2
- Bất động sản nghỉ dưỡng miền Trung “chiếm sóng” mùa du lịch
- Nhà đầu tư “mắc cạn” sau siết phân lô, tách thửa
- Phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu, hỗ trợ thị trường bất động sản
- Phát triển thiếu bền vững, cần gỡ điểm nghẽn xốc lại thị trường bất động sản TP.HCM
- Dự báo bức tranh thị trường bất động sản nhà ở 2 miền nửa cuối năm
- Nhà đầu tư ngoại đang tìm kiếm cơ hội tại mọi phân khúc bất động sản Việt Nam
- Bất động sản là kênh đầu tư đối phó với lạm phát cuối năm 2022?
- Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,9% trong năm 2022
- Vướng mắc phát triển nhà ở xã hội bao giờ mới tháo gỡ?
- Nghĩ về khoảng trống trách nhiệm giữa Hà Nội và Thủ đô
Nguyễn Ngọc Tư - Nhà văn của bất tận cánh đồng
Tôi có thói quen chỉ viết chân dung những nhân vật mình thích và phải thật thân thiết ngoài cuộc đời. Chân dung với tôi là một loại thể như là cuộc chơi tán dương bạn bè của người viết.
Khi định viết về nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tôi thật sự băn khoăn. Bảo là thích thì đây là nhân vật tôi quá thích. Văn của Nguyễn Ngọc Tư luôn thu hút, gây mê người đọc từ lúc cô xuất hiện. Nhưng với tiêu chí thân thiết thì e rằng không phải lắm. Mươi lần gặp gỡ ở những hội nghị hay thăm thú xã giao chạm mặt, bắt tay chẳng thể đủ để hiểu hết về một nhà văn dù tôi rất quý trọng. Băn khoăn thế thôi nhưng rồi tôi chặc lưỡi, sự thân thiết ở tiêu chí kia thảy có quan trọng gì trong trường hợp này. Trước mắt tôi bây giờ những trang văn của Nguyễn Ngọc Tư là những cánh đồng ngút ngát và chằng chịt kênh rạch của xứ sở Cà Mau, một địa danh một vùng đất với những cám dỗ không hề nhỏ cho chẳng một mình tôi. Không thể không viết.
“Cánh đồng bất tận” có lẽ là những cảm hứng bất tận của một nhà văn gốc Cà Mau như Nguyễn Ngọc Tư. Dù đi Cà Mau nhiều lần, lặn lội có mặt ở hầu như khắp nơi trên những cánh đồng “chó ngáp”, những kênh rạch, sông ngòi, cửa biển những rừng tràm cổ thụ hay rừng U Minh kỳ thú như cổ tích thì tôi vẫn tràn cảm xúc khi đọc những trang văn của Nguyễn Ngọc Tư viết về xứ sở của mình. Văn chương theo quan niệm của tôi thường chỉ quy về hai dạng. Một là dùng chữ nghĩa, kiến thức, kỹ năng, mục đích... một cách đầy ý thức để biểu đạt những gì tác giả muốn viết. Hai là viết trên nền những cảm xúc chắt lọc được từ những trải nghiệm về một cuộc sống trong thế giới quan của người viết bằng những tự sự bản năng. Lối viết thứ hai bao giờ cũng giản dị, mộc mạc chân thành như những gì cuộc sống vốn có mà tác giả thu nhận được. Nguyễn Ngọc Tư theo cách đó.
Đọc Nguyễn Ngọc Tư chẳng bao giờ tôi phải bận tâm đến chữ nghĩa đến tầng vỉa tư tưởng áp đặt theo cách đọc thông thường mà cũng chẳng tâm trí đâu bởi tất cả những gì trong câu chuyện Tư kể cứ nhẩn nha cuốn hút, cứ thế bày ra như một cuốn phim lúc nhanh lúc chậm để người đọc tận hưởng. Để rồi khi buông cuốn sách xuống, kỳ lạ những gì ở cuốn phim đời vừa được xem ấy nó trở nên khi thân thuộc, lúc cám dỗ, mời gọi. Sự yêu mến văn chương của nữ văn sĩ miệt Cà Mau này cứ thế tích tụ dần đều và chín đầy trong tôi. Hiếm có một nhà văn nào lại khiến loại độc giả cứng đầu như tôi bị thuyết phục theo một hành trình như thế.
Nguyễn Ngọc Tư khởi đầu bằng một loạt giải thưởng cho tập truyện ngắn đầu tay “Ngọn đèn không tắt” ở những năm đầu thế kỷ 21. Giải thưởng bấy giờ còn đang danh giá bởi nó có sự công bằng trong đánh giá, nhìn nhận. Một tác giả bất kể thành tựu, tuổi tác nếu xuất hiện bằng những giải thưởng văn chương uy tín thì tác giả đó như đã mặc nhiên được văn giới công nhận. Nói điều này hơi buồn bởi những giải thưởng quốc nội bây giờ đã không còn được nhìn nhận tích cực như thế nữa. Thậm chí người được giải cũng tự thấy chẳng vinh quang gì. Tôi đọc Nguyễn Ngọc Tư một cách tự nhiên trong tâm thế ấy để ghi nhận một giọng điệu khác lạ, trẻ nhưng đầy chững chạc và ngồn ngộn vốn sống về con người, vùng đất Cà Mau .
Những truyện ngắn, tạp bút của Nguyễn Ngọc Tư ra liên tiếp và đều đặn sau đó nhưng phải đến khi “Cánh đồng bất tận” của Tư ra đời năm 2005 thì văn chương Nguyễn Ngọc Tư đã cất cánh vụt lên sáng rực như một ngôi sao phương Nam. Sẽ có người phản bác lại những gì tôi vừa viết. Không quan trọng, với tôi Nguyễn Ngọc Tư thật sự là như vậy. “Cánh đồng bất tận” đưa tôi đến một vùng đất vừa quen vừa lạ với những nhân vật dầu dãi đúng chất của vùng đất Mũi Cà Mau tận cùng đất nước.
Đọc “Cánh đồng bất tận” tôi giằng xé trong những thái cực cảm xúc, vui đấy rồi lại thoắt buồn để rồi cuối cùng tôi miên mải cùng những thân phận người tưởng như đã biết nhưng lại hóa chưa từng. Nhân vật của “Cánh đồng bất tận” bình dị, dân dã, nhỏ nhoi nhưng lại hiện lên lừng lững, ám ảnh gói gọn những gì phải có của kiếp người. Đến mức máu biên kịch trong tôi sủi sùng sục với những toan tính về một kịch bản phim hiện rõ nét từng hình hài, cảnh huống. Nhà văn Ngô Thảo hắt vào tôi gáo nước lạnh bằng một thông báo chắc như đinh đóng cột, BHD đã mua bản quyền chuyển thể “Cánh đồng bất tận”. Đích thân nhà văn già đã vào Cà Mau ký kết bản quyền. Quả thật sau đó Công ty BHD của gia đình nhà văn Ngô Thảo đã sản xuất bộ phim điện ảnh lấy chất liệu từ “Cánh đồng bất tận”.
Tôi không nhớ gặp Nguyễn Ngọc Tư ở thời điểm nào chỉ biết là ở một hội nghị văn học gì đấy. Một Nguyễn Ngọc Tư nhỏ nhẹ, hiền lành có nụ cười ấm áp, đôn hậu khiến người đối diện dễ chịu mang đến cảm giác thân thiện. Thật lòng có những tác giả tôi thích văn chương của họ nhưng khi tiếp xúc lại thất vọng về con người đành phải lùi xa không bén mảng lại gần. Tôi quen Nguyễn Ngọc Tư từ lần đó để rồi mỗi lần vào Cà Mau là mỗi lần tôi được gặp lại nhà văn mình quý trọng.
Cà Mau là nơi tôi đến nhiều lần và có không ít bạn bè ở đó. Nguyễn Ngọc Tư với tôi như một người em nhỏ chiều chuộng anh mình chẳng bao giờ từ chối khi tôi gọi điện. Mà điện thoại của Tư cũng chỉ vào đến Cà Mau tôi mới dùng đến. Lần thì tôi vào cùng nhà thơ Nguyễn Trọng Tín đi miệt rừng tràm Năm Căn, Ngọc Hiển ròng rã nhiều ngày tìm về căn cứ cũ của đoàn tàu Không số để viết. Lại lần khác là một đoàn thiện nguyện từ Hà Nội vào phối kết với “Mô tô học bổng” của nhóm nhà văn Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền vào Đầm Dơi phát quà cho một trường học vùng sâu. Cả khi không phải khách văn chương mà là một ngành nghề gì đấy liên quan đến công việc của tôi, Nguyễn Ngọc Tư cũng không từ chối. Hoàn toàn không phải kiểu ngồi cho phải phép. Là bạn bè, anh em, đồng nghiệp chẳng có thứ phép tắc nào ràng giữ mà thuần túy là tình cảm. Điều đó thì tôi biết. Tư không phải típ người của đám đông của tụ tập giao tiếp cũng không phải vì nể mà hành xử kia là thực bụng chân tình của một người Cà Mau đối với khách đến thăm.
Có một chuyện thế này. Quãng hai chục năm trước tôi chơi với nhà thơ Hùng Anh vốn là giám đốc một doanh nghiệp lớn ở Cà Mau. Nhà thơ có liên quan đến lao lý phải chịu án giam giữ hơn chục năm. Dịp đó anh ra tù thấy tôi vào, Hùng Anh mừng lắm. Anh đãi tiệc tôi. Chưa kịp bảo, Hùng Anh đã nói, kêu nhỏ Tư rồi, nó bận đám giỗ lát ra trễ. Nguyễn Ngọc Tư ra muộn thật. Không có một chút nào lợn cợn giữa một người đang thành đạt sự nghiệp với một kẻ ngã ngựa. Lối nhân xưng Nam Bộ giữa họ nghe thật dễ chịu anh hai, anh hai, con nhỏ, con nhỏ... khiến tôi thấy ấm áp vô chừng.
Trong cơn say tôi nói đùa Nguyễn Ngọc Tư là đặc sản của Cà Mau. Đến Cà Mau không có Tư là Cà Mau nhạt, Cà Mau buồn. Hùng Anh cười sảng khoái bảo cả Cà Mau này quý nhỏ đó. Tôi đính chính cả nước Nam chứ mình Cà Mau nhằm nhè gì. Không chỉ mình tôi, nhà văn nào đến Cà Mau cũng mong muốn gặp Tư. Đùa nhưng có lẽ là thế thật, Nguyễn Ngọc Tư là vốn quý là tài sản của xứ sở Cà Mau.
Lại nhớ đến những lận đận của Nguyễn Ngọc Tư khi xuất bản “Cánh đồng bất tận”. Những cái nhìn thiên lệch thậm chí là hạn hẹp, thiển cận của một vài quan chức đã kết tội cho tác phẩm và cá nhân Nguyễn Ngọc Tư. Lúc đó ai cũng nghĩ Tư chắc phải bỏ xứ mà đi mất. Nhưng rồi thật may mọi việc lại không diễn ra như thế. Có lần thân tình tôi hỏi vì sao Nguyễn Ngọc Tư trụ lại không về Sài Gòn dù có rất nhiều cơ hội chào mời nữ nhà văn tài năng này. Không trả lời, Nguyễn Ngọc Tư chỉ mủm mỉm cười nhưng tôi biết làm sao Tư có thể rời bỏ đồng đất, kênh rạch Cà Mau. Rời khỏi đó, cầm bằng sẽ không còn một Nguyễn Ngọc Tư với cánh đồng văn chương bất tận của mình nữa.
Sau “Cánh đồng bất tận”, Nguyễn Ngọc Tư vẫn cần mẫn như một nông dân miền Tây thực thụ cày ải trên cánh đồng chữ nghĩa bất tận. Sẽ là thừa khi tôi làm một liệt kê tác phẩm của Tư cũng như cặn kẽ tiểu sử như những chân dung thông thường. Không cần thiết Nguyễn Ngọc Tư bao nhiêu tuổi, nhà cửa, gia đình thế nào, công việc ra sao chỉ biết những tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp văn... của Tư vẫn đều đặn ra đời như cánh đồng thu hoạch mùa màng thời vụ.
Năm trước nữa “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư vừa thêm một lần được vinh danh. Bản tiếng Đức có tên Endlose Felder của Tư đã vượt qua tác phẩm của 8 nhà văn nữ quốc tế giành về giải thưởng Literaturpreis 2018 của Đức. Đây là giải thưởng văn học thường niên do Litprom, Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin bình chọn trao cho các nhà văn nữ đến từ miền Nam toàn cầu.
Tôi đã rất xúc động khi đọc diễn từ nhận giải của Nguyễn Ngọc Tư. Đó là những lời thì thầm của một nhà văn đang nói với chính mình: “Bạn hãy kể câu chuyện này ra, nó sinh ra là để dành cho bạn, không phải sao?”. Đúng như vậy, Nguyễn Ngọc Tư. Cánh đồng văn chương này, đồng đất kênh rạch, sông nước Cà Mau này sinh ra là để những người như Nguyễn Ngọc Tư sinh sống, cấy trồng.
Để mãi mãi nó là bất tận…
------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét