Ảo Giác Tình Thơ
Cao Mỵ Nhân
Chuyện tình của quý vị cao niên nếu có thì lớp hậu sinh cũng nên trân trọng.
Tôi vốn là người trọng nguyên tắc thời gian, thường làm cái việc vô tích sự là cứ tẩn mẩn tính tháng, tính năm cho mỗi tuổi tác các quý vị nhân vật chính cao niên, có thể là lão niên nữa.
Số là hôm nay tôi được đọc truyện ngắn Hoa ti gôn của nhà văn Thanh Châu đăng ở Tiểu thuyết thứ bảy từ năm 1937, rồi đăng lại năm 1939 cũng trên tờ báo ấy, sau khi những bài thơ của tác giả T.T.Kh. được tung ra ở Bắc Việt, giai thoại đó già hơn tôi mấy tuổi lận.
Thế thì câu chuyện Hoa ti gôn nào có chi bi thảm, tác giả T.T.Kh. và ông họa sĩ trẻ tên Lê Chất chỉ hoàn toàn tình cờ, nhẹ nhàng như bất cứ cặp nam nữ trẻ trung thời nào cũng có thể xảy ra, chỉ qua những cái nhìn ấn tượng. Rồi có thể ai nấy sẽ quên đi mối tình thoang thoảng, hay thấp thoáng cũng được.
Thực ra trong truyện ngắn Hoa ti gôn, T.T.Kh. không phải là nhân vật nữ của họa sĩ Lê Chất mà người nữ đó tên Mai Hạnh, sau lấy chồng giàu có là một viên chức của Tòa lãnh sự Pháp. Lê Chất đã là một họa sĩ danh tiếng được Tòa lãnh sự Pháp mời dự tiệc ở Vân Nam.
Qua bữa tiệc, họa sĩ Lê Chất đã tỏ bày lòng yêu thương với Mai Hạnh và chết nỗi thời gian tưởng trôi qua cả chục năm, giờ lại tái phát cuộc tình trễ muộn, lỡ làng… Tất nhiên có những phút giây không hợp với xã hội Việt Nam thủa thượng bán thế kỷ 20 là Lê Chất rủ Mai Hạnh bỏ trốn qua Nhật, thoạt thì Mai Hạnh phu nhân viên chức X. tòa lãnh sự bằng lòng, sau suy nghĩ lại đã từ chối chuyến đi định mệnh bỏ gia đình theo người tình gặp lại, vân vân và vân vân.
Và thế nên Hai sắc hoa ti gôn được T.T.Kh. gởi đăng báo sau bài Hoa ti gôn của nhà văn Thanh Châu. Sự kiện tưởng như là từ một nguyên do: truyện ngắn Hoa ti gôn của nhà văn Thanh Châu (sinh 7 – 9 – 1912, mất 8 – 5 – 2007, thọ 95 tuổi) đăng báo năm 1937, kế tới bài thơ Hai sắc hoa ti gôn của T.T.Kh., không rõ tên thật nên làm sao biết tuổi tác, cũng đăng báo năm 1937 ấy.
Có thế thôi, thế là hết câu chuyện tình… bình thường, như khá nhiều chuyện tình của thiên hạ, có điều đoạn thơ thê thảm của bài Hai sắc hoa ti gôn (khổ thơ thứ 7 trên 11 khổ thơ thất ngôn), T.T.Kh. viết:
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim một bóng người…
(T.T.Kh.)
…làm cho cả một thời đại xúc động, cả một thế hệ người tình xao động, cho tới bây giờ 78 năm, văn học sử và quý độc giả vẫn chưa giải mã được ẩn danh, ẩn tích T.T.Kh. là ai.
Khoảng 21 năm trước, hai tác giả Thế Phong (miền Nam) và Trần Nhật Thu (miền Bắc) tạo ra một làn sóng văn chương, viết nên một… giai thoại kế thừa Hoa ti gôn của Thanh Châu và T.T.Kh.:
T.T.Kh. là ai?
Giai thoại bí ẩn 57 năm được giải mã
Tôi nhớ đại khái thế vì tên sách hơi dài, vả chăng tôi không định nói về cuốn sách của Thế Nhật nêu trên, mà tôi định góp ý… thô thiển về trường hợp sách được phát hành rộng rãi ở Việt Nam, bên cái xã hội chủ nghĩa xa vời mà thôi.
Khi thấy tuần báo Dân Ta ở Texas đăng từng kỳ cuốn sách Thế Nhật, tôi chưa biết… phải làm gì. Lý do hai tác giả trên khẳng định nữ sĩ Vân Nương ở hội thơ Quỳnh Dao đều bất bình, không cảm thấy vui, bởi lẽ nữ sĩ Vân Nương, một trong bốn nữ sĩ sáng lập hội thơ Quỳnh Dao (Mai Oanh, Đinh Thị Việt Liên, Thu Nga, Vân Nương đã mời các nữ thi sĩ chuyên thơ Đường luật tham dự năm 1961 ở Sài Gòn mà tôi lại là người tham gia cuối cùng năm 1979, được gọi em út Quỳnh Dao, thế chỗ Tôn Nữ Hỷ Khương lên hàng áp út),chẳng lẽ tôi không lên tiếng sao?!
Còn đang loay hoay, thì nhà văn Đặng Trần Huân cười nói:
Cao Mỵ Nhân không lên tiếng thì ai nói rõ ra việc đó, các bà chị lớn của cô không bao giờ… trả lời vụ này đâu.
Tôi đã tức tốc viết một bài, cũng không có ý tranh cãi, nhưng để thanh minh nữ sĩ Vân Nương không thể nào là T.T.Kh. được. Tên bài viết của tôi:
T.T.Kh. hậu chiến
Tuy đề bài có vẻ khôi hài nhưng nội dung đan cử rất nhiều chi tiết cần thiết đính chính nữ sĩ Vân Nương không phải T.T.Kh. Chỉ căn cứ vào cuộc đời thực tế và văn chương, nữ sĩ Vân Nương không và chắc chắn không thể là T.T.Kh. được.
Nữ sĩ Vân Nương tên thật là Trần Thị Vân Chung, phu nhân của luật sư Lê Ngọc Chấn, nguyên bộ trưởng Bộ quốc phòng thời Đệ nhất Cộng hòa, nguyên đại sứ hai nhiệm kỳ ở Anh Cát Lợi và Tunisie.
Ông bà đại sứ luật sư đương nêu trở về Việt Nam trước 30 – 4 – 1975 để chuẩn bị đi đại sứ ở một nước khác …trừ đổi đời, luật sư Lê Ngọc Chấn phải đi tù cải tạo ở nhiều trại ngoài Bắc rồi trở về Nam, sau qua đời vì bệnh tim năm 1986 ở Sài Gòn.
Đám cưới của luật sư Lê Ngọc Chấn và nữ sĩ Vân Nương ở Thanh Hóa năm X. có hai nhà thơ lớn tiền chiến phụ rể là Huy Cận và Xuân Diệu.
Ông bà Lê Ngọc Chấn, Vân Nương sống rất hạnh phúc, được bốn người con, hai trai, hai gái. Cô con gái đầu một thời đã xuất bản tập thơ Y., sau thành hôn với một nhà quý tộc nước Ý. Những người còn lại hiện đang cùng con, cháu ở Pháp.
Nữ sĩ Vân Nương sinh năm 1920 (*) nên năm nay đã 95 tuổi.
Cách sống đức hạnh của bà đã viết những vần thơ vô cùng phẩm chất, đã xuất bản hai tập thơ tình cảm chân chất, và tập thơ đạo Đi tìm lý tưởng theo bước chân thiện tài, tầm sư, học đạo, sau đổi là Con đường lý tưởng.
Thế sao lại có huyễn thoại, tôi phải nhấn mạnh là huyễn thoại T.T.Kh. nàng là ai như Thế Nhật viết chứ?
Số là có hai vị nữ lưu tài sắc rất đáng ngợi ca, từ nhiều năm trước đã nổi tiếng là những trang quốc sắc. Đó là nữ sĩ Vân Nương và nữ sĩ Thư Linh, phu nhân của vị tổng giám đốc Z. họ Nghiêm ở Sài Gòn trước 30 – 4 – 1975.
Nhị vị nữ sĩ thường đến nhà nhau đàm đạo thơ ca cổ kim, trong số có giai thoại Hai sắc hoa ti gôn – nữ sĩ Vân Nương vốn ở Thanh Hóa, là chị ruột của bà Trần Thị Anh Minh, phu nhân nhà thơ Hà Thượng Nhân, bản tính vui vẻ, bặt thiệp, đôi khi cũng bông đùa kiểu chị em bạn gái.
Một lần nào đó tôi được nghe hai thi sĩ cười giỡn, vui đùa:
Chị Vân Nương ở Thanh Hóa thì đúng rồi, T.T.Kh. chứ còn ai.
Nữ sĩ Vân Nương hóm hỉnh trả lời:
Thì T.T.Kh. đấy, làm sao biết được.
Tất nhiên không phải câu chuyện ngắn gọn như vậy, có nhiều điều dài dòng hơn, tôi chỉ đề cập tới hai câu đối thoại dính tới danh xưng T.T.Kh..
Cả mười mấy năm sau, cuốn sách T.T.Kh. là ai được tung ra. Sách mỏng nhưng đập vào thị hiếu độc giả trong nước, gây phiền toái cho cá nhân nữ sĩ Vân Nương, gia đình và chúng tôi, những thành viên trong thi đàn Quỳnh Dao. Khiến nữ sĩ Mộng Tuyết niên trưởng Quỳnh Dao quốc nội bất bình, nữ sĩ Trùng Quang niên trưởng Quỳnh Dao hải ngoại khó chịu không kém.
Năm ấy 1995, tai họa T.T.Kh. là ai áp đặt vào nữ sĩ Vân Nương khiến bà phải khẳng định ngay hoàn cảnh và lập trường. Từ đấy sau bút danh Vân Nương có ba chữ Lê Ngọc Chấn để không cần phải đính chính. Bằng những nụ cười nhạt, nữ sĩ Vân Nương đã trả lời mấy cuộc phỏng vấn báo chí. Đồng thời dư luận bạn đọc cũng chẳng ai tin những điều viết trong cuốn sách T.T.Kh. là ai , bởi lẽ độc giả Việt Nam rất đơn giản nhưng cũng rất quyết đoán, phải có bằng chứng xác thực họa may mới gọi là khả tín.
Tới nay đã 20 năm qua, tôi được đọc truyện ngắn Hoa ti gôn của nhà văn tiền chiến Thanh Châu, phân tích sự việc ngoài đời và chủ nghĩa mới hay có nhiều sự hiểu lầm đáng tiếc: nào là nhà văn Thanh Châu đó cũng có quen với gia đình nữ sĩ Vân Nương, nào là luật sư Lê Ngọc Chấn phu quân nữ sĩ cũng là một nhà ngoại giao… gộc, vân vân và vân vân, thì cái ảo giác cứ lan man đối với những người ưa tưởng tượng, huống chi tất cả xuất phát từ Vườn Thanh (Thanh Hóa).
Nhưng cho dẫu suy diễn, tưởng tượng… vẫn chỉ là phỏng đoán, nôm na gọi là đoán mò thì cũng sẽ rơi vào quên lãng những hoa, lá, cành về T.T.Kh.. Còn giai thoại T.T.Kh. vẫn tồn tại như những chuyện cổ tích, không nhất thiết phải hay nhưng lạ thì chắc chắn rồi.
Hôm nay bên trời Pháp Quốc, ở một vùng thuộc miền Nam ấm áp, nữ sĩ Vân Nương đã 95 tuổi rồi, không gian đã bàng bạc như là dĩ vãng xa gần. Em út Quỳnh Dao của chị không bày tỏ được gì thật trọn vẹn như ý trong huyễn thoại T.T.Kh. hậu chiến, cảm thấy đáng trách quá.
Riêng nhà văn tiền chiến Thanh Châu thì mãi tới năm 2007 mới mãn phần ở Sài Gòn, nơi nổ ra ảo ảnh T.T.Kh. mà thơ Hai sắc hoa ti gôn lại được viết sau truyện ngắn Hoa ti gôn, sao nhà văn không lên tiếng, sau đúng một giáp cuốn sách T.T.Kh. là ai kia chất ngổn ngang khắp đường phố ông mới ra đi vậy!
Ý tôi muốn nói rằng ở một tỉnh nhỏ như Thanh Hóa có chuyện gì mà không trong nhà chưa tỏ, ngoài ngỏ đã thông. T.T.Kh. chẳng những làm một bài Hai sắc hoa ti gôn, còn có thêm vài bài nữa như Bài thơ thứ nhất, Bài thơ đan áo, v.v., với người dân Việt Nam ta nói chung, ba bảy hai mươi mốt ngày, chuyện đời dẫu bí mật vẫn có thể lan ra một cách không kìm lại được.
Phu quân T.T.Kh. họa may là một ông Tây mới bỡ ngỡ trước văn chương giấu giếm tình ái của vợ, chứ là một vị quan quyền Việt Nam thì ôi thôi, chỉ cần hắt hơi một cái ổng cũng tìm ra ngay cái điều ấp ủ nêu trên.
Thành cuối cùng, tôi vẫn suy diễn dù chủ quan, nhà văn Thanh Châu tác giả truyện ngắn Hoa ti gôn biết được ít nhiều về T.T.Kh., mới quá cố có 8 năm nay (2007) tại sao hai tác giả viết T.T.Kh. là ai? không tìm đến cụ văn sĩ này mà hỏi thăm, chắc cũng có điều bổ ích lắm.
Còn T.T.Kh. hậu chiến của tôi thì đang sống trong nỗi nhớ quê hương, người thân kẻ thích xa mờ, bàng bạc, mơ hồ, vì nữ sĩ Vân Nương đã 95 tuổi.
Hawthorne, 28 – 1 – 2015
CAO MỴ NHÂN
----------
(*) - Trân Thị Vân Chung 1919 - 2015. (Bt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét