Cứ cho là văn hóa đọc xuống cấp thật thì giá trị tác phẩm văn học không thể xuống dốc nhanh như vậy. Những người có trách nhiệm nên quan tâm lý giải và hóa giải đúng tình trạng không vui này, vì văn học xuống cấp cũng gần đồng nghĩa với văn hóa xuống cấp.
VĂN HÓA ĐỌC NGÀY NAY
NGUYỄN MẠNH TUẤN
Chiều 20/9/2022, nhà văn Bùi Việt Sĩ từ Hà Nội gọi điện thoại vào Sài Gòn cho tôi. Chúng tôi thuộc lứa U80, cùng viết đề tài công nhân, công nghiệp từ những năm 70 thế kỷ trước. Lâu lâu nhớ, vẫn hỏi thăm nhau về sức khỏe và chuyện viết lách. Tôi hỏi ông:
- Nghe nói ông vẫn viết khỏe?
- Vẫn viết nhưng không thể khỏe nổi, vì nhà xuất bản nào cũng nói sách không bán được, in là lỗ. Tác giả muốn in phải tự bỏ tiền, tự lo phát hành. Cái chính là văn hóa đọc giờ đây đã chết rồi.
Một nhà văn có hơn chục cuốn tiểu thuyết, một thời thuộc loại có nhiều bạn đọc, rồi nhận đủ các loại giải thưởng văn học, vẫn còn tiếp tục viết, giờ thốt lên như vậy? Thực ra trước ông, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, nhà xuất bản, nhà quản lý văn hóa đều nói: văn hóa đọc ngày càng xuống cấp. Nên nếu nhà văn Bùi Việt Sĩ có hơi quá lời, thì cũng không phải mình ông nói tình hình sách văn học không sáng sủa.
Hai chục năm qua, tôi chuyển sang viết kịch bản phim điện ảnh và phim truyền hình, nên rất thiếu thực tế với đời sống văn học. Nguyên nhân đơn giản chỉ vì điện ảnh và truyền hình, nhiều người xem gấp trăm và tiền nhuận bút nhiều hơn gấp mười bên tác phẩm văn học. Nhưng mấy năm vừa rồi, bỗng nhiên tôi ùn ùn nhận được sách tặng của các đồng nghiệp cả quen lẫn lạ; tưởng bỗng nhiên mình được yêu quý, giờ hiểu ra mình đang là đối tượng “phát hành” sách của các đồng nghiệp.
Ai tặng, tôi cũng đọc hết. Gần nhà tôi có thư viện tư nhân Người Yêu Sách của anh Phạm Thế Cường. Sức sống của thư viện này, hiện đang là cầu nối tốt giữa nhà văn và bạn đọc, ít nhất là với tôi, nên hai anh em thỉnh thoảng vẫn gặp nhau trò chuyện văn chương. Một hôm, tôi bảo Cường:
- Đọc sách tặng thì đọc ai, chỉ biết một người đó, nên ông tìm chọn cho tôi những tác giả nào, theo ông, đang gây được sự chú ý trên văn đàn. Vì nếu không đọc họ, mình thành thằng lạc hậu.
Phạm Thế Cường nhiệt tình ra các hiệu sách, lần lượt đưa về cho tôi gần chục cuốn, hầu hết của các tác giả tôi mới thấy tên lần đầu. Để góp phần tiêu thụ sách cho họ, tôi đều bỏ tiền mua. Càng đọc, tôi càng ngạc nhiên. Phần lớn các bạn ấy đều giỏi hơn lứa chúng tôi khi mới cầm bút. Tôi gọi điện ra Hà Nội hỏi những nhà văn bạn bè hoặc em út, đều thuộc hàng tên tuổi hoặc chức sắc trong giới xuất bản, báo chí và sáng tác:
- Có biết nhà văn A tác giả cuốn B?
Thật là buồn khi hầu hết đều không biết cả tác giả lẫn tác phẩm.
Nhớ lại thời chúng tôi tập tọng cầm bút. Thời của những năm công nghệ thông tin lẫn báo chí còn nghèo nàn, thô sơ. Văn chương thì những người bất chợt thức thời ngày nay gọi là “văn chương minh họa”, thi nhau đọc lời ai điếu. Các nhà văn chuyên nghiệp thì cao vời vợi, đám nghiệp dư chúng tôi làm đủ thứ nghề ở khắp các tỉnh, mấy năm mới được một lần đi trại viết do Hội Nhà Văn tổ chức, chẳng đứa nào quen đứa nào, nhưng vừa giới thiệu tên là nhớ tác phẩm; vừa nói tác phẩm là nhớ tên tác giả. Sau trại viết là “tứ hải giai huynh đệ”. Bây giờ, mọi thứ đều thuận lợi, hình như các nhà văn lại không đọc của nhau? Không lẽ đây là lỗi tại người đọc xuống cấp?
Phạm Thế Cường nói:
- Trước năm 1990, tất cả các đầu sách văn học của các tác giả đều được các nhà xuất bản in với số lượng tối thiểu 10.000 bản trở lên. Từ 1990 trở đi , số lượng hầu hết các sách văn học đều tụt xuống 1,000 bản trở xuống, đương nhiên nhuận bút chỉ còn 1/10 (chưa kể đồng tiền mất giá). Còn hiện nay, một cuốn tiểu thuyết 300 trang viết trong một năm, nhuận bút 4 - 5.000.000 đồng, trong khi lương thợ hồ 15.000.000 đồng/ tháng.
- Tại sao ông lấy cột mốc 1990?
- Anh quên năm 1989, cùng với vụ “cởi trói” văn chương văn nghệ, bên xuất bản cũng “cởi trói” chế độ nhuận bút tính theo trang tác giả, bằng chế độ nhuận bút mới tính theo phần trăm giá bìa?
Chuyện “cởi trói”, tôi nhớ hồi đó mình cũng có cảm hứng, nhưng những diễn biến liên quan thì ngay lúc đang diễn ra, tôi cũng không để ý đúng giá trị. Nhà văn nước ta, trong đó có tôi, không biết từ lúc nào đã có cái đạo: coi cảm hứng sáng tạo của mình trước trang giấy là số một, tất cả mọi thứ ngoài trang giấy mình đang chấm bút, kể cả bạn đọc lẫn nhà xuất bản, đều từ số 2 đến 1001.
Nghe Phạm Thế Cường nhắc chuyện cũ, tôi mới nhớ năm 1978, tập truyện ngắn đầu tay “Tôi vẫn về nhà máy cũ” của tôi, 200 trang, giá bán 85 đồng, số lượng 12.500 cuốn, in tại nhà xuất bản Thanh Niên, nhuận bút 4.000 đồng (trong khi lương cán sự 5 của tôi 72 đồng). Lấy nhuận bút xong, tôi mua được ngôi nhà một trệt, hai lầu, mặt tiền đường Hai Bà Trưng, quân 1, thành phố Hồ Chí Minh. Đến 2014, tập truyện ngắn “Nỗi sợ hãi màu nhiệm” cũng của tôi, 295 trang, giá bán 90.000 đồng, in tại nhà xuất bản Văn Nghệ TP.HCM, nhuận bút 30.000.000 đồng, bằng hai tháng lương thợ hồ.
Năm tháng trước, nhà văn kiêm đạo diễn điện ảnh Nguyễn Ngọc Hiến đã nghỉ hưu, tặng tôi tập truyện ký được in rất trang trọng, viết lại thời anh còn nhà quay phim chiến trường, phải bỏ 84.000.000 đồng để nhà xuất bản in cuốn sách. Tôi hỏi: Lấy tiền đâu? Trả lời: Cầm nhà để vay ngân hàng. Tôi hỏi: Còn phát hành? Anh nói: Khả năng không thu lại đồng nào.
Nghe tôi kể chuyện này, Phạm Thế Cường nói về số phận cuốn tiểu thuyết của nhà văn A, thành viên câu lạc bộ Người Yêu Sách, cũng tự bỏ tiền, chỉ dám in 500 cuốn, mới ra lò, mà tôi cũng được tặng:
- Mấy trăm cuốn tặng bạn bè, ai đọc cũng khen, nhưng ra phát hành hơn 6 tháng, chỉ bán được đúng một cuốn.
Cứ cho là văn hóa đọc xuống cấp thật thì giá trị tác phẩm văn học không thể xuống dốc nhanh như vậy. Những người có trách nhiệm nên quan tâm lý giải và hóa giải đúng tình trạng không vui này, vì văn học xuống cấp cũng gần đồng nghĩa với văn hóa xuống cấp.
Có tờ báo đưa tin: Nhiều người trong giới văn chương đánh giá nhà văn Việt Nam chỉ có Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Mạnh Tuấn sống được bằng nghề. Tôi rửa tay gác kiếm rồi, giờ chỉ còn có một. Nên hy vọng thực tế có thể nhiều hơn con số hai. Nhưng hai mươi hay hai trăm người sống được bằng nghề trên hàng ngàn nhà văn cả nước đang sống bằng niềm hy vọng lưu danh muốn thuở, thì có nên gọi văn chương là một nghề?
Riêng với tôi, đã trót sống trong một xã hội đang biến động toàn diện và khôn lường hiện nay, lại trót chọn nghề văn chương, rồi muốn đi đến cùng thì vẫn nên tiên trách kỷ, hậu trách nhân.
-----------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét