung kỳ.
TRĂNG LÊN
Bên song vừa ló bóng vàng,
Liễu soi tóc rối, nước tràn gương trong,
Mây ngừng gió chẳng ruổi dong,
Từ từ cảnh vật tắm trong suối ngà.
Chuông chùa đồng vọng xa xa,
Theo làn ánh bạc lọt qua song cài.
Sáng trưng mái ngói nhà ai,
Đôi chim ngỡ buổi ban mai, dật mình!
Năm 1938
TRÊN ĐÒ SUỐI
Hôm nay lại trẩy chùa Hương
Lênh đênh đò Suối màn sương còn dầy!
Thuyền mơ năm trước đâu đây?
Nhớ cô yếm thắm hây hây má hồng.
Tiều phu chân núi lưng còng,
Xo ro ngư phủ giữa dòng buông câu
Mây luồn đáy nước qua cầu,
Thuyền đi tưởng núi quay đầu trông theo.
Tuyệt vời bức họa ai treo,
Đưa hồn du tử bay theo gió ngàn.
TƯ CỐ HƯƠNG
Mòn mỏi ngày đêm trông lại trông,
Cố hương xa cách mấy rừng sông!
Mũi tên tình ái từ đeo đẳng
Buộc chặt chân chim sợi chỉ hồng.
Lá rụng bay về dưới gốc cây
Buồn nhìn lá rụng chạnh niềm tây:
- Lá ơi! Ta lại không bằng lá
Chôn chặt hồn quê ở chốn này!
Mây chạy về đâu? Quá vội vàng!
Để cho hồn nhỏ luống cuống hoang mang.
Trông theo mường tượng chân mây ấy,
Làng xóm xanh um, sông nước tràn,..
BÌNH MINH
Sương đêm còn đọng trên cành
Rưng rưng hạt ngọc long lanh nhìn trời.
Sẽ sàng chiếc lá vông rơi,
Thương tâm ngành liễu tơi bời lệ sa,
Bên hiên chúm chím nụ trà
Vừng đông vừa ló, ngoảnh ra mỉm cười
Cánh hồng đài điếm khoe tươi,
Dường như mới gặp được người tình xưa.
Gốc đào đứng trước dậu thưa.
Trách đông đến chậm, nắng mưa dãi dầu
Nách tường đôi lứa chim sâu,
Nằm trong tổ ấm thò đầu nhởn nhơ,…
Năm 1939
NHỚ MẸ
Đêm qua mưa nặng hột
Ngoài thềm rơi thánh thót,
Bên nương quốc gọi hè
Dật mình, long tái tê,..
Nhớ thủa trong lũy tre,
Chơi đùa bên gốc me,
Sớm tối mẹ nâng giấc
Ốm đau mẹ vuốt ve,…
Gió Nam thổi tháng năm,
Cùng Mẹ đứng bên sông,
Thuyền ai xa lướt sóng?
Mắt Mẹ lệ đôi giòng !
Tháng mười hơi gió may,
Trước sân lá vàng bay,
Dắt con Mẹ tựa cửa,
Đường xa cát bụi đầy,…
Năm qua lại tháng qua
Ngổn ngang nỗi nước nhà
Phương trời mơ bóng nhạn,
Nhìn con, Mẹ xót xa.
Ngây thơ con biết gì!
Mẹ khóc con cười khì,
Ra vào quanh dưới gối,
Mẹ khuây nỗi biệt ly,…
Ngày nay bên khóm trúc,
Em thơ khóc rưng rức,
Tìm Mẹ biết tìm đâu?
Trời xanh, xanh một mầu,…
TỊCH MỊCH
Màn đêm bao phủ khắp trời,
Núi sông yên lặng không lời thở than.
Gió im cây cũng bẽ bàng,
Mái tranh ủ dột bên giàn không hoa.
Nặng nề thời khắc trôi qua,
Dường như vũ trụ thở ra nghẹn ngào.
Vô tư lòng cũng nao nao,
Lặng mơ chinh chiến xôn xao bên trời.
CHIỀU HÈ ĐỨNG BÊN SÔNG
Cắm sào thuyền ghé bến sông,
Thẫn thờ chú lái mắt trông xa vời,…
Rủ thuyền, thuyền chẳng cùng trôi
Xuôi dòng nước chảy ngậm ngùi theo mây,
Tà dương đỏ rực trời tây,
Hồng hồng đáy nước bóng cây chập chờn.
Xanh xanh một giải tràng sơn,
Hồn quê sực tỉnh, cô đơn ngàn trùng,…
PHẬT TỤNG
Nam mô Phật, Quan Thế Âm Bồ tát
Phật từ bi, tự giác nhi giác tha.
Phật vô biên vô lượng A di Đà,
Phật Tam Thế trên tòa sen thơm ngát,
Xin chứng giám cho lòng trần khao khát,
Nước cành dương mong giải thoát trần duyên,
Kiếp luân hồi, đầy ải xứ Ưu phiền,
Lòng dục vọng triền mien không bờ bến,…
Tham lam quá! Lòng tham đâu có lạ!
Muốn thu tròn cả Vũ trụ trong tay,
Muốn cho gió luôn đêm ngày dong ruổi,
Muốn nhan sắc trăm hoa đừng biến đổi,
Cả bốn mùa là chỉ một mùa Xuân,
Ngày tháng đi nhưng sự sống không ngừng,
Trăm năm hết, tóc trên đầu chưa bạc.
Lòng bình thản, không hờn ghen tráo chác
Trong muôn người, in như tạc một người
Sống êm đềm sự sống rất vui tươi,
Cho xứng đáng đứng đầu trong vạn vật,
Nhưng chẳng biết vì đâu? Trăm lạy Phật,
Trước mắt phàm, rặt những cảnh thương tâm.
Bỗng dưng sấm chớp nổi ầm ầm,
Cho trăng rụng, hoa tàn, trong chốc lát,
Rồi Buồn nản, Ốm đau cùng đói khát,
Liềm Thời gian cắt đứt tóc mây xanh.
Rồi hay hèn lại nổi cuộc phân tranh,
Cho đầu rụng máu rơi đầy mặt đất!
Thê thảm quá, hoang mang hồn muốn ngất
Cúi đầu xin lạy Phật nhủ lòng thương.
Phật đã từng thấy những nỗi tai ương
Sinh, Lão, Bệnh của kiếp người trần thế.
Rồi Thần Chết xóa mờ muôn hình thể,
Như guồng quay, lại sinh hóa không ngừng
Xin Phật ngăn lòng Dục vọng có chừng,
Phật gieo rắc đức Nhân từ cho rộng,
Cho được thấy chút vui trong sự sống
Vớt sanh linh chìm đắm bể trầm luân,
Để trần gian được ca ngợi vui mừng
Những phép lạ đấng Từ Bi cứu thế.
THU, NHỚ QUÊ NHÀ
Thu về, nhớ trái lòn bon, (1)
Nhớ ngày ăn quả, em còn ngây thơ;
Mà nay muôn dặm đợi chờ,
Thu tàn, quả rụng bao giờ không hay!
Chiều hôm hiu hắt gió thu,
Trông về Cửa Đại mịt mù trong sương,
Đi đâu? Hỡi người khách viễn phương?
Dừng chân gởi chút nhớ thương bên lòng.
Trời thu nhuộm ánh tà dương,
Gió thu trong quãng canh trường nỉ non
Trăng thu soi xóm cô thôn,
Hỏi người lữ thứ mộng hồn về đâu?
___________________________________________________
- Trái lòn bon, một thứ thười trân của mùa thu ở Quảng Nam.
TIỄU – NHIÊN MỊ – CƠ (1)
(Trích vài đoạn đầu trong tuyện Tiễu – Nhiên Mị – Cơ bằng thơ)
Hỡi các ngài giàu lòng sầu cảm,
Có muốn nghe buồn thảm truyện này:
Truyện tình trăm đắng ngàn cay,
Rồi cùng sống thác một ngày với nhau.
Ấy là truyện Mị – Cơ hoàng hậu
Với Tiễu – Nhiên mã thượng anh hùng.
Chữ tình đốt dạ tôi trung,
Chữ tình xui khách thâm cung quên mình.
……
( Bị thương nặng sau khi chiến đấu, Tiễu – Nhiên nằm một mình trên thuyền với cây đàn trôi trên mặt biển)
……
Chàng xin một cây đàn ôm ấp,
Để giả phiền muôn dặm viễn khơi,
Gió thu lá rụng tơi bời,
Đưa người ra chốn nước trười mênh mông,
Đỗ – Viễn – Năng đứng trông trên bến,
Cầu Trời toàn tính mệnh trò yêu.
Thuyền không buồm, cũng không chèo,
Lênh đênh theo lớp thủy triều đẩy đưa,
Tiễu – Nhiên nhưng say sưa vưới nhạc,
Nhìn trười cao ánh sang àm vui.
Anh hùng đâu có ngậm ngùi,
Coi thường sinh tử hơn người là đây.
Thuyền trôi nổi bẩy ngày ròng rã,
Rồi đêm kia bến lạ tới gần;
Tiếng tơ mặt nước vang ngân,
Thanh âm réo rắt như gần như xa,…
Dân chài lưới sớm ra trông ngóng,
Thấy ngoài khơi nước lóng như gương;
Tiếng đàn tỏa khắp bốn phương,
Thuyền trôi thấp thoáng trong sương mờ mờ,…
Bảo nhau: Ấy, ngày xưa xừa xửa,
Mặt bể im như sữa trắng ngần;
“Tiếng đàn muôn điệu vang ngân
Là thuyền đưa Thánh Bằng – Đăng về trời,..”
…….
Ghi chú: Bị thất lạc 02 trang khi đưa nhà xuất bản hiện không tìm được. Cùng năm, đã xuất bản cuốn sách dịch “ Tiễu Nhiên – Mị Cơ” của Nhà văn Vũ Ngọc Phan có ghi tặng: “ Tặng Hằng Phương – Mị Cơ của lòng tôi, Thân yêu, ký: Vũ Ngọc Phan.
Hà Nội, ngày 15/02/2022 ( Rằm tháng Giêng năm Nhâm Dần)
__________________________________________________________________
*Là con trai út Nhà văn Vũ Ngọc Phan và Nhà thơ Lê Hằng Phương (Hằng Phương Nữ sỹ), hiện là Chủ Tịch Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân Lực – Nhân Tài Việt Nam.
=============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét